Bỏ bớt các cuộc thi để giảm bệnh thành tích
- Rà soát các cuộc thi dành cho học sinh phổ thông
- Bệnh hình thức, bệnh thành tích trong giáo dục ngày càng trầm trọng7
Theo phản ánh của nhiều giáo viên, hiện nay trong trường phổ thông đang bị “bội thực” các cuộc thi. Trong đó, hầu như năm nào giáo viên cũng phải tham gia cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp trường mà tỷ lệ đậu gần như 100%. Những giáo viên đạt điểm cao trong các cuộc thi cấp trường lại tham gia tiếp cuộc thi dạy giỏi cấp cao hơn, từ huyện, thị xã cho đến tỉnh.
Ngoài cuộc thi dạy giỏi, giáo viên còn phải tham gia thêm nhiều cuộc thi khác như thi khảo sát chất lượng giáo viên, thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, đồ dùng dạy học, sáng kiến kinh nghiệm, tìm hiểu lịch sử địa phương và rất nhiều các cuộc thi khác liên quan đến văn nghệ, thể thao, nữ công gia chánh…
Việc tổ chức quá nhiều cuộc thi không cần thiết trong nhà trường là cơ hội để bệnh thành tích có thêm đất sống. Ảnh: minh họa. |
Theo liệt kê của một giáo viên ở tỉnh Tiền Giang, trung bình mỗi năm có khoảng 15 cuộc thi dành cho các thầy cô giáo và để theo đuổi hết các cuộc thi này, thầy cô chẳng còn thời gian, tâm sức để tập trung vào việc chính là dạy học.
Đối với học sinh, mỗi năm, bên cạnh 2 kỳ thi cuối kỳ, cuối cấp, thi tốt nghiệp, đại học… học sinh còn phải tham gia rất nhiều các cuộc thi phong trào khác như thi học sinh giỏi, thi giải Toán và tiếng Anh qua mạng Internet; thi vở sạch chữ đẹp, thi nghiên cứu khoa học và sáng tạo thanh thiếu niên; thi tìm hiểu lịch sử địa phương, thi an toàn giao thông, nha học đường; ý tưởng trẻ thơ và rất nhiều các cuộc thi văn hóa, văn nghệ và thể thao khác.
Điều đáng nói là những cuộc thi này sẽ là một trong các tiêu chí đánh giá danh hiệu, thành tích của giáo viên, học sinh và nhà trường. Vì vậy, dù muốn hay không, cả thầy và trò đều phải mất rất nhiều thời gian, công sức tập trung ôn luyện.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Theo báo cáo của các Sở GD&ĐT và kết quả rà soát của Bộ GD&ĐT, số lượng cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh hiện nay còn nhiều, chồng chéo. Một số cuộc thi chủ yếu tập trung kiểm tra kiến thức lý thuyết mà học sinh đã học ở trường, hạn chế trong việc tạo cơ hội để các em được rèn luyện, trải nghiệm và phát triển kỹ năng, hình thành năng lực.
Các địa phương sử dụng kết quả một số cuộc thi để cộng điểm ưu tiên, tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp khiến một số học sinh tham gia cùng lúc nhiều cuộc thi với động cơ kiếm thêm điểm ưu tiên. Hậu quả gây quá tải, tốn thời gian và ảnh hưởng không tốt tới kết quả giáo dục.
Đặc biệt, qua theo dõi cũng như những phản ánh từ dư luận xã hội, muốn con có kết quả cao, có những bố mẹ cho con luyện thi hằng ngày, luyện đến mức câu gì cũng biết đáp án. Điều đó vừa tạo áp lực không cần thiết cho các em, vừa gây ra tác dụng ngược.
Cũng theo ông Thành, để giảm bớt các cuộc thi gây áp lực không cần thiết cho học sinh, Bộ GD&ĐT quy định, các Sở GD&ĐT chỉ tổ chức một số cuộc thi gắn liền với hoạt động dạy và học chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của giáo viên và học sinh. Các Sở GD&ĐT không được yêu cầu trường tổ chức đội tuyển, không xét giải tập thể và không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua đối với đơn vị tham gia hay cộng điểm trong tuyển sinh đầu cấp…
Trước yêu cầu tinh giản các cuộc thi, hầu hết các nhà quản lý, giáo viên và phụ huynh đều đồng thuận. TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: Việc tinh giản các cuộc thi trong nhà trường phổ thông là hết sức cần thiết và Bộ GD&ĐT cần phải làm quyết liệt, triệt để, nhất là khi mà bệnh thành tích đã lan rộng một cách trầm trọng đến cả phụ huynh.
Vì nhiều mục đích khác nhau, nhiều phụ huynh đã tìm đủ mọi cách để biến các cuộc thi thành cơ hội để “chạy” giải thưởng cho con mình. Điều này hoàn toàn không có tác dụng giáo dục mà còn làm hỏng nhân cách của trẻ khi các cháu hiểu rõ rằng mình không đi thi hoặc không đủ khả năng đạt giải mà vẫn có giải thưởng.
Ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh Hà Nội cho rằng: Việc tinh giản các cuộc thi cho học sinh và giáo viên trong trường phổ thông hiện nay là vô cùng cần thiết. Tuy vậy, ông Đạt vẫn chưa cảm thấy yên tâm về hiệu quả của chủ trương này khi mà bệnh thành tích đang trở nên trầm trọng trong ngành Giáo dục.
Theo ông Đạt, ngay từ năm học 2006-2007, ngành Giáo dục đã phát động phong trào nói không với bệnh thành tích trong giáo dục, tuy nhiên, từ đó đến nay, bệnh thành tích không giảm.
Cùng chung lo ngại trên, Hiệu trưởng một trường phổ thông ở TP Vinh (Nghệ An) cũng cho biết: Cách đây mấy năm, Bộ GD&ĐT đã có công văn cấm tổ chức các cuộc thi violympic Toán, Anh văn, thi vở sạch chữ đẹp… cấp tiểu học nhưng nhiều địa phương vẫn bất chấp thực hiện. Nhiều trường học vẫn âm thầm thành lập đội tuyển, vẫn huy động giáo viên tổ chức ôn luyện cho học sinh hằng ngày. Một số địa phương lại “lách” chỉ đạo của Bộ bằng cách đổi tên một số cuộc thi nhưng thực chất vẫn chỉ là “bình mới rượu cũ”.
Đơn cử như cuộc thi “Vở sạch chữ đẹp” được đổi thành “Giao lưu vở sạch chữ đẹp”; cuộc thi tiếng Anh cấp tiểu học được đổi là “Giao lưu tiếng Anh”… Do đó, vị hiệu trưởng này đề xuất, để giảm được bệnh thành tích trong nhà trường, tinh giản các cuộc thi vẫn chưa đủ mà còn cần phải thay đổi tiêu chí thi đua, khen thưởng trong ngành Giáo dục hiện nay.