Xã hội hóa sân khấu: Đường xa gian nan

Thứ Tư, 21/11/2018, 15:17
Xã hội hóa sân khấu trong gần một thập kỷ qua được xem là con đường tất yếu, là cái phao cứu sinh cho sân khấu. Phong trào xã hội hóa sân khấu rầm rộ nhất phải nói là ở TP HCM. Những thành công đáng kể nhất của sân khấu xã hội hóa cũng ở địa phương này.


Đi sau, nhưng Thủ đô Hà Nội cũng có nhiều nỗ lực trong công tác xã hội hóa. Nhiều hội thảo đã tổ chức, nhiều mô hình xã hội hóa đã được xây dựng lên. Tuy nhiên, xã hội hóa sân khấu hiện nay đang rơi vào tình trạng bế tắc. 

Cụ thể, nhiều sân khấu ở TP. Hồ Chí Minh đã phải tạm dừng hoạt động, còn phía Bắc thì một vài đơn vị xã hội hóa cũng hoạt động nhỏ lẻ, cầm chừng, không biết được bao lâu. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Nhiều địa chỉ xã hội hóa tạm dừng hoạt động

Giới mộ điệu sân khấu ở thành phố Hồ Chí Minh không khỏi hụt hẫng khi không ít địa chỉ nhà hát đang phải treo biển tạm ngừng hoạt động, tắt đèn chờ nâng cấp, sửa chữa và thay đổi. Nguyên do là các tụ điểm sân khấu này không còn đủ sức hoạt động. Số lượng khán giả mua vé cho mỗi một suất diễn quá ít, nhiều khi phải trả lại tiền vé cho người đã mua. Duy trì được các hoạt động của một tụ điểm sân khấu ngày càng trở nên khó khăn, chật vật với các nghệ sĩ, đặc biệt là những người đứng đầu. 

Sân khấu kịch “Thế giới trẻ” tạm ngưng chờ sửa chữa nâng cấp từ lâu. Kịch Hồng Vân vốn là một địa điểm nằm ở trung tâm quận Phú Nhuận, nơi từng rất đông khán giả, giờ cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Công chúng từng hào hứng với sân khấu kịch Minh Nhí - Quốc Thảo thời điểm ra mắt, nhưng địa chỉ này giờ cũng chỉ hoạt động thưa thớt. 

Sân khấu kịch Sài Gòn, nơi từ lâu đã trung thành với dòng kịch ma mị, kinh dị cũng không còn mấy hấp dẫn, vì khán giả dường như đã bão hòa, không còn lạ lẫm với thể loại kịch này. Hồng Hạc vốn là một địa chỉ sân khấu chuyên về các vở diễn kinh điển, học thuật, cũng trong cảnh tương tự, ngày càng ít người mua vé. Ngay đến một sân khấu nổi tiếng bậc nhất của TP Hồ Chí Minh là 5B cũng đã đóng cửa chờ sửa chữa, nâng cấp.

Các nghệ sĩ trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ.

Trước đây, nói đến TP. Hồ Chí Minh là nói đến sự sôi động bậc nhất của sân khấu. Nghệ sĩ sống được bằng nghề. Mỗi năm, hàng trăm vở diễn sân khấu được dàn dựng. Khán giả đi xem kịch như một phần tất yếu của cuộc sống. Sự sôi động đó chính là nhờ vào hoạt động của các đơn vị sân khấu xã hội hóa. Khi chính những người nghệ sĩ năng động, tự kêu gọi các nhà tài trợ, các mạnh thường quân, tổ chức liên kết các nghệ sĩ lại với nhau, đứng ra cùng làm sân khấu. Đây là những điểm sáng để các đơn vị sân khấu nhà nước cần phải học hỏi, nhất là trong khâu kéo khán giả đến rạp.

Phong trào xã hội hóa sân khấu ở Hà Nội tuy không phát triển bằng TP. Hồ Chí Minh nhưng cũng đã có một số đơn vị và nghệ sĩ mạnh dạn đứng ra làm sân khấu xã hội hóa. Có thời điểm các sân khấu kịch Thủ đô hoạt động rất sôi động. Nhưng sự sôi động đó không kéo dài được bao lâu. 

Vài năm trở lại đây, việc khán giả đến với sân khấu đang bị thu hẹp dần. Đơn cử, rạp Thanh Niên 37 Trần Bình Trọng đã phải tạm dừng sau một thời gian hoạt động vì không bán được vé. Đoàn nghệ thuật Sao Việt- một đơn vị tiên phong trong xã hội hóa cũng thất bại nặng nề vì không thể dụ khán giả đến rạp. Sau 4 tháng công diễn vở đầu tiên mang tên “Quỷ ám”, tiền bán vé thu về không đủ để trả công cho nghệ sĩ cũng như thuê sân khấu biểu diễn, những người đầu tàu đành ngậm ngùi cáo lui, giã từ sự nghiệp “xã hội hóa”. 

Theo kế hoạch, các đơn vị sân khấu như Nhà hát kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Hà Nội sẽ trở thành đơn vị xã hội hóa vào năm 2010. Không biết các đơn vị nghệ thuật này triển khai đến đâu và có những “chiêu” gì mới hơn, hấp dẫn hơn để níu kéo khán giả. Còn nếu nhìn vào thực tế hiện nay, trong tình trạng ế ẩm của các sân khấu xã hội hóa, chúng ta không khỏi lo lắng, ngậm ngùi.

Cảnh trong vở “Hăm let” của Nhà hát kịch Việt Nam.

Đi tìm nguyên nhân và giải pháp

Một trong những nguyên nhân không cần phải đi tìm cũng có thể thấy, là hiện nay, sân khấu đang phải chịu áp lực vô cùng lớn trong cuộc cạnh tranh với các loại hình giải trí khác. Các show diễn âm nhạc ngày càng nhiều đang có xu hướng lấn lướt các kịch mục sân khấu. Các game show mọc lên như nấm trên truyền hình, lôi kéo khán giả ngồi trước màn hình tivi hơn là di chuyển đến nhà hát. 

Đấy là chưa kể đến, công nghệ kỹ thuật số, có thể xem mọi thứ trực tiếp trên các chương trình trực tuyến qua mạng internet cũng đã thay đổi thói quen thưởng thức văn hóa nghệ thuật của nhiều người. Chỉ với chiếc điện thoại trên tay, người ta có thể xem được rất nhiều chương trình vở diễn khác nhau, thậm chí là trực tuyến, ngay lập tức, thậm chí là miễn phí. Nguyên Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội Hoàng Dũng từng chia sẻ, ông cảm thấy bi quan vì người dân bây giờ không còn háo hức với kịch.

Tuy nhiên, các nguyên nhân khách quan nêu trên vẫn chỉ là một phần của vấn đề. Vấn đề chính ở đây vẫn là sòng phẳng nhìn lại chất lượng nghệ thuật của các đơn vị sân khấu xã hội hóa. Phải chăng, sân khấu uể oải rời cuộc chơi với khán giả là bởi đã không theo kịp khán giả? 

Một số nhà phê bình sân khấu nhận định, xã hội hóa sân khấu ở phía Bắc chưa có nhiều vở, nhiều đơn vị, chưa đúng nghĩa là một phong trào nên các hoạt động của mấy đơn vị vẫn mang tính thử nghiệm là chính. Họ mới chỉ là thăm dò khán giả, chứ chưa có một chiến lược phát triển lâu dài, chưa thực sự đầu tư lớn cho sân khấu. Ở phía Nam, sau một thời gian phát triển rực rỡ, sân khấu xã hội hóa đang đi vào thoái trào. 

Khán giả không còn mặn mà với các vở diễn vì các nghệ sĩ không chịu thay đổi, mang đến những món ăn phù hợp với khán giả theo từng thời điểm khác nhau. Xu hướng của sân khấu kịch phía Nam là thường dàn dựng những vở theo tính chất giải trí là chính. Các mảng như kịch kinh dị, kịch trinh thám, hài kịch ngày càng tỏ rõ sự tẻ nhạt, gượng gạo, ít tính hấp dẫn. Đây là lý do khiến cho tình trạng vé bán ngày càng ế ẩm, không ít đơn vị nhiều lần phải trả lại tiền vé cho khán giả vì số vé bán không đủ suất diễn.

Cảnh trong vở “Nỏ thần” của Sân khấu kịch Phú Nhuận.

Chất lượng nghệ thuật của các vở diễn giảm sút là do thiếu người tài. Có một thực tế là hiện nay, những nghệ sĩ sân khấu giỏi, thành danh phần lớn đều chuyển qua làm các công việc khác liên quan đến điện ảnh, âm nhạc. Đây là những lĩnh vực thời thượng, kiếm được nhiều tiền, có nhiều công chúng hơn. 

Số đạo diễn sân khấu trẻ bổ sung vào lực lượng ngày càng ít, trong khi đó các đạo diễn cao tuổi hoặc là đã nghỉ, hoặc quá mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng sáng tạo. Về phía các diễn viên, câu chuyện còn đáng buồn hơn. Những bạn trẻ được học hành bài bản thường tìm đường đến với âm nhạc, phim ảnh, không mấy người ở lại cùng sân khấu. Cho nên, trong các kỳ liên hoan sân khấu, đốt đuốc may ra mới tìm thấy diễn viên trẻ tài năng. 

Đến phần tác giả kịch bản thì lại càng bi quan. Hiện nay, ngành sân khấu đang thiếu thốn nghiêm trọng tác giả kịch bản. Không có kịch bản hay thì không thể có vở diễn hay, điều đó rất dễ hiểu. Với một loạt sự thiếu như vậy, sân khấu lao đao, hoạt động cầm chừng là khó tránh khỏi. 

Đạo diễn Trần Ngọc Giàu lo lắng: “Nhiều đạo diễn sân khấu kịch dựng không ra tác phẩm hoàn chỉnh, vở diễn đầy lỗi và cảm tính. Càng về sau, người dạy nghề đạo diễn càng thiếu, người học không được trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết cho nghề. 

Tôi sợ nhất là tại các game show truyền hình, các em chỉ mới dựng được một tiểu phẩm nhưng Ban giám khảo đã tung hô, khen ngợi, dùng những từ như “bái phục, khâm phục”… Chính khoảng trống hụt hẫng trong công tác đào tạo đội ngũ kế thừa suốt nhiều năm qua đã khiến cho lĩnh vực sân khấu thiếu hụt trầm trọng những đạo diễn có tay nghề, giỏi chuyên môn”.

Cảnh trong vở diễn “Sông dài” của Sân khấu Thái Thanh TP Hồ Chí Minh.

Ở góc độ quản lý, một nguyên nhân khác không thể bỏ qua, là mặc dù có chủ trương tốt cho công tác xã hội hóa trong sân khấu nhưng chúng ta vẫn thiếu một sự quy hoạch đồng bộ ở lĩnh vực này. Công tác xã hội hóa hiện vẫn là chuyện riêng của từng đơn vị, mạnh ai nấy làm. 

Không có một dấu ấn cụ thể, rõ rệt của các cơ quan chức năng, quản lý văn hóa để mỗi đơn vị có những căn cứ phù hợp để triển khai khi làm sân khấu xã hội hóa. Ví dụ, hình thức xã hội hóa mà các đơn vị sân khấu tại Hà Nội áp dụng hiện nay là tiếp cận với các doanh nghiệp, công ty để “xin” tài trợ, kiểu “được chăng hay chớ”. Việc này khó ở chỗ, không phải nghệ sĩ nào cũng giỏi đi xin tài trợ. 

Không có một quy định nào cho việc này thì nghệ sĩ khi đến doanh nghiệp vận động tài chính cũng khó mà hiệu quả. Nhiều nghệ sĩ trăn trở rằng, để làm được xã hội hóa sân khấu cần phải thay đổi nhiều giải pháp, phải có một chiến lược dài hơi hơn. Vấn đề không phải chỉ nằm ở chuyện đi xin tiền tài trợ hay bán vé, mà phải là đổi mới tư duy của người làm nghệ thuật, vốn từ lâu đã quen bao cấp sản phẩm, chưa có ý thức bán hàng, dù đó là mặt hàng đặc biệt, mang tính văn hóa, nghệ thuật… 

Bùi Xuân
.
.
.