Phim ngoại đang lấn át thị trường điện ảnh
- Phim Việt hè 2019: Mùa hy vọng… còn xa
- Phim Việt bị chèn ép trên chính “sân nhà”
- Ca khúc trong phim Việt: Ngày càng khởi sắc
- Phim Việt xuất ngoại: Chập chững lội ngược dòng
Trong phiên chất vấn mới nhất, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) có nhấn mạnh đến vấn đề mất cân bằng của thị trường điện ảnh Việt Nam. Thực tế, mỗi năm chỉ có khoảng 40 phim Việt Nam được sản xuất và phát hành, trong khi phim nước ngoài phát hành tại thị trường Việt Nam là 200 phim. Đây không chỉ là vấn đề của năm 2019 mà là vấn đề tồn tại nhiều năm của thị trường điện ảnh Việt Nam mà chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, một năm, phim nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam đạt khoảng 240 phim, trong khi đó phim nội chỉ có 40 phim. Phim nước ngoài đang lấn át phim nội tại thị trường Việt Nam.“Lý do liên quan đến Luật Điện ảnh, hiện nay chúng ta không quy định hạn ngạch để nhập khẩu phim. Cho nên phim ngoại nhập ồ ạt”, Bộ trưởng giải thích. Ông cũng đưa ra 2 giải pháp để hạn chế tình trạng này. Một là dùng hàng rào kỹ thuật, tức kiểm duyệt về nội dung phim.“Những bộ phim không phù hợp thì chúng ta không cho phát hành và phổ biến”. Hai là quy định số lượng phim Việt mà các rạp phải chiếu. Tổng số buổi chiếu phải đạt 20%.
Những bộ phim nghệ thuật như “Song lang” không được ưu tiên những khung giờ đẹp ở các rạp. |
Tuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ phim Việt được chiếu ở rạp rất ít, ngoại trừ những phim thực sự hot. Mấy năm gần đây, thị trường phát hành và cùng với nó là hệ thống rạp chiếu phim tại Việt Nam bùng nổ. Nhưng phim Việt không được rộng cửa để đến với khán giả.
Phim Việt đang gặp khó khăn ngay trên chính sân nhà của mình, khi thị trường rạp bị chiếm giữ bởi các công ty nước ngoài, sự thành công hay thất bại của phim Việt đang nằm trong tay các nhà phát hành quyền lực như CGV, Lotte.
Trước năm 2000, 2005, Việt Nam sản xuất được 5 đến 10 bộ phim do Nhà nước đặt hàng. Năm 2015 khoảng 40 bộ phim. Năm 2016 khoảng 60 bộ phim. Đến năm nay cũng khoảng hơn 40 bộ phim… trong đó hầu như đều là phim tư nhân sản xuất.
Tuy nhiên, con số đó là quá khiêm tốn so với thị trường tiềm năng như Việt Nam, bởi thực tế, ngoại trừ những phim Việt hot như “Em chưa 18”, “Hai Phượng” “Tèo em” được đồng loạt các rạp khởi chiếu vào khung giờ đẹp. Còn lại, rất ít phim Việt được các hệ thống rạp như CGV phát hành. Hoặc nếu có, thường vào những khung giờ xấu.
“Nếu không có các chính sách phù hợp trong giai đoạn hiện nay có thể khán giả Việt sẽ chỉ được xem những bộ phim do các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất và phát hành. Phim Việt đang có nguy cơ mất thị phần trên chính sân của mình. Và văn hóa nước ngoài càng ngày càng xâm lấn văn hóa Việt bởi điện ảnh là một kênh quảng bá văn hóa thiết thực nhất. Đó là một thực tế đòi hỏi rất nhiều giải pháp từ phía cơ quan quản lý nhà nước”. Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng giám đốc BHD khẳng định.
Nếu các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, họ đều có những quy định chặt chẽ về tỷ lệ phần trăm của phim nước ngoài được chiếu, thì ở Việt Nam, ngược lại, phim nước ngoài được cập nhật một cách liên tục và phổ biến, chiếm tỷ lệ đến 70% trị trường phát hành. Và vấn đề đặt ra ở đây là, nếu giới trẻ chỉ thích xem phim Hàn Quốc, Mỹ, hay Trung Quốc thì sao có thể hiểu được lịch sử và văn hóa dân tộc Việt Nam? Điện ảnh Việt Nam đang đứng ở đâu trong nền công nghiệp điện ảnh thế giới đang phát triển như vũ bão hiện nay?
Tại Việt Nam các doanh nghiệp nước ngoài đang nắm giữ thị phần rạp chiếu tương đối lớn, điều này có thể dẫn đến hạn chế sự cạnh tranh, đẩy doanh nghiệp điện ảnh nhỏ bé của Việt Nam đến chỗ phá sản và có thể ngay cả phim Việt Nam sẽ không được công chiếu ở Việt Nam.
Vấn đề mà Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đặt ra là vấn đề sống còn của một nền điện ảnh. Nhưng thực tế, chúng ta chưa có những giải pháp cụ thể để cải thiện và hỗ trợ nền điện ảnh trong nước. Các cơ quan chức năng cần phải làm gì để những bộ phim Việt được công chiếu rộng rãi và những người sản xuất phim được hưởng phần lợi nhuận phù hợp so với công sức và nguồn kinh tế mà họ đã bỏ ra.
Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia ngậm ngùi: “Tôi cũng mong muốn đặc biệt là việc điều chỉnh tỉ lệ xây rạp giữa rạp Việt Nam và rạp nước ngoài. Bởi vì rạp quyết định đến sự phát triển. Ai nắm được nhiều rạp, người đó sẽ phát triển. Hiện nay, ai cũng biết, rạp của chúng ta vào tay các doanh nghiệp nước ngoài, nếu doanh nghiệp nước ngoài nắm hết rạp, chắc chắn thị phần của chúng ta sẽ co hẹp lại và nguy cơ phim Việt không còn chỗ đứng ở Việt Nam sẽ trở thành sự thực”.
Cần có các chính sạch mạnh mẽ từ phía nhà nước
Hiện nay các nhà phát hành phim của chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn đặc biệt là các phim Việt Nam, vì ngoài phải cố gắng về PR và maketting, để khán giả biết thì điều khó khăn nhất là việc phát hành, chọn ngày phát hành nào để tránh phim đồng nghiệp Việt Nam, chọn ngày phát hành nào để không trùng với các phim nước ngoài cùng thể loại để khán giả dễ xem phim của mình và đặc biệt phải đàm phán với các cụm rạp lớn để làm sao tỷ lệ ăn chia đem lại cho các nhà sản xuất phim Việt Nam có được cơ hội hơn trong việc tìm kiếm lợi nhuận vì chi phí sản xuất phim Việt Nam hiện nay còn rất cao khoảng 10-30, 40 tỷ, để thu hồi lại vốn thì phải gấp đôi số tiền đó thật sự không dễ nhất là bây giờ giá vé bị xuống rất nhiều.
Điện ảnh Việt Nam là một ngành công nghiệp mới mẻ, mới chỉ phát triển được 10 năm gần đây và 5 năm gần đây thì phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên so với Trung Quốc, Hàn Quốc tỷ lệ phim nội địa của họ lên đến 50-60%. Việt Nam là một đất nước trẻ, các bạn đạo diễn học trong nước, ngoài nước đang làm điện ảnh hiện nay đều nhiệt huyết và chúng tôi tin tưởng là ngành điện ảnh sẽ phát triển nhanh, và cùng với đó điều quan trọng hơn cần có sự giúp đỡ của chính sách do Nhà nước đề ra thì chúng tôi mới phát triển nhanh hơn nữa.
Chúng tôi nghĩ có yêu cầu rất cần thiết trước mắt: Thứ nhất là phải làm sao có quy định để kiểm soát hành vi chống độc quyền và bóp nghẹt lợi nhuận của những doanh nghiệp nắm thị phần lớn. Thứ 2 đối với phim Việt thì Chính phủ cần có quy định cụ thể ví dụ như suất chiếu đối với phim Việt Nam, bao nhiêu suất chiếu vào giờ vàng, để chúng ta cần phải làm phim tốt nhất cho người xem ủng hộ.
Văn hóa Việt sẽ mờ nhạt khi phim ngoại lấn át phim nội
Trong hoạt động điện ảnh, chúng ta thấy một điều đáng mừng là khi chuyển sang xã hội hoá hoạt động điện ảnh thì việc sản xuất phim phát triển, sản lượng đã đáng mừng, từ chỗ 5 năm trước mỗi năm được 8-10 phim, bây giờ tiến tới được 30-40 phim thậm chí 50 phim. Nhưng để tác phẩm đó đến được với công chúng lại phụ thuộc vào công tác phát hành và rạp chiếu.
Nếu chúng ta căn cứ vào chiến lược phát triển điện ảnh đã được Chính phủ phê duyệt năm 2014 nêu rất rõ là sẽ phát triển hệ thống rạp chiếu ở địa phương như thế nào, ở các trung tâm như thế nào, hình thành mấy trung tâm lớn nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Vì thế nhiều nơi, nhiều địa phương, nhiều tỉnh đã không còn cụm rạp để chiếu nữa.
Rạp xuống cấp, thiết bị không có, có những vùng nhân dân công chúng thiệt thòi, không được hưởng thụ văn hoá, đó là điều mà Hiệp hội Điện ảnh quan sát và thấy đáng buồn vì chiến lược phê duyệt rồi, nhưng triển khai chiến lược đó thế nào, hiệu quả đến đâu thì chưa rõ.
Điều đáng buồn nữa là do chúng ta không phát triển được lĩnh vực này. Các công ty nước ngoài nhảy vào chiếm lĩnh thị trường. Trước hết họ chiếm lĩnh ở trung tâm lớn, dần dần lan toả ra, thí dụ như CJ khi vào cuộc, họ xin xây dựng 5 cụm rạp với 40 phòng chiếu và bây giờ thì họ lên đến mấy chục cụm rạp và hàng trăm phòng chiếu. Khi họ nắm trong tay hàng trăm phòng chiếu thì họ chi phối hoàn toàn nguồn phim đưa vào phòng chiếu. Chúng ta có sơ hở, chúng ta đã trót nhưng chúng ta chưa tìm cách chặn sơ hở đó.
Khi ta gia nhập WTO thì chúng ta không giới hạn costa nhập khẩu phim nước ngoài mà hoàn toàn có thể nhập tự do và miễn là phim đó hội đồng ta duyệt không vi phạm điều cấm là hoàn toàn có thể chiếu, vì vậy 2 công ty nước ngoài là CJ và Lotte tăng cường, rất tích cực nhập khẩu phim nước ngoài.
Một năm chúng ta xem hơn 200 phim nước ngoài và văn hoá nước ngoài thông qua các sản phẩm vào Việt Nam, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của chúng ta. Một năm nhập hơn 200 bộ phim sẽ làm cho văn hoá Việt Nam trở nên mờ nhạt và phim Việt sẽ không có cơ hội phát triển. Luật Điện ảnh thì phải tạo đất cho điện ảnh Việt Nam phát triển.