Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam Triệu Trung Kiên:

Sân khấu thử nghiệm mang lại trải nghiệm mới cho khán giả

Thứ Năm, 18/07/2019, 19:08
Ngay sau khi hoàn thành và ra mắt khán giả vở cải lương lịch sử giàu tính thử nghiệm “Vì sao lạc xứ”, đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam đã bắt tay ngay vào dự án sân khấu mới về sự tích nàng Tô Thị. Có tựa đề “Ngàn năm mây trắng”, vở diễn cũng là một trong những dự án sân khấu được kỳ vọng sẽ mang đến những yếu tố mới lạ, hấp dẫn khán giả.


Phóng viên:  Vở diễn “Vì sao lạc xứ” giàu tính thử nghiệm nhưng không hẳn không còn những ý kiến băn khoăn về nhân vật chính – Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng và một số yếu tố khác nữa. Là đạo diễn, anh nói gì về những phàn nàn này?

Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên: Sử sách ghi lại rất ít về Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng. Nếu chỉ dựa vào tư liệu đọc được, chúng tôi khó có thể xây dựng hình tượng nhân vật này. Nhưng có một điều chúng tôi nhận thấy là đang có những góc nhìn thiếu thỏa đáng về ông. Khi dựng vở, chúng tôi tìm sự cứu cánh là hư cấu lịch sử, bám vào sự hư cấu đó, chúng tôi xây dựng nên một Hồ Nguyên Trừng với những quan điểm, nhìn nhận đánh giá riêng về nhân vật lịch sử này nhưng vẫn đủ sức thuyết phục khán giả. Chúng tôi đã dự liệu góc nhìn này có thể gặp sự không đồng tình trong dư luận nhưng vẫn mạnh dạn đưa ra. Và, dù kết quả như thế nào thì khi dựng vở, chúng tôi vẫn dốc hết tâm sức với tinh thần chung là luôn dành tình cảm rất trân trọng, sự thương mến đối với ông - một tài năng vượt qua biên giới Việt.

Lúc đầu chúng tôi hơi lo ngại về tính hấp dẫn của vở diễn nhưng sau buổi chạy đầu tiên, với sự nỗ lực của nghệ sĩ, đặc biệt là các diễn viên trẻ, chúng tôi tạm yên tâm. Nội dung câu chuyện trong vở diễn cũng mang nhiều tầng ý nghĩa, có nhiều yếu tố hấp dẫn mang tính giải trí. Sự đầu tư về trang trí, mỹ thuật, âm nhạc, phục trang tạo nên tính hấp dẫn, vẻ đẹp về hình thức cho vở diễn, để khán giả được thưởng lãm bằng mắt, hấp dẫn bằng yếu tố nhìn. 

Tác giả kịch bản – nhà văn Toàn Thắng mê yếu tố kiếm hiệp nên trong vở diễn có nét nào đó của kiếm hiệp, câu chuyện phản gián. Thực ra, màu sắc kiếm hiệp trong sân khấu cải lương đã có mấy chục năm trước nhưng làm theo kiểu cũ, bị cảm giác lỗi thời. “Vì sao lạc xứ” có chất kiếm hiệp nhưng lại khoác diện mạo hôm nay, đương đại. 

Chúng tôi tận dụng chất kiếm hiệp, đã được cập nhật, giải thích câu chuyện lịch sử bằng con mắt hôm nay. Chính điều này làm cho vở diễn có nét khá lạ hơn so với những câu chuyện trong các vở diễn chúng tôi từng dàn dựng. Xem “Vì sao lạc xứ” khán giả vẫn thấy đây là một tác phẩm sân khấu cải lương, là vở lịch sử nhưng mang nhiều yếu tố đương đại. Đây cũng là phong cách nghệ thuật của tôi. Đó có thể là một câu chuyện dung dị, dễ hiểu nhưng quan trọng là gợi được sự đồng cảm, thương xót với hoàn cảnh trớ trêu của nhân vật. Vở diễn về lịch sử nhưng không quá đao to búa lớn. 

Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam.

Phóng viên: “Ngàn năm mây trắng” được giới thiệu là vở diễn giàu tính thử nghiệm. Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về những yếu tố thử nghiệm của vở diễn?

Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên: “Ngàn năm mây trắng” được dàn dựng cho Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Cơ cấu của Nhà hát gồm nhiều đoàn, trong đó có đủ cả tuồng, chèo, cải lương, hát chầu văn… Lâu nay các đoàn chủ yếu phục vụ thu thanh. Đài Tiếng nói Việt Nam đang phát triển thành truyền thông đa phương tiện, trong đó có cả truyền hình nên Nhà hát cũng phải lớn mạnh theo. 

Tôi là cộng tác viên được gửi gắm dàn dựng một vở diễn cho sân khấu, có phục vụ truyền hình. Đây là một vở kịch hát, có kết hợp nhiều loại hình kịch hát dân tộc trong đó có chèo, hát xẩm và hát văn Huế... Tác phẩm ước chừng 1h45 phút. Lực lượng tham gia, nếu tính tất cả diễn viên, nhạc công khoảng 50 người vì thành phần của dàn nhạc dân tộc rất đông.

Phóng viên: Sử dụng cùng lúc nhiều loại hình như thế, anh có sợ nghệ thuật truyền thống, sân khấu bị loãng đi không?

Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên: Đây là tác phẩm thử nghiệm. Vì là thử nghiệm nên nghệ sĩ có thể làm bất cứ cái gì theo sự sáng tạo của mình. Nhưng, điều tôi lo lắng là khi hòa tất cả các thể loại nói trên vào nhau thì có tạo hiệu quả cao cho vở diễn hay không.

Phóng viên: Anh có lo ngại sân khấu thử nghiệm, trong đó có “Ngàn năm mây trắng” sẽ khó tiếp cận khán giả?

Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên: Đây không phải là lần đầu tôi làm sân khấu thử nghiệm. Với tôi, thử nghiệm là sự cần thiết để sân khấu mang lại cho khán giả những trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn. Tôi đã làm rất nhiều vở thử nghiệm trước đó. 

Chúng ta cũng đừng nghĩ thử nghiệm là cái gì to tát. Thử nghiệm thực ra chỉ là những cái gì mà trước đó chúng ta chưa làm. Chỉ thay đổi cách thức, phương pháp nhỏ nào cũng là thử nghiệm. Thử nghiệm là phép thử cho những cái gì chưa từng làm, tìm tòi những cái mới. Có nhiều vở được khán giả đón nhận, động viên nên tôi tiếp tục tìm tòi. 

Sân khấu thử nghiệm có thế mạnh là mới, là những cái chưa làm bao giờ nên khán giả sẽ rất tò mò. Có nhiều thành quả sáng tạo được đón nhận, cũng có cái khiến khán giả hồ nghi. Ta phải chấp nhận tất cả những điều đó vì đó đây là thử nghiệm. Tuy nhiên, với trách nhiệm của người sáng tạo thì tôi cho rằng, làm thử nghiệm nhưng cũng phải ít nhiều đem lại kết quả chứ không chỉ đơn thuần là cuộc chơi cho thỏa bản ngã cá nhân của mình, còn khán giả không hiểu gì. Nếu như thế thì chỉ là làm phí hoài khi sử dụng kinh phí của đơn vị sản xuất, sự lao tâm khổ tứ của cả một tập thể nghệ sĩ…

Cảnh trong vở “Vì sao lạc xứ” – tác phẩm sân khấu giàu yếu tố thử nghiệm mới nhất do NSƯT Triệu Trung Kiên đạo diễn.

Phóng viên: Anh thường dựa vào những tiêu chí, cơ sở nào để đưa ra phép thử trong các vở diễn thử nghiệm, gần nhất là “Ngàn năm mây trắng”?

Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên: Tôi có những dự cảm cá nhân. Khi tôi cảm thấy yên tâm thì phần nhiều tác phẩm thành công. Nếu còn hồ nghi, còn gì đó mơ hồ, mông lung thì tác phẩm sẽ khó thành công và như thế tôi không làm. Ở “Ngàn năm mây trắng”, tôi hòa trộn nhiều thể loại nghệ thuật kịch hát dân tộc vào với nhau, đồng thời căn cứ dựa theo tiêu chí của nhà hát và còn thử nghiệm các ngôn ngữ khác nữa. Đây là tác phẩm mang nhiều tính tìm tòi, đổi mới, cách tân.

Phóng viên: Kết hợp nhiều loại hình là phép thử rất khó. Anh có sợ người nghệ sĩ khó đáp ứng được yêu cầu của mình, khiến tác phẩm khó thành công như anh mong muốn?

Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên: Các nghệ sĩ tham gia vở diễn là lực lượng cốt yếu của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Nếu thiếu thì tôi mời thêm nghệ sĩ Nhà hát Chèo, Nhà hát Cải lương Việt Nam. Họ đều là những nghệ sĩ có nghề, rất tài năng. Vấn đề còn lại là mình phải chế biến như thế nào để có một “mâm cỗ” thịnh soạn, khán giả thấy đẹp mắt và ngon miệng.

Một cảnh trong vở “Vì sao lạc xứ”.

Phóng viên: Anh mong muốn điều gì khi cố gắng đưa những sáng tạo, thử nghiệm mới vào các vở diễn?

Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên: Tôi mong muốn khán giả thêm yêu và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ví dụ trong “Ngàn năm mây trắng” tôi sử dụng những chiếc đèn kéo quân, nội dung vở diễn gắn với huyền tích về nàng Tô Thị. Phương thức thể  hiện là các loại hình kịch hát dân tộc. Tôi biết khán giả bây giờ bộn bề công việc, luôn vội vã, bộn bề nên cố gắng và mong muốn, qua vở diễn của mình, khán giả sẽ cùng nghệ sĩ dành những khoảng lặng để trở lại, trân trọng, gắn bó với những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có sân khấu.

Phóng viên: Anh có dự định mang các tác phẩm của mình đi dự thi, ví dụ như cuộc thi Sân khấu thử nghiệm 2019?

Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên: Tham dự Liên hoan sân khấu thử nghiệm là mong mỏi nhưng phải đợi xem tác phẩm được xây dựng, kiểm định qua các buổi diễn dành cho giới chuyên môn, báo chí và công chúng cho ra kết quả như thế nào đã.

Phóng viên: Xin cảm ơn đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên! 

Nguyễn Hoa (thực hiện)
.
.
.