Roman Abramovich, nhà tài phiệt viết lại lịch sử Premier League

Thứ Tư, 17/05/2017, 15:38
Manchester United đang là CLB giàu truyền thống nhất nước Anh. Nhưng điều đó không còn chính xác nếu người ta chỉ tính trong kỷ nguyên Roman Abramovich…


Rạng sáng thứ Bảy vừa qua, pha lập công của tiền đạo vào sân thay người Batshuayi ở phút thứ 82 trong trận đấu gặp West Brom đã giúp Chelsea chính thức vô địch Premier League mùa này trước 2 vòng đấu.

Antonio Conte đã có chức vô địch giải Ngoại hạng ngay ở mùa giải đầu tiên dẫn dắt The Blues. Nhưng với tỷ phú Abramovich thì ông có lẽ đã quá quen với hương vị ngọt ngào của chiến thắng.

Chelsea là đội bóng thành công nhất kể từ khiAbramovich xuất hiện

Với chiến thắng giành được trên sân West Brom, Chelsea đã có chức vô địch Premier League lần thứ 5 kể từ mùa bóng 2003/2004 - thời điểm, Abramovich chính thức đặt dấu chân của mình lên “xứ sở sương mù”.

Tính tổng cộng trong khoảng thời gian 13 năm ấy, đội chủ sân Stamford Bridge đã 5 lần vô địch giải Ngoại hạng, giành 4 Cúp FA và 3 League Cup, 1 lần đăng quang ở Champions League và 1 lần ở Europa League.

Điều đó có nghĩa là Chelsea của Abramovich đã giành được mọi danh hiệu cao quý nhất. Họ không những là kẻ chinh phục, mà còn là kẻ chinh phục xuất sắc nhất, ít nhất là trong khuôn khổ nước Anh.

Tính tổng cộng, trong kỷ nguyên Abramovich Chelsea đã giành 14 chiếc Cúp lớn nhỏ ở trong nước và trên đấu trường châu Âu (không tính các giải siêu Cúp). Trong cùng khoảng thời gian đó, Manchester United  - CLB giàu thành tích nhất đảo quốc sương mù cũng chỉ có thể mang về phòng truyền thống 12 chiếc Cúp.

Cụ thể là 5 chức vô địch Premier League, 2 FA Cúp, 4 League Cup và 1 Champions League. Các con số thống kê không bao giờ biết nói dối. Và ở đây nó chỉ ra một sự thật là Roman Abramovich đã viết lại lịch sử bóng đá Anh.

Trước khi được tỷ phú người Nga này mua lại, Chelsea chưa bao giờ vươn lên hàng ông lớn của bóng Anh, chứ chưa nói ở sân chơi châu lục. Tầm vóc của họ chỉ tương đương Tottenham ở thì hiện tại. Tức là một CLB có khả năng thách thức các CLB lớn ở một thời điểm nhất định.

Nhưng để đi đến tận cùng khám phá thì là điều bất khả thi. Trong gần 1 thế kỷ tồn tại (thành lập năm 1905), Chelsea chỉ có đúng 1 lần được nếm trải hương vị đứng trên đỉnh cao với chức vô địch bóng đá Anh từ tận mùa 1954-1955. Và như đã nói ở trên, việc Abramovich mua lại CLB này đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử đối với số phận của Chelsea.

Roman Abramovich chính là người đã tạo nên thành công rực rỡ của Chelsea.

Túi tiền không đáy của ông chủ Abramovich thực sự đã giúp đội chủ sân Stamford Bridge "lên hương". Họ giờ đã là một thế lực của bóng đá Anh. Người ta vẫn nói tiền không mua được thành công hay truyền thống và lịch sử thì không mua được bằng tiền.

Nhưng Chelsea và Abramovich lại đang là những người tạo ra lịch sử từ những đồng dollar của mình. Chắc chắn vào lúc này, không còn ai có thể dè bỉu Chelsea và fan của họ là những gã nhà giàu mới nổi. Ngược lại, người Chelsea có quyền vỗ ngực, họ là 1 đội bóng có truyền thống, chí ít là trong kỷ nguyên Abramovich đầy ngọt ngào.

Đáng chú ý, Abramovich không chỉ làm thay đổi trật tự của bóng đá Anh. Mà quan trọng hơn ông còn làm thay đổi triết lý và cách thức tạo ra thành công vốn đã ăn sâu vào tư duy của người Anh.

Thành công theo cách của Abramovich

Trước khi Abramovich xuất hiện, bóng đá Anh đang chìm trong sự thống trị của Manchester United. Người tạo ra thành công ấy tại Old Trafford không phải ai khác mà chính là HLV huyền thoại Sir Alex Ferguson.

Người đã có tổng cộng 28 năm dẫn dắt Quỷ đỏ thành Manchester cho đến lúc giải nghệ. Ông đã đưa Manchester United từ vị thế của 1 CLB đang sa sút trở thành một gã khổng lồ của làng túc cầu.

Trước  giai đoạn "độc cô cầu bại" mà Alex Ferguson tạo ra tại Manchester United thì bầu trời nước Anh bị che phủ bởi một cái bóng khổng lồ khác: Liverpool.  Trong quãng thời gian 15 năm từ mùa 1975-1976 đến mùa1989-1990, CLB thành phố Cảng này đã bỏ túi tới 10 chức vô địch giải Ngoại hạng.

Đặt nền móng cho thành công ấy là một HLV huyền thoại khác: Sir Bob Paisley. Ông là người kế nhiệm HLV vĩ đại Bill Shankly (người đã huấn luyện Liverpool trong 26 năm liền). Và trong 10 năm được dẫn dắt bởi Bob Paisley, Liverpool cũng đã thành công rực rỡ không kém giai đoạn trước đó, nếu không muốn nói còn ấn tượng hơn. Đội chủ sân Anfield có 6 chức vô địch Premier League và chiếc Cúp C1 cùng Bob Paisley.

Điểm chung giữa những trường hợp trên là gì? Đó là thành công đều được tạo dựng bởi một HLV huyền thoại, người phù hợp và gắn bó với CLB trong một quãng thời gian rất dài, từ đó tạo ra bản sắc, thành công và tất nhiên là truyền thống cho đội bóng.

Đấy chính là con đường mà người Anh thường theo đuổi. Arsene Wenger đang ở mùa bóng thứ 22 cầm quân tại Arsenal. David Moyes trước khi chuyển sang Manchester United thì cũng đã đồng hành cùng Everton hơn 1 thập kỷ. Ngay cả Manchester United khi chọn người kế vị Sir Alex Ferguson, thay vì chọn những tên tuổi lừng lẫy cũng chọn 1 giải pháp mang tính dài hơi là David Moyes cùng một bản hợp đồng có thời hạn tới 6 năm.

Nhưng Abramovich thì đi trên con đường hoàn toàn khác. Antonio Conte đã là vị HLV thứ 12 ngồi lên chiếc ghế nóng tại Stamford Bridge trong vòng 14 năm qua dưới thời ông chủ người Nga. Thấy gì qua con số đó? Băng ghế HLV ở Chelsea là một chiếc ghế nóng theo đúng nghĩa đen. Hẳn nhiên rồi. Nhưng nó còn thể hiện một góc cạnh khác.

Sự lựa chọn của Abramovich đối lập với quan niệm phổ biến trước đó ở Anh. Ông không cho rằng để đội bóng thành công thì ghế HLV phải ổn định trong thời gian nhất định. Mô hình mà Abramovich xây dựng là một mô hình hiện đại, một mô hình không quá phụ thuộc vào vai trò của HLV.

Chelsea đã bỏ túi chức vô địch Ngoại hạng mùa 2016/2017.

Ở Manchester United, Sir Alex Ferguson ngoài vai trò là HLV thì ông còn là một nhà quản lý. Tức là ông có quyền quyết việc sẽ chiêu mộ cầu thủ nào, giá bao nhiêu…

Ngược lại, tại Stamford Bridge, ngay cả một HLV như Mourinho ở thời đỉnh cao sự nghiệp vẫn phải chia sẻ quyền lực với người khác. Abramovich có những Giám đốc Thể thao, Giám đốc Kinh doanh là người sẽ cùng gánh vác trách nhiệm cũng như làm giảm sự phụ thuộc vào HLV.

Ví dụ như khi cần bổ sung nhân lực ở vị trí nào đó, những HLV như Mourinho hay Conte sẽ đưa ra yêu cầu của họ. Và Giám đốc Thể thao sẽ là người lên danh sách các ứng viên trước khi bàn bạc chốt phương án cùng HLV.

Đấy là mô hình mới mẻ so với người Anh. Và nó đang giúp Chelsea đi đúng hướng. Ai cũng thấy Manchester United đang lay lắt, tìm lại vinh quang như thế nào trong thời kỳ hậu Alex Ferguson. Rồi Arsenal thì đang sống mòn cùng Arsene Wenger. Nhưng Chelsea thì khác. Bất kì HLV nào cũng có thể thay thế.

Antonio Conte vừa mang đến thành công rực rỡ, giống như Mourinho từng làm trong quá khứ. Nhưng nếu Conte thất bại ở mùa giải tới? Cũng chẳng sao cả. Sẽ chẳng có cuộc khủng hoảng nào cả, Abramovich sẽ lại làm giống như ông đã từng làm với những người tiền nhiệm của vị chiến lược gia người Italia. Đấy là lê máy chém. Sau khi sa thải HLV, chúng ta đều tin rằng Ban giám đốc của vị tỷ phú người Nga sẽ tìm được người thay thế xứng đáng, và sẽ lại sớm vô địch.

Đó đơn giản là thứ tư duy vận hành thực dụng của một nhà kinh doanh, một nhà tài phiệt lõi đời.

Roman Abramovich là ai?

Vặn ngược thời gian quay lại thời điểm tháng 6/2003, khi Roman Abramovich bước ra ánh sáng và mua lại Chelsea từ tay Ken Bates. Đó là một thương vụ gây chấn động. Bởi ở thời điểm ấy, Roman Abramovich vẫn còn là một cái tên quá xa lạ với người Anh nói riêng và làng bóng đá thế giới nói chung. Tất cả những gì người ta biết về ông chỉ là một người Nga và có rất nhiều tiền (hẳn rồi).

Sau đó, truyền thông “xứ sở sương mù” đã phải lật tung các hồ sơ, tư liệu để vẽ lại chân dung ông chủ của Chelsea.

Ông được xem là một nhà tư bản thân hữu, người đã tranh thủ giai đoạn cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để làm giàu cho bản thân. Cụ thể, nhờ mối quan hệ hậu trường với các quan chức, Abramovich đã mua lại các tài sản công với giá rẻ mạt hơn rất nhiều so với giá trị thật.

Nhờ đó, Abramovich trở thành một trong những người giàu nhất thế giới với khối tài sản ở thời điểm được định giá cao nhất lên tới 13.4 tỷ bảng (hồi năm 2011 theo tính toán của Forbes).

Dù vậy, xung quanh Abramovich vẫn còn vô số lời đồn đoán. Không ai thực sự biết quyền lực của Abramovich lớn đến đâu. Ngoài việc từng là Thống đốc bang Chukotka thuộc vùng cực Đông của Nga trong 2 nhiệm kỳ (từ 2000 đến 2008).

Abramovich được cho là có mối quan hệ vô cùng mật thiết với 2 Tổng thống có ảnh hưởng nhất của nước Nga là Boris Yeltsin và Vladimir Putin.

Có thông tin cho rằng ngay từ năm 1996 (khi mới 30 tuổi), Abramovich đã rất thân cận với Tổng thống Yeltsin. Thậm chí, nhà tài phiệt này còn dọn vào sống ở một căn hộ bên trong điện Kremlin do lời mời của gia đình Tổng thống.

Chưa dừng lại ở đó, một số nguồn tin còn khẳng định, không phải ai khác chính Abramovich là người đầu tiên tiến cử Vladimir Putin với Boris Yeltsin. Mối quan hệ của Abramovich với Putin thân thiết đến mức khi Putin lần đầu tiên thành lập Chính phủ trong vai trò là Thủ tướng hồi năm 1999, Abramovich là người đã đích thân phỏng vấn từng ứng viên cho các vị trí trong Chính phủ trước khi danh sách chính thức được thông qua.

Cũng chính Abramovich được điểm mặt chỉ tên là người đã tư vấn cho Tổng thống Putin chọn cộng sự Medvedev ra tranh cử Tổng thống kế nhiệm ông.

Ngoài mối quan hệ chính trị chóp bu ở Nga, hồi năm 2008, tờ The Times còn loan tin rằng, ông Abramovich thừa nhận đã chi hàng tỷ USD cho các quan chức để nhận được các chính sách ưu đãi cũng như sự đảm bảo nhận được một lượng lớn dầu và nhôm tại Nga.

Qua những thông tin kể trên có thể thấy Abramovich thực sự là một nhân vật đầy bí ẩn. Nhưng có một điều chắc chắn, đây là một người đàn ông đầy quyền lực và giàu có (cho dù trong 5 năm qua tài sản của Abramovich luôn bị định giá năm sau thấp hơn năm trước). Và với các CĐV Chelsea có lẽ thế là đủ. Họ chẳng cần quan tâm Abramovich "bẩn" hay "sạch". Điều quan trọng với họ là lá cờ của The Blues vẫn đang bay cao trong kỷ nguyên của ông chủ người Nga.

Tất Đức
.
.
.