Công bố phương án thi THPT quốc gia năm 2017

Thứ Tư, 28/09/2016, 19:30
Chiều 28-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức họp báo công bố phương án thi THPT quốc gia năm 2017.

Theo phương án thi THPT quốc gia vừa được Bộ GD&ĐT công bố, kỳ thi THPT quốc gia 2017 vẫn sẽ có 5 bài thi gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp Lý, Hóa, Sinh), Khoa học xã hội (tổ hợp Sử, Địa, giáo dục công dân). 

Để được xét công nhận tốt nghiệp thí sinh (TS) sẽ phải làm 4 bài thi gồm 3 bài thi bắt buộc là: Toán, Văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội). 

Như vậy, phương án cuối cùng của Bộ cũng không khác nhiều bản dự thảo mà Bộ đã công bố trước đó để lấy ý kiến dư luận.

Theo Bộ GD & ĐT, phương án thi 2017 sẽ không gây sốc cho thí sinh, do đó, các em hoàn toàn yên tâm ôn tập

Tăng thời lượng làm bài và số lượng câu hỏi trắc nghiệm

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, TS nào thích thì có thể làm cả 5 bài thi. Trường hợp này, Sở GD&ĐT sẽ dùng bài thi nào có kết quả cao hơn của TS trong số hai bài thi tổ hợp để xét tốt nghiệp. Với việc xét tuyển ĐH, CĐ, TS sẽ được tùy ý sử dụng kết quả những bài thi đã làm để đăng ký xét tuyển với những tổ hợp mà các trường ĐH, CĐ quy định theo chiều hướng có lợi nhất cho TS.

 Về hình thức thi, không có thay đổi nào so với dự thảo. Các bài Toán, Ngoại Ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Với hình thức thi này, mỗi TS trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng, làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm và việc chấm bài sẽ được thực hiện bằng phần mềm máy tính. Bài Ngữ văn vẫn thi theo hình thức tự luận.

Thay đổi đáng kể nhất giữa phương án chính thức với dự thảo là thời gian làm bài và số lượng câu hỏi ở mỗi bài thi. Cụ thể, mỗi bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội có 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn với duy nhất một phương án trả lời đúng (dự thảo là 60 câu). 

Thời gian làm bài sẽ được tăng lên thành 150 phút (dự kiến ban đầu là 90 phút). Bài thi Ngoại ngữ cũng được tăng số câu hỏi lên thành 50 câu (trước là 40 câu) nhưng thời gian làm bài thi vẫn là 60 phút. Riêng môn Toán thì vẫn 50 câu hỏi trắc nghiệm và thời gian làm bài là 90 phút. Vì thế, thời gian của kỳ thi vẫn chỉ kéo dài trong 2 ngày (bao gồm 4 buổi thi).

Kỳ thi sẽ tổ chức nhẹ nhàng, đủ độ tin cậy để xét tuyển ĐH, CĐ

Tại họp báo, các nhà báo đã đặt nhiều câu hỏi, xuất phát từ những băn khoăn của giáo viên, học sinh, phụ huynh và nhiều chuyên gia. 

Theo đó, cơ sở khoa học của việc đổi mới thi năm 20117 là gì? Mức độ phân hóa đề thi như thế nào, để vẫn đảm mục đích “2 trong 1”? 

Ngân hàng đề thi trắc nghiệm sẽ được Bộ chuẩn bị ra sao? Về việc giải quyết lò luyện thi bùng nổ sau đây, Bộ sẽ ứng xử như thế nào? 

Việc tổ chức thi tổ hợp để đảm bảo giáo dục toàn diện có mâu thuẫn gì với mục tiêu giáo dục định hướng nghề nghiệp đang đẩy mạnh trong các trường phổ thông hay không? 

Về các vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay: Vừa qua, hàng trăm ngàn thí sinh đã thi kỳ thi THPT quốc gia, và được đánh giá tốt. Chúng ta phải hiểu rõ mục đích của kỳ thi này, vừa xét tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu để các trường ĐH, CĐ sử dụng xét tuyển. Đây không phải là kỳ thi học sinh giỏi, thi năng khiếu, do đó, chúng ta có thể tổ chức thi tự luận hay trắc nghiệm đều được. 

Ở đây, chúng ta thi với số lượng thí sinh rất đông, do đó, thi trắc nghiệm là phù hợp; thêm nữa, Bộ sẽ tổ chức kỳ thi đơn giản, kiểm tra bao quát kiến thức của thí sinh, đồng thời tăng độ tin cậy của kỳ thi, bằng cách khắc phục những hạn chế của quá trình thi và chấm thi.

Trong hướng dẫn năm học hằng năm, Bộ đều nhắc nhở các trường phổ thông kiểm tra đánh giá học sinh bằng cả tự luận và trắc nghiệm. Các nhà trường và học sinh đã quen thuộc với thi trắc nghiệm, do đó phương án 2017 không gây khó cho thí sinh.

Đối với thi trắc nghiệm, theo Thứ trưởng Ga, việc xây dựng ngân hàng đề thi rất quan trọng. Bộ đã tập hợp lực lượng các nhà khoa học, các thầy giáo có nhiều kinh nghiệm trong việc ra đề thi ở các nhóm, các bộ môn khác nhau để xây dựng ngân hàng đề thi đủ lớn. Nhóm ra đề thi sẽ tiến hành nhiệm vụ của mình, để năm 2017 có một ngân hàng để thi đủ lớn

Cũng theo Thứ trưởng Ga, việc đổi mới thi và tuyển sinh, không thể làm cùng một lúc trong một năm được, đổi mới nhanh thí sinh sẽ sốc, lo lắng. Hai năm qua, chúng ta đã chuẩn bị từng bước, năm đầu tiên, chúng ta đổi mới từ 4 kỳ thi thành 1 kỳ thi duy nhất, đến nay 2017, sẽ thay đổi phương thức: từ tự luận sang trắc nghiệm. 

2017 được tổ chức dựa trên kinh nghiệm đã có được, chắc chắn chúng ta sẽ đảm bảo được mục tiêu đề ra. Thí sinh sẽ có được mùa thi nhẹ nhàng, các trường ĐH có đủ cơ sở tin cậy để sử dụng dữ liệu. Thứ trưởng Ga cho biết, đầu tháng 10, Bộ sẽ công bố đề thi minh họa để giáo viên, học sinh ôn tập.

Nói về việc vì sao phải tổ chức thi trắc nghiệm ở 2017 đối với nhiều môn học mới, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho hay : Chúng ta đã đưa vào chương trình từ năm 2007, với các môn lý, hóa, sinh đã thi trắc nghiêm, bắt đầu từ đó, các trường phổ thông đã tập huấn, xây dựng ma trận đề, biên tập câu hỏi theo trắc nghiệm. Các môn lý, hóa, sinh, ngoại ngữ đã rất thành công với trắc nghiệm, còn một số môn khác như môn Toán thì ở cấp độ và thời gian khác nhau, cũng đã sử dụng thi trắc nghiệm trong SGK và trong sách bài tập phổ thông. Theo Cục trưởng Mai Văn Trinh, đề thi năm 2015, 2016, kiến thức cơ bản là 60%, kiến thức nâng cao, phân hóa là 40%. Khi xây dựng ngân hàng câu hỏi cho đề thi 2017, sẽ có tính toán hợp lý đảm bảo phù hợp với mục tiêu kỳ thi. Còn về điểm liệt, với thang điểm 10, điểm liệt là 1 là hợp lý. Còn với trắc nghiệm, thì theo lý thuyết, mức độ tích bừa có thể đạt 2,5 điểm, nhưng thực tế từ kết quả thi vừa qua thì mức điểm liệt như trong phương án thi 2017 là hợp lý…


Thu Phương – Huyền Thanh
.
.
.