Phim Việt thua trong nước, thắng ngoài nước vì sao?

Chủ Nhật, 28/05/2017, 17:47
Tới tấp thông tin vui về với điện ảnh Việt những ngày vừa qua, phim “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng và phim “Đảo của dân ngụ cư” của nghệ sĩ Hồng Ánh đã dành được những giải thưởng lớn đáng tự hào tại các Liên hoan phim quốc tế danh giá. Mừng mừng nhưng cũng tủi tủi, bởi, các phim này trước đó chẳng mấy dấu ấn trong nước. Nó không hề được ghi nhận bởi các Ban giám khảo (BGK) chấm ở các cuộc thi trong nước...


Không phải chuyện hiếm

Gần 2 tháng trước, đạo diễn Lương Đình Dũng quyết định trả lại bằng khen của BGK giải thưởng Cánh diều vàng dành cho phim “Cha cõng con” của anh. Đạo diễn cho rằng, Ban tổ chức đã không công bằng với phim của mình. Hành động trả lại giải thưởng của Lương Đình Dũng vấp phải nhiều ý kiến khác nhau. Người đồng ý với quyết định của anh, người chỉ trích cho rằng anh kiêu ngạo, tham gia cuộc chơi thì phải chấp nhận luật chơi. 

Trước đó, “Cha cõng con" được đề cử ở 3 hạng mục: Nam diễn viên chính xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc và Phim điện ảnh xuất sắc trong Giải Cánh diều vàng. Nhưng rốt cục, đạo diễn Lương Đình Dũng tay không ra về, kèm theo là tấm bằng khen. 

Không được đánh giá cao ở giải thưởng trong nước, nhưng khi ra với các liên hoan quốc tế, “Cha cõng con” đã bất ngờ mang về những giải thưởng quan trọng, như Giải “Phim có cốt truyện hay nhất” ở Liên hoan phim Boston (Mỹ) lần thứ 15. 

Rồi sau đó, tại Liên hoan phim Arizona lần thứ 26 cũng tại Mỹ, “Cha cõng con” đoạt giải “Phim truyện nước ngoài xuất sắc nhất”, giải “Quay phim ấn tượng nhất”. Mới đây nhất, “Cha cõng con” đoạt luôn giải “Quay phim xuất sắc nhất” tại Liên hoan Phim quốc tế Milano lần thứ 17 tại Ý.

Cùng chia vui với “Cha cõng con” là “Đảo của dân ngụ cư” của nghệ sĩ Hồng Ánh. Phim đầu tay của chị trong nước cũng chẳng mấy tiếng vang, và chưa từng được BGK các cuộc thi trong nước ghi nhận, vinh danh. Nhưng khi mang chuông “đi đấm xứ người”, “Đảo của dân ngụ cư” lập kỷ lục là giành 8 đề cử quan trọng của Liên hoan Phim quốc tế Asean-Aiffa 2017. 

Và, “Đảo của dân ngụ cư” mang về cho chủ nhân 3 giải thưởng trong đó có giải thưởng lớn là Giải cho phim hay nhất. Đây quả là một thành công ngoài mong đợi của đạo diễn trẻ Hồng Ánh và cũng là niềm tự hào chung của điện ảnh Việt.

Mấy năm trước, một phim khác là “Bi, đừng sợ” của đạo diễn trẻ Phan Đăng Di cũng liên tục giành những giải thưởng quan trọng trong các kỳ Liên hoan Phim quốc tế. 

Cụ thể, “Bi, đừng sợ” giành 2 giải thưởng của Tuần lễ phê bình tại Liên hoan Phim quốc tế Cannes (Pháp), giải thưởng Special Mention của Liên hoan Phim quốc tế Vancouver (Canada), giải Phim hay nhất tại Liên hoan Phim châu Á - Hong Kong, giải thưởng Phim đầu tay xuất sắc nhất và một giải cho Nhà quay phim xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim quốc tế Stockholm (Thụy Điển). Mặc dù vang danh quốc tế như vậy, nhưng “Bi, đừng sợ” lại không nhận được sự đánh giá cao của các BGK trong nước.

Đạo diễn Lương Đình Dũng, người đã bất ngờ trả bằng khen cho BGK, vì không “tâm phục khẩu phục” về việc BGK đánh giá phim “Cha cõng con” của anh chia sẻ rằng, anh “vô duyên” với giải thưởng trong nước. 

“Cha cõng con” không phải lần đầu tiên anh “thua trong nước, thắng ngoài nước”. Trước đó, phim “Hạnh phúc đỏ” của Lương Đình Dũng mờ nhạt ở Cánh diều vàng trong nước nhưng lại được chọn chiếu tại Liên hoan Phim quốc tế tại Pháp. Rồi phim “Chuyện ông Mờ” của anh chỉ nhận được Bằng khen của BGK Cánh diều vàng nhưng lại trở thành Phim xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Quốc tế Tokyo (Nhật Bản) năm 2007.

Khi “an toàn” còn là tiêu chí quan trọng nhất

Câu chuyện về những tác phẩm điện ảnh được đánh giá cao trong các liên hoan phim xứ người nhưng lại bị lãng quên, hay lạnh nhạt ngay trên quê hương là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ. Đành rằng, mỗi cuộc thi có một tiêu chí chấm giải riêng, việc thí sinh không trở thành “hoa hậu” cuộc  thi này nhưng lại giành vương miện “hoa hậu” của cuộc thi khác là hết sức bình thường. 

Có người nói, phim mờ nhạt ở liên hoan này và được đánh giá cao ở liên hoan kia cũng chẳng nên làm to chuyện. Nhưng vấn đề ở đây là, hầu hết những phim không được đánh giá cao trong nước, khi đến với cuộc chơi rộng hơn, lớn hơn, mang tầm quốc tế, lại được các BGK vinh danh, thừa nhận, trao giải. Rõ ràng, khả năng thẩm định phim của BGK trong nước và các BGK quốc tế đang có vấn đề, đang “vênh” nhau.

Vì sao lại có sự “vênh” như vậy?

Đầu tiên là nói về trình độ thẩm định phim. Chúng ta không có cơ sở để nói các giám khảo trong nước không có trình độ bằng giám khảo ngoài nước. Thực tế, thành phần BGK chấm giải trong nước có người đã là những nhà làm phim kỳ cựu. 

Nhưng chúng ta hiểu một điều rằng, công nghệ làm phim của thế giới đang đi những bước dài thay đổi mỗi ngày. Để thẩm định một bộ phim, người làm giám khảo không thể không cập nhật những xu hướng, kỹ thuật làm phim tiên tiến trên thế giới. Vì một bộ phim khác với một cuốn sách. Ngoài nội dung kịch bản hay, diễn viên tốt, nó còn kỹ thuật quay phim, chất lượng hình ảnh hay kỹ năng dựng phim, công nghệ sử dụng trong dựng phim... 

Những người ngồi ghế giám khảo nếu không đánh giá được trình độ làm phim của người đạo diễn một cách chính xác, chỉ lấy câu chuyện hay kịch bản điện ảnh làm nòng cốt thì có thể một bộ phim có kỹ năng điện ảnh tiên tiến sẽ phải chịu thiệt thòi. Nói thẳng ra, nếu giám khảo lạc hậu về hiểu biết công nghệ làm phim thì khó mà đánh giá phim chuẩn xác.

Một điều nữa là tính an toàn trong tiêu chí thẩm định phim của các BGK trong nước. An toàn là cái barie chặn ngang sự suy xét của BGK. Vì đề cao tiêu chí an toàn, nên họ ngại đụng đến những phim có thể gây tranh cãi, hay thực tế đang gây tranh cãi. Vì tư duy làm phim của đạo diễn có thể mới, cách làm khác với cách làm phim truyền thống, cách kể chuyện lạ mà trước đó người khác chưa từng... 

Tâm lý ngại những gì còn đang trong tranh cãi, chưa đạt được đa số sự đồng thuận là tâm lý có thật trong hầu hết các BGK ở ta, và cũng không phải chỉ ở lĩnh vực điện ảnh, mà còn ở trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác.

Thiết nghĩ, lập ra các BGK cho các cuộc thi lớn của điện ảnh, thì việc của họ không chỉ là tìm ra tác phẩm “hay một cách an toàn nhất”, hoặc “hay một cách quen thuộc nhất” để trao giải, mà họ còn là những người phát hiện các nhân tố mới để đưa nền điện ảnh phát triển lên một bước cao hơn, phù hợp với xu thế của thế giới. 

BGK tốt về chuyên môn nhưng cần cả bản lĩnh để bảo vệ những giá trị mới vừa hình thành, có thể đối mặt với dư luận, hướng dẫn dư luận và trả lời dư luận, từ đó kích thích một nền điện ảnh dám xông vào cái mới, cái chưa từng, tạo ra một sự phát triển đa dạng trong đời sống nghệ thuật. 

Những người mới tham gia vào nghệ thuật, những người còn trẻ bao giờ cũng tha thiết một sự thừa nhận, một sự khích lệ, nhất là ở những BGK. Tuy nhiên, điện ảnh Việt vẫn chưa vượt lên trên để sẵn sàng ủng hộ cái mới, những tác giả mới, hay những người vượt ra ngoài khuôn khổ truyền thống đi tìm cái khác biệt, dị biệt.

Bởi vậy, như một quy luật, muốn được khích lệ, những người muốn được thừa nhận khi tìm kiếm cái mới, họ phải ra nước ngoài, thi thố ở những cuộc thi khác, những BGK khác, rồi mới quay về chinh phục trong nước. Trái khoáy, ngược, nhưng xem ra đấy là cách duy nhất. Cho đến khi nào người ta bỏ bớt tiêu chí an toàn khi chấm các giải thưởng đi...

An toàn trong nghệ thuật đồng nghĩa với dậm chân tại chỗ hay thụt lùi, không có cơ hội cho cái mới hiện ra, chiếm lĩnh cái cũ. Người ta vẫn thường nói, giám khảo nào giải thưởng đấy. Những giám khảo an toàn thì kết quả một cuộc thi là tác phẩm “an toàn” lên ngôi. 

Thực tế, Cánh diều vàng của ta bao năm qua đều là vậy. Những tác phẩm được trao giải cao phần lớn khán giả có thể đoán ra được, vì trước đó nó có tiếng vang hay tạo được sự đồng thuận của công chúng trong nước. Chính vì yếu tố đó mà Cánh diều vàng thường ít bất ngờ. 

Người ta không thấy những tác phẩm của tác giả trẻ, đang gây tò mò, tranh cãi, được khẳng định gây sửng sốt công chúng bao giờ. Việc đó nếu có, phải chờ các BGK quốc tế. Và sự thật, chỉ các BGK quốc tế mới mang về vinh dự cho những tên tuổi gây tranh cãi trong nước trước đó.

Vũ Quỳnh Trang
.
.
.