Không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) 2020-2021 năm nay, mặc dù không gọi là kỳ thi “2 trong 1” nhưng thực chất các trường đại học đều đã sử dụng kết quả tổ hợp 3 môn thi để tuyển sinh. Đây là kênh chính ngoài kênh sử dụng học bạ và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế của học sinh để xét tuyển đại học.
1. Có thể nói sau nhiều năm thay đổi từ hai kỳ thi (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học) thành một kỳ thi Quốc gia với mục đích “2 trong 1”, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã có nhiều thay đổi tiến bộ. Học sinh chỉ thi một kỳ thi trong hoản cảnh dịch COVID-19 hoành hành nhiều địa phương, nhưng đã là một kỳ thi an toàn, kết quả thi được các trường đại học làm căn cứ gốc để xét tuyển đại học; nhiều em đỗ tốt nghiệp điểm cao.
Tuy nhiên, điều dư luận hết sức quan tâm là kỳ thi vừa qua, toàn quốc có 61 em đạt 29,5 điểm mà không trúng tuyển nguyện vọng (NV) nào vào đại học. Ngạc nhiên hơn là qua thống kê, được biết 60/61 em chỉ đặt 1 NV (NV1), 1 em còn lại cũng chỉ đặt 2 NV. Có 59 em đăng ký NV1 vào các trường Công an, Quân đội thì đều chỉ có 1 NV, trong đó 57 em tốt nghiệp từ năm 2019 trở về trước. Chứng tỏ các em rất kiên định chỉ chọn một NV duy nhất là vào trường Công an, Quân đội.
Điều khó cắt nghĩa hơn cả là vì sao các em đạt điểm từ 29,5 trở lên lại chỉ đăng ký 1 NV duy nhất xét tuyển vào đại học? Trong khi đó, kỳ tuyển sinh đại học 2021-2022 này, các em có quyền đăng ký nhiều NV và tất cả các NV đều được coi là NV1. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, em nào trúng NV1 mà bỏ, không nhập trường thì không được xét trúng tuyển các NV còn lại. Nhờ thế, trong tuyển sinh lần này đã cơ bản khắc phục được NV ảo như những năm trước đây. Công nghệ thông tin giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo hình thành nguyên lý “bình thông nhau” điều chỉnh NV đã đăng ký của các thí sinh trong toàn quốc nhanh như “nháy mắt”. Không còn những cuộc “chạy ma-ra-tông”, thậm chí thuê cả xe cứu thương hú còi phi mã để kịp thay đổi NV đúng giờ G. Thật là tiện lợi trăm bề. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là việc 61 em đạt điểm 3 môn tổ hợp trên trên 29,5 điểm bị trượt NV1, thậm chí có em đạt 30 điểm cũng trượt luôn cả đại học như vừa nêu ở trên.
Trước hết, cần phải thống nhất quan điểm: Các thí sinh nêu trên không đỗ NV1 chứ không phải trượt đại học như cách diễn đạt trên mạng xã hội. Thực ra với số điểm như thế, các em có quyền đăng ký thêm NV và chắc chắn đỗ các trường đại học khác. Tuy nhiên, dù với nguyên nhân gì, thì việc các em trượt NV1 năm nay cũng là điều quá đáng tiếc. Có thể các em tự tin, tin ở năng lực của mình, tin ở điểm số cao mình đang có. Hoặc có thể các em chỉ thích 1 trường, 1 nghề nghiệp và chỉ đeo đuổi ước muốn ấy, còn các trường khác “có cho cũng không lấy” như cách nói dân dã. Hoặc cũng có thể các em tuổi còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm sống, thiếu kỹ năng sống nên khi đăng ký NV tuyển sinh đại học đã không tính toán kỹ càng, trước sau. Có thể đây là bài học kinh nghiệm quý báu đầu đời của các em, để tiếp tục nỗ lực vươn lên. Và cũng là bài học kinh nghiệm cho các em học sinh các lớp sau nữa cần tỉnh táo khi đặt bút lựa chọn NV tiếp tục học lên của đời mình.
Có lẽ vì thương các em mà trên nhiều diễn đàn có những ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc các trường đại học tốp trên trợ giúp để các em đạt được NV, được học đại học. Có ý kiến còn “nặng tay” hơn đề nghị cần phải thay đổi kỳ thi để không bỏ sót các trường hợp đỗ điểm cao trong kỳ thi này…
Vấn đề đặt ra là, cần làm gì để giúp các em như những trường hợp đặc biệt. Có ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến nghị các trường, nơi các em đăng ký NV1, tăng chỉ tiêu để tuyển sinh để tuyển các em. Điều khó khả thi, nhất là đối với các trường Quân đội và Công an qua sơ tuyển, đào tạo miễn phí và phân công công tác khi ra trường. Có ý kiến đề nghị các trường khuyến nghị các em đăng ký bổ sung NV2, NV3 để tuyển các em theo các NV này. Thế nhưng giải pháp này cũng khó vì có thể vì phạm quy chế tuyển sinh, sẽ tạo ra sự bất bình đẳng với các thí sinh khác.
2. Trở lại ý kiến đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT nhân chuyện 61 em trượt NV1như trên, theo chúng tôi đặt ra ở thời điểm này chưa có những cơ sở chắc chắn. Muốn thay đổi một kỳ thi tiện lợi cho số đông, khoa học, công bằng cho học sinh như kỳ thi này, cần phải có những tổng kết, hội thảo về những ưu điểm, hạn chế của các kỳ thi trong mấy năm gần đây. Từ đó Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có những cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất Chính phủ có những điều chỉnh kỳ thi cho hợp lý.
Với ý kiến cực đoan hơn cho rằng, nên bỏ nốt kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Việt Nam vì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp luôn đạt hơn 90%, có nhiều địa phương cán đích gần 100% thì việc tổ chức kỳ thi này không còn ý nghĩa nữa. Thực ra, ý kiến này cũng khó thực hiện. Bởi Luật Giáo dục quy định phải có kỳ thi tốt nghiệp THPT sau khi học sinh kết thúc 12 năm học phổ thông. Hơn nữa, thực tiễn đã cho thấy, cho dù tỉ lệ đỗ tốt nghiệp là 99% nhưng nếu không có kỳ thi này thì động lực học tập của học sinh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Học mà không thi tốt nghiệp, chỉ xét qua học bạ thôi thì có thể “nở rộ” tình trạng học đối phó và thói quen “chạy trường”, “chạy điểm”. Việc sát hạch chất lượng học tập, rèn luyện của thế hệ công dân mới chuẩn bị bước vào đời sẽ bằng cách nào? Trong khi đó, nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp thì đương nhiên cần phải tổ chức một kỳ thi tuyển sinh đại học thay thế. Hiện khâu tuyển sinh sẽ do các trường đại học được tự chủ hoàn toàn theo Luật Giáo dục Đại học, nhưng với tỉ lệ hơn 50% chỉ tiêu tuyển sinh được các trường đại học dành để xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp, cho thấy sứ mệnh quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Do đó, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo trước mắt cần có tổng kết, đánh giá một cách toàn diện kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông 2020-2021 và công tác tuyển sinh đại học năm nay; trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, có những đề xuất xác đáng, tham mưu Chính phủ chỉ đạo, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia chất lượng nhất theo “tinh thần học thật, thi thật”.