Phim Việt "gây bão" trên sóng truyền hình
"Về nhà đi con" có lẽ là bộ phim được mong chờ nhất vào mỗi buổi tối trên sóng VTV1 thời điểm này. Dù không ít khán giả khó chịu vì lượng quảng cáo chen vào phim quá nhiều trong 30 phút ngắn ngủi, nội dung phát sóng của phim chỉ chiếm từ 18-20 phút), thế nhưng, sức hấp dẫn của bộ phim đã lôi kéo khán giả, khiến họ dễ dàng chấp nhận những vết sạn khó chịu đó. Phim phủ sóng với một biên độ khán giả rộng, từ ông bà, bố mẹ đến các thế hệ con cháu.
Bộ phim “Về nhà đi con” đang thu hút khán giả. |
Có thể nói, "Về nhà đi con" đang gây "bão" khi sở hữu lượng người xem "khủng". Trong giờ chiếu, khán giả xem qua ứng dụng của VTV thường xuyên bị nghẽn mạng. Và lượng quảng cáo mà VTV thu về từ bộ phim đình đám này có thể nói là cao nhất từ trước đến nay. Theo đơn giá quảng cáo phía Trung tâm Quảng cáo và dịch vụ truyền hình, trung bình mỗi tập phim "Về nhà đi con" có 8 phút quảng cáo, nếu là thời lượng 30 giây thì tổng thu của nhà đài sẽ vào khoảng 1,2 tỷ đồng tiền quảng cáo.
"Về nhà đi con" kể về cuộc sống gia đình đầy rắc rối của người cha độc thân - ông Sơn (NSƯT Trung Anh thủ vai) và ba cô con gái Huệ (Thu Quỳnh) - Anh Thư (Bảo Thanh) - Ánh Dương (Bảo Hân).
Mỗi cô gái một tính cách, ai cũng có cuộc sống riêng với những vấn đề riêng khiến ông Sơn luôn phải đau đầu lo lắng và chăm lo cho các con. Bộ phim khiến nhiều khán giả rơi nước mắt. Có thể nói, "Về nhà đi con" đã chinh phục khán giả Việt bằng những câu chuyện đời thường giản dị, xúc động của tình cảm gia đình.
Tuy nhiên, không phải đến "Về nhà đi con", phim Việt mới thu hút đến thế. Khoảng hai năm gần đây, phim Việt đã tạo ra được những cơn sốt thực sự đối với khán giả bằng những bộ phim có chất lượng cao từ kịch bản đến diễn xuất. Nhiều bộ phim được đầu tư lớn, không ngừng nâng cao nội dung, chất lượng kịch bản; thời gian qua, nhiều phim truyền hình Việt đã nhận được sự quan tâm, theo dõi và đánh giá của khán giả.
Những bộ phim này đã thổi một làn gió mới vào ấn tượng của khán giả về phim ảnh nước nhà. Đó là những bộ phim đình đám như "Gia đình là số 1", "Sống chung với mẹ chồng", "Người phán xử", "Tuổi thanh xuân 2", "Thương nhớ ở ai", "Gạo nếp gạo tẻ", "Hậu duệ mặt trời", "Chạy trốn thanh xuân"
Chia sẻ với báo chí, đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết: "Phim truyền hình Việt ngày càng tìm được chỗ đứng bởi ngoài kịch bản, một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới chất lượng của bộ phim chính là diễn viên.
Nhiều phim truyền hình được khán giả yêu mến thời gian qua như "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng", "Khúc hát mặt trời", "Cầu vồng tình yêu", "Tuổi thanh xuân", "Thương nhớ ở ai"... đều có dàn diễn viên chuyên nghiệp cũng như các diễn viên trẻ tài năng tham gia rất phù hợp với vai diễn như NSND Lan Hương, NSND Hoàng Dũng, nghệ sĩ Trung Anh, diễn viên trẻ Việt Anh, Bảo Thanh, Anh Dũng, Hồng Đăng, Thanh Hương...".
Còn đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho rằng: "Khán giả Việt vẫn luôn thích xem những bộ phim về đời sống, văn hóa của người Việt. Thời gian trước đó, chúng ta làm phim truyền hình quá ẩu, nếu không nói là coi thường khán giả, nên họ ngoảnh mặt với phim Việt.
Còn phim truyền hình với những câu chuyện về văn hóa, đời sống của người Việt nếu được làm cẩn thận, kỹ lưỡng, kịch bản tốt, chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Chúng ta có hơn 90 triệu dân, tại sao chúng ta không biết cách kể câu chuyện của chính chúng ta để khán giả được thưởng thức. Rõ ràng, cơ hội cho phim truyền hình Việt Nam rất lớn".
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng phim truyền hình, kỹ năng và công nghệ làm phim đã được các nhà sản xuất đầu tư đáng kể. Trong vài năm trở lại đây, chất lượng phim đã được nâng cao, từ chất lượng SD thì các bộ phim hiện nay đã đạt được chất lượng full HD, thậm chí một số bộ phim đạt chất lượng 4K (chất lượng hình ảnh cao).
Cảnh trong phim “Thương nhớ ở ai” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. |
Ngoài ra, một số phim truyền hình hiện nay cũng đã tiến hành thu tiếng đồng bộ thay vì lồng tiếng như trước đây, giúp hình ảnh và âm thanh rõ nét, chân thực và gần gũi với khán giả hơn. Phim truyền hình Việt đã có những năm tháng hoàng kim với sự gia tăng nhanh chóng của các khung giờ phát sóng trên các kênh truyền hình lớn và sự tham gia sản xuất của các đơn vị tư nhân.
Tuy nhiên, khi mỗi tập phim với mức chi trả cào bằng 200 triệu đồng không còn đủ chi phí tối thiểu cho khâu đầu tư sản xuất thì thị trường phim truyền hình Việt bắt đầu trở nên ảm đạm. Nhiều năm trước, sức ép của rating, quảng cáo khiến phim truyền hình Việt bị co cụm lại trên các đài truyền hình lớn.
Số lượng nhà sản xuất giảm rất nhiều, sản lượng phim mới cũng bớt xuống chỉ còn phân nửa, nhiều nhà sản xuất chuyển sang làm trò chơi truyền hình hay phim chiếu rạp. Rõ ràng, phim truyền hình nói riêng và điện ảnh nói chung không có "cửa" cho những tay chơi nghiệp dư, làm ăn chụp giật.
Đó là cuộc chơi lớn của những người có tài, của sự chuyên nghiệp và tôn trọng khán giả. Một số nhà sản xuất lâu năm như M&T Pictures, Mega GS, Blue Light... vẫn "trụ" lại với phim truyền hình nhưng chọn lọc kịch bản, đội ngũ làm phim từ đạo diễn đến dàn diễn viên đều có tay nghề và thực lực, chỉn chu về bối cảnh, kỹ thuật... để có được sản phẩm chất lượng tốt nhất trong điều kiện có thể.
Đặc biệt, sau thời gian "ngủ đông", nhường "sân" cho các nhà sản xuất tư nhân, VFC - Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (thuộc Đài Truyền hình Việt Nam) từ 2 năm qua đã giành lại được vị thế, với “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Thương nhớ ở ai”... có công lớn trong việc kéo khán giả quay lại xem phim Việt trên màn ảnh nhỏ.
Bên cạnh VFC, năm 2018 vừa qua cũng chứng kiến sự trở lại của Hãng phim TFS (Đài Truyền hình TP.HCM), với các phim như “Về quê ăn tết”, “Bên kia sông”. Hiện nay TFS đã hoàn thành ghi hình các phim “Mùa cúc Susi”, “Ráng chiều ấm áp”, “Rừng thiêng”... VFC và các nhà sản xuất tư nhân cũng đã và đang tiến hành đầu tư nhiều "dự án đinh" hứa hẹn tạo được sức bật lớn cho phim truyền hình Việt trong năm 2019.
NSƯT Nguyễn Quốc Hưng - Phó giám đốc Hãng phim TFS, nhận định: "Phim ảnh bây giờ không có "cửa" cho những tay chơi nghiệp dư, làm phim theo kiểu chụp giật. Có thể nói rằng, một cuộc chơi mới đã bắt đầu, một trật tự mới được xác lập và tất nhiên, sẽ xuất hiện những tay chơi mới.
Tất cả sẽ chỉ quy về 2 chữ "chuyên nghiệp" - chuyên nghiệp trong ý tưởng kinh doanh, thực hiện phim và cả trong cách PR, phát hành. Sản phẩm phim ảnh là một sản phẩm đặc biệt, thuộc về lĩnh vực tinh thần chứ không là sản phẩm vật chất thuần túy. Phim Việt dù không thể cạnh tranh được với phim ngoại nhưng người Việt vẫn khao khát xem phim Việt vì đó mới chính là câu chuyện của mình, con người mình, tâm tư, tình cảm của mình".
Bộ phim “Người phán xử” đã tạo ra sự đột phá cho phim truyền hình Việt. |
Còn NSƯT Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) đúc kết: "Đầu tiên phải có kịch bản hay, đề tài được xã hội quan tâm. Thứ hai, cần sự đầu tư chỉn chu của nhà sản xuất. Thứ ba, cần một ekip chuyên nghiệp. Sự nghiêm túc, đam mê của ekip, diễn viên sẽ tạo được sự thành công cho bộ phim. Như vậy có thể thấy, khi tự tin đầu tư vào nội dung kịch bản, đổi mới cách làm phim theo nhu cầu của khán giả thì phim Việt vẫn là một trong những thể loại trong chương trình truyền hình được yêu thích".
Có thể nói, phim truyền hình Việt đã lấy lại được vị thế của mình trên thị trường trước làn sóng tấn công của phim ngoại. Đó là nỗ lực không nhỏ của các nhà làm phim, những người dành nhiều tâm huyết và sáng tạo cho điện ảnh nước nhà. Tất nhiên, để duy trì được chất lượng và độ phủ sóng của mình, phim truyền hình Việt vẫn không ngừng tìm kiếm những kịch bản sâu sắc, hướng con người tới những giá trị tích cực của đời sống.
Bài toán dung hòa giữa sự hấp dẫn, lôi kéo khán giả và giá trị nhân văn, sâu sắc vẫn luôn là một bài toán đau đầu của các nhà làm phim. Làm thế nào để bộ phim đi giữa lằn ranh đó vẫn giữ được hồn cốt và giá trị đẹp đẽ của một tác phẩm nghệ thuật, hướng con người tới những giá trị tích cực của đời sống trong thời đại bị chiếm lĩnh quá nhiều bởi những thông tin tiêu cực.