Kiểm duyệt phim truyền hình: Giới hạn thế nào là vừa đủ?

Thứ Bảy, 21/07/2018, 23:46
Cách đây vài năm, việc kiểm duyệt phim truyền hình khá khắt khe, cứ sex và bạo lực là cấm khiến nhiều nhà sản xuất dở khóc dở cười. Nhưng thời gian gần đây, cảnh nóng, bạo lực trở thành một “gia vị” không thể thiếu trên phim truyền hình. Nhiều người cho rằng, phải chăng hội đồng kiểm duyệt đang buông lỏng phim truyền hình?


Nới lỏng đến mức nào?

Mới đây nhất, bộ phim “Quỳnh Búp bê” mới phát sóng những tập đầu tiên đã phải dừng lại vì nhiều cảnh sex và bạo lực. Theo thông tin mới nhất từ nhà đài, chưa có lịch chiếu lại phim “Quỳnh Búp bê”.

Trước đó, từ năm 2016, 2017, phim truyền hình nở rộ với nhiều bộ phim gây chú ý dư luận như “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Thương nhớ ở ai”, “Hoa cỏ may”…

Khán giả vẫn chờ đợi những bộ phim hay như “Ma làng”

Tuy nhiên, bên cạnh thành công về chất lượng và sự thu hút khán giả, người xem cũng nhận thấy sự dễ dãi trong việc kiểm duyệt những cảnh nóng, bạo lực, chưa phù hợp với số đông khán giả, nhất là trẻ em khi các phim này đều phát sóng trên giờ vàng của VTV.

Còn nhớ, trước đó dăm năm, phim truyền hình Việt kiểm duyệt khá chặt chẽ, nhiều bộ phim có cảnh nóng đã không lọt qua được cửa kiểm duyệt, bị yêu cầu cắt bỏ trước khi chiếu.

Nhiều nhà sản xuất dở khóc dở cười trước sự can thiệp “mạnh tay” của hội đồng kiểm duyệt phim. Vài năm trở lại đây, sự nở rộ của phim truyền hình Việt cũng đồng thời đi liền với việc kiểm duyệt được nới lỏng.

Về mặt nghề nghiệp, kiểm duyệt quá chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến nội dung tác phẩm và hạn chế sự sáng tạo của nghệ sĩ. Nhưng nếu nới lỏng, với một nền điện ảnh còn non trẻ như Việt Nam thì chắc chắn ranh giới giữa nghệ thuật và sự thô thiển, phản cảm sẽ rất mong manh.

Phim “Người phán xử”, được chiếu vào “giờ gia đình”, rất hấp dẫn và thu hút khán giả quay lại với phim truyền hình Việt Nam, nhưng phim lại có nhiều cảnh bạo lực như giang hồ bị ông trùm Phan Quân xử chặt ngón tay, cảnh đấu súng nghẹt thở, buôn bán ma túy...

Rõ ràng những phân cảnh bạo lực này sẽ ảnh hưởng không tốt đối với trẻ em. Chắc hẳn, chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện gây sốt cộng đồng mạng về một cậu bé khóc nức nở khi ông trùm Phan Quân bị bắt đi tù. Đặc biệt phim “Người phán xử ngoại truyện” phát hành online đã lạm dụng tối đa cảnh bạo lực, máu chảy khiến cộng đồng lên tiếng phản đối.

Còn phim “Sống chung với mẹ chồng” và “Thương nhớ ở ai” cũng phải đón nhận nhiều chỉ trích từ khán giả khi bị cho là quá “nóng” ở một số phân cảnh và không phù hợp với đối tượng khán giả truyền hình.

Cụ thể, ở tập 2 của “Sống chung với mẹ chồng” có cảnh “giường chiếu” của hai nhân vật chính. Phân cảnh này bị đánh giá gây ảnh hưởng không tốt đến khán giả nhí. Phim “Thương nhớ ở ai” cũng đón nhận những chỉ trích từ người xem khi các nữ diễn viên vô tư mặc áo yếm không có nội y.

Nhưng, “Sống chung với mẹ chồng” và “Thương nhớ ở ai”, nếu nói về cảnh nóng thì chưa thấm vào đâu so với “Mộng phù hoa”, được coi là phát súng khơi mào cho những bộ phim ngập tràn cảnh nhạy cảm của VTV nửa đầu năm nay.

Phim lấy cảm hứng từ giai đoạn có thật trong cuộc đời của một kỹ nữ nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn những năm 30-40 của thế kỷ XX. Và cảnh nóng là một “gia vị” không thể thiếu của “Mộng phù hoa”.

Mới đây nhất, phim “Quỳnh Búp bê”, một bộ phim được khán giả kỳ vọng nhưng ngay từ những tập đầu tiên, “Quỳnh Búp bê” đã tạo nên một làn sóng tranh cãi bởi quá nhiều cảnh nóng, bạo lực, nhạy cảm.

Dù dán nhãn 18+ nhưng “Quỳnh Búp bê” vẫn tạm dừng phát sóng.

Chính vì điều này mà phim bị gắn mác 18+, đây là điều mà chưa phim truyền hình nào vướng phải. Tuy bị gắn mác, nhưng hiện tại “Quỳnh Búp bê” đang tạm dừng chiếu và người hâm mộ thì đang “phát sốt” chờ thông tin chính xác từ phía nhà đài.

Rõ ràng, thời gian gần đây, cảnh nóng, bạo lực đang bị lạm dụng quá đà trên phim truyền hình. Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: “Trước đây, việc kiểm duyệt phim truyền hình khá chặt chẽ, chúng tôi xem và duyệt từng tập xem có phù hợp với văn hóa Việt Nam không. Tuy nhiên, kiểm duyệt chặt quá cũng sẽ gây khó dễ cho các đạo diễn và nhà sản xuất.

Thời gian gần đây, việc kiểm duyệt được nới lỏng nên có nhiều cảnh nóng, bạo lực vẫn lọt để phát sóng. Tôi cho rằng, nên kiểm duyệt từ kịch bản, và có nên chăng, nên dán nhãn cho phim truyền hình thay vì việc cắt gọt các cảnh, vì nó sẽ ảnh hưởng đến nội dung”.

Còn nhà văn Chu Thơm cho biết, tại Thông tư 09 Quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in và xuất bản phẩm ra ngày 23/6/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ở điều 16 ghi: “Đối với phát thanh, truyền hình, nội dung cảnh báo phải được thể hiện ngay trước khi bắt đầu phát sóng chương trình có nội dung cần cảnh báo. Vì vậy, nếu trên truyền hình có các phim không phù hợp với trẻ em thì cần chủ động có dòng thông báo với khán giả”.

Theo nhà văn Chu Thơm, việc cảnh báo này cũng chính là việc “dán nhãn” phim. Tuy nhiên, muốn làm được triệt để, cần phải nâng cao sự quản lý từ gia đình và bản thân ý thức của trẻ nhỏ.

Và quan trọng hơn, từ phía nhà làm phim, cũng cần có sự kiểm soát nhất định, đừng coi cảnh nóng, bạo lực như một mồi câu khách, bởi hệ lụy của phim truyền hình có tác động trực tiếp đến khán giả, đặc biệt khán giả mới lớn và nhỏ tuổi.

Câu hỏi đặt ra là, ngoài việc nới lỏng kiểm duyệt phim từ phía nhà đài, thì đề tài cũng là một vấn đề đáng bàn, bởi chính các đề tài thành thị, tranh giành quyền lực, của cải, tình yêu  là “đất dụng võ” cho cảnh nóng, bạo lực.

Lạm dụng đề tài thành thị

Trong một cuộc trò chuyện với đạo diễn Lưu Trọng Ninh khi bộ phim “Thương nhớ ở ai” đang phát sóng trên truyền hình và nhận được sự phản hồi tích cực của khán giả, ông thẳng thắn cho rằng: “Hiện nay, phim truyền hình Việt nam đang lạm dụng nhiều đề tài phố, cuộc sống xa hoa nơi phố thị. Nhiều bộ phim khá xa lạ với đời sống của người dân khi phần lớn dân Việt là nông dân. Chúng ta đang thiếu những bộ phim hay, ám ảnh về làng quê Việt Nam, về những đề tài thân thuộc của người nông dân, sự biến đổi của làng quê từ làng lên phố…”.

Chính những thước phim thu hút đông đảo khán giả vẫn là những thước phim về làng quê như “Bí thư Tỉnh ủy”, “Bão qua làng”, “Ma làng”, “Đất và người”, và nó góp phần làm nên diện mạo của phim truyền hình Việt Nam.

Thế nhưng, có thể theo trào lưu, hai năm gần đây, phim truyền hình nở rộ các đề tài phố, tội phạm, về tình yêu. Đó cũng là mảng màu hấp dẫn của đời sống đô thị, nhưng có vẻ như nó đang bị lạm dụng và quá đà.

Bởi đề tài đô thị hấp dẫn và nhiều yếu tố câu khách. Nhưng ai cũng hiểu, phim truyền hình có lượng khán giả đông, phổ biến, vì thế, sự tác động của phim truyền hình đến giới trẻ khá lớn.

Chúng ta có thể điểm mặt đặt tên một số phim như “Cả một đời ân oán” được mua lại kịch bản hot nhất châu Á, dàn diễn viên đẹp và những công nghệ làm phim mới nhất, để lại khai thác vấn đề của các gia đình dưới khía cạnh kiểu mẫu với lối sống tài nam, mỹ nữ, trong những ngôi biệt thự, siêu xe, xuất thân không giám đốc nọ cũng chủ tịch kia… hoàn toàn không tạo được đồng cảm với khán giả ở một đất nước nông nghiệp đang phát triển, với đa số dân là người lao động bình dân.

Còn bộ phim “Mộng phù hoa” là chuyện ăn chơi đàng điếm của gái làng chơi và hội công tử nửa mùa. Không thấy nhân vật nữ chính thông minh và vươn lên ở đâu, chỉ thấy cô chơi bạc ngày một hăng và giường chiếu ngày một điệu nghệ. Đó cũng là những bộ phim mà cảnh nóng và bạo lực bị lạm dụng quá đà.

Sau “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng” có sức hấp dẫn và lôi cuốn, thì các series khác của phim truyền hình đều na ná nhau, hoặc biến tấu các đề tài cũ, xa lạ với phần lớn đời sống của người dân Việt Nam.

Trong một bài viết nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngành điện ảnh, nhà phê bình điện ảnh Thiên Sơn đã thốt lên rằng: “Đề tài nông thôn có một vị trí quan trọng trong sáng tác của các nhà điện ảnh và đã để lại những bộ phim đi vào lòng người, để lại những ấn tượng sâu sắc.

Một cảnh trong phim “Cả một đời ân oán”.

Tuy vậy, trong những năm gần đây, thực tế ở nông thôn có nhiều biến đổi dữ dội mà chưa được các nhà điện ảnh nắm bắt và thể hiện. Cuộc sống đang viết tiếp những câu chuyện sinh động, đôi khi kỳ thú đến lạ lùng, đòi hỏi các nhà điện ảnh tiếp tục khám phá, tái hiện.

Những vùng thôn dã, những phận người đang chìm lấp sau những làng nghèo, những cánh đồng ngập nước ấy… có thể là một thế giới mở ra cánh cửa của sự sáng tạo chân chính và là chiếc nôi nuôi dưỡng những tài năng đích thực phụng sự cho cuộc đời”. 

Khán giả vẫn cần những thước phim sâu sắc, chạm đến những vấn đề trăn trở của đời sống. Phim truyền hình cần đa dạng về đề tài, bám sát hơn nữa đời sống của người Việt, chứ không vì thị hiếu của một bộ phận khán giả hay áp lực câu view mà chạy theo những thứ ăn xổi như chuyện yêu đương, cảnh nóng, bạo lực.

Bởi ai cũng hiểu, một bộ phim hay, xúc động, nó có tác động không nhỏ đến đời sống tinh thần của mỗi người như thế nào. Và khán giả của phim truyền hình rất đa dạng, nhiều lứa tuổi, rất cần sự đầu tư kỹ lưỡng về nội dung cho một bộ phim khi lên sóng truyền hình trước khi tính đến bài toán doanh thu và lợi nhuận.

Lan Tường
.
.
.