Bị loại khỏi lớp 10 công lập: Vẫn còn nhiều lựa chọn
Điểm chuẩn vào lớp 10 công lập tại TP HCM năm nay đã gây khá nhiều bất ngờ cho cả phụ huynh và học sinh (HS). Phần lớn các trường tốp trên năm nay chỉ tăng nhẹ từ 0,25 đến 2 điểm so với năm ngoái, nhưng những trường thuộc vùng ven, ngoại thành, điểm chuẩn lại tăng vọt.
20.000 học sinh TP HCM đã trượt nguyện vọng đợt thi tuyển lớp 10 công lập năm học 2015-2016. |
Tăng “kỷ lục” như trường THPT Bình Tân, tăng đến 11,5 điểm ở cả ba nguyện vọng (NV) so với năm ngoái. Từ 13,5 điểm lên thành 25 điểm. Hay THPT Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) tăng 7 điểm ở cả ba NV (từ 13 điểm lên thành 20 điểm ở NV1).
Chị Nguyễn Thị Lộc (ngụ tại phường Tân Phú, quận 7), phụ huynh em Phan Minh Thịnh, lớp 9A4) thì “ngậm ngùi”: Tôi tới trường để rút hồ sơ học bạ cho con trai. Cháu đậu NV3, nhưng rớt NV1. Sắp tới con tôi phải học lớp 10 trường THPT Nguyễn Thông, theo NV3 đăng ký. Từ nhà tới trường gần 14km, xa xôi nhưng phải biết sao được! NV 2 đăng ký là trường THPT Lê Thánh Tôn, gần nhà hơn nhưng điểm chuẩn năm nay cũng tăng 3,75 điểm nên cháu không đậu”.
Chị Lộc cho biết thêm: những bạn học cùng lớp có nhiều HS đậu ở THPT Ngô Quyền, một số đậu NV2 vào THPT Lê Thánh Tôn, nhưng cũng có khá nhiều trường hợp trong lớp rớt cả ba NV. Trên địa bàn quận có Trường nghề Nguyễn Hữu Cảnh là trường “nghe nói” là rất tốt nhưng nhiều phụ huynh cũng e dè.
Toàn TP có hơn 85.000 HS tốt nghiệp THCS nhưng các trường công lập trên địa bàn thành phố chỉ có khả năng “chứa” được 65.000 em. 20.000 HS bị loại khỏi trường công.
Tuy nhiên, Sở GD-ĐT TP HCM cho biết, với hơn 20.000 chỉ tiêu tiếp nhận vào các trường sân lập, tư thục, và gần 10.000 chỉ tiêu vào các trung tâm GDTX thì thành phố không thiếu chỗ học cho những HS trượt cả 3 nguyện vọng.
Vẫn còn nhiều giải pháp để tiếp tục con đường học vấn ( giờ thực hành tại trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương TP HCM). |
Ngay sau khi Sở GD-ĐT công bố điểm chuẩn lớp 10, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh phân tích: Thành phố có chế độ miễn giảm 50% học phí cho HS học nghề. Hiện nay thành phố đang cần đội ngũ công nhân lành nghề ở một số ngành như điện lạnh, điện công nghiệp, xây dựng...
Với mỗi học sinh, nếu chọn con đường bình thường, là học THPT với mất 3 năm và 4 năm Đại học mới có được Bằng đại học. Nếu chọn học trung cấp, các em chỉ mất 2,5 năm để vừa học văn hóa, vừa học nghề, liên thông lên CĐ 1 năm, liên thông lên đại học 2 năm. Như vậy thời gian rút ngắn hơn tức mất khoảng 6,5 năm là có bằng ĐH.
Ông Đạt cũng khẳng định, các trung tâm GDTX được đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và luôn được ngành chú trọng nâng cao chất lượng. Năm học 2013-2014, chỉ tiểu tuyển sinh của các trung tâm GDTX thành phố là gần 10.000 chỉ tiêu. Học phí của hệ thống này là rất thấp: trên, dưới 200.000 VNĐ/tháng/HS, phù hợp với nhiều học sinh có điều kiện gia đình khó khăn.
Mặt khác, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhiều trung tâm đã liên kết với các trường TCCN, nhờ vậy kết hợp được thế mạnh của cả 2 mô hình này, vừa giáo dục về văn hóa, vừa đào tạo nghề cho học sinh.