Đại học đầu tiên của cả nước tiên phong thực hiện hợp tác đối tác công tư
Nhiều người đặt câu hỏi, ĐHQGHN là một đơn vị đại học nhưng lại tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, vậy tại đây sẽ đầu tư những gì? Để trở thành một đơn vị đại học thông minh, trung tâm đổi mới sáng tạo, ĐHQGHN cần tiên phong trong thu hút hợp tác dựa trên cộng đồng, xã hội và doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Chiều 10/12, tại Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022 nhằm giới thiệu, thu hút các nguồn lực và kêu gọi đầu tư cho các hoạt động xây dựng, giảng dạy và nghiên cứu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mô hình đô thị đại học “5 trong 1”. Đây là hoạt động kỷ niệm 29 năm Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN (10/12/1993 - 10/12/2022).
Tham dự hội nghị có ông Lê Quang Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong lĩnh vực hợp tác đầu tư công tư (PPP), lãnh đạo các doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN trong và ngoài nước... Về phía ĐHQGHN có GS Lê Quân, Giám đốc và Ban Giám đốc ĐHQGHN, lãnh đạo ĐHQGHN qua các thời kỳ cùng đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước...
Khu đô thị ĐHQGHN được Thủ tướng Chính phủ định hướng xây dựng theo mô hình “5 trong 1” gồm: Trung tâm đào tạo tài năng; Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ hiện đại; Trung tâm đổi mới sáng tạo ngang tầm quốc gia và quốc tế; Đô thị đại học thông minh, hiện đại; Trung tâm thử nghiệm hợp tác công tư và đào tạo nghiên cứu.
Hiện nay, ĐHQGHN đã xây dựng Danh mục các dự án dự kiến đầu tư PPP giai đoạn 2022 – 2025 bao gồm: Trung tâm nghiên cứu và triển khai khoa học công nghệ R&D; Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao công nghệ tài chính ngân hàng; Bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế, khu ký túc xá, trường liên cấp, tổ hợp thương mại dịch vụ…
Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 là dịp để ĐHQGHN giới thiệu về các dự án hợp tác công tư cũng như khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách cho các loại hình đầu tư.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, Khu đô thị ĐHQGHN được đầu tư với mục tiêu trở thành khu đô thị trọng điểm ở phía Tây Thủ đô, tập trung mọi nguồn lực tri thức khoa học, công nghệ; nghiên cứu, chuyển giao tri thức, kết nối liên thông với khu công nghệ cao Hòa Lạc, toàn thành phố và khu vực Tây Bắc Bộ. ĐHQGHN được lựa chọn là trung tâm đại học đầu tiên của cả nước thí điểm mô hình hợp tác đối tác công tư (PPP).
“Nhiều người đặt câu hỏi, ĐHQGHN là một đơn vị đại học nhưng lại tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, vậy tại đây sẽ đầu tư những gì? Để trở thành một đơn vị đại học thông minh, trung tâm đổi mới sáng tạo, ĐHQGHN cần tiên phong trong thu hút hợp tác dựa trên cộng đồng, xã hội và doanh nghiệp, các nhà đầu tư”, Giám đốc Lê Quân nhấn mạnh.
Cũng theo GS Lê Quân, "4 lĩnh vực sẽ được ĐHQGHN ưu tiên xúc tiến đầu tư gồm: Công nghệ thông tin – chúng tôi mong đón tiếp tất cả các DN nhỏ và vừa, DN lớn để cùng nhau đào tạo, cung ứng các dịch vụ công nghệ; Nông nghiệp công nghệ cao và phát triển bền vững – việc hợp tác với ĐHQGHN sẽ giúp cho các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa có thể có bứt phá công nghệ. Sáng nay (10/12) ĐHQGHN mới kí kết về chuỗi thủy sản; Khoa học sức khỏe (Bệnh viện ĐHQGHN sẽ phát triển với quy mô 1.000 giường và tiếp nhận BV Xây dựng quy mô 870 giường), chúng tôi đặt 2 mục tiêu lớn: Đào tạo thực hành nguồn nhân lực chất lượng cao và cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao".
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác triển khai dự án ĐHQGHN tại Hòa Lạc do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng, góp phần tháo gỡ những vướng mắc một cách kịp thời và hiệu quả. ĐHQGHN đang xây dựng dự thảo quy trình hướng dẫn thực hiện đầu tư theo phương thức PPP tại ĐHQGHN, thể hiện quyết tâm của ĐHQGHN trong việc công khai, minh bạch quy trình giải quyết công việc.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, việc ĐHQGHN xây dựng khu đô thị đại học là định hướng táo bạo, sáng tạo. "Trong quá trình hoạt động của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, có điều tôi rất trăn trở, đó là: Sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo diễn ra trong thời gian rất dài đạt nhiều kết quả sáng tạo, nhưng tiếng nói của nhà khoa học, tiếng nói của doanh nghiệp và nhà đầu tư thực sự chưa đồng tâm – chúng tôi nhận diện ra thực trạng này. Thêm nữa, Quỹ Khoa học công nghệ trong DN hiện nay dự kiến có khoảng 1 tỉ USD, theo thống kê chưa đầy đủ, nhưng để “giải phóng” 1 tỉ USD đó rất vướng, đặc biệt trong đại dịch COVID – 19 vừa qua, dù Nghị quyết của Quốc hội cũng đã có quy định để sử dụng quỹ khoa học công nghệ trong DN giúp cho DN phục hồi qua đại dịch, nhưng vẫn rất vướng. Tiền của DN, nói nôm na là tiền của mình nhưng lại phải đi xin người khác, rất vất vả, trong thực tế, không tiêu được lại phải nộp, thậm chí còn bị phạt, như thế làm sao có thể phát triển được? Đợi 2% đầu tư khoa học công nghệ của Nhà nước thì lại không đủ, trong khi nguồn lực trong DN, trong xã hội rất lớn nhưng lại vướng", ông Lê Quang Huy bày tỏ.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam chia sẻ một số kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp kinh tế bằng phương thức hòa giải, trọng tài. Chủ tịch Vũ Tiến Lộc kỳ vọng ĐHQGHN sẽ trở thành điển hình của mô hình hợp tác đối tác công tư (PPP), đồng thời là cơ sở cho việc thực hiện chiến lược, kế hoạch đối tác hợp tác công tư của Nhà nước.
Trong khuôn khổ hội nghị, ĐHQGHN đã ký kết 25 biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác nhằm kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, gia tăng giá trị...