Trào lưu "làm mới" những ca khúc cũ: Tạo dấu ấn không dễ

Thứ Bảy, 23/02/2019, 17:20
Đời sống âm nhạc đang chứng kiến trào lưu làm mới những ca khúc cũ. Nhiều ca sĩ trẻ đã tung ra thị trường những sản phẩm âm nhạc “cover” lại các bài hit nổi tiếng trước đó. 


Trong làn sóng quay trở lại nghe nhạc bolero cũng có nhiều nghệ sĩ tìm đến thể loại nhạc này và có những sự cách tân trong cách hát, cách phối để làm lạ tai khán giả hơn với những ca khúc quen thuộc. Tuy nhiên, mức độ thành công của những sản phẩm như vậy không nhiều.

Đời sống nhạc trẻ đang rất sôi động, có thể nhìn thấy điều đó với việc xuất hiện dày đặc tên tuổi các nhạc sĩ tuổi ngoài 20 và các ca khúc mới. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ của công nghệ nghe nhìn hiện đại, với sự thống soái của các kênh nghe nhạc trực tuyến, sự nở rộ của các ca khúc đi kèm với sự nhiễu loạn. 

Ca sĩ Hà Anh Tuấn thành công trong việc cover lại những ca khúc nhạc xưa.

Ngày hôm nay, người ta khó mà biết đâu là ca khúc hay đâu là ca khúc dở, nhất là với khán giả trẻ, vì thước đo của những ca khúc như vậy thường phụ thuộc vào số lường like và view trên trực tuyến. Và để có nhiều like, nhiều view, người sáng tác thường chủ động đưa vào ca khúc những nội dung, ca từ gây tò mò, hiếu kỳ, thậm chí phản cảm, chứ chưa chắc đã quan tâm đến yếu tố nghệ thuật. 

Những ca khúc này phần lớn chỉ hướng vào những người nghe trẻ tuổi là chủ yếu, còn những người lớn tuổi hơn, hay những người có gu âm nhạc tốt hơn, khắt khe hơn lại có xu hướng tìm về những ca khúc cũ, nghe lại, thưởng thức lại những giá trị đã được khẳng định qua thời gian. Bởi tìm một ca khúc thực sự hay, có giá trị nghệ thuật trong số các ca khúc nhạc trẻ hiện nay thật không dễ dàng gì, dù rằng đang bội thực về số lượng.

Trong bối cảnh đó, nhiều ca sĩ đã quay lại với những giá trị cũ. Thay vì đặt hàng nhạc sĩ sáng tác ca khúc mới để làm sản phẩm tung ra thị trường, họ cover lại những ca khúc đã từng một thời là hit, làm mưa làm gió trong đời sống âm nhạc, được nhiều người nghe và thuộc nằm lòng.

Xu hướng "lùi về quá khứ", chọn nghe những ca khúc đình đám của những thập niên trước nhưng được thể hiện bởi thế hệ ca sĩ của thời điểm hiện tại là một xu hướng nổi bật trong nhạc Việt, bên cạnh xu hướng đầu tư cho các ca khúc nhạc trẻ mới thật thời thượng. Việc quay trở lại với dòng nhạc bolero và làm mới các ca khúc bolero cũng được nhiều ca sĩ nhiệt tình hưởng ứng.

Một số ví dụ có thể kể ra ở đây. Thủy Tiên là ca sĩ chuyên trị dòng nhạc ballad, được biết đến với những ca khúc dành cho tuổi teen. Cách đây chưa lâu, chị bất ngờ tung ra thị trường album bolero với tựa đề “Đôi mắt người xưa”. Diva Hà Trần đã kết hợp nhiều dòng nhạc như jazz, latin, semi, acoustic, classic… trong album Tình ca qua thế kỷ. Nữ ca sĩ Hồ Quỳnh Hương cũng chào sân với album “Hương xưa”. 

Hai giọng ca nổi tiếng với dòng nhạc đỏ là Anh Thơ và Trọng Tấn cũng hát bolero, là một điều quá ngạc nhiên với khán giả. Trong chương trình “The Master of Symphony”, diva Hồng Nhung sẵn sàng kết hợp Lệ Quyên, người được mệnh danh là nữ hoàng phòng trà với các ca khúc bolero nổi tiếng trong ca khúc “Thành phố buồn”.  Nữ ca sĩ Thu Phương thì làm mới mình trong ca khúc  “Con đường xưa em đi”.

Ca sĩ Lệ Quyên hát nhạc bolero được công chúng yêu thích.

Rồi “ông hoàng” Đàm Vĩnh Hưng trong liveshow gần đây đã không ngần ngại mang cả dàn nhạc giao hưởng lên sân khấu để hát bolero, với quan niệm cách này có thể làm mới, làm hiện đại các ca khúc xưa cũ. Nam ca sĩ Dương Triệu Vũ cũng đã đưa ra thị trường album “Yêu cô đơn như tình nhân với sự kết hợp giữa nhạc jazz và bolero.

Một trong những ca sĩ quan tâm đến việc làm mới các ca khúc cũ là Hà Anh Tuấn, với dự án "See Sing Share" tạo hiệu ứng mạnh mẽ với khán giả bằng những bản cover được thực hiện bài bản từ phần nghe đến phần nhìn. Dự án "Vy acoustic" của nữ ca sĩ Phương Vy cũng từng rất thành công khi cover những ca khúc nhạc xưa mang đậm dấu ấn: "Tình có như không", "Khi ta hai mươi"…

Ca sĩ Hà Anh Tuấn chia sẻ: “Sự liên tưởng cũ - mới trong một ca khúc sẽ dễ dàng chiếm lĩnh tình cảm của khán giả. Cover lại một ca khúc cũ chính sống lại những ký ức đẹp”. Nữ ca sĩ Phương Vy thì tâm sự: “Tôi thích những giai điệu xưa, nó đẹp và thơ, gắn liền với ký ức của mình. Tôi muốn đem lại cảm xúc đó cho khán giả đồng trang lứa, những người đã từng trải qua khoảng thời gian đẹp đẽ như vậy”.

Vậy, để có một sản phẩm cover lại, làm mới lại những ca khúc đã đình đám một thời, đã ghi dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ người nghe, người nghệ sĩ phải làm gì? Trên thực tế, bên cạnh những người “làm mới” thành công tạo được ấn tượng trong khán giả, thì rất nhiều sản phẩm của ca sĩ dù với tinh thần làm mới nhưng lại tạo ra sự phản cảm. 

Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào cách cảm, cách nhìn, cách thẩm thấu các ca khúc của người nghệ sĩ. Nhiều chuyên gia cho rằng, để có một sản phẩn cover tốt, thì dấu ấn cá nhân luôn là phải là yếu tố quan trọng nhất. Phải là một cá tính âm nhạc đủ mạnh, cộng thêm sự tính toán kỹ càng về liều lượng thêm gì, bớt gì trong cách phối nhạc, cộng với sự am hiểu về khán giả, đáp ứng đúng những gì khán giả chờ đợi thì một sản phẩm cover lại mới có thể thành công. 

Một số nghệ sĩ tỏ ra nôn nóng và tham lam trong việc kết hợp quá nhiều dòng nhạc hiện đại, hay tạo hình không phù hợp đã biến sản phẩm của mình làm ra trở nên khó chịu trong lòng người nghe nhạc, mặc dù rất tốn tiền bạc và công sức đầu tư.  

Điều quan trọng trong một sản phẩm cover lại có lẽ không phải sự hoành tráng trong đầu tư, mà người ca sĩ cần phải thẩm thấu, học hỏi để khai phá nhiều hơn thứ âm nhạc vốn không còn mới mẻ trong tai người nghe nhưng lại có chiều sâu về giá trị nghệ thuật. 

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh từng nói: "Để làm nên thương hiệu riêng, ca sĩ phải biết sử dụng cá tính âm nhạc riêng, tư duy trẻ trung, hiện đại để tạo sự khác biệt khi làm mới một ca khúc cũ. Tôi cực kỳ thích tư duy đó, nhất là trong thời buổi khan hiếm ca khúc hay như hiện nay". 

Ca sĩ Hà Anh Tuấn quan niệm: "Muốn cover một ca khúc thành công, trước nhất, bản thân bạn phải thật sự yêu thích bài đó, không thể nói rằng tôi hát vì khán giả yêu bài đó. Thứ hai, nếu như không nghĩ ra cách hát hay cách hòa âm phối khí nào độc đáo hơn, thì hãy hát mộc. Vì hát mộc là cách thể hiện sự "biết điều" với các tác phẩm đã nổi tiếng. Khi đó, khán giả cũng sẽ yêu quý hơn, bởi cách họ đón nhận giống như một lời thủ thỉ từ một người bạn cũ quay trở lại với mình".

Album ''Chanh bolero'' của ca sĩ Phương Thanh.

Trên thực tế, việc làm mới lại các ca khúc cũ vẫn còn là một sự tranh cãi. Chẳng hạn khi nữ ca sĩ Phương Thanh ra mắt album “Chanh Bolero”, nhiều ý kiến cho rằng đó không phải là Bolero, cũng không hát đúng với cách hát của dòng nhạc này. 

Hoặc là với Lệ Quyên, khán giả ban đầu vẫn chưa hợp tai với cách ngắt nhả chữ của cô. Tất cả tạo nên nhiều sự khác biệt cho Bolero, nhạc xưa của ngày xưa và hôm nay. Tuy nhiên, điều mà công chúng thường cảm thấy hài lòng nhất chính là những bản hòa âm phối khí mới. 

Đa phần trong các album nhạc xưa nói chung hay Bolero nói riêng thì phần hòa âm luôn được làm mới một cách tinh tế, uyển chuyển trên tinh thần cũ và người nghe bắt gặp cả hai cảm xúc trong khi nghe, đó là vừa quen vừa lạ tai. Ca sĩ Trần Thu Hà khi quyết định hát lại nhạc xưa qua 2 album Tình ca qua thế kỷ cũng tạo ra ý kiến nhiều chiều khác nhau. 

Đây là 2 album không chỉ có những bản tình ca Bolero mà có những khúc hát truyền thống cách mạng thời chiến, rồi nhạc xưa. Cách hát của Hà Trần không theo một lề lối nào cả, khống giống với bất kỳ ai. Công chúng người thì ủng hộ, người thì cho rằng liệu có cần phá cách như vậy và phá cách như vậy là làm mới hay làm hỏng nhạc xưa?

Phải thừa nhận rằng, nhạc xưa hay nhạc Bolero sẽ luôn còn được yêu mến trong khán giả và sẽ còn được nhiều ca sĩ tìm đến khai phá. Tuy nhiên, cách làm mới như thế nào là câu chuyện cũng được quan tâm không kém. Và dù cách nào đi nữa, thì công chúng sẽ là người cuối cùng định đoạn đời sống của một sản phẩm “làm mới lại”. Có không ít ca sĩ hát nhạc Bolero, nhạc xưa theo kiểu giật gân, gây sốc đã tạo ra cái nhìn thiếu thiện cảm như Quách Tuấn Du... đương nhiên là bị công chúng tẩy chay. 

Ca sĩ Giao Linh cho rằng, sở dĩ các ca sĩ làm mới nhạc vàng vì họ muốn có những đổi mới để phù hợp với phong cách và giọng hát cũng như phù hợp với phong cách biểu diễn. Họ muốn làm cho ca khúc cũ tạo được sự hứng khởi cho người biểu diễn lẫn người nghe. 

Tuy nhiên, với nhạc vàng, nếu thay đổi quá nhiều, lạm dụng kỹ thuật âm nhạc hiện đại thì sẽ mất chất nhạc vàng. Và bà tin, xu hướng này cũng chỉ tồn tại một thời gian rồi sẽ quay trở lại với giá trị ban đầu của nó. Thiết nghĩ không nên lạm dụng quá về sự làm mới, mà quan trọng là sáng tạo làm sao phải trên tinh thần gìn giữ các giá trị đẹp của đời sống âm nhạc Việt Nam.

Thu Dương
.
.
.