Ronaldo và Messi thống trị bóng đá thế giới:

Thành công nhờ… sự “bảo kê” của luật bóng đá

Thứ Hai, 03/07/2017, 17:00
Lịch sử bóng đá thế giới chưa từng chứng kiến hai cầu thủ nào như Ronaldo và Messi. Họ là chủ sở hữu của 9 Quả bóng vàng (QBV) thế giới gần nhất, ghi hơn 1.000 bàn trong sự nghiệp và vô số kỷ lục cá nhân khác. Họ đơn giản là đã thay đổi lý thuyết trò chơi.


Nhưng phải thừa nhận thành công của Ronaldo và Messi phần nào đó được xây dựng trên nền tảng của những thay đổi điều lệ mang tính bước ngoặt trong hệ thống luật lệ bóng đá, đáng chú ý là luật việt vị.

Sau kỳ World Cup 1990 khô hạn bàn thắng, FIFA buộc phải đưa ra những điều chỉnh nhằm đưa tính hấp dẫn vốn có quay lại bóng đá.

Quy tắc việt vị được biên soạn lại với nội dung một cầu thủ được cho là phạm luật nếu đứng ngang hàng hậu vệ cuối cùng của đối phương.

Ronaldo và Messi đã thống trị bóng đá thế giới trong nhiều năm liền.

Năm 1995, một bản thảo khác tiếp tục được thông qua rằng, lỗi việt vị sẽ chỉ được tính tới trong trường hợp cầu thủ tấn công “có lợi thế khi ở vị trí đó”. Những tinh chỉnh tiếp theo sau này được Hiệp hội bóng đá quốc tế IFAB công bố vào các năm 2003, 2005 và 2013 với công năng sau cùng là “hạn chế tối đa ý đồ dùng bẫy việt vị như một cách phòng ngự chủ động”.

Những thay đổi này đơn giản hóa mặt trận tấn công của các đội bóng này hơn nhiều lần.

Trong quá khứ, hàng phòng ngự trứ danh của Milan do Arrigo Sacchi chỉ huy thường có xu hướng pressing, dâng cao quá nửa sân và cô đặc không gian chơi bóng của đối phương. Arsenal dưới triều đại của George Graham cũng là một ví dụ khác tận dụng triệt để lợi ích của bẫy việt vị nhờ công thức dồn cả 4 hậu vệ lên phía trên khi đối thủ tăng tốc.

Cách chơi ấy là đòn tự sát trong bối cảnh chiến thuật ngày nay. Những tiền đạo đẳng cấp chủ động đặt mình ở vị trí việt vị trong giai đoạn tấn công đầu tiên của đội nhà và chỉ xuất hiện “đúng lúc, đúng chỗ” ở tiến trình lên bóng cuối cùng. Ruud van Nistelrooy được xem như tiền đạo đầu tiên biết khai thác tối đa thế mạnh của điều luật việt vị mới.

Keith Hackeitt – một trọng tài uy tín hồi thập niên 80 thế kỷ trước bình luận: “Những tranh cãi về việc cơ số bàn thắng bị cho là không hợp lệ đã dẫn tới cuộc cách mạng luật bóng đá, nhằm tạo điều kiện tối đa cho các tiền đạo ghi bàn”.

Luật việt vị mới cũng bị xem như nguyên nhân dẫn tới cái chết lâm sàng của nghệ thuật phòng ngự kiểu cũ. Các CLB không thể sử dụng loại vũ khí quen thuộc trước kia và như hệ quả tất yếu, những chân sút thượng thừa như Messi và Ronaldo đã tìm ra giải pháp “có lợi” nhất cho mình.

Diego Maradona thời khoác áo Napoli.

Sự lên ngôi của Ronaldo và Messi cũng đồng nghĩa với sự mai một của các nghệ nhân phòng thủ. Nếu ở EURO 2000, người ta đếm mãi mà không xong danh sách các trung vệ đẳng cấp (Maldini, Nesta, Cannavaro, Ferrara, Thuram, Blanc, Desailly, Lizarazu, De Boer, Stam, Hierro, Salgado, Adams, Campbell, Mihajlovic) thì sau hai thập kỷ, những món hàng ở trung tâm hàng thủ hiếm như lá mùa thu.

“Ngay cả những tiêu chuẩn tối thiểu, các hậu vệ ngày nay cũng không đáp ứng nổi”, Gary Neville phàn nàn trên Telegraph hồi 2014. “Họ vật vã với những quả tạt, không biết hóa giải những tình huống bóng chết và vô hại trong các pha giáp lá cà 1v1”, Neville nói tiếp.

Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, sẽ là một tội ác nếu các hậu vệ biên để bóng chui tọt vào vòng cấm địa từ hành lang cánh – vẫn theo lời Neville.

Sử dụng loại bóng cấu tạo từ sợi tổng hợp cũng là tác nhân làm ảnh hưởng tới đất diễn của hậu vệ. Trước năm 1986, phần lớn bóng thi đấu làm từ da thật. World Cup năm đó trình làng trái Adidas Azteca làm từ sợi tổng hợp đầu tiên, cũng là khoảnh khắc bóng đá trở nên “nhân tạo” như chính vật liệu làm ra quả bóng.

Sợi tổng hợp cho phép các tiền đạo có thể đưa ra những quyết định liều lĩnh hơn, nhưng lại là án tử cho các hậu vệ nếu điểm tiếp xúc trái bóng của họ bị lệch đi vài cm mà thôi.

Hướng đi của những trái bóng ngày nay thường khó đoán và đôi khi không tuân theo những nguyên tắc vật lý cơ bản, bởi tốc độ bay trên không trung của bóng là nhanh hơn nhiều lần. “Vận may” luôn là chân giá trị được các tiền đạo mưu cầu, nhưng nghệ thuật không ngự thì không thể chờ đợi vào may rủi.

Phải nói thêm, bóng đá dần trở thành một môn khoa học đúng nghĩa nhờ sự phát triển công nghệ vượt bậc. Cuộc đời Messi đã thay đổi toàn bộ sau những mũi tiêm hoóc-môn. Hệ thống phòng tập tiên tiến và những bài tập thể chất cao cấp là người bạn đồng hành suốt sự nghiệp đỉnh cao của Ronaldo, biến anh từ chàng trai còm nhom từ miền quê Bồ Đào Nha thành con quái vật thể hình.

Chất lượng mặt sân là một yếu tố không thể không nhắc đến khác. Những đấu trường đã biến hình, từ những bãi chiến trường lầy lội, ngập úng tới nền cỏ xanh mượt như thảm nhung ngỡ như có thể chọc bi-a trên đó. Điều kiện thi đấu ngày nay không những giúp cầu thủ tránh chấn thương, mà còn hỗ trợ những thợ săn bàn thắng thể hiện tốt hơn.

Mẫu cầu thủ như Ronaldo và Messi cũng được các trọng tài đưa vào diện “bảo vệ đặc biệt”. Lượng thẻ vàng ở 4 trận chung kết World Cup gần nhất dao động trong khoảng 3 đến 5,5 thẻ. Tại World Cup 1982, chỉ có 1,9 thẻ vàng mỗi trận. Xa hơn chút, vào năm 1966, thống kê bình quân thậm chí còn không tồn tại trên thực tế, chỉ 0,7 thẻ/trận.

Xu hướng của các nhà hành pháp bóng đá là coi đôi chân của các siêu tiền đạo như tài sản đáng giá cần mua bảo hiểm. Năm 1998, những lỗi vào bóng từ đằng sau được giới thiệu, trong khi từ năm 1991, các trọng tài đã có toàn quyền phạt thẻ đỏ cho những lỗi mang tính “chuyên nghiệp”. Bây giờ, công nghệ hỗ trợ trọng tài VAR lại ra đời, cũng chỉ để đảm bảo “Không một sai lầm nào được phép tồn tại để tước đi các bàn thắng”.

Cả hai cầu thủ này đều nhận được sự hỗ trợ bởi các đồng đội ở cùng đẳng cấp.

Cộng với sự ra đời của khái niệm “siêu cường bóng đá”, những cỗ máy tài chính làm bóng đá chuyên nghiệp, cả Ronaldo và Messi đều đã sinh ra ở thời đại mà người ta vẫn thường nói vui là “thiên thời địa lợi nhân hòa”.

Họ là những tài năng bẩm sinh và xuất chúng, nhưng sẽ khó lòng có thể vươn tới đỉnh cao hôm nay, nếu không nhờ tiến trình vận động không ngừng nghỉ của nội tại bóng đá.

Cậu bé vàng Diego Maradona đã nói: “Không phải nghi ngờ gì, từ những cuộc cách mạng luật tới hình thái kinh tế bóng đá kiểu mới, tất cả những thay đổi lớn lao đó đã giúp Ronaldo và Messi dễ dàng thống trị làng bóng đá thế giới theo cái cách mà thế hệ đi trước, bậc tiền bối trong quá khứ có muốn cũng chẳng thể làm nổi”.

Đồng quan điểm, Zico cho biết: “Ngay cả lúc đi vệ sinh, Ronaldo và Messi cũng được người chăm sóc. Họ hưởng chế độ bảo mẫu toàn thời gian, và việc duy nhất phải lo là ra sân, ghi bàn và ghi bàn”.

Trong tương lai, sẽ còn nhiều Ronaldo và Messi nữa, bởi công nghệ chỉ có tiến lên phía trước, chứ không thể tụt lại đằng sau.

Ưu thế của Real và Barca

Khoác áo Real Madrid và Barca – hai gã khổng lồ thống trị bóng đá Tây Ban Nha là bệ phóng quan trọng giúp Ronaldo và Messi có thể “tác oai tác quái” trong suốt một thời gian dài.

Hai đội bóng này là chủ nhân của 12/13 danh hiệu Liga gần nhất. Họ đồng thời là chủ nhân của 4 Cúp bạc Champions League mới đây, và cùng nhau chia sẻ 6/9 tấm huy chương gần đây.

Real và Barca đang sở hữu 8 trong danh sách 12 cầu thủ có giá trị chuyển nhượng cao nhất trên thế giới. 95% sức mạnh ở giải quốc nội bị thâu tóm bởi hai thế lực hùng mạnh này.

Chân lý này đảm bảo cho mệnh đề: Cả Ronaldo và Messi sẽ dễ dàng giành hết danh hiệu này qua danh hiệu khác, bởi xung quanh còn cả tá ngôi sao nữa sẵn sàng hy sinh và bỏ qua cái tôi để phục vụ cho mục đích cuối cùng là tạo điều kiện cho họ.

15 năm trước, khi bóng đá chưa bị xem như công cụ kiếm tiền minh bạch và bền vững nhất trong các ngành công nghiệp, ngôi sao trải dài dọc châu Âu. Nhưng sự xuất hiện của những “siêu cường” bóng đá như Real và Barca đã định nghĩa lại toàn bộ khái niệm về bóng đá. Một nhóm những đội bóng lớn lũng đoạn thị trường chuyển nhượng, làm lệch cán cân sức mệnh.

Trở về thập niên 80 thế kỷ trước của Diego Maradona tại Napoli, “Cậu bé vàng” hằng tuần vẫn đều đặn ra sân và tranh tài cùng hàng loạt anh hào khác ở “xứ sở mỳ ống”. Họ là Michel Platini ở Juventus, Marco van Basten và Ruud Gullit của AC Milan, Lothar Matthaus tại Inter, Falcao tại Roma, Preben Elkjaer ở Verona hay Zico tại Udinese.

Kết quả là, Serie A ngày ấy giàu màu sắc cũng như tính cạnh tranh. Trong 7 mùa giải liên tiếp, có 7 nhà vua khác nhau tại nền chiến thuật Calcio giàu màu sắc.

Nói cách khác, trận nào cũng là một thử thách với Maradona, vì đối thủ của ông ngày ấy đều thuộc diện “số má”. Chuyện này không xảy ra với Ronaldo hay Messi mỗi tuần. Real và Barca đã mạnh, lại giàu có, mua hết cầu thủ giỏi, thử hỏi lấy đâu ra người tài cho Ronaldo, Messi so tài nữa?

Đơn Ca
.
.
.