Tác phẩm văn học, nguồn tư liệu phong phú của điện ảnh

Thứ Bảy, 26/12/2020, 10:37
Từ ngày 12 đến 18-12, trên hệ thống truyền hình trực tuyến của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV Go) sẽ phát sóng các phim chuyển thể từ văn học nổi tiếng của điện ảnh Việt với chủ đề “Tuần phim Việt trên VTV Go”.


Đây là hoạt động nằm trong chương trình phối hợp giữa Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) cùng Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) - Đài Truyền hình Việt Nam. Tuần phim sẽ phát sóng 10 bộ phim Việt được chuyển thể từ tác phẩm văn học. Sự kiện này thêm một lần khiến chúng ta nhận diện giá trị của các tác phẩm văn học trong đời sống điện ảnh.

Chất liệu quý của điện ảnh

10 tác phẩm điện ảnh được chiếu trên ứng dụng VTV Go gồm “Vợ chồng A Phủ”, “Chị Tư Hậu”, “Mẹ vắng nhà”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Bến không chồng”, “Thời xa vắng”, “Chuyện của Pao”, “Đừng đốt”,  “Cánh đồng bất tận”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”... Mục tiêu của "Tuần phim Việt trên VTV Go" là quảng bá, tôn vinh những tác phẩm điện ảnh Việt Nam qua các thời kỳ, để điện ảnh tiếp cận rộng rãi hơn với khán giả, góp phần phát triển điện ảnh thông qua nền tảng số, truyền tải những góc nhìn điện ảnh, câu chuyện hậu trường của các bộ phim tới khán giả. Là một dự án hợp tác dài hạn, "Tuần phim Việt trên VTV Go" sẽ lần lượt trình chiếu miễn phí trực tuyến những tác phẩm điện ảnh Việt tiêu biểu các thời kỳ theo các chủ đề riêng. Hoạt động này hứa hẹn sẽ làm phong phú, sôi động thêm đời sống điện ảnh, bắt kịp các xu hướng chung của thế giới, nhất là xu hướng khán giả xem phim trên các ứng dụng công nghệ.

Phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Nói đến các tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn học, điện ảnh Việt có thể tự hào là đã có không ít bộ phim hay, được xếp vào hàng kinh điển, được sản xuất dựa trên các tác phẩm văn học. Ngoài số lượng 10 phim được chọn trình chiếu trong “Tuần phim Việt trên VTV Go”, còn rất nhiều phim đã và đang được xây dựng trên nền tảng gốc là tác phẩm văn học.

Trong suốt chặng đường 65 năm đã qua của điện ảnh Việt - một chặng đường chưa dài nhưng danh sách những bộ phim được làm từ chất liệu là tác phẩm văn học thì rất dài. Ngay trong thời kỳ đầu tiên, đã có những phim đen trắng như “Chị Dậu” (dựa trên Tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố). Thời kỳ phim màu, xuất hiện ngày càng nhiều những phim chuyển thể từ văn học: “Mê Thảo - Thời vang bóng” (từ tác phẩm “Chùa Đàn” của nhà văn Nguyễn Tuân); “Mùa len trâu” (Từ tác phẩm “Một cuộc đời bể dâu” và “Mùa len trâu”của nhà văn Sơn Nam); Hương Ga” (từ tác phẩm “Phiên bản” của nhà văn Nguyễn Đình Tú); “Người trở về” (từ tác phẩm “Người về bến sông Châu” của nhà văn Sương Nguyệt Minh); “Thiên mệnh anh hùng” (từ tác phẩm “Bức huyết thư viết về Nguyễn Trãi” của nhà văn Bùi Anh Tấn); “Cô gái đến từ hôm qua”, “Mắt biếc” (từ các tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh)... Trong đó có không ít phim đã giải thưởng lớn trong các kỳ liên hoan phim quốc tế.

Cảnh trong phim “Hương ga” chuyển thể từ tiểu thuyết “Phiên bản” của nhà văn Nguyễn Đình Tú.

Mới đây, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã công bố đưa tác phẩm "Số đỏ" của nhà văn Vũ Trọng Phụng lên màn ảnh rộng. “Số đỏ” đang ở giai đoạn tiền sản xuất, được chờ đợi là một tác phẩm điện ảnh hấp dẫn, thu hút người xem giống như tác phẩm văn học vậy. Bên cạnh “Số đỏ”, là "Kiều" - dự án phim được nhà sản xuất Mai Thu Huyền ấp ủ suốt 10, đang được đạo diễn Phi Tiến Sơn bắt đầu thực hiện. Một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng của Đại thi hào Nguyễn Du đương nhiên là được công chúng chờ đón.

“Kiều” đã từng được đưa lên sân khấu kịch nói, sân khấu múa rối, nhạc kịch, múa đương đại, và bây giờ là điện ảnh, cho thấy sức sống bất diệt của một tác phẩm văn học giá trị. Bên cạnh “Kiều”, đạo diễn Trần Vũ Thủy tiếp tục đưa tác phẩm “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao lên màn ảnh với tên phim “Cậu Vàng”. Trong cùng một thời điểm có nhiều dự án phim bắt đầu từ tác phẩm văn học càng khẳng định văn học và điện ảnh là “cặp đôi” luôn song hành cùng nhau, làm nền tảng cho nhau. Thế nhưng thực sự, việc biến một tác phẩm văn học thành một tác phẩm điện ảnh có dễ dàng?

Cuộc chơi nhiều thử thách

Một trong những hiện tượng gần đây không thể không kể đến là các phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Cô gái đến từ hôm qua", "Mắt biếc" được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đều đạt doanh thu cao ngất ngưởng, trong đó "Mắt biếc" đạt tới hơn 172 tỉ đồng. Doanh thu chiếu rạp cao vượt trội chính là động lực để các nhà làm phim mạnh tay đầu tư, khai thác tác phẩm văn học.

Tuy nhiên, số lượng các tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ văn học có doanh thu cao như vậy chưa nhiều. Phần đa những phim điện ảnh chuyển thể văn học vẫn đứng trong dòng phim nhà nước đặt hàng, trong đó nhiều phim liên quan đến chiến tranh, là dòng phim chính thống được chiếu trong những ngày lễ quan trọng của đất nước. Để bước ra thị trường, cạnh tranh với nhiều phim khác, đòi hỏi người đạo diễn phải biết khai thác tác phẩm văn học đa chiều hơn, không chăm chú minh họa nội dung tác phẩm văn học như một số phim đã mắc phải.

Phim “Cánh đồng bất tận” được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Để một tác phẩm văn học chuyển sang điện ảnh mất rất nhiều công đoạn, cần đến sự công phu, tài năng đặc biệt của người đạo diễn cũng như dàn diễn viên hóa thân. Vì văn học và điện ảnh tuy xa mà gần, tuy gần mà xa nên nhà sản xuất có kinh nghiệm bao giờ cũng thấy mình đứng trước muôn vàn thử thách khi quyết định “hô biến” tác phẩm văn học thành điện ảnh. Trong lịch sử, có những bộ phim chuyển thể từ văn học thành công vang dội nhưng cũng không hiếm những phim thất bại đau đớn. Sự sáng tạo của đạo diễn điện ảnh phải để lại dấu ấn nhiều hơn, làm sao vẫn không phá hỏng hình tượng nhân vật được xây dựng trong tác phẩm văn học, vừa phù hợp với tâm lý, thị hiếu khán giả điện ảnh hôm nay. Chuyện này tưởng dễ mà cực kỳ khó, tưởng gần mà cực kỳ xa. Đơn giản là dù cho người đạo diễn có yêu tác phẩm văn học đến bao nhiêu đi nữa họ vẫn phải vượt qua rào cản về ngôn ngữ biểu hiện. Theo đó, ngôn ngữ của điện ảnh khác biệt hoàn toàn với ngôn ngữ văn học.

Cảnh trong phim “Vợ chồng A Phủ” chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Tô Hoài.

Một tác phẩm văn học hay chưa có gì đảm bảo cho tác phẩm điện ảnh hay nếu thiếu đi tài năng, tầm vóc của người chuyển thể kịch bản, đặc biệt là đạo diễn. Việc chuyển thể văn học sang điện ảnh chưa bao giờ đơn thuần chỉ là việc chuyển tải đủ nội dung sách, mà nó phải được mã hóa bởi những ký hiệu khác theo ngôn ngữ điện ảnh. Và chính bạn đọc, cũng là người xem mới có quyền phán quyết xem bộ phim đó có hấp dẫn bằng, có hay hơn tác phẩm văn học mà họ đã từng thưởng thức. Vượt qua được những khán giả, độc giả như vậy, đạo diễn điện ảnh mới có thể tự tin với tác phẩm của mình.

Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, mối quan hệ điện ảnh và văn học là mối quan hệ không thể tách rời. Xung quanh câu chuyện này, ý kiến của diễn viên, nhà sản xuất phim Mai Thu Huyền, người đang hoàn thành dự án phim “Kiều” rất đáng để suy ngẫm: “Văn học Việt Nam có rất nhiều tác phẩm hay, ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vậy tại sao trong tình hình thiếu vắng ý tưởng kịch bản như hiện nay, thay vì remake lại những bộ phim của nước ngoài, chúng ta không chuyển thể đưa các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam lên phim để dễ dàng tiếp cận hơn với giới trẻ và bảo lưu được những giá trị văn hoá truyền thống?”.

Bảo Bình
.
.
.