Mặt trái…du học!

Bài cuối: Ngăn dòng chảy máu chất xám và ngoại tệ

Thứ Hai, 02/05/2016, 07:59
Theo báo cáo của Nhóm công tác giáo dục và đào tạo tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2015, tính đến thời điểm cuối năm 2015, Việt Nam có khoảng 110.000 du học sinh (DHS) tham gia học tại 47 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Tính bình quân mức học phí từ 30-40 ngàn/năm/học sinh thì tổng số tiền chi ra nước ngoài để học tập là khoảng 3 tỷ USD. Trong đó chiếm đến 90% là du học tự túc, còn lại là du học có học bổng, tài trợ. Qua câu chuyện về 13 nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia du học xong chỉ có 1 người về nước cho thấy, tiền thì bỏ ra nhiều nhưng thu về nhân tài thì rất hạn chế, đó là một thực tế đáng buồn…

Ông Đinh Xuân Lý – nguyên cán bộ Thanh tra Bộ GD&ĐT-Văn phòng Bộ GD-ĐT tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, có một vấn đề nhức nhối hiện nay DHS học tập thế nào, học xong đi đâu, làm gì Bộ GD&ĐT không thể “quản” nổi. Ngay cả những người học tập bằng tiền Nhà nước còn không thể kéo họ về thì chẳng thể trông mong  ở DHS  đi học bằng tiền của gia đình.

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng tựu trung lại có 2 lý do chính là môi trường làm việc và lương bổng chưa tương xứng với trình độ và tài năng của họ. Đặc biệt hơn là ở Việt Nam, thủ trưởng cơ quan là cao nhất, chỉ huy nói gì phải nghe, còn phương Tây không như vậy. Họ đánh giá cao tính độc lập, sáng tạo, tự do tranh luận… nên ngay chuyện này thôi đã cản bước họ về nước. Từ đó dẫn đến thực trạng chảy máu chất xám, chảy máu ngoại tệ.

Sinh viên VGU thực hành ứng dụng kỹ thuật.

Cách đây nhiều năm, nhận thấy thực trạng, Chính phủ đã có chủ trương phát triển chuỗi các trường đại học công lập có trình độ đào tạo, nghiên cứu mang tầm quốc tế là Việt Đức, Việt Pháp, Việt Nhật và Việt Anh. Việc này ngoài góp phần tạo ra mô hình trường đại học mới, tạo lực thúc đẩy việc đổi mới đào tạo đại học của cả nước, phục vụ nhu cầu du học tự túc tại chỗ cho con em các gia đình có điều kiện.

Trường đại học Việt Đức (VGU), chỉ vài năm sau ngày khai giảng khóa đầu tiên đào tạo bậc cử nhân ngành Kỹ thuật điện và Công nghệ thông tin, đến nay đã đào tạo được hơn 1.400 sinh viên thuộc 5 khối ngành. Hơn một nửa số này là sinh viên đại học, còn lại là bậc cao học với những ngành chuyên sâu về khoa học – công nghệ từ 7 chương trình đào tạo bậc thạc sỹ và 4 chương trình đào tạo cử nhân.

VGU cũng đã nhận được sự hỗ trợ của hiệp hội hơn 30 trường đại học ở Đức và của nhiều cơ quan thuộc Chính phủ Đức cùng tổ chức Hỗ trợ Đại học Thế giới. VGU cũng đã được Chính phủ đầu tư 200 triệu USD từ nguồn vốn vay ưu đãi của WB để xây dựng hệ thống cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc tế trên diện tích hơn 50ha tại tỉnh Bình Dương.

Được hỗ trợ ngân sách nên mức học phí tại VGU khá nhẹ so với học phí đào tạo liên kết với nước ngoài hoặc du học tại chỗ khi chỉ ở mức 52 triệu đồng/năm. Nhằm khuyến khích sinh viên tài năng, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học, khoảng 40% sinh viên đại học và hơn 60% học viên cao học của VGU đã nhận học bổng từ nhà trường, từ các doanh nghiệp, cơ quan hỗ trợ đại học thế giới, học bổng của WB và các tổ chức, cá nhân khác... đồng thời còn có 40% sinh viên năm cuối có thành tích học tập xuất sắc được Cơ quan Trao đổi Hàn lâm CHLB Đức cấp học bổng để đến thực tập và làm luận văn tốt nghiệp tại các trường đại học của Đức trong vòng 6 – 12 tháng.

TS Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng VGU cho biết, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, hàng năm có khoảng 80 - 100 lượt giáo sư người Đức sang  giảng dạy tại trường, chiếm tỷ lệ 80% môn học do giảng viên phía Đức đảm nhận, phần còn lại của giảng viên Việt Nam. Tỷ lệ này sẽ được hoán đổi ngược lại vào năm 2020 để chuyển giao hẳn nhà trường cho Việt Nam quản lý.

Toàn bộ chương trình đào tạo tại VGU đều được kiểm định bởi các cơ quan của Đức hoặc tổ chức quản lý đại học quốc tế. Song song với việc giảng dạy bằng tiếng Anh, trong quá trình học sinh viên của trường cũng được học song song bằng tiếng Đức. Sinh viên tốt nghiệp được nhận cùng lúc 2 bằng, một của trường đối tác ở Đức và bằng của VGU. Không chỉ được đảm bảo được học chuyển tiếp tại các trường đại học của Đức hoặc châu Âu, tỷ lệ sinh viên VGU ra trường có việc làm khá cao. 

Hình thành cách đây 16 năm, RMIT của Úc là trường đại học quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, học phí của trường này không hề rẻ khi để học chương trình chuyển tiếp đại học, sinh viên phải đóng từ 8-17 ngàn USD; bậc đại học từ hơn 21 - 31 ngàn USD; thạc sỹ từ trên 20 – 23 ngàn USD, chưa kể các khoản phí phụ thu bắt buộc, phí học tiếng Anh…

Mức học phí này không thấp hơn so với một số trường đại học ở nước ngoài nhưng bù lại chi phí đi lại, ăn ở rẻ hơn rất nhiều. Quan trọng hơn là du học tại chỗ phụ huynh có thể trực tiếp theo dõi được quá trình học tập, phát triển của con em mình. Do đó, đây cũng có thể coi là một trong những mô hình ngăn dòng chảy ngoại tệ, chất xám từ du học.

Với mức phí trên, RMIT Việt Nam có thể giảm 5% cho sinh viên mới có anh hoặc chị đã hoặc đang học tại trường; giảm 10% học phí cho cựu sinh viên đã hoàn thành chương trình đại học tại RMIT. Riêng sinh viên các chuyên ngành kế toán, quản lý, kinh tế và tài chính sẽ được giảm tới 15% học phí, tương đương với số tiền 100 triệu đồng. Từ những ưu đãi đó, hiện RMIT thu hút ngàn chục ngàn sinh viên theo học.   

Cũng nhằm ngăn dòng chảy chất xám ra bên ngoài, TP Hồ Chí Minh đã có chương trình đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ ngành y, dược. Chương trình này chủ yếu được thực hiện theo phương thức đào tạo toàn phần trong nước với trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa cấp II ngành y, dược.

Về kinh phí học tập, ngân sách thành phố sẽ cấp học phí, kinh phí làm luận văn, luận án tốt nghiệp với các mức: đào tạo Tiến sĩ được hỗ trợ 30 triệu đồng/người/năm; đào tạo bậc thạc sĩ được hỗ trợ 20 triệu đồng/người/năm. Người được đào tạo tại các cơ sở trong nước theo chương trình liên kết với nước ngoài đã được Bộ GD - ĐT  chấp thuận cũng sẽ được hưởng trợ cấp đào tạo trên. 

Theo chúng tôi, những giải pháp như trên cũng chỉ có thể ngăn chặn một phần nhỏ vấn nạn chảy máu ngoại tệ, chảy máu chất xám. Vấn đề chính là ở chỗ, khi nào ở Việt Nam có điều kiện hơn, môi trường làm việc thông thoáng và chuyên nghiệp hơn thì không cần phải “kéo” họ cũng quay về…

Nhóm PV
.
.
.