Xung quanh quy định cấm dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa:

Bộ Giáo dục thừa nhận do diễn đạt gây hiểu lầm

Thứ Ba, 17/10/2017, 17:25
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành năm học 2017-2018.


Theo phản ánh của nhiều giáo viên, việc hướng dẫn yêu cầu tinh giản chương trình, không xa rời quá mức so với sách giáo khoa (SGK), đổi mới trong việc dạy học và đánh giá là cần thiết. Tuy vậy, quy định “cấm dạy các nội dung ngoài SGK” trong hướng dẫn là một yêu cầu cứng nhắc và không phù hợp, nhất là khi mà SGK đang trong giai đoạn phải thiết kế lại cho phù hợp với chương trình mới.

Ngay sau khi nhận được phản ánh từ phía dư luận, Bộ GD&ĐT cho biết đây chỉ là diễn đạt gây hiểu lầm và sẽ có hướng dẫn cụ thể, chính xác hơn về vấn đề này.

Nhiều giáo viên phổ thông cho rằng, thực tế đang có hiện tượng dạy học rời xa quá mức so với SGK, vượt quá mức với so khả năng tiếp nhận và gây áp lực cho học sinh nên việc chấn chỉnh là đúng. Tuy nhiên, chấn chỉnh theo kiểu “cấm dạy những nội dung ngoài SGK” lại là cứng nhắc, bất hợp lý, thậm chí đi ngược với sự phát triển chung.

Quy định “không dạy những nội dung ngoài SGK” sẽ bó buộc sự tự do sáng tạo trong dạy và học.

TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An Hà Nội nêu quan điểm: “Giảm tải vẫn còn có lý chứ cái quy định cấm dạy các nội dung ngoài SGK, tính lý thuyết và biện chứng cũng như nguyên lý giáo dục, tính thực tiễn với việc dạy và học trong nhà trường THPT đều khó có thể dung nạp nỗi”.

Cô Nguyễn Thị Minh Huệ, giáo viên môn Ngữ văn trường THPT Hoàng Mai (Nghệ An) cũng cho rằng: Quy định này có vẻ không ổn và không phù hợp, nhất là đối với những môn học đòi hỏi tính liên lệ thực tiễn như Ngữ văn nói riêng, các môn Khoa học xã hội nói chung.

Thầy Trịnh Quỳnh, giáo viên luyện thi online nổi tiếng trên mạng cũng cho rằng: Không nên bó buộc sự tự do, sáng tạo của người dạy và người học. Đặc biệt là khi chính Bộ đã có chủ trương một chương trình mà nhiều bộ SGK. Còn theo thầy Phan Tùng Sơn, giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) quy định này của Bộ dường như đang có mâu thuẫn với toàn bộ tinh thần của văn bản hướng dẫn bởi lẽ một mặt Bộ yêu cầu giáo viên phải cập nhật những thông tin mới phù hợp, thay thế cho những thông tin cũ, lạc hậu trong SGK song mặt khác, Bộ lại yêu cầu các trường không dạy các nội dung ngoài SGK.

Chia sẻ với PV Báo CAND về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng: Chủ trương tinh giản những kiến thức nặng nề, lạc hậu, giảm tải những kiến thức quá sức cho học sinh mà Bộ GD&ĐT đưa ra trong hướng dẫn mới là cần thiết. Tuy nhiên, yêu cầu "tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK" là chưa phù hợp.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, yêu cầu của Bộ GD&ĐT là học sinh phải biết vận dụng kiến thức và các kỹ năng thực tế nhưng hiện đang có nhiều nội dung cần thiết lại không có trong SGK, vì thế giáo viên phải đưa những kiến thức đó vào bài giảng để học sinh có thể hiểu rõ vấn đề, phát triển toàn diện. Xưa SGK là tối thượng nhưng nay cần phải hiểu nó chỉ là một kênh thông tin, ngoài ra còn nhiều kênh khác nữa để giáo viên và học sinh tham khảo. Do đó, việc cấm dạy nội dung ngoài SGK là quá cứng nhắc. Có chăng thì Bộ chỉ nên quy định không được dạy vượt quá những kiến thức tối thiểu học sinh cần có nhằm giảm tải áp lực học tập cho học sinh.

“Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng sửa quy định này hoặc có văn bản giải thích rõ ràng hơn để tránh gây nhầm lẫn không đáng có” - ông Lâm đề xuất.

Liên quan đến quy định đang gây ra nhiều tranh cãi này, ngày 17-10,  Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Tại Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục "Tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong SGK hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu; không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa".

Theo lý giải của ông Thành, do SGK cụ thể hóa mục tiêu của chương trình nên ý cuối cùng trong câu này nhằm nhấn mạnh yêu cầu không dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Bộ cũng yêu cầu "bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu", nghĩa là không hạn chế giáo viên chỉ dạy học với ngữ liệu trong SGK. Tuy nhiên, việc diễn đạt như trên đã gây ra hiểu lầm là Bộ chỉ cho phép giáo viên khai thác sử dụng SGK để dạy học. Điều này không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ.

“Trong quá trình tập huấn triển khai thực hiện sắp tới, Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể hơn về việc này để các nhà trường, giáo viên, học sinh thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ” - ông Thành cho biết.

Huyền Thanh
.
.
.