Thú vị chương trình "Âm nhạc Việt Nam những chặng đường"

Thứ Tư, 26/06/2019, 14:13
Sau gần 40 tập được phát sóng "Âm nhạc Việt Nam những chặng đường" (được phát đều đặn lúc 16h25 từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần trên VTV3, phát lại vào 18h trên VTV4) đang trở thành điểm sáng về âm nhạc, thu hút sự chú ý của khán, thính giả.


Tiệm cận lịch sử âm nhạc

Đây là chương trình truyền hình đầu tiên và duy nhất phát sóng hàng ngày về tài liệu lịch sử âm nhạc Việt Nam đến thời điểm hiện tại. Nội dung chương trình được thực hiện, dựa vào nguồn tư liệu quý được thu thập từ Trung tâm lưu trữ quốc gia II với 14km giá tài liệu, hơn 4.000 đĩa, gần 600 cuộn băng ghi âm và hơn 70.000 phim ảnh và đĩa nhạc từ đầu thế kỷ 19 đến nay,… cùng rất nhiều nguồn tư liệu, hình ảnh, đĩa nhạc từ người dân, các nhà sưu tầm… đóng góp, bổ sung.

Có lẽ vì thế mà khi những tập đầu tiên được phát sóng, "Âm nhạc Việt Nam những chặng đường" được chờ đợi ở sự tiệm cận gần nhất với sử liệu âm nhạc, tính chính thống về mặt văn bản cũng như bản nhạc gốc. 

Qua từng tập chương trình, khán giả có cơ hội nắm bắt được nhiều thông tin chưa từng được kể về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, về những dấu son mà tác phẩm đã đi qua trong hành trình chinh phục trái tim của người yêu nhạc do chính tác giả chia sẻ hoặc người thân, bạn bè thân thiết, những ca sĩ từng gắn bó tên tuổi với ca khúc ấy tường thuật lại.

Chính nhạc sĩ Nguyễn Quang - tổng đạo diễn chương trình, người từng thực hiện rất nhiều chương trình ca nhạc vinh danh tác giả, tác phẩm trước đây -  cũng không khỏi bất ngờ khi anh được tiếp xúc với rất nhiều những thông tin mới xung quanh tác phẩm mà trước đây anh vẫn chưa biết đến hay chưa hiểu rõ tường tận như khi thực hiện loạt phim tài liệu âm nhạc cho chương trình này.

Từ trái qua: Nhạc sĩ Giao Tiên, nghệ sĩ Đoàn Đính, nhạc sĩ Bảo Thu, nhạc sĩ Đài Phương Trang, nhạc sĩ Y Vũ, nhạc sĩ Nguyễn Quang và bà Chu Thị Hồng Anh - đại diện đơn vị sản xuất chương trình.

Nguyễn Quang cho biết, mục tiêu mà những người làm chương trình mong muốn gửi gắm cho thế hệ trẻ được hiểu rõ hơn về lịch sử âm nhạc Việt Nam qua các ca khúc ấy. Đồng thời đây cũng là nguồn tư liệu quan trọng giúp các nhạc sĩ trẻ, ban nhạc có thể hiểu biết rõ hơn về ca khúc khi muốn thực hiện những bản hòa âm mới. Các ca sĩ cũng hiểu hơn từng lời ca, ý nhạc để diễn đạt đúng tâm tư và ý đồ của tác giả trong các bản gốc.

Qua mỗi tập ngoài những tư liệu âm nhạc mang tính lịch sử giá trị của ca khúc được tổng hợp lại, người xem còn được thưởng thức lại ca khúc ấy theo một phong cách trẻ trung qua những bản hòa âm phối khí mới được ban nhạc Nguyễn Quang thực hiện thu live trực tiếp ngay tại phòng trà Nguyễn Ánh 9 với sự góp mặt của những ca sĩ phòng trà đang được yêu mến: Hương Giang, Triệu Long, Huy Luân…

"Chúng tôi muốn tái hiện lại không gian phòng trà ca nhạc trong những thập niên đầu của nền tân nhạc khi hầu hết các ca khúc đều đi ra từ phòng trà xưa. Đó là lý do mà chúng tôi không tập trung đầu tư một show ca nhạc trên các sân khấu ca nhạc hoành tráng, quy mô như các chương trình ca nhạc khác. Các giọng ca trẻ sẽ thể hiện lại những ca khúc đã sống qua cả chặng đường dài của lịch sử để vẫn thấy được sức sống mãnh liệt của những ca khúc vượt thời gian", Nhạc sĩ Nguyễn Quang cho biết thêm.

Ca khúc "Lòng mẹ" của nhạc sĩ Y Vân được nhắc đến trong chương trình.

Hé lộ nhiều câu chuyện âm nhạc thú vị

"Âm nhạc Việt Nam những chặng đường" đã giới thiệu rộng rãi đến công chúng yêu nhạc lịch sử ra đời của các tác phẩm âm nhạc Việt Nam qua nhiều thời kì, từ những chiếc đĩa than, băng akai, băng cátsét, cho đến đĩa CD hiện đại, những sáng tác để đời, chân dung những huyền thoại âm nhạc và những câu chuyện hậu trường hấp dẫn phía sau những kiệt tác âm nhạc. 

Giờ đây, những thắc mắc của khán giả về nguồn gốc của nền tân nhạc Việt Nam? Đâu là tác phẩm đầu tiên? Ai là người sáng tác? Bài hát ấy có đóng góp như thế nào trong nền âm nhạc của Việt Nam?... Tất cả đều được chuyển tải vào từng tập chương trình được phân bổ theo từng cộc mốc lịch sử ra đời của các tác phẩm từ thập niên 30 đến nay.

Tập đầu tiên của chương trình lấy năm 1938 làm cột mốc đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam và ca khúc "Một kiếp hoa" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên là bản tân nhạc đầu tiên của Việt Nam để bắt đầu câu chuyện lịch sử âm nhạc Việt Nam. 

Trước đó, âm nhạc Việt Nam phát triển theo lối ngũ cung với hình thức ca cải lương, dân ca. Trong cung đình thì có nhã nhạc. Sau đó thì âm nhạc tây phương du nhập được gọi là âm nhạc cải cách chỉ là những bản tiếng Pháp hoặc nhạc Pháp lời Việt.

"Trải qua gần 100 năm, chặng đường đầu với giấc mơ tân nhạc Việt Nam không phải hư ảo, đó là mảnh đất hứa của những tài năng một thời viết và hát lên bằng con tim với vẻ đẹp của tự tình quê hương. Những khúc giao mùa rạng ngời nhưng cũng có những khúc nhạc buồn theo phận người". 

Tập 2 vẽ lại buổi bình minh của tân nhạc Việt Nam với những nhạc sĩ có công đầu trong việc hình thành nền tân nhạc nước nhà, để từ đó, âm nhạc Việt Nam vận hành một cách xuyên suốt cho đến ngày nay.

Khi được hỏi "âm nhạc Việt Nam những chặng đường" là những chặng đường cụ thể nào, nhạc sĩ Nguyễn Quang và nhà sản xuất đều thừa nhận: "Âm nhạc Việt Nam những chặng đường" chưa biết chặng nào là "chặng cuối". Trước mắt, chương trình sẽ khảo sát lịch sử âm nhạc từ năm 1938 cho đến giai đoạn phong trào nhạc trẻ những năm 1960, 1970 và chắc chắn không dừng lại ở đó.

"Âm nhạc Việt Nam những chặng đường" khảo sát lịch sử âm nhạc trong khoảng 100 năm.

Qua gần 40 tập phát sóng, nhiều câu chuyện âm nhạc cũng như hậu trường thú vị lần đầu tiên được kể lại. Hàng loạt tác phẩm gắn với các tác giả tiêu biểu cho lịch sử âm nhạc Việt Nam một thời cũng được "khai quật" lại qua các tập. 

Có thể kể ra một số ví dụ như: Nhạc sĩ được mệnh danh công tử đất Hải Phòng là ai?, Kỳ tích âm nhạc Việt Nam: Ca sĩ Bạch Yến mang "Đêm đông" (Nguyễn Văn Thương) sang Hollywood, Nắng chiều (Lê Trọng Nguyễn): Bản bolero đầu tiên của Việt Nam, "Chuyến bến": Một câu chuyện tình có thật của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, "Nỗi buồn hoa phượng": Mối tình đầu của nhạc sĩ Thanh Sơn với cô bạn gái mang tên Nguyễn Thị Hoa Phượng… 

Ngoài ra, còn nhiều câu chuyện âm nhạc thú vị khác: "Dư âm" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là câu chuyện tương tư của nhạc sĩ với một cô học trò mà ông dạy nhạc; Ca khúc "Biển nhớ" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu "trời cao níu bước Sơn Khê" khiến phần lớn chúng ta lầm tưởng "Sơn Khê" là hình ảnh của núi non hiểm trở nhưng chúng tôi lại bất ngờ khi biết nhạc sĩ đang nhắc đến câu chuyện tình yêu của ông Sơn và bà Khê được kể lại từ chính những người thân của nhạc sĩ và hiện bà Khê đang vẫn đang sống tại Nha Trang… Ở tập mới nhất, lần đầu tiên, nhạc sĩ Vũ Thành An tiết lộ câu chuyện tình trong bài hát "Bài không tên số 8".

Trong bối cảnh khán giả bị bội thực bởi gameshow, những chương trình tạp kĩ, hài nhảm lên ngôi, việc có một chương trình như "Âm nhạc Việt Nam những chặng đường" là hiếm có, thể hiện tâm huyết cũng như nỗ lực của những người thực hiện nhằm mang đến một món ăn tinh thần có ích cho công chúng. 

Đồng thời, bằng việc cung cấp những sử liệu quan trọng, chương trình đã khắc họa lại chân dung lịch sử âm nhạc một thời vàng son của dân tộc. Ở đó, có những con người, có những tác phẩm đã cùng nhau tạo nên một chỉ dấu đầu tiên của âm nhạc mang tinh thần Việt Nam rất rõ.

Hoài Nguyên
.
.
.