Bỏ lệnh cấm thi tuyển vào lớp 6

Thứ Ba, 19/12/2017, 11:50
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18-4-2014 của Bộ GD&ĐT để lấy ý kiến dư luận.

Trong khi Thông tư hiện hành chỉ quy định “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển” thì Dự thảo bổ sung khoản 2, điều 4 của thông tư hiện hành thành “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.

Tuy vậy,  dự thảo sửa đổi của Bộ GD&ĐT nhấn mạnh việc tuyển sinh THCS phải bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, chỉ những trường không thực hiện nhiệm vụ phổ cập, tuyển sinh học sinh theo đúng tuyến được phân công mới được phép có hình thức tuyển sinh kiểm tra, đánh giá năng lực. 

Về quy định tuyển thẳng và chế độ ưu tiên, dự thảo sửa đổi quy định chặt hơn, chỉ tuyển thẳng những học sinh đoạt giải cấp quốc gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật, chứ không phải cấp tỉnh như hiện nay. Ngoài ra, quy định về tuyển thẳng và chế độ ưu tiên trong dự thảo cũng bổ sung: "Sở GD&ĐT quy định mức điểm cộng thêm cho từng nhóm đối tượng ưu tiên. Mức chênh lệch điểm cộng thêm thang 10 điểm, giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 0,5 tính theo thang điểm 10”.

Trước đó, năm 2014, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học. Trong đó, nêu rõ các trường không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6 dưới mọi hình thức. Việc chỉ cho phép xét tuyển dựa trên kết quả 5 năm tiểu học và tiêu chí phụ đã khiến cho một số trường THCS chất lượng cao, có số lượng học sinh đăng ký vượt nhiều lần so với chỉ tiêu gặp khó khăn vì không tuyển được đúng học sinh như tiêu chí mà nhà trường mong muốn, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Huyền Thanh
.
.
.