Kết thúc thời gian đăng ký môn thi THPT quốc gia 2015:

Các môn xã hội ít được lựa chọn

Thứ Tư, 06/05/2015, 09:14
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngày 30/4 là thời hạn cuối cùng để học sinh dự thi THPT quốc gia hoàn tất việc đăng ký môn thi. Thống kê kết quả đăng ký môn thi tự chọn của các trường THPT cho thấy, trong số 5 môn tự chọn gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, đại bộ phận thí sinh chọn các môn thi tự nhiên như Vật lý, chiếm tới 70%, kế đến là Hóa học, Sinh học, Địa lý và “đứng cuối bảng” vẫn là môn Lịch sử.

Tại Hà Nội, các trường được xem là tốp đầu như THPT: Thăng Long, Kim Liên, Chu Văn An, Lương Thế Vinh, Trần Phú, Việt Đức, Yên Hòa, Nguyễn Văn Cừ..., số học sinh chọn môn Vật lý chiếm đa số vì đây cũng là những trường có thế mạnh về phân ban cơ bản A. Trong khi đó, các môn xã hội, đặc biệt là Lịch sử, số lượng thí sinh đăng ký dự thi rất thấp, thậm chí cá biệt một số trường còn không có thí sinh nào đăng ký.

Trao đổi với PV Báo Công an nhân dân, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết: Trong số 657 học sinh của trường, có 450 em đăng ký dự thi môn Vật lý, 239 học sinh đăng ký môn Hóa học, 207 học sinh đăng ký môn Địa lý, 52 học sinh đăng ký môn Sinh học và môn Lịch sử xếp cuối bảng với 27 học sinh.

Tại Trường THPT Kim Liên (Hà Nội), Hiệu trưởng Lê Thiết Sơn cho biết: Năm nay, học sinh chủ yếu dự thi khối A và D, khối C chiếm tỷ lệ nhỏ. Riêng môn Vật lí có tới 500/600 em chọn. Số học sinh thi môn Địa lí nhiều hơn năm ngoái, gồm 100 em. Toàn trường chỉ có khoảng 5 học sinh đăng ký thi môn Lịch sử.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: Học sinh của trường đăng ký môn Vật lí cao nhất (chiếm hơn 50%), Hóa học (hơn 30%), sau đó đến Địa lí. Không có học sinh nào chọn Lịch sử.

Tại một số địa phương khác, thí sinh dự thi các môn tự nhiên cũng có xu hướng áp đảo so với môn xã hội. Theo thầy Nguyễn Bá Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Mai (Nghệ An), trong số 600 học sinh của nhà trường, hơn 400 học sinh đăng ký dự thi môn Vật lý, tiếp đến là Hóa học, Sinh học. Áp chót bảng vẫn là môn Địa lý và Lịch sử, trong đó riêng môn Lịch sử chỉ có 30/600 học sinh đăng ký dự thi.

Tương tự, tại Trường THPT Hương Khê (Hà Tĩnh), số lượng thí sinh đăng ký dự thi môn cao nhất vẫn là Vật lý, tiếp đến là Hóa học, Sinh học, Địa lý và cuối cùng vẫn là là môn Lịch sử với 28 em/580 học sinh đăng ký dự thi.

Môn thi xã hội ít được thí sinh quan tâm.

Chia sẻ với PV Báo Công an nhân dân về việc tại sao các môn xã hội, đặc biệt là môn Lịch sử lại ít được học sinh lựa chọn, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho rằng: Việc đăng ký các môn thi phản ánh trực tiếp việc chọn trường, chọn ngành, chọn nghề của học sinh. Do vậy, số thí sinh chọn các môn xã hội thấp hơn các môn tự nhiên cũng không phải là điều gì đáng ngạc nhiên hay lo lắng. Bởi lẽ, trong cơ cấu ngành nghề hiện nay, các ngành xã hội có tỷ lệ tuyển dụng thấp hơn so với các ngành tự nhiên.

Hay nói đúng hơn, do nhu cầu tuyển dụng ít nên sinh viên tốt nghiệp các ngành xã hội khó tìm việc làm hơn các ngành tự nhiên, kỹ thuật hay CNTT. Do vậy, việc thí sinh ít chọn các môn xã hội, trong đó có Lịch sử cũng là điều dễ hiểu và chứng tỏ việc chọn, ngành chọn nghề của các em hiện nay đang rất sát với nhu cầu thực tế.

“Nhiều năm nay, chúng ta vẫn thường áp đặt rằng, việc thí sinh “quay lưng” với môn Lịch sử chủ yếu là do cách dạy môn học này tại các trường hiện nay chưa hấp dẫn, chưa thu hút được học sinh, rồi yêu cầu phải đổi mới môn học này. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên thay đổi quan điểm, thay vì buồn lo cho môn Lịch sử, chúng ta hãy vui vì việc hướng nghiệp của học sinh hiện nay đang rất sát với nhu cầu thực tế” - thầy Bình đặt vấn đề.

PGS. Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhấn mạnh: Không chỉ ở phạm vi Hà Nội, nhìn chung lượng thí sinh đăng ký thi khối C trên toàn quốc đều thấp. Nguyên nhân chủ yếu do những ngành nghề thuộc khối này ra trường khó kiếm được việc làm có mức lương cao.

Ngoài ra, việc Bộ GD&ĐT đổi mới cách thi cử, cơ hội thí sinh được chọn môn học rộng mở hơn nên cũng là nguyên nhân khiến cho các em ít đăng ký thi môn Lịch sử - môn được đánh giá là khó học và khó đạt điểm cao.

Hơn nữa, thực tế cho thấy, có không ít học sinh rất yêu thích môn Lịch sử nhưng khi đứng trước sự lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai thì các em lại ít chọn môn này để thi. Bởi thi các vào các ngành Ngoại ngữ, Tin học, ra trường các em có cơ hội lựa chọn việc làm nhiều hơn.

Huyền Thanh
.
.
.