"Quân bầu Đức, ý Miura”, Hội đồng huấn luyện viên Quốc gia nói gì?
Từ một thực tế mâu thuẫn
Trận giao hữu mới nhất của ĐT U.23 Việt Nam với đội chủ nhà Bình Dương (hoà 1-1) chứng kiến hình ảnh các cổ động viên (CĐV) giăng nhiều biểu ngữ trên khán đài đề nghị HLV Toshiya Miura "chọn lối chơi kỹ thuật", thậm chí còn có những CĐV quá khích đề nghị: "Miura hãy về Nhật Bản làm bình luận viên". Từ những đòi hỏi này, một lần nữa phải làm rõ lại kết cấu của ĐT U.23 hiện nay, khi quân Hoàng Anh Gia Lai (HA.GL) đang chiếm áp đảo, nhưng ĐT lại chơi một thứ bóng đá tương phản hoàn toàn với lối đá truyền thống của "lò" Hoàng Anh.
Ai cũng biết, trước đợt tuyển quân U.23 vừa rồi, chuẩn bị cho vòng chung kết U.23 châu Á, trong tư cách một Phó chủ tịch tài chính VFF, ông chủ CLB HA.GL Đoàn Nguyên Đức đã “tố” Miura dữ dội, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào việc "lối chơi bóng dài, quá thiên về thể lực, sức mạnh của Miura không phù hợp với con người Việt Nam".
Không biết là có phải vì lời tố này hay không mà sau đó trong danh sách ĐT U.23 đã xuất hiện tổng cộng 9 cầu thủ HA.GL. Và khác những lần hội quân trước đây, khi quân HA.GL thường khởi đi với số lượng đông nhưng cuối cùng còn lại rất ít, và thực tế chỉ có một mình Công Phượng là được ra sân đá chính, lần này ông Miura đã sử dụng quân HA.GL một cách thật sự. Tất cả những cầu thủ làm nên thương hiệu của "lò" HA.GL JMG như Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Tuấn Anh... đều được ưu tiên đá chính. Và với thực tế ấy nhiều người tin rằng ông Miura đã thay đổi theo những gì bầu Đức mong muốn.
Ông Miura đang thực sự nghĩ gì? |
Tuy nhiên, nếu nhìn lại 2 trận giao hữu của ĐT U.23 tại Hà Nội trước 2 CLB bán chuyên Nhật Bản và trận giao hữu mới nhất tại Bình Dương, trước một chủ nhà Bình Dương tình nguyện làm "quân xanh" đúng nghĩa người ta lại nhận ra một sự thật: đúng là ông Miura đang sử dụng rất nhiều quân bầu Đức, nhưng ông lại uốn những cầu thủ này chơi theo cách chơi yêu thích của ông. Cách chơi mà ở đó, tính kỷ luật, đá bóng ít chạm, những đường chuyền dài lên tuyến trên, chứ không phải là những phẩm chất kỹ thuật cá nhân cùng một lối đá cống hiến như những gì người ta vẫn thấy ở HA.GL mới là ưu tiên số 1, ưu tiên hàng đầu.
Khi báo giới cật vấn mình điều này, nhà cầm quân người Nhật Bản nói cứng: "Mọi người cứ bảo cầu thủ Việt Nam kỹ thuật, nhưng so với những đối thủ mà chúng ta sẽ gặp ở VCK U.23 châu Á tới đây như Jordan, UAE, Australia thì kỹ thuật chúng ta không hơn họ. Vậy nên, nếu chọn một lối chơi kỹ thuật, với những pha chuyền đi chuyền lại rườm rà, chúng ta sẽ không thể gây bất ngờ trước họ".
Ông Miura tiếp tục củng cố quan điểm của mình: "Tôi đã nghiên cứu băng hình các đối thủ, và tin rằng chúng ta chỉ có thể gây bất ngờ nếu đá nhanh, đá đơn giản, và đưa bóng từ tuyến dưới lên trên với tốc độ cao nhất của mình". Ở đây cũng phải mở ngoặc để nói rằng, ông Miura không cấm các cầu thủ, đặc biệt là những cầu thủ HA.GL có thể "xé" bài, sáng tạo (mà thực tế là trong trận gặp Bình Dương, Công Phượng đã có vài khoảnh khắc xé bài nhận được sự tán dương của khán giả) nhưng đấy chỉ là những khoảnh khắc hãn hữu, còn về cơ bản, ông đòi hỏi một tính kỷ luật lối chơi cao độ. Ông thậm chí còn khen ngợi các học trò đã tập luyện hết mình, và luôn cố gắng thực hiện chiến thuật của ông một cách tốt nhất.
Chắc chắn là bầu Đức sẽ không hài lòng một chút nào khi nghe ông Miura nói những điều này. Và chắc chắn là câu chuyện ông Miura một mặt tỏ ra chia sẻ với bầu Đức khi gọi và sử dụng rất nhiều cầu thủ HA.GL, nhưng mặt khác lại sử dụng những cầu thủ nổi trội về kỹ thuật này vào một lối chơi mang tính "kỷ luật thép" rồi sẽ tạo ra nhiều tranh cãi, thậm chí là những tranh cãi nảy lửa trong thời gian tới. Vậy phải giải quyết câu chuyện này ra sao?
Đến một tiếng nói cần xuất hiện
Theo chúng tôi, đây là lúc tiếng nói của Hội đồng HLV Quốc gia là cực kỳ quan trọng. Phải nhấn mạnh, Hội đồng HLV quốc gia khoá mới vừa được hình thành với chủ tịch là ông Nguyễn Sĩ Hiển và thành viên là 2 gương mặt một già, một trẻ - một lão làng, một cá tính là các ông Mai Đức Chung (HLV trưởng ĐT nữ Việt Nam), Lê Huỳnh Đức (HLV trưởng CLB SHB.Đà Nẵng). Đây cũng là thời điểm mà Hội đồng HLV quốc gia thực hiện một cách thức hoạt động rất mới: các thành viên của Hội đồng sẽ gắn bó cụ thể, mật thiết với các hoạt động của VFF nhiều hơn, và sẽ được VFF trả lương, công tác phí đàng hoàng, chứ không còn "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" như những kỳ trước nữa.
CĐV giăng biểu ngữ, đề nghị ông Miura thay đổi. |
Vậy thì hơn lúc nào hết người ta cần nghe những người có chuyên môn của hội đồng này có một tiếng nói cụ thể, rõ ràng trong mâu thuẫn Miura - bầu Đức. Nếu lập luận của Miura là chính xác, rằng "cầu thủ Việt Nam không thể kỹ thuật bằng cầu thủ UAE, Jordan, Australia, nên không thể chọn lối chơi kỹ thuật để đấu lại các đội này" thì cần lên tiếng ủng hộ Miura tuyệt đối, từ đó giúp cho cả một đội tuyển nhìn về một hướng.
Ngược lại, nếu quả tình là ông Miura quá cứng nhắc, cực đoan với triết lý của mình thì cũng không thể thực hiện chiến lược "im lặng là vàng", mà cần ra mặt lên tiếng, góp ý, thậm chí đấu lý với ông một cách đàng hoàng, sòng phẳng. Dĩ nhiên, vai trò của Hội đồng chỉ là tư vấn, góp ý, còn người có quyết định chuyên môn cuối cùng về lối chơi cùng những đường đi nước bước cụ thể của ĐT tại VCK U.23 châu Á tới phải là Miura.
Trước đây, Hội đồng HLV quốc gia luôn bị mang tiếng là "hữu danh vô thực", và từng có những lần mà chính các thành viên của hội đồng đã công khai bày tỏ về hiện trạng "hữu danh vô thực" của mình. Chẳng hạn như sau thất bại của ĐT U.23 Việt Nam tại SEA Games năm 2007, khi VFF đề nghị hội đồng này mổ xẻ, phân tích các vấn đề chuyên môn thì PCT Hội đồng khi ấy, cựu HLV Trần Văn Phúc nói thẳng: "Khi ĐT đá, các anh không tặng chúng tôi một cái vé, bây giờ bảo chúng tôi mổ xẻ thì mổ xẻ cái gì đây?".
Đến SEA Games năm 2011, sau khi ĐT U.23 của thầy Đức Falko Goetz thất bại ở bán kết, VFF lại đề nghị hội đồng phân tích về vai trò của ông Goetz thì một thành viên của hội đồng là ông Dương Ngọc Hùng lại nói: "Tôi ở Bình Định, thậm chí còn chưa được VFF tạo điều kiện cho ra Hà Nội gặp ông Goetz một lần nào, thế thì làm sao có thể phân tích, kết luận về ông ấy một cách chính xác".
Nhưng bây giờ, ở kỳ hoạt động mới của mình, rõ ràng Hội đồng không thể cứ như thế này được nữa. Hơn lúc nào hết, người hâm mộ chờ đợi một tiếng nói mang tính định hướng, quyết định của Chủ tịch Hội đồng - ông Nguyễn Sĩ Hiển về cái thực trạng "quân bầu Đức - ý tưởng Miura" cực kỳ nhức nhối và mâu thuẫn hiện nay.
Ông Miura luôn nêu cao khẩu hiệu "Đội tuyển là một khối" Lần tập trung ĐT U.23 này, hơn một lần ông Miura bị báo giới đề nghị đánh giá về quân HA.GL, và ông khó chịu ra mặt với lời đề nghị này. Ông bảo: "Chúng tôi là một tập thể, một đội bóng - các bạn phải nhớ điều này". Đúng là ĐTQG là một khối, nhưng trong bối cảnh mà ông chủ của những Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường... đã không ngừng chỉ trích ông, thậm chí còn đề nghị sa thải ông để làm cái việc mà theo mình là "cứu bóng đá Việt Nam" thì cái khối ấy bền chặt tới đâu là điều cần đợi thời gian kiểm chứng. Trong hoàn cảnh này, ông Miura vẫn tỏ ra rất bản lĩnh với tuyên bố "Chúng tôi đặt mục tiêu vào tứ kết VCK U.23 châu Á", và "Chúng tôi sẽ trả lời mọi người bằng kết quả cụ thể trên sân cỏ". Đúng là mệt thật! Chính CLB Hoàng Anh Gia Lai cũng có lúc "bẻ" bài V.League 2015, CLB HA.GL với một dàn cầu thủ kỹ thuật và ông thầy trung thành với lối chơi kỹ thuật, cống hiến Guillaume Graechen đã quyết định chơi một thứ bóng đá tấn công, cống hiến. Tuy nhiên khi lối chơi tấn công dẫn đến hàng loạt thất bại liên tiếp, HA.GL đứng trên bờ vực xuống hạng thì bầu Đức đã quyết định "bẻ" bài. Ông buộc phải thay thế Guillaume Graechen - người mà trước đó ông từng tuyên bố là "không bao giờ thay thế" bằng thầy nội Nguyễn Quốc Tuấn. Và khi lên cầm quân thay thầy ngoại, ông Tuấn vừa hạn chế sử dụng các cầu thủ U.19 kỹ thuật, vừa thay lối chơi tấn công, cống hiến bằng một lối chơi tính toán, thực dụng hơn. Kết quả: cùng với may mắn và nhiều dích dắc hậu trường khác, HA.GL thắng hàng loạt trận đấu quan trọng để rồi trụ hạng trong đường tơ kẽ tóc. Chắc chắn ông Toshiya Miura nhìn thấy điều này, nên cái lập luận của ông: "Cầu thủ Việt Nam khó chơi kỹ thuật trước Australia, UAE" ở một góc độ nào đó cũng có lý riêng của nó? |