Chương trình Giáo dục phổ thông mới được chuẩn bị công phu, nghiêm túc

Thứ Ba, 19/04/2022, 05:04

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018 khẳng định việc thiết kế Chương trình đã được thực hiện rất công phu, nghiêm túc, dựa trên các quan điểm chỉ đạo của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, yêu cầu của thực tế và tham khảo đầy đủ kinh nghiệm quốc tế.

Năm học 2022 – 2023, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ triển khai ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Với lớp 10, ngoài các nội dung bắt buộc thì học sinh được quyền lựa chọn một số môn học, chuyên đề theo năng lực, sở thích và xu hướng nghề nghiệp. Nhưng chính vì cho phép học sinh được quyền lựa chọn một số môn học tự chọn mà chương trình lớp 10 có tới 108 tổ hợp môn học để học sinh lựa chọn. Thêm nữa, môn Lịch sử lại nằm trong nhóm môn lựa chọn nên các giáo viên lo ngại sẽ rất ít học sinh chọn học Lịch sử. Đây là những điều khiến dư luận băn khoăn.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Giáo sư (GS) Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018.

PV: Thưa GS, Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đều chỉ đạo Chương trình GDPT mới phải được thiết kế phân hóa, phân luồng mạnh sau cấp trung học cơ sở, mang tính định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT. GS và các cộng sự đã thiết kế chương trình, nội dung giáo dục như thế nào để đảm bảo chương trình có sự phân hóa, phân luồng và có định hướng nghề nghiệp?

Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới nói gì về “108 tổ hợp tự chọn” trong Chương trình lớp 10? -0
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Trước tiên, tôi xin khẳng định là việc thiết kế Chương trình đã được thực hiện rất công phu, nghiêm túc, dựa trên các quan điểm chỉ đạo của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, yêu cầu của thực tế và tham khảo đầy đủ kinh nghiệm quốc tế.

Cụ thể, Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu rõ yêu cầu đối với Chương trình GDPT mới như sau: “Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”; “Xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn”.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Nghị quyết quy định: “Giáo dục phổ thông 12 năm, gồm hai giai đoạn giáo dục: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm). Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng...”.

Trên cơ sở Nghị quyết số 88 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404 ngày 27/3/2015 phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Quyết định cũng quán triệt các yêu cầu nói trên: “Chương trình mới, sách giáo khoa mới thực hiện giảm hợp lý số môn học, tránh chồng chéo nội dung và những kiến thức không hoặc chưa cần thiết đối với học sinh. Ở cấp trung học phổ thông, ngoài các môn học bắt buộc chung, có các môn học, chuyên đề học tập dành cho học sinh tự chọn”.

Bộ GD&ĐT đã tổ chức xây dựng, ban hành Chương trình GDPT năm 2018 theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Dự thảo chương trình đã được đăng công khai để xin ý kiến toàn dân theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân và ý kiến của chuyên gia ở trong và ngoài các hội đồng thẩm định, Bộ GD&ĐT đã gửi dự thảo chương trình xin ý kiến Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, nhiều bộ, ngành khác và nhiều tổ chức, trong đó có Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Trên cơ sở ý kiến đồng thuận của các cơ quan, tổ chức nói trên, Chương trình GDPT mới đã được ban hành theo Thông tư số 32 ngày 26/12/2018 của Bộ GD&ĐT.

PV: Dư luận đang rất băn khoăn về việc Bộ GD & ĐT thiết kế tới 108 tổ hợp môn học tự chọn trong Chương trình lớp 10, vì sao lại có quá nhiều tổ hợp như vậy, khiến các trường và học sinh đều bối rối trong sắp xếp, lựa chọn môn học, thưa GS?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Như trên tôi đã nói, Chương trình GDPT mới sẽ có 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (9 năm, bắt buộc đối với toàn thể thanh, thiếu niên trong lứa tuổi) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (3 năm, không bắt buộc đối với toàn thể thanh, thiếu niên trong lứa tuổi). Học xong lớp 9 (giáo dục cơ bản, bắt buộc), học sinh đã có đủ kiến thức, kĩ năng để tiếp tục học lên hoặc đi học nghề, đi vào đời sống.

Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, Chương trình cần giúp học sinh tiếp cận nghề nghiệp, giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học tự chọn. Học sinh sẽ theo ngành Y, ngành Cơ khí, ngành Tin học... không nhất thiết phải học những chuyên đề khoa học xã hội hoặc ngược lại, học sinh có định hướng theo ngành khoa học xã hội cũng không nhất thiết phải học các chuyên đề sâu về Vật lí, Hóa học.

Chương trình chỉ giữ lại các nội dung giáo dục bắt buộc gồm 5 môn (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng, an ninh) và 2 hoạt động giáo dục (gồm “Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp” và “Nội dung giáo dục của địa phương”).

Vì thế, những môn còn lại, nếu không tổ chức thành 3 nhóm môn để học sinh lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp thì không thực hiện được quan điểm chỉ đạo của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ; đồng thời sẽ làm cho học sinh học quá tải như trước. Chương trình  nhiều nước họ cũng làm như vậy, nhằm đề cao quyền lựa chọn của người học.

PV: Lâu nay, mong mỏi của xã hội là giáo dục cần đề cao dạy học sinh làm người, dạy cách ứng xử, rồi mới đến dạy chữ. Điều này được các nhà thiết kế chương trình quan tâm đến mức nào, thưa GS?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Dựa trên các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chương trình GDPT năm 2018 đã xác định 5 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở học sinh là: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm.

Chương trình đã quy định 14 nội dung giáo dục, mỗi nội dung giáo dục được thực hiện ở tất cả các môn học, trong đó có một số môn học và hoạt động giáo dục đảm nhiệm vai trò cốt lõi. Ví dụ, Chương trình quy định về nội dung giáo dục công dân, giáo dục khoa học xã hội, giáo dục quốc phòng và an ninh như sau:

Giáo dục công dân giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục cho học sinh ý thức và hành vi của người công dân. Thông qua các bài học về lối sống, đạo đức, pháp luật, kinh tế, giáo dục công dân góp phần bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của người công dân…

Giáo dục khoa học xã hội đóng vai trò chủ đạo trong việc giáo dục nhân sinh quan, thế giới quan, hoàn thiện nhân cách, giáo dục ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng…

Giáo dục quốc phòng và an ninh bồi dưỡng cho học sinh những kiến thức, kĩ năng cơ bản về quốc phòng và an ninh để phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Có thể nói, Chương trình GDPT mới đặc biệt chú trọng tới việc bồi dưỡng cho học sinh các phẩm chất “làm người”, trong đó yêu cầu số 1 là phẩm chất yêu nước…

PV: Những ngày qua, nhiều giáo viên cho rằng, ở lớp 10, môn Lịch sử chỉ ở trong nhóm nội dung lựa chọn mà không phải môn học bắt buộc là chưa thỏa đáng, sẽ dẫn đến khả năng rất ít học sinh chọn học Lịch sử, khiến cho môn học này ngày càng bị lấn lướt. GS có chia sẻ gì trước băn khoăn này của nhiều nhà giáo?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm. Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lí, liên tục từ lớp 1 đến lớp 5. Ở cấp trung học cơ sở, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong môn Lịch sử và Địa lí, liên tục từ lớp 6 đến lớp 9, giúp học sinh có được nền tảng kiến thức thông sử của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á, từ khởi nguyên cho tới ngày nay. Đồng thời, nội dung giáo dục lịch sử cũng được thực hiện ở các môn học khác như Đạo đức, Giáo dục công dân, Tiếng Việt, Ngữ văn, Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương…

Như vậy, khi học xong cấp trung học cơ sở, tức là kết thúc giai đoạn giáo dục bắt buộc, học sinh đã hoàn thành toàn bộ nội dung giáo dục cơ bản, trong đó có nội dung giáo dục lịch sử, có đủ điều kiện cơ bản để phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi.

Ở cấp trung học phổ thông, chương trình môn Lịch sử là chương trình chuyên sâu, giúp những học sinh có định hướng học các ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp tương lai, bao gồm các chủ đề và chuyên đề như: Lịch sử và Sử học; Cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Làng xã Việt Nam trong lịch sử; Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chiến tranh giải phóng dân tộc trong lịch sử Việt Nam (trước Cách mạng tháng Tám năm 1945); Cách mạng tháng Tám năm 1945, chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam (từ tháng 8 năm 1945 đến nay); Lịch sử bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông; Một số cuộc cải cách lớn trong lịch sử Việt Nam (trước năm 1858); Công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay.

Theo yêu cầu chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học lựa chọn (nhóm môn khoa học xã hội, nhóm môn khoa học tự nhiên, nhóm công nghệ và nghệ thuật), trong đó mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học bên cạnh 7 nội dung giáo dục bắt buộc, những học sinh có định hướng nghề nghiệp khác vẫn có thể chọn học môn Lịch sử với các chủ đề học tập như đã quy định trong Chương trình GDPT.

Như vậy, có thể khẳng định là Chương trình GDPT mới đã thực hiện nội dung giáo dục lịch sử, giáo dục lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm công dân một cách đầy đủ, toàn diện theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 29 và các văn bản quy phạm pháp luật mà Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.

PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của GS!

Tuấn Minh – Thái Trang (thực hiện)
.
.
.