Viettel tìm lại hào quang cho đội bóng áo lính
- Nghĩa cử đẹp của "tân vương" V.league
- Viettel vô địch V.League 2020: Thành công đến từ sức mạnh tập thể
Đoàn quân của huấn luyện viên Trương Việt Hoàng khởi đầu mùa giải khá chậm. Tuy nhiên, đoàn quân ấy đã thi đấu ổn định trong giai đoạn 2 và buộc Sài Gòn lẫn Hà Nội phải rơi vào thế bám đuổi trong cuộc đua vô địch. Viettel đăng quang đã khiến người hâm mộ hy vọng đội bóng này sẽ tiếp nối truyền thống của Thể Công một thời.
Những người lính đá bóng
Ngày 23-9-1954, theo chỉ định của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh, Thể Công - vốn là tên viết tắt của cụm từ "Thể dục thể thao công tác đội" - đoàn công tác Thể dục Thể thao Quân đội được thành lập.
Bóng đá là cách mà những cầu thủ Thể Công thực hiện nhiệm vụ trên mặt trận tuyên truyền, dân vận. Trong nước, những trận bóng đá của Thể Công kết nối người hâm mộ. Ở trường quốc tế, Thể Công là niềm tự hào, là đại diện cho bóng đá Việt Nam. Khí chất người lính, kỷ luật quân đội cùng sự tận hiến thực thi nhiệm vụ sân cỏ của những cầu thủ Thể Công đem đến sự nể trọng của những cầu thủ quốc tế.
Thể Công từng là đội bóng thành công nhất bóng đá Việt Nam. |
Theo dòng chảy lịch sử, Thể Công của những năm 1980, 1990 là thế lực ở giải vô địch quốc gia. Những năm 1981-1982, 1982-1983, 1987, 1990 và 1998, Thể Công liên tiếp vô địch. Đội bóng áo lính trở thành CLB xuất sắc nhất và thành công nhất của Việt Nam tại thế kỷ XX. Đấy là chưa nói đến 13 lần đăng quang ở giải hạng A miền Bắc những năm: 1956, 1958, 1968, 1969, 1971, 1972, 1973, 1974, 1975, 1976, 1977, 1978 và 1979
Đội bóng này còn là nơi liên tiếp đào tạo ra những thế hệ cầu thủ chất lượng, trở thành trụ cột của đội tuyển Việt Nam. Lần lượt Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Cao Cường, Đỗ Mạnh Dũng, Vương Tiến Dũng, Nguyễn Trọng Giáp, Trương Việt Hoàng, Quản Trọng Hùng, Thạch Bảo Khanh, Trần Văn Khánh, Phan Văn My, Ngô Xuân Quỳnh, Nguyễn Hồng Sơn, Đặng Phương Nam… hiện diện và mang về tên tuổi không chỉ cho Thể Công mà còn là cho đội tuyển quốc gia Việt Nam ở trên trường quốc tế.
Người ta vẫn còn nhớ mãi một Hồng Sơn bùng nổ tại Tiger Cup 1998. Pha ăn mừng theo phong cách nhà binh của anh ở giải đấu đó trở thành hình ảnh mang tính biểu trưng cho Thể Công. Đó cũng là giải đấu mà đội tuyển Việt Nam với nòng cốt Thể Công đã quật ngã 3-0 trước Thái Lan ở vòng bán kết. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam chứng kiến đội tuyển quốc gia đánh bại được người Thái. Những Hồng Sơn, Việt Hoàng trở thành niềm tự hào của cả nước ở thời điểm bấy giờ.
Thể Công giải thể, bóng đá áo lính phát triển trên đôi vai của những cầu thủ trẻ Viettel. |
Giai đoạn khó khăn
Nhưng cơ chế thị trường của những năm đầu thế kỷ XXI cùng với đó là sự thay đổi chóng mặt khi giải VĐQG chuyển mình theo hướng chuyên nghiệp với cái tên là V.League đã khiến Thể Công lao đao. Năm 2004, Thể Công lần đầu tiên rớt hạng, sau 24 năm giải VĐQG và sau 50 năm thành lập. Cái tên Thể Công lúc bấy giờ cũng đứng trước thách thức lớn. Bởi ngay ở mùa giải sau đó, đội đổi tên thành Thể Công Viettel và chịu sự quản lý một lần của Tổng công ty Điện tử Viễn thông Quân đội Viettel.
Ngày 22-9-2009, Bộ Quốc phòng đã quyết định xóa tên Thể Công, giao cho Tổng công ty Viễn thông Viettel quản lý. Không lâu sau, Viettel đã chuyển giao lại đội hình 1 về Thanh Hoá đồng thời bán suất ở lại V.League cho đội bóng xứ Thanh. Những cầu thủ Thể Công đương nhiên là không thể hài lòng. Thậm chí khi nhận áo đấu Thanh Hóa, một vài cầu thủ đã bỏ ra ngoài.
Tìm lại hào quang
Đã từng có lúc, nhiều thông tin cho rằng Viettel cũng sẽ từ bỏ bóng đá. Nhưng sau cùng, những nhân tố trẻ được đào tạo bởi Trung tâm Bóng đá Viettel vẫn từng bước đưa cái tên non trẻ này trong lịch sử đội bóng áo lính, dưới cái bóng của người tiền nhiệm Thể Công từng bước đạt được những cột mốc đề ra. Ngay khi thăng hạng V.League 2019, trung vệ đội trưởng Bùi Tiến Dũng đã khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để tiếp bước truyền thống mà Thể Công một thời từng gây dựng nên.
Viettel vô địch V.League 2020. |
Danh thủ Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh dù mới chỉ trở lại V.League, nhưng đội bóng áo lính với tên gọi Viettel đã vạch ra lộ trình 3 năm trụ hạng trước khi tham vọng tiến xa sau đó. Trợ lý Nguyễn Hải Biên cũng chia sẻ lãnh đạo đội bóng đã lên kế hoạch chi tiết về việc bổ sung lực lượng để Viettel có thể từng bước thi đấu thật tốt tại đấu trường V.League.
Nhưng quả thực, Viettel đã tiến xa hơn cả những gì mà người trong cuộc tưởng tượng. Một năm sau khi thăng hạng, Viettel đã sớm vô địch V.League. Chức vô địch năm 2020 mà dàn cầu thủ trẻ Viettel dưới bàn tay của HLV Trương Việt Hoàng có được là một sự khẳng định cho hào quang đội bóng áo lính đã trở lại, điều mà vốn dĩ 22 năm qua kể từ sau khi chính thế hệ của Trương Việt Hoàng giành được đã không thể hiện diện trong phòng truyền thống đội bóng áo lính.
Viettel - miền đất hứa của cầu thủ xứ Nghệ Chỉ trong vòng hai năm kể từ khi thăng hạng, Viettel chi ra cả chục tỷ để nâng cấp đội hình với những cầu thủ đến từ Nghệ An như Quế Ngọc Hải, Nguyễn Trọng Hoàng, Trần Nguyên Mạnh và Hồ Khắc Ngọc. Quả thực, hàng thủ của Sông Lam Nghệ An đã được nâng lên một tầm cao hơn ở mùa bóng năm nay. Chỉ tính riêng tại giai đoạn 2 V.League 2020, 5/6 trận đấu đã qua, SLNA thắng với cách biệt 1 bàn (đều thắng 1-0). Ấn tượng hơn, khung thành được trấn giữ bởi thủ môn Nguyên Mạnh trải qua 594 phút không để thủng lưới. Đó là thành tích mà không một đội bóng nào có thể làm được ở mùa giải năm nay. Và đấy cũng là tiền đề để giúp Viettel về đích với vị trí số 1 chung cuộc. Bên cạnh đó, việc chiêu mộ tiền vệ Hồ Khắc Ngọc giúp Viettel sở hữu một chiếc thang máy luân chuyển bóng giữa tuyến phòng ngự và hàng tấn công."Tôi thật sự ấn tượng bởi thể lực của Khắc Ngọc. Với mật độ trận đấu dày đến vậy mà Khắc Ngọc vẫn thi đấu liên tục và chơi tốt", ông Trương Việt Hoàng nhận xét. Và sẽ là thiếu sót nếu như không nhắc đến công lao của HLV Trương Việt Hoàng. Sự thực dụng trong cách chơi với những thắng lợi 1-0 liên tiếp ở mùa giải năm nay của nhà cầm quân 44 tuổi này đã giúp cho Viettel có một chuỗi giành 3 điểm đáng giá. Nhưng điều quan trọng tạo nên nút thắt cho Viettel chính là trận hoà 0-0 như thắng trước Hà Nội FC. Nhờ có sự lăn xả của hàng thủ Viettel khi ấy mà Hà Nội FC đã không thể ghi bàn và chấp nhận khoảng cách kém 2 điểm so với đối thủ. Nhờ kết quả ấy mà dù cho Viettel và Hà Nội FC có cùng 6 chiến thắng và 1 trận hoà, đội bóng áo lính vẫn giành chức vô địch chung cuộc trong sự ngậm ngùi rời ngai vương đến từ Hà Nội FC. |