Từ việc hai nhà văn từ chối nhận bằng khen:

"Văn học nằm ngoài những định luật của băng hoại", nhưng mà…

Thứ Hai, 04/02/2013, 15:01

Việc hai nhà văn từ chối nhận bằng khen của Hội nhà văn vừa rồi - chuyện ấy lạ không? Chẳng có gì lạ, bởi đến giải Nobel còn có người từ chối, và riêng Nobel văn học, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do "bị từ chối" mà đã vô chủ đến 3 lần vào các năm 1914, 1918, 1943.

1. Riêng ở Việt Nam, danh sách những ông/bà viết văn từ chối nhận giải của Hội nhà văn vốn đã định hình từ lâu, và xuất hiện ngày một dày đặc. Chẳng hạn như năm 2003, ông Hồ Anh Thái từng từ chối nhận giải cho tập truyện ngắn "Tự sự 265 ngày", năm 2006 lại đến bà Ly Hoàng Ly từ chối nhận giải cho tập thơ "Lô Lô", cũng trong năm này, đến ông Chủ tịch Hội nhà văn Hữu Thỉnh cũng từ chối nhận giải cho tập thơ "Thương lượng với thời gian".

Ai cũng hiểu quyền từ chối là một thứ quyền tự nhiên của con người, giống như quyền được sống, quyền được ăn, quyền được đồng hoá và dị hoá mà không ai, không một thế lực nào có thể can thiệp. Và ai cũng biết nhà văn, nhà thơ - những người ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi cái suy nghĩ  "văn mình vợ người" vốn là những điển hình của những "cái tôi" với điển hình những sự tích cực và tiêu cực được sinh ra từ những "cái tôi". Thế nên một nhà văn vì không được… thoả mãn cái tôi hay vì một lý do nào khác đã từ chối nhận giải thì đấy cũng là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, khi cái sự bình thường ấy cứ lặp đi lặp lại, khi số lượng người từ chối cứ rộng rãi đông đảo và tính chất từ chối đang có nguy cơ mạnh mẽ quyết liệt theo thời gian thì những nhà tổ chức giải thưởng cũng không thể không xem xét lại mình. Phải chăng, người ta thi nhau từ chối vì niềm tin đã xuống quá rồi? Và phải chăng, nếu sự từ chối vẫn tiếp diễn, vẫn mở rộng, vẫn làm toé loé các diễn đàn văn chương thì một giải thưởng vốn ra đời với một mục đích hết sức tốt đẹp rồi sẽ bị tầm thường hoá, dơ bẩn hoá?

2. Như đã nói rất rõ, "quyền từ chối" là một thứ quyền cần phải được tôn trọng, song quyền từ chối chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được thể hiện bằng một thứ "văn hoá từ chối" được xây dựng và xác tín bởi một cộng đồng. Vậy thì cái cách từ chối của hai tác giả Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam đã đảm bảo được tính văn hoá đó hay chưa?

Chỉ xin phân tích một ví dụ rất nhỏ, nhà văn Y Ban nói rằng bà không phục hai "phiếu trắng" của hai thành viên BGK. Và bà nói: "Hai phiếu trắng ở đây nói lên điều gì? Làm giám khảo mà không dám đối mặt với chỉ một cái tên trên một tờ giấy? Vậy tại sao họ vẫn thích ngồi ở ghế BGK. Là vì oai?". Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì hai phiếu trắng ở đây là "trắng" với riêng tác phẩm của Y Ban, chứ không phải là trắng tuốt, trắng sạch sành sanh với tất cả các tác phẩm nằm trong nhóm đề cử.

Mà ngay cả khi nó là hai phiếu "trắng tuốt, trắng sạch sành sanh" thì đấy cũng không phải là biểu hiện của sự "vô quan điểm", sự "không dám đối mặt với chỉ một cái tên", để rồi từ đó qui kết người ta ngồi ghế BGK là "vì oai" như nhà văn này suy luận. Bởi đến họp Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, những phiếu trắng vẫn được coi là những lá phiếu hợp pháp - lá phiếu có quan điểm kia mà.

Những lập luận của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam cũng vậy, chỉ vì một thành viên BGK đưa nhầm tên tác phẩm của ông lên trang Web của Hội nhà văn mà ông đã qui kết thành viên này "không đọc kĩ, không đọc nghiêm túc" tác phẩm của mình (trong khi có vô số lý do khiến người ta đưa nhầm tên một tác phẩm lên một trang web …)  rõ ràng khó có tính thuyết phục.

3. Thật buồn khi một giải thưởng hoặc một bằng khen văn chương từng được nhìn nhận là uy tín nhất Việt Nam cứ bị người ta thi nhau từ chối suốt 10 năm qua. Và cũng thật buồn khi một bộ phận những người từ chối đã chưa thể hiện được "văn hoá từ chối" cho xứng tầm với những người có chữ nghĩa. Hai cái buồn ấy ngẫu nhiên lại tạo nên một Scandal văn chương và cái Scandal văn chương ngẫu nhiên lại làm cho một nền văn chương "chết rét" bỗng trở nên sôi sục.

Nhà văn Nga Xsedrin nói một câu bất hủ rằng: "Văn học nằm ngoài những định luật của băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết". Nhưng một nền văn học như thế chỉ được định hình bởi sự tâm huyết, sôi sục của những nhà văn chân chính, những hội nhà văn chân chính, chứ không phải là sự sôi sục của những Scandal văn chương đội lốt… mục tiêu chân chính!

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin trích đăng ý kiến của các nhà văn xung quanh vấn đề này.

Nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam: Họ không dám loại tác phẩm của tôi vì giá trị của nó

- Vì sao ông lại từ chối giải thưởng của Hội nhà văn?

- Tôi cho rằng, Hội nhà văn đã không đánh giá các tác phẩm theo những tiêu chí của văn chương. Tôi dám khẳng định những thông tin đó, vì tôi biết được hậu trường xét giải thưởng qua những người bạn của tôi. Cuốn sách của tôi được Hội đồng văn xuôi đánh giá cao với số phiếu tuyệt đối. Ngay nhà văn Nguyễn Khắc Trường cũng khẳng định rằng, lâu lắm rồi mới đọc một cuốn tiểu thuyết hay như vậy. Nhưng khi lên đến Ban chung khảo thì họ gạt đi. Theo tôi biết, thì chỉ có cuốn của tôi vào chung khảo văn xuôi mà thôi nên nhà thơ Hữu Thỉnh đã đề nghị đưa thêm vài ba cuốn để có mà xét giải. Rồi họ bầu thử, cuốn của tôi vẫn số phiếu cao nhất. Nhưng có những luồng dư luận bên ngoài sợ tiêu đề nhạy cảm nên ông Chủ tịch ngại. Một người bạn trong Hội đồng văn xuôi có nói với tôi, đợi anh Thỉnh đọc rồi mới bỏ phiếu quyết định cuối cùng. Bởi ở Hội nhà văn, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra.

- Ông có dám chắc những điều mình phản ánh đúng sự thật hay chỉ là nói dựa hơi?

- Bây giờ mà đòi bằng chứng thì tôi không có, nhưng tôi có tác phẩm, và những đánh giá của đồng nghiệp.

Thẩm định văn xuôi mà đi mời tận 4 nhà thơ trong số 7 người thì hỏi làm sao chính xác được. Và tôi biết, trong số đó có một người chưa đọc tác phẩm của tôi, vì họ đưa nhầm tên tác phẩm của tôi tới 2 lần. Tôi thấy cách làm việc như vậy rất chán. Họ thiếu trách nhiệm. Họ không dám loại tác phẩm của tôi ra vì giá trị của nó, còn nếu loại được, họ đã loại rồi. 

- Nhiều người nghĩ, hành động từ chối giải thưởng của ông là một cách gây chú ý, để nổi tiếng bởi ông chưa phải là hội viên Hội nhà văn và cái tên Phạm Ngọc Cảnh Nam nghe chừng còn lạ lẫm trên văn đàn.

- Ai muốn nghĩ sao thì nghĩ, tôi vốn không thuộc tạng người im lặng, làm ngơ trước mọi chuyện.

Nhà văn Y Ban: Hãy thành thật đối diện với lương tâm

Sau khi nhận được thông báo của Hội nhà văn vào ngày 22/1/2012, nhà văn Y Ban nói: Tôi không hề ngạc nhiên trước thông báo của Hội nhà văn. Nhưng cái tôi cần là các vị trong Ban chấp hành Hội hãy giải thích trước công luận, vì sao họ trao giải cho cuốn sách này, trao bằng khen cho cuốn sách kia bằng lý luận và học thuật. Họ hãy thành thật đối diện với lương tâm mình, không nên đem chuyện đúng quy chế, không có lợi ích nhóm hay phiếu trắng để đánh lạc hướng dư luận.

Về cá nhân tôi, khi nói ra chuyện này, tôi không đòi hỏi gì cho tôi, mà chỉ muốn cho những mùa giải sau, các tác phẩm sẽ được đối xử xứng đáng trên tinh thần tôn vinh nghệ thuật, tôn vinh văn học và vẻ đẹp nhân văn của đời sống.

Nhà văn Trần Thị Trường: Không chấp nhận thì đừng tham dự

Tôi không hiểu làm cách nào mà Ban giám khảo trong ngần ấy thời gian có thể đọc được hết 200 tác phẩm dự thi. Vì vậy, nên chuyện xảy ra có những tác phẩm không được đọc kỹ nên bỏ sót cũng là chuyện dễ hiểu.

Bản thân tôi chưa đọc được kỹ 2 tác phẩm của nhà văn Y Ban và nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam... nên tôi cũng không dám nói gì về chất lượng những cuốn được giải năm nay. Nhưng tôi nghĩ rằng, đối với người viết, thì chuyện giải thưởng cũng không quan trọng lắm.

Ngay đến giải Nobel vừa rồi cũng có nhiều ý kiến cho rằng, Murakami Haruki xứng đáng được nhận giải Nobel hơn Mạc Ngôn. Đối với tôi, cả hai nhà văn đó đều xứng đáng được giải Nobel. Giá mà có thêm nhiều giải danh giá như nobel thì cả làng đều vui. Vậy nên hãy chấp nhận mọi thứ chỉ là tương đối cho vui. Còn nếu không chấp nhận thì chúng ta cũng không nên dự vào đấy nữa.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Hội không làm tròn trách nhiệm nên mới lùm xùm

Giải thưởng Hội Nhà văn là một giải thưởng mang tính xã hội rộng lớn, bao gồm nhiều nhà văn trụ cột, nổi tiếng của đất nước hơn 50 năm qua. Nếu trao một giải thưởng mà thẩm định chuẩn thì đó là một giải thưởng danh giá. Trong những năm gần đây, giải thưởng Hội nhà văn có những lùm xùm, không nhận được hưởng ứng tốt của công chúng, thậm chí thường bị phản ứng, ngay cả những người được giải cũng phản ứng. Điều đó chứng tỏ đã có những dấu hiệu không được chuẩn. Thứ nhất, là do có một thời gian những người có tác phẩm được xét giải vẫn ngồi trong Hội đồng. Họ, đáng lẽ, hoặc là phải rút tác phẩm ra khỏi giải thưởng, hoặc là không nên ngồi ở đấy, để có sự độc lập và công tâm.

Thứ hai, việc nhà thơ Văn Công Hùng đưa sai tên tác phẩm của Phạm Ngọc Cảnh Nam hay nhà văn Trần Văn Tuấn bỏ phiếu trống... thì rõ ràng có những người trong Hội đồng không đọc hết sách. Đó là một tắc trách, họ không làm tròn trách nhiệm của mình nên mới dẫn đến chuyện lùm xùm như vậy.

Thứ ba, liệu Ban giám khảo có phải là những người đủ khả năng thẩm định các tác phẩm hay không. Ban giám khảo sang trọng thì tự thân giải thưởng cũng sẽ sang trọng hơn. Nhưng ở đây, lại có chuyện, nhiều anh văn xuôi lại đi bỏ phiếu cho thơ hoặc ngược lại. Tôi không nói họ không đủ tài năng, nhưng chắc chắn về chuyên môn là không ổn. Dẫn đến chuyện họ nhận xét dựa vào nhau, nghe một người, không có sự công tâm nên sẽ bị lệch pha.

Tại sao không rút trước khi xét?

Theo phát ngôn chính thức từ Hội nhà văn, giải thưởng Hội nhà văn năm 2012 được xét đúng quy chế. Hoàn toàn không có lợi ích nhóm và phiếu trắng như trong lá thư ngỏ của nhà văn Y Ban. Theo nhà văn Đình Kính, một trong 9 thành viên Hội đồng chung khảo, các nhà văn có quyền rút khỏi danh sách đề nghị tặng bằng khen của hội, nhưng đáng lẽ việc rút diễn ra trước khi Ban chung khảo tổ chức xét giải thì hay hơn.

Phan Đăng - Việt Hà
.
.
.