Tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội: Nhiều trường "làm trò"

Thứ Hai, 02/07/2018, 18:02
Điểm cao vẫn trượt nguyện vọng 1, thậm chí trượt cả hai nguyện vọng do điểm chuẩn vào lớp 10 công lập của Hà Nội năm nay trồi, sụt bất thường. Không còn cơ hội vào trường công lập, nhiều phụ huynh đã phải tìm đến các trường ngoài công lập để mong tìm một chỗ học cho con.


Tuy vậy, cách tuyển sinh theo kiểu “làm trò” của một số trường ngoài công lập như công bố điểm chuẩn theo từng giờ, không cho rút hồ sơ đã nộp hoặc cho rút nhưng không trả lại tiền đã khiến cho phụ huynh vô cùng bất bình và bức xúc. Từ việc một số trường tư tự đặt ra “luật chơi riêng” trong tuyển sinh vào lớp 10, nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế nào đó để giám sát hoạt động của các trường ngoài công lập.

Nếu so sánh với những năm trước có thể thấy điểm chuẩn vào lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn Hà Nội năm nay đã giảm rất sâu. Đáng chú ý, những trường luôn dẫn đầu về mức điểm chuẩn THPT công lập không chuyên trên toàn thành phố như Trường THPT Chu Văn An năm học 2017 - 2018 điểm chuẩn là 55,5 thì năm nay chỉ còn 51,5 điểm, giảm tới 4 điểm, cũng là trường giảm điểm chuẩn nhiều nhất. 

Trường THPT Thăng Long năm trước 52,5 điểm thì năm nay chỉ còn 49,5, giảm 3 điểm; Trường THPT Kim Liên năm trước 53 điểm, năm nay là 50,5; Trường THPT Việt Đức từ 52 điểm của năm trước, năm nay giảm còn 49... 

Do không thể lường trước được việc điểm chuẩn năm nay trồi, sụt bất thường như vậy nên trước đó, nhiều phụ huynh lo con trượt trường công lập đã vội ghi danh vào những trường ngoài công lập. Đến khi điểm chuẩn giảm, biết con mình đủ điểm vào trường công, nhiều gia đình lại nháo nhào đi rút hồ sơ thì lại bị chính các trường tư “gây khó”.

Phụ huynh nộp hồ sơ vào trường tư thục THPT Tạ Quang Bửu-Hà Nội.

Theo phản ánh của một số phụ huynh, khi nộp hồ sơ ghi danh vào trường THPT Lương Thế Vinh, học sinh phải nộp học bạ gốc cùng với các khoản thu trị giá 6 triệu đồng/học sinh. Thông báo của trường cũng nêu rõ: “Trong trường hợp bắt buộc phải rút hồ sơ, phần kinh phí nhập học sẽ chuyển vào quỹ khuyến học của nhà trường”. 

Một số phụ huynh khi thấy điểm chuẩn vào một số trường THPT công lập top đầu giảm, dù chấp nhận mất khoản phí trên đi rút hồ sơ để kịp nộp cho con  thì đến cổng trường thấy thông báo “Ban tuyển sinh nghỉ làm việc đến hết ngày 2-7”. Một trường ngoài công lập khác là THPT Đào Duy Từ cũng yêu cầu phụ huynh nộp học phí tháng đầu tiên và các khoản hỗ trợ trị giá trên 3 triệu đồng/học sinh kèm theo cam kết "không rút hồ sơ". 

Trường THPT Tạ Quang Bửu cũng thu phí ghi danh 2 triệu đồng/học sinh và được cho biết sẽ trả lại phí nếu học sinh rút hồ sơ. Nhưng việc rút hồ sơ trên thực tế cũng không hề dễ như nhà trường cam kết. Đặc biệt, trường này còn sử dụng “chiêu trò” thay đổi điểm chuẩn theo giờ khiến cho nhiều phụ huynh vô cùng bức xúc vì chạy theo không kịp. 

Cụ thể, tối 29-6, khi Sở GD&ĐT công bố điểm chuẩn vào các trường công lập trên địa bàn thì trường THPT Tạ Quang Bửu đã phát đi thông báo mức điểm chuẩn vào lớp 10 năm học 2018 - 2019 của trường là 46 điểm. Tuy nhiên, thông báo của Trường Tạ Quang Bửu lại có thêm một lưu ý chẳng giống ai, đó là quy định thời gian hiệu lực của mức điểm chuẩn là từ 8 - 11h ngày 30-6. Đến chiều 30-6, trường này lại phát đi thông báo mới với nội dung: “Chiều 30-6, Trường Tạ Quang Bửu chỉ nhận 30 hồ sơ dành cho các học sinh đạt điểm thi từ 49 trở lên. Điểm chuẩn ngày 1-7 sẽ được cập nhật vào 8 giờ sáng 1-7”. 

Đến sáng 1-7, chỉ sau một đêm, điểm chuẩn tăng lên thành 50,5 và trường công bố chỉ nhận thêm 10 hồ sơ nữa. Nhiều phụ huynh bức xúc cho rằng, cách tuyển sinh “sáng nắng, chiều mưa” này thực chất là “chiêu trò” thiếu nhân văn, phản giáo dục và “làm khó” cho cha mẹ học sinh.

Trước sự lộn xộn trong tuyển sinh vào lớp 10 của một số trường ngoài công lập trên địa bàn, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành văn bản chấn chỉnh. Theo đó, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường THPT tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh trong việc rút hồ sơ và làm thủ tục nhập học. 

Các trường công lập không được thu bất kỳ khoản tiền nào của phụ huynh, các trường ngoài công lập phải niêm yết và công bố công khai, minh bạch các khoản thu đầu năm để phụ huynh nắm rõ. Tuy nhiên, việc chấn chỉnh này trên thực tế dường như chẳng có mấy ý nghĩa đối với các trường ngoài công lập khi mà hoạt động của các trường này hiện đang nằm ngoài sự kiểm soát của các cơ quan quản lý giáo dục địa phương.

Bình luận về việc một số trường ngoài công lập tự mình tạo một sân chơi riêng, một luật lệ riêng trong tuyển sinh vào lớp 10, GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng: Mặc dù pháp luật quy định, các trường ngoài công lập được tự chủ hoàn toàn, trong đó có tự chủ về tài chính nhưng tự chủ ở đây không có nghĩa là sân chơi của anh, anh thích làm gì cũng được.

Đồng ý là thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh là thuận mua, vừa bán, nhưng giáo dục là loại hàng hóa đặc biệt, không thể áp dụng nguyên cơ chế thị trường. Không thể để những biểu hiện phi giáo dục tồn tại trong môi trường giáo dục. 

Cũng theo GS Phạm Tất Dong, có lẽ đã đến lúc Luật Giáo dục mới nên có điều chỉnh bổ sung để các cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương như Sở GD&ĐT các tỉnh được giám sát việc thu chi học phí và các khoản thu khác của các trường tư đóng trên địa bàn. Phải tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập hoạt động, tuy nhiên, vẫn phải có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo tính công khai và minh bạch.

Huyền Thanh
.
.
.