Abramovich, người viết lại lịch sử Chelsea
Danh hiệu Premier League mùa này là chức vô địch quốc gia lần thứ 5 trong lịch sử 110 năm tồn tại của Chelsea. Và 4/5 chiến tích ấy đến sau năm 2003, thời điểm mà vị tỷ phú người Nga mua lại quyền sở hữu của The Blues.
Roman Abramovich, nhà đầu tư bí ẩn
Vặn ngược đồng hồ trở lại thời điểm Roman Abramovich lần đầu xuất hiện tại sân Stamford Bridge với tư cách là ông chủ của Chelsea. Đó là một sự kiện khiến giới truyền thông phải ngỡ ngàng. Bởi trước đó chẳng ai biết Abramovich là ai, người ta cũng không biết nhà tài phiệt Nga này mua lại Chelsea nhằm mục đích gì. Chỉ quanh chuyện tại sao Abramovich lại trở thành ông chủ của Chelsea cũng đã có vô số lời đồn đoán.
Kẻ theo thuyết âm mưu thì cho rằng Abramovich muốn rửa tiền và gây dựng cơ sở bên ngoài nước Nga phòng khi có biến. Ý kiến chân phương hơn thì là Abramovich mua Chelsea nhằm đánh bóng tên tuổi. Đội bóng Anh giống như một thứ đồ trang sức đặc biệt, một tấm vé thông hành để Abramovich khi ấy chưa nổi tiếng bước vào thế giới thượng lưu... Càng đáng nói hơn trước cơn bão thông tin ấy, Abramovich chỉ im lặng.
Ông không giải thích, không lên tiếng và luôn từ chối phỏng vấn. Điều đó càng làm cho Abramovich trở nên bí hiểm trong mắt người Anh vốn rất ưa thích những thông tin lá cải. Cũng chính vì không nắm rõ động cơ Abramovich rót tiền vào Chelsea làm gì, nên rất nhiều người đã lo cho tương lai, số phận của đội chủ sân Stamford Bridge.
Họ lo ngại rằng, khi Abramovich rút đi, hoặc chán thú chơi bóng đá, Chelsea sẽ bị rút ống thở. CLB này có thể ngập trong những khó khăn về tài chính, thậm chí là phá sản giống như tấm gương của nhiều đại diện Serie A trước đây. Thế nhưng, phải rất lâu sau đám đông mới hiểu rõ hơn về con người Abramovich.
Nhà tài phiệt không biết ăn nói
Phải mãi tới năm 2012, công chúng Anh mới lần đầu tiên được nghe ông chủ của Chelsea lên tiếng. Đấy là trong một phiên tòa tại London, xử vụ tranh chấp với cựu đối tác Boris Berezovsky. "Tôi không bao giờ có những phát biểu công khai nào, hoặc ít nhất tôi luôn cố gắng kiệm lời vì biết mình không giỏi về khoản đó. Tôi lo lắng và gần như quên hết điều mình định nói. Tôi không thể truyền tải logic và suy nghĩ của mình tới phóng viên và giới truyền thông, thế nên tôi không có ý định làm điều đó. Tôi cũng giỏi khoản lưu giữ thông tin", Abramovich đã trần tình như thế trong phiên tòa trị giá 6,5 tỷ USD.
Những lời lẽ này của Abramovich thực sự khiến tất cả phải bất ngờ. Bởi rõ ràng chẳng ai có thể tưởng tượng được một nhà tài phiệt lừng lẫy, luôn được bảo vệ tận răng giống như một ông trùm lại là người "ăn không nên đọi, nói không nên lời". Abramovich có thể không giỏi về mặt ăn nói, nhưng về những phi vụ làm ăn có lẽ không nhiều người có thể so sánh với tỷ phú 48 tuổi này.
Abramovich là một người Nga gốc Do Thái. Ông đã trải qua một tuổi thơ đầy sóng gió, mồ côi cả cha lẫn mẹ từ rất sớm. Abramovich mất mẹ khi mới 18 tháng tuổi. Cha ông cũng chết trong một vụ tai nạn tại công trường xây dựng khi ông vừa lên bốn. Abramovich được một người chú nuôi dưỡng tại Komi và sau này ông được bà nuôi tại Moskva. Cuộc sống thơ ấu của Abramovich được mô tả là khó khăn và khắt khe.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Abramovich vào học tại trường học viện công nghiệp Ukhta, ngôi trường không đủ thanh thế để cho phép ông được miễn trừ nghĩa vụ quân sự. Hệ quả đến tận năm 2000, Abramovich mới chính thức có được tấm bằng đại học. Thời kì Abramovich giải ngũ cũng là thời kì có nhiều biến động ở Nga, các công ty tư nhân vốn bị cho là phạm pháp trước đây nay được phép hoạt động.
Abramovich khởi nghiệp với một công ty sản xuất búp bê có tên là Uyut. Nhưng bước ngoặt trong sự nghiệp của Abramovich chỉ thực sự đến khi Chính phủ của Yeltsin đem bán rẻ các tài sản quốc gia của Nga nhằm phục vụ cho hoạt động tranh cử của mình khoảng giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước .
Ông trở thành người nắm đa số cổ phần trong Sibneft, một công ty dầu mỏ lớn. Sau đó ông tiếp tục mua các công ty nhôm từ các nhà đầu tư tư nhân và sáp nhập chúng vào công ty kim loại Oleg Deripaska hình thành nên RUSAL (Công ty nhôm Nga), công ty sản xuất nhôm lớn thứ hai thế giới. Abramovich và cộng sự có được một nửa số cổ phần của mình trong Sibneft thông qua cái gọi là chương trình "đổi nợ lấy cổ phần".
Trong đó số tiền thế chấp của nhà nước và sau này là các cổ phần được bán ra trong nhiều doanh nghiệp lớn được đổi lấy các khoản vay nợ của chính phủ. Nửa số cổ phần còn lại của công ty được tư nhân hóa thông qua hàng loạt các phiên bán đấu giá. Với việc thông qua hoạt động xã hội hóa mua được vốn nhà nước thấp dưới giá trị thật nhiều lần đã giúp Abramovich vươn lên trở thành nhà tài phiệt hàng đầu nước Nga, khi còn rất trẻ.
Tháng 3/2006, ông được tạp chí Forbes xếp hạng là người giàu nhất nước Nga, người giàu thứ hai tại Anh và đứng thứ 11 trên thế giới với ước tính tài sản 18,2 tỉ USD. Tất cả những người xếp trên ông trong bảng xếp hạng đều ít nhất lớn hơn ông 10 tuổi. Còn theo cập nhật mới nhất của Forbes năm 2015 thì tổng giá trị tài sản của Abramovich đang là 9,1 tỉ USD, đứng thứ 12 trong số những người giàu nhất nước Nga và xếp hạng 137 trong số các tỷ phú trên thế giới.
Bóng đá là tình yêu
Dù tài sản của Abramovich đã giảm đi đúng 1 nửa chỉ trong vòng 9 năm. Nhưng người ta thấy sự quan tâm của ông chủ người Nga dành cho Chelsea vẫn không hề thay đổi. Những đồng đô la vẫn được đổ ra đều đặn để tăng cường lực lượng. Còn hình ảnh Abramovich xuất hiện trên khu VIP, ăn mừng những chiến thắng của đội nhà đã trở thành khuôn hình quen thuộc trong những trận đấu của Chelsea tại Stamford Bridge.
Theo tiết lộ của những người thân cận Abramovich, nếu không có cuộc hẹn nào, cũng không phải vắt óc suy nghĩ về những diễn biến tiếp theo trong nền kinh tế Nga, Abramovich sẽ thư giãn bằng thú xem bóng đá trong căn nhà có 12 chiếc TV, phát hình 12 trận đấu khác nhau tại Belgravia (London).
Bóng đá với Abramovich đơn giản là tình yêu. Chỉ có nó mới giúp Abramovich thư thái, thoải mái. Chắc chắn giờ đây chẳng ai còn lo lắng với viển cảnh Abramovich chỉ coi Chelsea là một thứ đồ chơi, có thể bị vứt bỏ bất cứ lúc nào. Ngược lại, sau tất cả những gì đã diễn ra dưới kỷ nguyên Abramovich hẳn các CĐV của Chelsea sẽ phải cảm thấy may mắn, hạnh phúc vì có được một ông chủ như nhà tỷ phú người Nga.
Nhất là khi, Abramovich đã bắt đầu gây dựng cho Chelsea trở thành một doanh nghiệp thực sự, có thể tự nuôi sống chính mình, thay vì sống dựa hoàn toàn vào hầu bao của ông chủ. Theo báo cáo của Chelsea, CLB này đã đạt mức lãi kỷ lục 18 triệu Bảng trong năm tài chính năm ngoái (tính đến tháng 6/2014).
Năm nay, với việc đứng ngoài kì chuyển nhượng mùa Đông, Chelsea nhiều khả năng sẽ lại có một mùa giải làm ăn có lãi nữa. Đây là điều chưa từng xảy ra kể từ khi Abramovich lên nắm quyền. Nó báo hiệu một tương lai đầy tươi sáng cho The Blues. Đừng ngạc nhiên Chelsea sẽ còn viết thêm nhiều chương mới trong cuốn biên niên sử của CLB với người dẫn đường Roman Abramovich!
Abramovich được bảo vệ hơn nguyên thủ Làm giàu nhờ giai đoạn nhiễu nhương thời hậu Xôviết, đồng thời còn từng làm Thống đốc khu tự trị Chukotka từ năm 2002 đến 2008, nên có thể hiểu được tại sao Abramovich rất quan tâm đến vấn đề an toàn của bản thân. Tỷ phú người Nga sở hữu một đội vệ sỹ lên tới 40 người. Chi phí duy trì đội an ninh này mỗi năm là 2 triệu USD. Mỗi khi ra nước ngoài, ông lại bổ sung thêm người bảo vệ như khi đến Pháp, đi kèm với đội vệ sĩ riêng còn có 4 tay súng thiện xạ trang bị súng ngắn Glock 9 ly. Mỗi lần về Nga, ông thường sử dụng cả các cựu quân nhân nước này. Trong những buổi tiệc xa xỉ được Abramovich tổ chức thì an ninh luôn được thắt chặt đến mức tối đa, để đảm bảo chỉ những vị khách nào có tên trong danh sách khách mời mới được tham dự. Abramovich, một nhà lãnh đạo "mát tay" Người ta thường chỉ biết đến Abramovich với tư cách là một tỷ phú, một tay chơi khét tiếng, nhưng bên cạnh đó nhà tài phiệt này còn cho thấy mình là một nhà lãnh đạo tuyệt vời. Theo đánh giá của hãng tin RIA Novosti, trong giai đoạn Abramovich làm thống đốc, Chukotka từ một địa phương lạc hậu đã phát triển vượt bậc. Thu nhập tính theo đầu người của dân trong vùng từ hơn 4,7 nghìn rúp năm 2000 đã đạt con số 24,3 nghìn rúp, đứng thứ tư trong nước Nga, sau Moscow và hai khu tự trị Nenetsky và Yamalo-Nenetsky. Chỉ số thu nhập đó cũng gấp đôi chỉ số trung bình toàn khu vực Viễn Đông. Số dân có thu nhập dưới mức sống tối thiểu từ năm 2000 tới năm 2006 đã giảm từ 50% xuống còn 13%. Vốn đầu tư cơ bản của vùng đã tăng từ 701 triệu rúp năm 2002 lên đến gần 5 tỷ rúp đầu năm 2007. Xuất khẩu tăng từ 300 nghìn USD lên 112 triệu USD sau 6 năm đầu tiên trong nhiệm kỳ thống đốc của Abramovich. Còn đầu tư vào xây dựng tăng từ 153 triệu lên 1,3 tỷ rúp. |