Cấm mọi hình thức “khuyến khích” đưa sách tham khảo vào trường học

Thứ Sáu, 25/09/2020, 23:32
Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực vừa họp phiên toàn thể dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Hội đồng. Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng tập trung thảo luận, cho ý kiến về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và những năm tiếp theo; giải pháp đảm bảo không để thiếu sách giáo khoa, công tác quản lý sách tham khảo trong trường học.

Giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT

Thảo luận tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đều khẳng định sự cần thiết của việc tổ chức kỳ tốt nghiệp THPT, không chỉ theo đúng quy định của Luật Giáo dục, mà còn tạo động lực để thúc đẩy công tác dạy và học, đánh giá chất lượng giáo dục trên cả nước, làm cơ sở xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến giáo dục.

Từ những kết quả đã đạt được, các ý kiến đề nghị tiếp tục giữ ổn định phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm 2020, đồng thời tăng cường chuẩn hoá, ứng dụng công nghệ để thí điểm, tiến tới tổ chức kỳ thi trên máy tính.

Cần tách bạch, phân định rõ giữa SGK và sách tham khảo để tránh bị lợi dụng. Ảnh minh họa.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được quy định trong Luật Giáo dục nhằm đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên cả nước. Nhìn lại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, dù tỉ lệ đỗ trên 90% nhưng ở từng môn học cụ thể như Lịch sử hay tiếng Anh cũng đặt ra những vấn đề cần tiếp tục xử lý.

“Kỳ thi phải đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng; không gây áp lực cho thí sinh, tốn kém cho xã hội; đánh giá được chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông. Chúng ta cũng cần giữ ổn định kỳ thi, tránh việc tạo áp lực thay đổi đối với xã hội” - ông Thắng nêu quan điểm.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, qua 6 năm thực hiện, lộ trình đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đến lúc này đã hoàn thành, việc tổ chức kỳ thi sau năm 2020 cơ bản giữ ổn định. Bộ GD&ĐT tập trung chủ yếu vào 2 khâu ngân hàng đề thi và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Đổi mới giáo dục, trong đó có đổi mới thi, là một quá trình, được bàn từ khi làm Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tiếp đến là Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW.

Qua 6 năm thực hiện, lộ trình đổi mới thi đến nay cơ bản đã hoàn thành. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ có báo cáo Chính phủ về 6 năm thực hiện đổi mới thi.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT cần tập trung xây dựng ngân hàng đề thi ngày càng phong phú, có lộ trình công khai để thí sinh học, ôn luyện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, có lộ trình tiến tới thi qua máy tính càng nhiều càng tốt, thi nhiều đợt trong năm, thi qua các trung tâm khảo thí độc lập, thi tại trường.

Đề xuất cấm tất cả các loại sách tham khảo ở bậc tiểu học

Một số câu hỏi liên quan đến sách tham khảo được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra ngay từ đầu cuộc họp, trên cơ sở lắng nghe ý kiến của người dân như nội dung chương trình SGK có đủ để dạy và học không? Có cần phải bổ sung thêm sách tham khảo nữa hay không? Sách tham khảo có bị lạm dụng vì mục đích lợi nhuận, vì lợi ích nhóm hay không?

Về nội dung này, nhiều ý kiến đều cho rằng, cần tách bạch, phân định rõ giữa SGK và sách tham khảo. Thực tế cho thấy, giáo viên cần sử dụng sách tham khảo để làm giàu thêm giáo án và bài giảng của mình nhưng học sinh thì không cần thiết.

Đặc biệt, học sinh tiểu học không cần dùng sách tham khảo. Việc gợi ý học sinh bắt buộc phải mua sách tham khảo để sử dụng số đông, đại trà trong trường học cần chấm dứt. GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, có lợi ích nhóm liên quan đến sách tham khảo và đề nghị cấm tất cả các loại sách tham khảo ở bậc tiểu học, vì ở bậc học này, các cháu chưa cần thiết sử dụng sách tham khảo.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sẽ quy định cụ thể hơn về việc sử dụng sách tham khảo của giáo viên, khắc phục tình trạng giáo viên, nhà trường hướng dẫn, giới thiệu hoặc yêu cầu học sinh mua nhiều sách tham khảo. Đổi mới việc kiểm tra đánh giá định kỳ ở các trường theo hướng bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình, không ra những câu hỏi, bài tập mức độ quá cao, khiến học sinh buộc phải luyện theo sách tham khảo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, Bộ GD&ĐT nghiên cứu việc đưa SGK tới tay học sinh, giảm các khâu trung gian. SGK thì được đưa vào nhà trường, đến từng học sinh, còn sách tham khảo không được đưa vào nhà trường, khuyến khích sử dụng lại SGK khoa cũ. Đối với sách tham khảo, Bộ GD&ĐT phải sửa đổi, bổ sung quy định không chỉ cấm việc ép phụ huynh, học sinh mua sách tham khảo, mà phải cấm mọi hình thức “khuyến khích” đưa sách tham khảo vào trường học.

“Nếu không quản lý chặt chẽ sách tham khảo thì sẽ đi ngược lại mục đích giảm tải chương trình giáo dục” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

H.Thanh
.
.
.