Rạp chiếu phim đìu hiu vì COVID-19
Hàng loạt phim dừng chuẩn bị ra rạp trở lại là cơ sở cho hy vọng hồi sinh của các rạp chiếu đã nhanh chóng dời lịch hoặc hoãn chiếu. Các rạp chiếu phim một lần nữa rơi vào tình cảnh đìu hiu, thậm chí có doanh nghiệp phải đứng bên bờ vực phá sản.
Phim hoãn chiếu, rạp đóng cửa
Sau vài tháng hào hứng hoạt động sôi nổi trở lại khi dịch bệnh COVID-19 đợt 1 được kiểm soát, các rạp chiếu phim trên toàn quốc đã đưa ra nhiều kế hoạch chi tiết từ giữa năm đến phim Tết.
Khán giả chờ đợi để được xem những bộ phim trong và ngoài nước hoãn chiếu từ đầu năm. Nhưng ngay sau khi bệnh lần 2 trở lại, các nhà sản xuất đồng loạt rút phim ra khỏi kế hoạch vì lo ngại không có doanh thu do không có khán giả. Phim “Ròm” được ra rạp - niềm vui khôn xiết của nhà sản xuất sau một thời gian dài bị cấm nhưng đành lỗi hẹn khán giả, dời lịch chiếu chưa biết khi nào quay lại.
“Tiệc trăng máu” - một phim được dự đoán làm mưa làm gió ngoài rạp cũng lặng lẽ rút lui, hủy lịch chiếu trong Tháng 8. “Chồng của người ta” - phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Hữu Tiến cũng khước từ ra rạp trong tháng 8. Những phim như “Trạng Tí”, “Lật mặt 5” vốn đã để khán giả đợi suốt từ đầu năm đến nay, giờ đành chấp nhận cho khán giả… chờ đợi tiếp.
Không chỉ phim Việt, hàng loạt phim ngoại cũng bất ngờ quay đầu “nằm im thở khẽ”, tạm biệt rạp chiếu cho đến khi dịch bệnh chấm dứt. Phim “The New Mutants” (Dị nhân thế hệ mới) sau 5 lần bị hủy và dời lịch liên tục trên toàn cầu, khi phát hành tại Việt Nam cũng bị dời ngày chiếu sang tháng 9 (có thể còn dời lịch tiếp).
Phim “Greenland” (Thảm họa thiên thạch), Bigfoot Family (Gia đình chân to), Doraemon, The Elfkins - Baking a Difference (Tí hon hậu đậu), Simons Got a Gift (Kẻ cắp nhân dạng)… đã dời lịch chiếu tại rạp Việt Nam vào thời điểm thích hợp. Ngoài ra, một số phim bom tấn khác như “Spider-Man: Far from Home”, “The Quiet Place 2”, “Avatar 2”… chuyển lịch chiếu đến cuối năm 2020 và đầu năm 2021.
Lác đác người mua vé, phần lớn các cụm rạp rơi vào cảnh đìu hiu. |
Tại các phòng chiếu ở Hà Nội, TP HCM, Huế khán giả chỉ còn có thể xem được các phim cũ được một số rạp chiếu lại như "Big Hero 6", "Captain America: Civil War", "Inception","Bán đảo", "Ngôi đền kỳ quái 2"…
Các rạp chiếu rõ ràng đang tìm đủ mọi cách để có phim chiếu, níu kéo khán giả đến rạp. Trong khi các nhà sản xuất đồng loạt rút phim khỏi phòng chiếu, giải pháp chiếu lại phim cũ được cho là giải pháp thông minh của các đơn vị chiếu phim. Để kích cầu, hàng loạt chiêu hút khách như giảm giá vé 50.000 cho một phim, nếu mua vé xem 3 phim giá chỉ còn 30.000, hoặc mua vé tặng kèm bắp rang bơ, nước uống, gia hạn thời gian sử dụng thẻ khuyến mãi, quà tặng…
Nhưng dù như vậy, tình hình vẫn không khả quan, nếu không muốn nói là ảm đạm. Và việc phải đóng cửa các cụm rạp trong đại dịch diễn ra như một tất yếu, dù doanh nghiệp chiếu phim không hề muốn chút nào. Lotte Cinema tạm ngưng chiếu phim tại các cụm rạp ở Huế, Hội An (Quảng Nam), Đà Nẵng, Đồng Hới (Quảng Bình), Phủ Lý (Hà Nam), Đồng Nai, Bảo Lộc (Lâm Đồng)…
Cinestar ngưng hoạt động các rạp tại Huế, Đà Lạt (Lâm Đồng); Beta ngưng chiếu tại cụm rạp Biên Hòa (Đồng Nai), Starlight ngừng chiếu cụm rạp tại Quy Nhơn (Bình Định), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Huế, Đà Nẵng, Bảo Lộc (Lâm Đồng). Cineplex tạm đóng cửa các cụm rạp tại Huế và Cầu Giấy (Hà Nội).
“Ông lớn” CGV cũng buộc phải đóng cửa hoàn toàn các cụm rạp ở Đà Nẵng, một số cụm rạp khu vực miền Trung và một số tỉnh như Kon Tum, Đồng Nai, Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk, Quảng Ngãi.
Cho dù các rạp còn mở đều làm công tác phòng dịch rất tốt như luôn khuyến cáo khán giả rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang khi đi xem phim… nhưng doanh thu vẫn không mấy khả quan, không khác gì con số của đợt dịch đầu tiên. Nhiều cụm rạp đang lao đao, chưa biết sẽ tồn tại bao lâu nữa hay phải sớm đóng cửa nếu tình hình dịch bệnh không được cải thiện.
Phim “Ròm” được phép công chiếu trong nước, nhưng vẫn chưa thể đến với phòng chiếu vì lo ngại không có khán giả. |
Các doanh nghiệp chiếu phim trong nước cần được hỗ trợ
Thống kê của các đơn vị chiếu phim cho thấy, doanh thu phòng chiếu kể từ khi dịch bùng phát lần 2 đến nay chỉ bằng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính từ đầu năm 2020 đến nay, doanh thu chỉ đạt 35% so với cùng kỳ 2019 và đạt chưa đến 30% so với kế hoạch đề ra. Tình trạng doanh thu như vậy đương nhiên đẩy các doanh nghiệp chiếu phim lâm vào tình trạng khó khăn vô cùng trong việc trả phí thuê mặt bằng, nuôi nhân viên.
Đại diện cụm rạp Cineplex cho biết, doanh thu tuy bằng không, nhưng mỗi tháng đơn vị vẫn phải thuê cả chục tỷ đồng cho các loại chi phí. Cụm rạp Galaxy cũng chi từ 5 đến 10 tỷ đồng để duy trì các rạp chiếu. Cinestar và Beta cũng không sáng sủa gì hơn về khả năng tài chính.
Các đơn vị chiếu phim trong nước này chỉ chiếm 30% thị phần rạp chiếu phim trong toàn quốc, đa số là các nhà sản xuất phim kiêm kinh doanh, rạp chiếu nên về mặt trường vốn không thể so sánh với các doanh nghiệp chiếu phim nước ngoài thuộc các tập đoàn lớn như Lotte hay CGV để có thể đối phó dài lâu với bệnh dịch.
Doanh nghiệp chiếu phim Việt đang oằn mình gánh các khoản nợ, nộp thuế để duy trì các cụm rạp, trong khi thực tế doanh thu không có. Đại diện cụm rạp Galaxy ngậm ngùi: “Nếu trong thời gian ngắn nữa bức tranh bệnh dịch không sáng sủa hơn, chúng tôi buộc phải cắt giảm lao động”. Đại diện Cineplex thì cho biết, tình hình đã trở nên bi đát, một số doanh nghiệp cận kề bờ vực phá sản vì không thể tiếp tục duy trì hệ thống cụm rạp.
Phim “Tiệc trăng máu” thêm một lần nữa lỗi hẹn khán giả khi rút khỏi lịch chiếu vì dịch bệnh. |
Tất nhiên khó khăn của các doanh nghiệp chiếu phim trong nước không nằm ngoài xu thế của ngành chiếu phim toàn thế giới. Ngành chiếu phim toàn cầu đã phải chịu chấp nhận cảnh mất hàng chục tỷ đô la từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra. Trung Quốc đã mất 2 tỷ USD doanh thu phòng vé trong tâm dịch tháng 3 vừa qua. Nước Mỹ cũng chứng kiến doanh thu phòng vé thấp nhất vào cuối tuần kể từ năm 1998 đến nay.
Mặc dù vậy, soi chiếu vào tình hình trong nước hiện nay, nếu Nhà nước làm ngơ trước các vấn đề của doanh nghiệp chiếu phim, không có sự hỗ trợ kịp thời thì rất có thể sau đại dịch COVID-19, phần lớn doanh nghiệp nội sẽ biến mất.
Khi đó, cuộc chơi sẽ chỉ còn là các doanh nghiệp ngoại, và vấn đề khó khăn đối với công tác phát hành phim tại Việt Nam sẽ trở nên nan giải nhiều hơn nữa. Chúng ta đã thấy khi tham gia sân chơi rạp chiếu tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài đã o ép phim Việt như thế nào. Và để lấy lại thị phần cho phim Việt, không thể thiếu bóng dáng các doanh nghiệp chiếu phim trong nước.
Nhiều cụm rạp phải tạm đóng cửa vì không có khán giả. |
Hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp chiếu phim cần tới bàn tay hỗ trợ của Nhà nước, bằng các gói hỗ trợ tài chính giúp doanh nghiệp vượt qua cơn bão khủng hoảng để vững vàng đón cơ hội mới ngay khi dịch bệnh qua đi.
Vấn đề giảm thuế, giảm lãi vay ngân hàng, giảm thuế thu nhập cá nhân hay các loại bảo hiểm cho người lao động rất cần được Nhà nước cân nhắc, để ít nhất các doanh nghiệp vẫn còn có thể duy trì hoạt động ở mức tối thiểu.
Ngành điện ảnh nói chung cũng như ngành chiếu phim của Việt Nam còn non yếu, lại chưa được xem là ngành dịch vụ thiết yếu của xã hội và nếu bị Nhà nước bỏ mặc thì trong tương lai, việc điện ảnh Việt mất thị phần, mất vị trí trong đời sống giải trí là nhãn tiền.
Trong khi đó, điện ảnh vẫn luôn được xem là một ngành quan trọng đóng góp vào việc quảng bá văn hóa Việt, bảo vệ các giá trị truyền thống tốt đẹp bao đời của dân tộc. Không khó để dự đoán, với tình hình dịch bệnh hiện nay, ngành chiếu phim cũng như ngành sản xuất phim sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian dài.