"Những đứa trẻ trong sương": Khi hủ tục không còn là chuyện kể

Thứ Tư, 29/03/2023, 15:54

“Hình như ở đây, những đứa trẻ biết rằng tuổi thơ của chúng sẽ qua nhanh, nên làm gì cũng vội”. Bộ phim "Những đứa trẻ trong sương" (Children of the mist) của đạo diễn Hà Lệ Diễm bắt đầu như thế, với câu chuyện "cướp vợ" - cướp đi cả tuổi thơ của nhiều cô bé H'mong.

Những màn sương "chờ tan"

Bộ phim bắt đầu bằng một màn sương mù mịt, che đi tầm mắt của những đứa trẻ. Trong màn sương ấy, Di cùng các bạn vẫn vô tư hồn nhiên chơi trò chơi “kéo vợ”. Là một cô bé H’mông mới lớn, như bao cô bé khác, Di lao động, vui chơi, đến trường, gặp gỡ bạn bè… Nhưng, Di mắc kẹt giữa quá nhiều thế giới – nông thôn và thành thị, trường học và nương rẫy, rẻo cao và Internet, làm trẻ con và trở thành người lớn. Quan trọng nhất, đối với người H’mông Di đã đến lúc phải lập gia đình.

Di gặp Vàng trong buổi đi chơi tết. Từ buổi hẹn hò ở thung lũng ruộng, Di đã đồng ý cùng Vàng về nhà và cứ thế biến mất. Mẹ em lo em bị bắt cóc, nhưng rồi lại thở phào khi biết em đi theo một chàng trai trong làng. Đó từng là cách mà bà gặp ba Di, chị Di gặp anh rể của Di…Từ lo lắng, bà chuyển sang chấp nhận, và đặt quyền quyết định về cuộc sống hôn nhân lên vai cô gái bé nhỏ chỉ mới 15 tuổi. 

Di cùng các bạn chơi trò chơi “kéo vợ”. Ảnh: Fanpage Children of the Mist

Nếu Di giống như những cô bé người H'mong khác, chấp nhận lấy chồng ngay thời điểm này, "Những đứa trẻ trong sương" có lẽ đã chưa thành công đến vậy. Nhưng không, ngay từ đầu phim bất cứ ai cũng đều nhận ra Di là một đứa trẻ tự tin và bạo dạn.

Di có ước mơ, không rụt rè, khép nép. Di dám phản kháng khi biết rằng bố của Vàng uống rượu nhiều. Em càng không muốn cuộc đời em lại giống như mẹ của mình. Di không chấp nhận việc mình là “nạn nhân” của tập tục “kéo vợ”. Từ đồng thuận, sang nghi ngờ, chối bỏ, ân hận, quyết định, và nhẹ nhõm – Di trải qua bao sắc thái lớn lao trong đời trong vài ngày ngắn ngủi vì quyết định của mình. 

Những câu chuyện không của riêng lũ trẻ

Sự kết nối những người phụ nữ trong và ngoài câu chuyện của Di biến "Những đứa trẻ trong sương" trở thành một điểm sáng. Mẹ Di là ví dụ sống động nhất của một người phụ nữ dân tộc H'mong đã và đang trải qua nhưng tác động của các tập tục lâu đời. Bà thương Di, muốn được Di được sống theo ý mình, nhưng bà lại bối rối, có phần kiêng sợ những ràng buộc từ cộng đồng. Bà sợ điều tiếng cho con và cho cả gia đình.

Là một người phụ nữ lam lũ vất vả, với người chồng suốt ngày uống rượu và chửi mắng vợ con, mẹ Di hiểu thấu hiểu được nỗi khổ nếu con gái lấy chồng sớm. Nhưng bà cũng không ngăn cấm Di, bà để Di tự quyết định.

Nhân vật Di và Vàng trong bộ phim. Ảnh: Fanpage Children of the Mist

Mẹ Di là một trong những nhân vật xuất hiện nhiều nhất phim, một người phụ nữ sống trong những tập tục cũ, thấu hiểu cái ngặt nghèo và thiệt thòi khi đón nhận tập tục ấy, nhưng lại không dám phản kháng lại, càng không dám đi ngược lại những gì đã trở thành "cái nếp".

Ngoài mẹ Di, người chứng kiến câu chuyện từ đầu đến cuối là đạo diễn Hà Lệ Diễm. Khán giả có thể cảm nhận được sự bất lực của nữ đạo diễn khi Di bị nhà trai kéo đi, Di cầu cứu nhưng chị không làm gì được. Đạo diễn Hà Lệ Diễm ý thức được mình là người kể chuyện và không có quyền can thiệp. Điều duy nhất chị Diễm có thể làm là cầu cứu mẹ Di, một chi tiết thật đáng giá của bộ phim.

Xuyên suốt bộ phim, đạo diễn Hà Lệ Diễm tương tác với Di rất nhiều qua các đoạn hội thoại, qua những lúc chị giận hờn Di khi Di làm những việc không hề suy nghĩ đến hậu quả. Không đơn thuần là kể lại về tuổi thơ và sự chuyển biến của Di trong quá trình lớn lên, bộ phim đã nói hộ cả những suy nghĩ của người phụ nữ trong cuộc, và ngoài cuộc, và có lẽ còn là suy nghĩ của những khán giả đến thưởng thức bộ phim.

Di bỏ chạy vào nhà khi gia đình Vàng sang “bắt vợ: Ảnh: Fanpage Children of the Mist

Những "hủ tục" chưa bao giờ cũ

 Trên tinh thần chỉ kể chuyện và không phán xét bất cứ điều gì, đạo diễn Hà Lệ Diễm đem đến cho khán giả những thước phim chân thực nhất về cuộc sống của một bé gái người H’mong. Khi sống trong một  môi trường xung quanh tất cả mọi người đều làm theo một thứ gọi là phong tục thì họ không nhận thức được đó là những việc làm không đúng đắn, trái với pháp luật và đạo đức.

“Kéo vợ” là một nét văn hóa của một số đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Nhưng trong nhiều trường hợp, một vài cá nhân lợi dụng tập tục này để thực hiện những hành vi tiêu cực như “bắt vợ”, “cướp vợ”. Tập tục vô tình biến thành hủ tục.

Câu chuyện của Di phần nào đó thể hiện điều đó. Di quay về nhà vì không đồng ý lấy Vàng, nhưng gia đình Vàng đã bắt Di đi mặc em kêu khóc, vùng vẫy. Mãi cho đến khi mẹ Di lên tiếng, hành động cướp vợ ấy mới dừng lại.

Trong phim, Di bị nhà trai bắt đi khi mới 15 tuổi và Vàng cũng chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Chị gái Di cũng kết hôn lúc 15 tuổi, và đến năm 18 tuổi đã có 2 con nhỏ. Không chỉ chị gái Di hay Di mà vô số những cô bé cậu bé đã phải kết hôn ở độ tuổi còn rất nhỏ.

Theo kết quả khảo sát năm 2019 của UN Women, tình trạng tảo hôn ở người dân tộc thiểu số tại Việt Nam là 21,9%. Trong đó H'mong nằm trong nhóm 5 dân tộc tỉ lệ tảo hôn cao nhất. Tuổi trung bình kết hôn trong các vụ tảo hôn là 17,5 với nam và 15,8 với nữ. Tất cả các vụ tảo hôn đều xảy ra ở các khu vực miền núi, khó khăn, các hộ nghèo, hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm 2015, Thủ tướng Chính phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng Dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025". Các mục tiêu cụ thể được đề ra, giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn. Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Song, câu chuyện về tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một vấn đề nan giải. Ngay cả với nhân vật Di, em cũng không nhận thức rõ ràng được việc mình kết hôn sớm là sai quy định của pháp luật. Em quyết định không lấy Vàng vì nhận thấy gia đình Vàng có vấn đề chứ không phải do e chưa muốn lấy chồng.

Kết phim, Di lựa chọn kết hôn và sinh con khi đang học lớp 12  và cùng mẹ ruột mở một tiệm bán thổ cẩm. Cái kết vừa khiến ta thấy nhẹ nhõm cho tương lai bớt đi sương mù của Di, nhưng vẫn dôi dư lo lắng cho số phận của những cô bé dân tộc như Di trước đây, thiếu hiểu biết về tương lai của mình, và vô tình tiếp tay cho "hủ tục" tồn tại mãi mãi...

Hoàng Thu Thủy
.
.
.