Khoác áo mới cho tranh dân gian

Thứ Hai, 16/11/2020, 11:26
Trước nguy cơ mai một của các dòng tranh dân gian truyền thống, nhiều nghệ sĩ trẻ đã nỗ lực sáng tạo, làm mới để đưa tranh dân gian vào trong đời sống đương đại, khoác cho nó một chiếc áo mới. Đó cũng là xu hướng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong dòng chảy đương đại.


Mới đây nhất, tại đình Nam Hương trên phố Hàng Trống, triển lãm “Từ truyền thống tới truyền thống” đã khai mạc. Lấy cảm hứng sáng tạo từ dòng tranh dân gian Hàng Trống từng xuất hiện và dần mai một ngay trên chính con phố Hàng Trống vốn thuộc huyện Thọ Xương xưa kia, dự án "Từ truyền thống tới truyền thống" là một nỗ lực đối thoại và viết tiếp giá trị từ dòng tranh truyền thống bằng những chất liệu truyền thống khác trong nền Hội hoạ Việt Nam đó là chất liệu sơn mài và lụa.

Dự án là một cơ hội để nhóm sinh viên được tuyển chọn từ chuyên ngành sơn mài và lụa thuộc Khoa Hội hoạ trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam có thể tiếp xúc trao đổi và học hỏi từ kỹ thuật tới tình yêu nghề, yêu văn hoá bản sắc bản địa từ nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống - nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Trong vòng 1 tháng, các sinh viên tham gia dự án đã có cơ hội tiếp thu khám phá trực tiếp từ những trải nghiệm thực tế với nghệ nhân Lê Đình Nghiên cũng như đề xuất những phương án sáng tạo tiếp các tác phẩm lấy cảm hứng từ chính dòng tranh Hàng Trống cũng như có thể tương tác ngay với chính không gian ngôi Đình Nam Hương toạ lạc trên phố Hàng Trống. Mỗi tác phẩm trưng bày lần này là những phương án ứng tác, từ những tác phẩm mang xu hướng thiết kế cho đến những tác phẩm mang tính thử nghiệm có khả năng tương tác cao chứa đựng những suy tư về giá trị di sản của văn hoá truyền thống trong đời sống hiện đại.

Tác phẩm “Cõi nhân gian”, chất liệu vàng lá, bạc lá tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng trên toan của họa sĩ Bùi Thanh Tâm.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển của dự  án chia sẻ: “Hi vọng với thời gian trưng bày gần 2 tháng (30/10 - 20/12), cuộc trưng bày lần này sẽ có thể kích thích sự quan tâm của giới trẻ cũng như của cộng đồng trước những vấn đề sống còn của các giá trị di sản văn hoá nói chung cũng như của nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống nói riêng. Đồng thời cũng khơi gợi tình yêu và sự trân quý các di sản văn hoá truyền thống không những của Việt Nam mà của của các nền văn hoá khác dân tộc khác, khi phần tiếp theo của dự án sẽ kết nối di sản văn hoá của tranh khắc gỗ truyền thống Nhật Bản tiếp tục được ứng tác với chất liệu truyền thống sơn mài và lụa trong nền Hội hoạ Việt Nam sẽ diễn ra vào năm sau.

Cuộc trưng bày lần này cũng là dịp để cổ vũ và tôn vinh những sáng tạo cá nhân của những sinh viên, những nghệ sỹ trẻ trên con đường sáng tác độc lập phía trước luôn quan tâm đến các giá trị di sản văn hoá truyền thống, văn hoá bản địa để đưa vào các thực hành nghệ thuật, viết tiếp nên những giá trị sáng tạo mới, cũng là một cách bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản một cách có tính sáng tạo hơn. 

Có thể nói, “Từ truyền thống tới truyền thống” là sợi dây gắn kết những điều xưa cũ, một đầu là dòng tranh Hàng Trống đang dần bị mai một, đầu còn lại là lụa, sơn mài những chất liệu truyền thống tiêu biểu của hội họa Việt Nam. Đến tham quan triển lãm, người xem sẽ dễ dàng nhận ra những đường nét thân quen của dòng tranh Hàng Trống, nhưng được thể hiện theo một cách hoàn toàn mới mẻ, trẻ trung và sáng tạo. Bên cạnh những tác phẩm vẽ lại nguyên tác của tranh Hàng Trống, nhiều họa sĩ chỉ dùng họa tiết của dòng tranh này để sáng tạo theo một cách hoàn toàn mới mẻ, trẻ trung.

Các tác phẩm được lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống.

Đó là “Trong vườn hoa Hàng Trống” của tác giả Nguyễn Trang - sinh viên năm cuối Trường Đại học Mỹ thuật. Chị tái hiện lại những cỏ cây, hoa lá, chim muông từng xuất hiện trong các bức tranh Hàng Trống bằng chất liệu sơn mài. Rõ ràng “Từ truyền thống tới truyền thống” đã mở ra một hướng tiếp cận mới cho việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

2.Cũng trong mạch cảm xúc trở về với cội nguồn, với gốc rễ truyền thống để sáng tạo, họa sĩ Bùi Thanh Tâm - một trong những họa sĩ có tranh bán đắt nhất hiện nay, trình làng một bộ tranh ấn tượng “Không có gì ở đằng sau”. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn của tranh dân gian đối với các họa sĩ. Tuy nhiên, lựa chọn của họa sĩ Bùi Thanh Tâm đối với các chất liệu dân gian giờ đây không còn đơn giản chỉ là sự hoài niệm về nghệ thuật truyền thống hay niềm khích lệ cho sự giữ gìn, phát triển nghệ thuật dân gian nữa.

Họa sĩ Bùi Thanh Tâm chia sẻ: “Những làng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, tranh thờ Kim Hoàng (còn gọi là tranh đồ họa in khắc) hay các làng nghề thủ công truyền thống làm vàng, bạc… đã có từ lâu đời trong dòng chảy văn hóa Việt, trở thành những biểu tượng văn hoá dân gian của người Việt. Tôi, một họa sĩ Việt, thực hành việc chắp ghép tất cả những tinh tuý, đặc sắc mà các nghệ nhân dân gian nhiều đời gìn giữ, phát triển, đưa chúng vào “một định dạng mới” trong dòng chảy của nghệ thuật đương đại Việt”.

Bùi Thanh Tâm phát triển việc thực hành cảm hứng từ các dòng tranh dân gian truyền thống Việt Nam bằng cách cũng làm tranh bằng các phương pháp thủ công. Sử dụng, phát huy tính thủ công của nghệ nhân vàng bạc, nghệ nhân dân gian in khắc vẽ tay... kết hợp tất cả lại với nhau, biến những kỹ thuật vốn chỉ là dân gian cổ xưa trở thành nghệ thuật đương đại.

Nhà sưu tầm tranh dân gian Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ: “Tôi muốn qua tác phẩm của Tâm, tranh dân gian có một đời sống khác, không chỉ bán vào dịp Tết mà còn vươn ra tầm thế giới. Các nhà sưu tập khi tìm hiểu về tranh dân gian, mặc dù thể hiện đề tài đương đại và tranh dân gian có thể tiếp cận với thế giới bằng một ngôn ngữ khác chứ không chỉ là các giá trị đóng khung. Những nước tôi đã đi như Ấn Độ, Ai Cập, tranh dân gian của họ rất phát triển và họ làm du lịch rất tốt”.

Một tác phẩm của họa sĩ Bùi Thanh Tâm.
Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm.

 Còn Bùi Thanh Tâm thì cho rằng: “Tôi đi nhiều nơi trên thế giới và thấy rằng tranh của các họa sĩ châu Á, đặc biệt dòng tranh Phật giáo ở Ấn Độ, tranh của các họa sĩ châu Phi, Indonesia, Nhật Bản đều rất đắt giá. Họ đều là những người khai thác quốc hồn, quốc túy của dân tộc, tranh của họ mang đậm tinh thần văn hóa của vùng miền. Các họa sĩ quay trở về với nguồn cội để làm ra cái mới cho thế giới. Vậy tại sao chúng ta không khai thác điều đó?”. Rõ ràng, mỗi họa sĩ có một cách tiếp cận khác nhau, nhưng họ đều tìm về các giá trị truyền thống để khai thác và thổi cho nó một hơi thở mới của đương đại, mang đậm dấu ấn sáng tạo của cá nhân.

Cuộc sống đã thay đổi, chúng ta không thể bê nguyên dòng tranh dân gian vào đời sống hôm nay và tiếc nuối, vì sao nó không được ưa chuộng, vì sao nó cứ mai một dần. Thay vì bảo tồn, các nghệ sĩ đã mạnh dạn biến truyền thống thành chất liệu để khai thác và nói tiếng nói của thời đại.

Đó là cách để truyền thống vẫn hiện diện trong đời sống hôm nay và cũng là con đường cho các nghệ sĩ phát triển và định vị mình. Nói như họa sĩ Bùi Thanh Tâm, anh muốn cho thế giới biết, ở một vùng xinh đẹp của Đông Nam Á, có một dòng tranh dân gian đáng yêu, đặc sắc và người nghệ sĩ biết sử dụng tinh hoa đó vào tranh đương đại. “Tôi muốn nhắc nhở rằng, chúng ta luôn phải gìn giữ văn hóa truyền thống”.

Còn với các họa sĩ trẻ, mong ước của họ giản dị hơn, trước khi đi ra được thế giới, dòng tranh đó sẽ được hồi sinh ở trong nước mạnh mẽ hơn, được nhiều người trẻ biết đến hơn. Sự lan tỏa đó sẽ góp phần làm nên sức sống của tranh dân gian Việt Nam.

Linh Nguyễn
.
.
.