6 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam vào bảng xếp hạng đại học thế giới
Ngày 12/10, Tổ chức xếp hạng Times Higher Education đã công bố kết quả xếp hạng đại học thế giới 2023 (THE WUR 2023). Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục đại học góp mặt trong bảng xếp hạng này.
Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có mặt trong Bảng xếp hạng THE WUR 2023 gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Huế. Trong đó, Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong nhóm 401-500; Đại học Quốc gia Hà Nội trong nhóm 1001-1200; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trong nhóm 1501+.
So với kỳ xếp hạng 2022, THE WUR 2023 có thêm 240 cơ sở giáo dục đại học tham gia và tăng thêm 137 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng. Top 5 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng này là: Đại học Oxford, Đại học Havard, Đại học Cambridge, Đại học Stanford và Viện Khoa học kỹ thuật Massachusetts. Ở khu vực châu Á, các cơ sở giáo dục đại học top đầu bao gồm: Peking University và Tsinghua University (Trung Quốc), Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Hongkong và Đại học Kỹ thuật Nanyang (Singapore).
Bảng xếp hạng THE WUR đánh giá các trường đại học trên toàn cầu dựa trên nghiên cứu những nhiệm vụ cốt lõi của một trường đại học, theo các bộ chỉ số đo lường tiêu chuẩn nhằm cung cấp những so sánh toàn diện và công bằng.
Căn cứ vào cơ sở dữ liệu khoa học SCOPUS (của Nhà xuất bản Elsevier) cung cấp, các khảo sát độc lập và dữ liệu của trường đại học cung cấp, việc tính điểm, xử lý dữ liệu của THE được PricewaterhouseCoopers (PwC), một tổ chức kiểm toán độc lập, chuyên nghiệp, giám sát thực hiện.
Các tiêu chí của THE WUR 2023 vẫn được duy trì như các kỳ xếp hạng thế giới gần đây, theo 5 nhóm tiêu chí về hiệu suất gồm: Giảng dạy (môi trường học tập) với trọng số tính điểm xếp hạng là 30%; Nghiên cứu (khối lượng, thu nhập và danh tiếng) với trọng số 30%; Trích dẫn (tầm ảnh hưởng của nghiên cứu) với trọng số 30%; Quốc tế hóa (của nhân viên, sinh viên và nghiên cứu) với trọng số 7,5%; Thu nhập từ chuyển giao tri thức và công nghệ với trọng số 2,5%.