Phim truyền hình ngoại có lấn sân phim Việt?

Thứ Ba, 02/08/2016, 11:08
Hết cơn sốt phim Hàn, khán giả Việt Nam đang chuyển sang cơn sốt phim Ấn Độ. "Sốt" đến nỗi, những cuộc giao lưu, gặp mặt của các diễn viên phim Ấn Độ sang Việt Nam được chào đón rầm rĩ, thành trào lưu, thần tượng. Phim truyền hình Việt nhìn cảnh đó có ngậm ngùi? Phải chăng phim ngoại đang lấn sân phim truyền hình Việt?


Trào lưu phim Ấn Độ

Không phải đến bây giờ, phim ngoại mới lấn lướt sóng truyền hình phim Việt, mà từ rất lâu rồi, các kênh truyền hình vẫn dành một thời lượng đáng kể cho những bộ phim nước ngoài, từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và bây giờ là Ấn Độ. Nhưng có lẽ, chưa bao giờ, xu hướng xem phim Ấn Độ, mê phim Ấn Độ thành hiện tượng, thành trào lưu đến thế.

Một cảnh trong phim “Gia phả của đất”.

Bằng chứng là hơn 3.000 khán giả Hà Nội đã háo hức chờ đợi để được gặp thần tượng của mình là dàn diễn viên "Cô dâu 8 tuổi". Rất nhiều người từ già đến những đứa trẻ mới chập chững biết đọc cũng là fan hâm mộ của bộ phim này. Thế mới biết, văn hóa thần tượng ở nước ta mạnh mẽ biết chừng nào.

Nhưng, rõ ràng, hiếm có một bộ phim Việt nào, từ vài năm trở lại đây, gây được hiệu ứng hay những cơn sốt tương tự thế, để khiến các bà nội trợ, kể cả những em bé, mong ngóng cả ngày, sấp ngửa chờ đến giờ ngồi xem "Cô dâu 8 tuổi". Họ hồi hộp theo dõi, mong ngóng với số phận từng nhân vật. Thậm chí câu "Thần linh ơi" trở thành câu cửa miệng của nhiều người.

Đúng với kiểu say mê phim Hàn Quốc mấy năm trước, khi trào lưu phim Hàn đang nở rộ trên sóng truyền hình. Và tiếp đó là một trào lưu Hàn Quốc hóa từ mỹ phẩm, trang phục đến cả thẩm mỹ, công nghệ…

Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, trên VTV3 đang phát sóng bộ phim truyền hình dài 70 tập "Không thể lìa xa" vào khung giờ 22h20 các ngày thứ 2 đến thứ 5 hàng tuần; VTV9 từng "đổi món" phát sóng phim "Mãi mãi bên nhau" (75 tập), đang phát "Tình yêu và định mệnh (1.300 tập) và "Hẹn tái hôn" (250 tập).

Các kênh truyền hình địa phương như: THVL 1 (Truyền hình Vĩnh Long) sau khi kết thúc bộ phim "Con gái của cha" đang phát sóng "Âm mưu và tình yêu" (717 tập); HTV3 phát "Mối tình kỳ lạ" (dài 192 tập); HTV7 cũng đang lên sóng phần 3 bộ phim "Trái tim mỹ nhân" (96 tập).

“Cô dâu 8 tuổi” vẫn thu hút khán giả mỗi tối.

Ngoài ra, trên sóng của các kênh: TodayTV, Echanel và nhiều kênh khác của truyền hình cáp VTV, SCTV, K+, MyTV, HTVC, AVG cũng phát sóng rất nhiều bộ phim Ấn Độ. Thế mới biết, độ phủ sóng của phim Ấn rộng đến mức nào.

Vì sao khán giả Việt lại mê phim Ấn Độ đến thế. Phải chăng vì những bộ phim đó quá hấp dẫn. Thực tế là không. Với cốt truyện lê thê, có những bộ phim dài tới 2.000 tập, những câu chuyện sướt mướt, thường xuyên lặp cảnh "soi" cận mặt nhân vật trong một tập phim; cảnh khóc lóc nhiều như "cơm bữa"; mô-típ phim na ná nhau và đặc biệt tình tiết rất thiếu cao trào. Đó không thể nói là những bộ phim hay.

Nhưng rõ ràng, phim Ấn Độ đánh trúng thị hiếu của khán giả Việt, thích sự mới mẻ, với dàn diễn viên xinh đẹp, khai thác tâm lý tình cảm gần gụi với đời sống bình dân của mọi người. Hơn nữa, những bộ phim Ấn Độ thường chiếu vào sóng giờ vàng khiến người xem không có nhiều lựa chọn.

Chẳng hạn như phim "Cô dâu 8 tuổi" đang gây hiệu ứng hiện nay, bộ phim hơn 2.000 tập nhưng lại thu hút được một lượng khán giả bình dân Việt Nam. Nếu xét kỹ thì thấy câu chuyện của phim cũng không nhiều nét tương đồng lắm với xã hội Việt Nam hiện tại, vậy sao bộ phim này cuốn hút đến vậy?

 Rõ ràng, tổng thể bộ phim xa lạ nhưng bên trong nó lại có rất nhiều chi tiết, câu chuyện, tình huống gần gũi với từng đối tượng khán giả. Từ cô dâu, chú rể, bố mẹ, ông bà… tất cả những xung đột xung quanh họ là những câu chuyện gia đình chúng ta có thể gặp trong cuộc sống hàng ngày.

Điều ấy làm cho khán giả Việt, nhất là các lớp khán giả nội trợ thích xem và lâu dần thành mê". Bởi đối tượng xem phim truyền hình có đến 70% là bình dân. Và việc họ thích một tác phẩm nước ngoài cũng là điều dễ hiểu.

Không chỉ là vấn đề thị hiếu

Nhưng theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, câu chuyện của thị hiếu chỉ là một phần trong bức tranh phim truyền hình hiện nay. Kinh tế suy thoái, dẫn theo lượng quảng cáo ở phim truyền hình sụt giảm.

Phim Ấn Độ phủ sóng các kênh truyền hình.

Chi phí bỏ ra sản xuất một bộ phim truyền hình quá lớn, mà lượng quảng cáo không đủ, nếu chỉ hoàn toàn dựa vào phim truyền hình trong nước thì không có khả năng tái đầu tư. Những bộ phim chất lượng tốt như "Gia phả của đất"… quảng cáo cũng rất thấp.

VTV là đơn vị duy nhất duy trì sản xuất phim truyền hình, nhưng cũng đang thu hẹp lại số lượng, thậm chí có nhiều phim mua bản quyền rồi mà chưa lên sóng vì thời điểm này, rating quá thấp, dù phim chất lượng tốt, nếu không nói là hay so với mặt bằng chung.

"Nếu phát sóng thời điểm này, mỗi tập chỉ thu được vài chục triệu thì cầm chắc lỗ, vì thế, VTV buộc phải chọn giải pháp giữ vốn, chờ rating lên rồi mới phát còn hơn là cầm chắc lỗ.

Thực tế với phim truyền hình ở thời điểm này rất khó khăn, các kênh truyền hình tư nhân, họ là những đơn vị kinh doanh, bắt buộc phải thu hồi vốn, nên họ phải có những lựa chọn khác".

Theo bà Trịnh Thanh Nhã thì phim Ấn Độ có lượng rating cao hơn phim Việt. Chi phí mua bản quyền cho mỗi tập phim lại khá thấp so với chi phí sản xuất. Vì thế, với các đơn vị kinh doanh, lựa chọn hàng đầu của họ vẫn là lợi nhuận, thì mua phim nước ngoài phát sóng xem ra là bài toán hợp lý hơn trong thời điểm hiện nay.

Theo thống kê từ một đơn vị chuyên nhập khẩu phim Ấn cho biết, lượng rating của phim Ấn hiện nay cao gấp 3-5 lần phim Việt. Vốn dĩ các đài truyền hình vẫn trả kinh phí cho các nhà nhập khẩu phim bằng nguồn thu từ quảng cáo trên sóng truyền hình.

Chính vì vậy, khi dòng phim Ấn Độ thu hút được khán giả, nghĩa là thu hút được quảng cáo thì phong trào "kênh nào cũng có phim Ấn Độ" ngày càng được đẩy mạnh.

Sự lấn lướt của phim ngoại trên sóng truyền hình Việt đang đặt ra một câu hỏi, một thách thức với các đài truyền hình, các nhà làm phim trong nước. Liệu phim Việt có bị lép vế so với phim nước ngoài.

Dàn diễn viên “Cô dâu 8 tuổi” đến Việt Nam được chào đón nồng nhiệt.

Trong một lần phỏng vấn, đạo diễn Quốc Trọng, người từng làm nên những cơn sốt phim truyền hình Việt như "Người vác tù và hàng tổng"… khi ra mắt "Gia phả của đất", một bộ phim được chăm chút kỹ lưỡng về đời sống của người Việt từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, một bộ phim thuần Việt, nhưng không nhận được hiệu ứng của khán giả như kỳ vọng.

Chính đạo diễn Quốc Trọng từng nói với tôi rằng, người Việt vẫn thích xem những câu chuyện của người Việt, nhưng xem ra, với trào lưu hướng ngoại này, niềm tin của anh liệu có bị tổn thương?

Ở một góc nhìn khác, phải chăng, phim truyền hình Việt chưa thực sự hấp dẫn khán giả. Có một thời khán giả từng say mê với "Ngõ lỗ thủng", "Đất và người", "Người vác tù và hàng tổng"…

Nhưng trong vài năm gần đây, gần như chúng ta không tìm lại được cơn sốt phim truyền hình Việt nữa. "Chất lượng cũng là điều đáng bàn, nhưng những năm qua VTV đang nỗ lực đưa dòng phim truyền hình trở lại đúng giá trị của nó, chất lượng từng bước nâng cao, kể cả những phim xã hội hóa.

Tuy nhiên, nhiều nhà đài vẫn chạy theo thị hiếu. Thiếu kịch bản, thiếu diễn viên, thiếu kinh phí, nên họ làm phim vội như mì ăn liền. Những con sâu đó sẽ ảnh hưởng đến bộ mặt của phim truyền hình nói chung".

Nhưng diễn viên, đạo diễn Quốc Tuấn lại có cái nhìn lạc quan khi cho rằng, phim Việt vẫn có vị thế riêng của mình. Phim Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc chỉ là gia vị, say mê nhất thời của khán giả mà thôi. Khán giả, đến lúc nào đó sẽ chán và tự thay đổi "gu" của mình.

Bằng chứng là đã có rất nhiều cuộc đổ bộ của phim Trung Quốc, phim Hàn Quốc nhưng đến nay phim Việt vẫn trụ hạng. "Phim nước ngoài vào Việt Nam cũng là một cú hích đẩy phim Việt phát triển.

Và chúng ta buộc phải thay đổi nếu không chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà. Chúng ta cần học họ ở cách làm việc chuyên nghiệp, cách tiếp cận khán giả, từ cách đầu tư trang phục, diễn viên, họ chuyên nghiệp và bài bản hơn mình.

Tôi tin, nếu chúng ta chịu thay đổi, đầu tư thì con đường phía trước của phim truyền hình rất thênh thang, vì chúng ta có lượng khán giả rất đông. Đã có những hợp tác rất thành công như "Tuổi thanh xuân", mở ra một hướng đi cho phim Việt.

Vì sao những câu chuyện của nước họ mà vẫn hấp dẫn khán giả Việt, đó mới là mấu chốt của câu chuyện. Tuy nhiên, tôi vẫn thích cách khai thác những câu chuyện thuần Việt, nhưng chúng ta cần học họ ở công nghệ và tư duy làm phim mới mẻ, hấp dẫn khán giả".

V.Hà
.
.
.