Wimbledon 2017: Một “quan điểm” khác về quần vợt của Federer

Chủ Nhật, 09/07/2017, 14:14
Ban tổ chức giải đã đặt hàng hãng truyền hình Fox Sports đoạn TVC quảng cáo dành tặng riêng Federer nhân dịp Wimbledon 2017. Họ nói rằng trung tâm sân quần thuộc tổ hợp thể thao Hoàng gia Anh là nơi Federer thuộc về.


“Chiếc đĩa bạc thứ 8 sẽ đưa Federer lên một tầm cao mới” – đoạn clip khẳng định. Nhưng có vẻ, Federer không mấy “mặn mà” với cảm giác “lên đỉnh” dù tất nhiên, chẳng ai nói anh không muốn vô địch.

Tháng trước ở Roland Garros là lần đầu tiên trong sự nghiệp, Federer chủ động bỏ một giải Grand Slam mà không gặp bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào với thể trạng. “Bây giờ, tôi muốn thư giãn. Tôi sẽ chơi nếu tôi cảm thấy thoải mái và không áp lực. Nếu không, tôi sẽ lùi lại và tận hưởng những thú vui khác trong cuộc sống”, Federer trả lời ESPN.

Federer trên mặt sân cỏ ưa thích.

Anh từng đi ăn tối với Bill Gates, đưa vợ con sang tận Dubai để “đổi gió” ít ngày và dành nhiều ngày liền ở Budapest tìm hiểu về bộ máy vận hành của các nhà nước xã hội chủ nghĩa. Tennis chỉ là một phần trong cuộc sống, chứ không phải là tất cả.

Federer đã phát biểu trên tạp chí Esquire trước thềm Wimbledon 2017, mục tiêu lớn nhất của anh không phải là vô địch, mà là “tìm thấy niềm vui” trên mặt cỏ yêu thích. Federer không giấu giếm khát vọng đăng quang, nhưng cảm xúc của anh với thể thao đỉnh cao không còn định nghĩa bằng tham vọng bất tận. “Tôi sẽ chơi nếu thấy vui. Nếu tôi vui, tôi có thể chơi tới năm 40 tuổi. Nhưng ngày mai mà buồn và mệt mỏi, tôi sẽ nghỉ”, Federer nói.

Sở thích "tao nhã"

“Thần thái” là một đặc điểm dễ nhận ra ở Federer, và cũng chính là chìa khóa giúp Federer đi một quãng đường xa tới ngày hôm nay, “Élan, jouissance” – Tim Henman, cựu số 1 Vương quốc Anh phải dùng tới tiếng Pháp để mô tả Federer trước thềm Wimbledon 2013. “Nói về Federer, ta phải dùng loại ngôn ngữ tao nhã và trang trọng”, Henman ám chỉ thần thái làm nức lòng người của Fedex.

Tại All England Club năm ấy, ít ngày trước giải đấu lớn thứ ba trong năm, cánh săn tin thấy Djokovic bắt đầu áp dụng những cú sliding (trượt cứu bóng, vũ khí biến Djokovic thành tay vợt chuyển phòng ngự sang tấn công nhanh nhất thập kỷ).

Wimbledon 2017 có thể là giải đấu đỉnh cao cuối cùng trong sự nghiệp của Federer.

Ở một diễn biến khác, Murray vốn mạnh ở khả năng di chuyển khắp mặt sân bị bắt gặp nhồi thể lực trên những đường chạy dài hàng chục dặm từ London tới vùng ngoại ô Luton. Chưa bao giờ, tennis khốc liệt như thế.

Wimbledon 2013 là năm mà khán giả chờ đợi Grand Slam thứ 18 trong sự nghiệp của Federer trên mặt sân cỏ yêu thích. Trước giờ khởi tranh 4 ngày, Federer bấm nút khởi động công đoạn làm nóng.

Trên chiếc Cooper đời 1968, Federer và cô vợ Mirka lái xe từ trung tâm nước Anh về làng Buckleburry, hạt Berkshire. Một bữa tối đơn giản kiểu Ăng-lê kèm món tráng miệng sữa chua dâu trứ danh với gia đình nhà Carole và Michael Middleton (ông bà ngoại của George Alexander Louis, hoàng tử xứ Cambridgbe), Federer coi đó là cách tốt nhất để chuẩn bị cho sự kiện lớn.

Cảm giác của Federer về Wimbledon hay bất kỳ giải đấu nào thuộc hệ thống ATP như những gì anh mô tả là “trạng thái bình thản, khát khao đi tìm niềm vui”. “Sai lầm lớn nhất là tin vào những điều bạn thấy”, Federer cười tươi khi phóng viên tờ Telegraph tìm cách tiếp cận anh.

Trong lúc đối thủ hùng hục trên sân tập thì Federer điềm nhiên ăn bánh, uống trà, thưởng ngoạn cảnh đẹp. Vì sao vậy? Vì Federer tin rằng anh không phải một thiên tài tennis đúng nghĩa.

19 tuổi, Federer đánh bại huyền thoại Pete Sampras nhưng gần 3 năm sau, một tháng trước sinh nhật thứ 22, Federer mới có Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp. Lleyton Hewitt, Andy Roddick, và Marat Safin đều ghi danh trước tuổi 20. Rafael Nadal là quái kiệt. Federer là hoa nở muộn trong làng quần vợt.

Những dấu gạch nối đầu tiên đưa Federer tới tennis cũng không ủng hộ anh trở thành tay vợt chuyên nghiệp chứ chưa nói đến vĩ đại. Là sản phẩm của mối tình chớp nhoáng, lớn lên trong môi trường trung lưu, áp lực từ gia đình không tồn tại (ông Robert và bà Lynette gặp nhau tại một xưởng dược ở Nam Phi), Federer chỉ là đứa trẻ bình thường. Lần đầu cầm vợt, Federer đánh mãi không trúng bóng. Cậu bé 8 tuổi năm nào đập vợt, hét vào mặt bố, giận dỗi tuyệt vọng.

18 tuổi, trong trận đầu tiên ở ATP, Federer thua toàn diện trước đồng hương Marc Rosset. Tiến về phía lưới, câu đầu tiên Federer nghe từ Rosset là: “Tôi cam đoan cậu sẽ giành nhiều danh hơn bất kỳ ai”. Federer nhớ như in ánh mặt đầy châm biếm và giọng mỉa mai đặc sệt vùng nói tiếng Pháp của Rosset.

Lý tưởng đời người

Federer không “cuồng” tennis. Khoảnh khắc chạm mặt Rosset buộc anh phải xem lại “mục tiêu” đến với tennis. Những giải đấu tiếp theo, Federer hình thành tập quán xem lại băng ghi hình trận đấu của mình. Nhưng ánh mắt của Federer không hướng tới các đường bóng hay kỹ thuật vung vợt.

Tony Godsick – người đại diện lâu năm của Federer kể rằng “Cậu ấy cứ tua đi tua lại các góc máy cận khán giả”. Federer muốn đặt mọi thứ dưới góc nhìn riêng biệt. Người ta chơi tennis vì cái gì? – câu hỏi ấy cứ văng vẳng trong đầu Federer. Cuối cùng, Federer tìm ra câu trả lời. “Tôi sẽ chơi tennis để hạnh phúc. Chiến thắng là khi bạn khiến người xem mỉm cười”, Federer nói.

Một buổi tập của Federer.

Hạnh phúc luôn là lý tưởng tối cao của Federer ra sân. Và thứ hạnh phúc anh tìm kiếm là những xúc cảm bất biến. Đó là cảm giác nhận ra đặc quyền trong từng bước đi trên sân trung tâm, là cảm giác đối thoại trực tiếp với khán giả và nhận lấy nụ cười từ họ. Federer không thể thắng mãi. Sẽ có trận thua. Thắng mà hạnh phúc thì thua là đau khổ. Federer lại chỉ mưu cầu hạnh phúc.

Với Federer, chiến thắng không phải loại hạnh phúc anh tìm kiếm. Federer nói rằng anh không bao giờ xuýt xoa về những trận thua. Anh không “giá như mình đánh bóng vào sân”. Nỗi buồn thua trận không ngự trị nơi trái tim “Tàu tốc hành”. Sự thanh thản toát ra từ lối chơi đậm chất mỹ học của Federer ra đời từ triết lý đó.

Khi Federer bước ra sân đấu chính gặp Dolgopolov trong khuôn khổ vòng 1 cách đây ba hôm, rất nhiều trang mạng đăng lại video khoảnh khắc Federer giành chiến thắng đầu tiên ở một giải Grand Slam. Họ chúc anh vững bước trên chặng cuối của sự nghiệp huy hoàng.

Federer đáp lại tấm chân tình với tuyên bố: “Ngày bé, tôi không nghĩ mình sẽ là VĐV tennis. Tôi cũng chẳng mơ rằng sẽ có ngày vô địch Grand Slam. Nhưng tôi đã làm được. Nhưng giấc mơ không có điểm dừng. Sau giờ phút đăng quang là vạch xuất phát. Những chuyến đi cứ thế nối tiếp nhau. Tôi còn chơi vì tôi nhớ cảm giác được mọi người dang tay chào đón”.

Chỉ thời gian mới có thể trả lời, liệu Federer có mang về phòng truyền thống danh hiệu Grand Slam thứ 19 hay không. Nadal đang hồi sinh mạnh mẽ, Djkovic dường như đã “tỉnh giấc” sau cơn ngủ mê từ đầu mùa giải. Và vẫn còn đó một Andy Murray - Đương kim vô địch giải được cổ vũ bởi khán giả nhà.

Trong trường hợp Federer vô địch Wimbledon 2017, không còn gì trọn vẹn hơn cho những fan hâm mộ lâu năm của tay vợt người Thụy Sỹ. Nhưng dù cho Federer có gục ngã, hoặc là đón nhận một cú sốc nào đó trên mặt trận chuyên môn, ắt cũng là lẽ bình thường. Bởi Federer không cần thêm Grand Slam để đi vào ngôi đền của các huyền thoại. Tự bản thân anh, đã là một định nghĩa thu nhỏ của khái niệm huyền thoại.

Sự "khó lường" của Wimbledon

Hai trong số những nhà cựu vô địch tại giải đấu là Federer và Kvitova (nội dung nữ) thực sự là những bất ngờ với mùa giải năm nay. Chỉ sáu tháng trước, không ai nghĩ rằng họ sẽ góp mặt trên nền cỏ xanh quen thuộc ở một vị trí được kỳ vọng như bây giờ.

Federer chơi quần vợt cứ như thể từng trận đấu là lần cuối cùng anh bước ra sân. Kvitova hồi phục thần kỳ sau tai nạn bị kẻ lạ mặt tấn công bằng dao. Bản thân hệ thống tính điểm hệ số đặc biệt của Wimbledon (không xếp hạt giống theo điểm ATP và WTA) cũng bảo đảm cho sự trở lại đầy hứa hẹn của cặp tay vợt này.

Sự chuẩn bị của các tay vợt cho Wimbledon là một dấu hỏi khác. Phải mất nhiều thời gian và tiền bạc để các nhà tổ chức giải ATP 250 ở Eastbourne thuyết phục Djokovic tham gia. Nadal tuyệt nhiên “nói không” với mặt cỏ. Trong khi đó, Wawrinka - người chỉ thắng 53% số trận trên mặt cỏ trong sự nghiệp – đã thuê một ê kíp gồm 4 HLV để hoàn tất bộ sưu tập Grand Slam.

Những kẻ không chuẩn bị lại… dễ dàng đi tiếp, thậm chí Djokovic còn không tốn bao nhiêu sức lực do đối phương chấn thương bỏ cuộc. Ngược lại, Wawrinka bất ngờ dừng bước ngay từ vòng 1 giải đấu, lặp lại thành tích đáng buồn ở Roland Garros 2015.

Do cách tính hệ số Elo mà Kvitova được xếp hạng 11. Venus Williams, 37 tuổi cũng được chọn làm hạt giống số 10. Nhưng trong 3 hạt giống đầu tiên là Angelique Kerber, Simona Halep và Karolina Pliskova, có tới 2 người (Halep và Pliskova) chưa một lần nếm trải cảm giác đứng trên bục podium của hệ thống 4 giải đấu lớn nhất tennis nhà nghề.

Wimbledon 2017 hứa hẹn sẽ là giải đấu đầy ắp bất ngờ, nhất là sau thất bại của Wawrinka.

Đơn Ca
.
.
.