ĐT U.23 Việt Nam qua 6 kỳ SEA Games gần nhất:

Thầy ngoại , thầy nội - "bóng loáng" & "bình dân"

Thứ Sáu, 15/11/2013, 10:00

Để định hướng tinh thần, tư tưởng cho ĐT U.23, ĐT nữ và ĐT Futsal và có những chỉ đạo kịp thời cho các ông thầy của các ĐT này, VFF đã thành lập một ban gọi là "ban chỉ đạo SEA Games" với thành phần lên tới 12 người, do chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ làm trưởng ban. Hiện nay trong dư luận đang có những tranh cãi về việc sự thành hình "ban chỉ đạo SEA Games" - điều chưa từng diễn ra xưa nay liệu có dẫn đến những tác dụng ngược hay không?

6 kỳ SEA Games gần đây nhất (cũng là 6 kỳ SEA Games mà Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á qui định đối tượng tham dự môn bóng đá nam là ĐT U.23, chứ không phải ĐTQG), bóng đá Việt Nam đều gửi gắm hy vọng vào các ông thầy ngoại. 6 lần ấy có những lúc chúng ta chỉ cách chiếc HCV một gang tay nhưng rốt cuộc thì 6 năm, 6 lần tin yêu, 6 lần hy vọng, bóng đá Việt Nam đều ngậm ngùi lỗi hẹn với giấc mơ cuộc đời. SEA Games 27, lần hy vọng thứ 7, lần mà ĐT U.23 "đổi vía" thầy ngoại bằng thầy nội Hoàng Văn Phúc liệu có phải là lần định mệnh đổi thay?

Thầy ngoại đầu tiên dẫn dắt U.23 Việt Nam ở một kỳ SEA Games là Silva Dido (Brazil). Năm 2001, ông Dido xuất hiện ở Việt Nam với một hình ảnh trẻ trung, giàu cá tính. Ông có thể "múa" quả bóng trong sự trầm trồ của "siêu kĩ thuật" như Nguyễn Hồng Sơn, rồi có thể ôm đàn hát trước sự sửng sốt đến không tin vào mắt mình của nhiều fan hâm mộ. Với dòng máu Latin điển hình, ông Dido tuyên bố U.23 Việt Nam "phải vô địch SEA Games, vì trong đấu trường bóng đá, người ta chỉ nhớ đến đội vô địch rồi chấm hết".

Phải nói là ông Dido thực sự thổi một luồng gió mới vào bóng đá nước nhà, và ĐT U.23 của ông vì thế cũng lên đường dự SEA Games với thật nhiều hứng khởi. Thế nhưng trong trận đấu được ví von là "chung kết vòng bảng" với U.23 Indoneisa, những tính toán của ông Dido đã gãy nặng sau chiếc thẻ đỏ chết người của trung vệ Quốc Trung, đến trận cuối cùng vòng bảng với chủ nhà Malaysia, khi phải thắng cách biệt 2 bàn mới có thể lách qua khe cửa hẹp vào bán kết thì chúng ta lại gãy đến trắng 2 bàn. Hình ảnh ông Dido chống tay bên hông, cùng một gương mặt hầm hầm phẫn nộ sau trận đấu mất tất cả ấy vẫn là một trong những hình ảnh bạc nhược, cay đắng nhất của BĐVN ở đấu trường khu vực.

Hậu SEA Games 21, ông Dido bị đưa lên "đoạn đầu đài", và cả tính cách lẫn kiểu huấn luyện bốc đồng của ông được cho là nguyên nhân dẫn đến một giải đấu không như ý. Nhưng sau này thì người ta lại nghi ngờ có một bộ phận cầu thủ không chơi hết mình trong trận "chung kết" với Indonesia, và ông Dido rốt cuộc chỉ là "vật tế thần". Nhưng dẫu sao thì ván cũng đã đóng thuyền, ông Dido đã không thể trở lại Việt Nam để huấn luyện dù chỉ là một CLB Việt Nam như ông từng mong đợi.

Sau khi phải trả giá với phương án Dido, SEA Games 22, bóng đá Việt Nam quyết định đặt niềm tin vào "người cũ" Alfred Riedl.

Xuất sắc như thầy ngoại Calisto (giữa) cũng thất bại với U.23 Việt Nam.

Công bằng mà nói thì ông Riedl đã nhào nặn nên một trong những đội U.23 Việt Nam mạnh nhất trong lịch sử, một U.23 từng thắng cả ĐTQG Hàn Quốc ở vòng loại Asian Cup trên đất Oman. Nhưng đấy cũng đồng thời là một U.23 "có vấn đề" trong trận bán kết JVC Cup - một giải tập huấn sát sườn SEA Games. Tất cả nói lên rằng ông Riedl có thể tạo dựng một đội bóng tốt về chuyên môn nhưng ông bất lực với những ngóc ngách phi chuyên môn vẫn hay xảy ra với bóng đá xứ này.

Vào đến bán kết SEA Games 22 - khi U.23 Việt Nam thua những bàn thua rất lạ trước Malaysia (dù vẫn thắng chung cuộc)  thì cái ngóc ngách phi chuyên môn ấy lại khiến ông và cả những quan chức phía trên ông… giật mình. SEA Games 22, các học trò của Riedl không thắng nổi U.23 Thái Lan trong trận chung kết trên sân Mỹ Đình, nhưng thực ra bên cạnh những tiếc nuối về một trận chung kết đã chơi hết mình mà không thắng được định mệnh, người ta còn tiếc một kỳ SEA Games mà những "mầm bệnh" đã không được trị đến nơi đến chốn.

Thế nên sang đến SEA Games 23, vẫn là Alfred Riedl cầm quân, và vẫn là một kỳ SEA Games được gửi gắm rất nhiều hy vọng, chúng ta lại rối lên với những suy nghĩ đại loại: "Chúng em bán độ, nhưng bán mà đội vẫn thắng, chứ có bán để đội thua đâu".

Phải nói, câu chuyện về 7 tội đồ U.23 Việt Nam bán độ trên đất Philippines vẫn là một trong những câu chuyện xấu hổ nhất trong lịch sử tồn tại, phát triển nền bóng đá. Khi mọi thứ vỡ lở, ông Riedl thổ lộ rằng sau những gì đã xảy ra ở JVC Cup, ông không tin là các học trò của mình lại dễ dàng bán mình cho quỉ xứ - một dấu hiệu chứng tỏ rất rõ nhà cầm quân người Áo không đủ tinh quái để kiểm soát tâm lý, tinh thần cầu thủ.

SEA Games 24 trên đất Thái Lan, vẫn là Riedl cầm quân ĐT, và đấy là kỳ SEA Games mà chúng ta thua xấu hổ kèo dưới Myanmar trong những loạt đấu 11m ở vòng bán kết. Lần này thì câu chuyện "bán độ" hay "không bán độ" không còn được đặt ra, nhưng những bí ẩn về việc một loạt các trụ cột của ĐT  bỗng nhiên dở đều vẫn chưa được giải mã. Cái dở ấy là kết quả của việc tính toán sai điểm rơi hay đến từ những bất đồng âm ỉ giữa thầy và trò trong suốt thời gian dài trước đó? Sau vòng bán kết SEA Games 24, thì Riedl bị "ép" từ chức và câu chuyện về một nhà cầm quân châu Âu 3 lần đến Việt Nam rồi 3 lần trở lại Việt Nam vĩnh viễn khép lại ở đây.

Sang đến SEA Games 25 thì U.23 Việt Nam lại được dẫn dắt bởi "nhà tâm lý đại tài" Calisto - người mà các cầu thủ khi đó luôn coi như một ông bố lớn, một người thầy lớn. Chính nhờ hiệu quả của mối quan hệ cha - con, thầy - trò ấy (mối quan hệ mà trước đó cả Riedl lẫn Dido đều không thể tạo dựng) mà U.23 Việt Nam đi một lèo tới trận chung kết với Malaysia. Trận chung kết ấy, cả Đông Nam Á chờ bóng đá Việt Nam giật huy chương vàng, vì xét ở tất cả các yếu tố chúng ta đều ăn đứt đối phương. Thế nhưng điều kinh khủng nhất và không ngờ nhất đã xảy ra: U.23 Việt Nam thua 0-1 trong 90 phút mà không hiểu vì lý do gì cả đội đều thi đấu như những kẻ bị đánh cắp linh hồn.

Ngay sau tiếng còi tan trận, Calisto lao ra sân, lấy tay ghì chặt cổ thủ môn Tấn Trường - một trong hai tội đồ của trận đấu, và có cận cảnh tình huống ấy mới hiểu ông thầy người Bồ đau và ức ra sao. Nhưng sau khoảng 20 phút định thần thì Calisto lại khéo léo đính chính: Tôi không bóp cổ, trách móc Tấn Trường, tôi chỉ muốn cậu ấy mạnh mẽ để vượt qua nỗi buồn mà thôi(?).

Thầy nội Hoàng Văn Phúc (bìa trái) sẽ giúp U.23 Việt Nam đổi vận SEA Games?

Đến kỳ SEA Games 26 hai năm về trước, U.23 Việt Nam được dẫn dắt bởi thầy Đức Falko Goetz - ông thầy được các quan VFF đánh giá là "thầy ngoại xuất sắc nhất của BĐVN từ trước đến giờ". Thế nhưng lối đá dài đá bổng cùng kiểu quản quân sắt thép của Falko Goetz đã tạo ra những bất đồng nghiêm trọng trong lòng ĐT. Hậu quả là SEA Games đó, U.23 Việt Nam vỡ bán kết, rồi vỡ luôn cả trận tranh đồng, khiến Goetz tất yếu phải ra đi.

Như thế, 6 kỳ SEA Games, 4 ông thầy ngoại đã qua, dẫu đấy là mẫu thầy bốc đồng như Dido hay điềm đạm như Riedl, tinh quái như Calisto hay khó hiểu như Falko Goetz thì tất cả đều thất bại trong chiến dịch gặt vàng, và thất bại rồi thì tất cả đều nhận ra một sự thực - một điểm chung: trong những thời điểm quan trọng nhất, thầy ngoại không "nắm" được tinh thần, tâm lý cầu thủ. Và dường như chính yếu tố tinh thần - tâm lý, chứ không đơn thuần là những yếu tố chuyên môn mới là điều cốt tử quyết định sự thành - bại sau cùng.

Chỗ này thì đương kim HLV ĐT U.23 Hoàng Văn Phúc rõ ràng có lợi thế hơn nhiều. Ông Phúc dẫu chưa bao giờ được đánh giá là HLV giỏi về chuyên môn (dẫu chỉ đặt trong sự so sánh với các thầy nội, chứ chưa đặt trong sự so sánh với những thầy ngoại ở ĐT U.23 ngày trước), nhưng ông lại là mẫu người hiền lành, tình cảm và ưa quản quân theo kiểu "lạt mềm buộc chặt". Ông cũng là người biết lắng nghe thay vì chỉ khăng khăng áp đặt tư tưởng của mình.

Những người hiểu nội tình ĐT hiện nay nói rằng chính nhờ đặc thù đó mà gần một năm ngắt quãng đã qua, cái cảm giác thầy trò U.23 Việt Nam đá bóng cho nhau và vì nhau (trước khi vì những điều to tát hơn như danh dự Tổ quốc) là rất rõ. Hình ảnh nhiều trụ cột vào phòng ông đề nghị ông ở lại sau khi bị VFF "tạm đình chỉ", rồi hình ảnh tất cả chạy lên khán đài ôm chầm lấy ông sau trận bán kết BTV Cup với Sinh viên Hàn Quốc đủ nói lên tất cả.

Biết đâu sau khi thất bại với 4 cái tên ngoại bóng loáng,  U.23 Việt Nam sẽ đổi vía, đổi luôn cả vận với một cái tên nội - một ông thầy nội "bình dân"?

Định hướng cho thầy hay… lắm thầy nhiều ma?

Để định hướng tinh thần, tư tưởng cho ĐT U.23, ĐT nữ và ĐT Futsal và có những chỉ đạo kịp thời cho các ông thầy của các ĐT này, VFF đã thành lập một ban gọi là "ban chỉ đạo SEA Games" với thành phần lên tới 12 người, do chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ làm trưởng ban. Hiện nay trong dư luận đang có những tranh cãi về việc sự thành hình "ban chỉ đạo SEA Games" - điều chưa từng diễn ra xưa nay liệu có dẫn đến những tác dụng ngược hay không?

Khi mọi thứ chưa diễn ra, chưa được kiểm chứng thì thật khó trả lời chính xác câu hỏi này. Chỉ hy vọng là trong quá trình chỉ đạo các ĐT và các ông thầy (trong đó có ông thầy hiền lành, cầu thị như HLV trưởng U.23 Hoàng Văn Phúc) mong là các thành viên của ban này sẽ không đẩy mọi thứ vào tình trạng… lắm thầy nhiều ma (?).

Phan Đăng
.
.
.