PETR CECH: Số phận bị bỏ rơi!?

Thứ Bảy, 13/09/2014, 16:00

Vòng đấu đầu tiên của Premier League đã diễn ra trong sự háo hức, trông ngóng mỏi mòn. Và khi nó kết thúc, cũng để lại những dư vị ngọt mặn. Có những số phận được ưu ái, có những số phận như bị định mệnh bỏ rơi…

1. Bóng đá cũng như cuộc đời, có số phận, có đời sống của riêng nó. Bởi thế, cũng có sự bắt đầu và điểm kết thúc. Điểm khởi đầu của Premier League bắt đầu bằng trận đấu Man Utd và Swansea. Nó bắt đầu cho triều đại của Louis van Gaal, bắt đầu cho cả một cái tên chưa từng được biết đến: Ki Sung-yueng. Cầu thủ người Hàn Quốc bước ra ánh sáng khi là người châu Á đầu tiên ghi bàn ở vòng 1 trong lịch sử của Premier League. Đáng nói hơn, bàn thắng của Ki Sung-yueng góp phần vào chiến thắng 2-1 của Swansea, khiến Man Utd lần đầu tiên kể từ năm 1972 thất bại trong trận ra quân tại giải VĐQG Anh, lại diễn ra ngay trên sân nhà Old Trafford.

Thế đấy, một cuộc sống mới bắt đầu đầy bất ngờ. Một cầu thủ mới, một số phận chưa từng được định mệnh biết tới, đã được may mắn gửi trao số phận. Và cũng ở vòng 1 của Premier League, có một số phận khác cũng được "định danh". Nhưng đó không phải là sự khởi đầu, mà là cột mốc cho sự kết thúc. Người đó là Petr Cech, một tượng đài, một người hùng, một trong "tứ trụ" của Chelsea.

Petr Cech luôn mạnh mẽ trên sàn.

Kể từ khi HLV Mourinho gọi trở lại thủ môn T.Courtois từ Atletico Madrid khi hết hạn cho mượn, một cuộc chiến căng thẳng đã diễn ra suốt mấy tháng qua. Liệu Mourinho sẽ tin dùng thủ môn trẻ mới 22 tuổi như Courtois hay vẫn sử dụng công thần P.Cech năm nay đã 32 tuổi? Sự tranh cãi lên đến đỉnh điểm mà vẫn chưa thể tìm ra lời giải. Và người duy nhất có quyền đưa ra đáp án là Mourinho, đã tuyên bố quyết định của mình ở trận đầu tiên gặp Burnley. Người được chọn là Courtois. Như vậy, đương nhiên P.Cech dù đeo chiếc áo số 1 nhưng vẫn phải ngồi ngoài. Đây có thể coi là một phán quyết mang ý nghĩa quyết định, kết thúc cả một "triều đại trong khung thành" của Chelsea đã kéo dài đúng 10 năm.

Cech đã hết thời? Không hề. Cech vẫn là một trong những thủ môn hay nhất thế giới hiện tại, với rất nhiều công lao đóng góp cho thành công của Chelsea suốt giai đoạn CLB chuyển mình trở thành một đại gia châu Âu. Thế nhưng, chặng đường nào rồi cùng có những ngã rẽ. Và ngã rẽ của Cech đã đến một cách đột ngột, như một lời phán quyết nghiệt ngã.

Đúng thời điểm này 10 năm trước, thủ môn trẻ P.Cech chuyển đến Chelsea với cái giá kỉ lục lên đến 7 triệu bảng (mức giá cao nhất cho một thủ môn trong lịch sử Chelsea). Triều đại Mourinho tái thiết Chelsea bắt đầu với P.Cech mới 22 tuổi trong khung gỗ. Cầu thủ trẻ măng, với gương mặt ngơ ngác này đến Stamford Bridge và đẩy thủ môn số 1 khi ấy là Cudicini ra băng ghế dự bị. Thế là suốt 10 năm liền, Cech là biểu tượng chiến thắng của Chelsea, bất chấp cái bản hợp đồng 7 triệu bảng kia từng bị liệt vào bản danh sách đen, bị điều tra vì nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng mọi chứng cứ đã được Chelsea "thủ tiêu" và vụ việc kết thúc một cách êm đẹp).

Đúng 10 năm sau, Cech lại phải đóng vai của Cudicini ngày nào. Và Courtois tái hiện hình ảnh của chính Cech ngày xưa. Trẻ trung, mới mẻ, tài năng và đầy tự tin. Chỉ có 1 điều duy nhất khác biệt: 10 năm trước Cech có cơ hội khi Cudicini bị chấn thương trước mùa giải. Còn bây giờ Cech thì không. Thậm chí ngay ở mùa giải trước thôi, anh còn là linh hồn của hàng phòng ngự Chelsea.

Cuộc chiến Cech và Courtois.

2. Những đóng góp của Cech cho Chelsea là không thể phủ nhận. Thậm chí anh là công thần của Chelsea suốt 10 năm qua, khi cùng với Terry, Lampard, Drogba là "tứ trụ" đầy quyền lực trong phòng thay đồ của CLB. Không phải Lampard được coi là "chiến binh không phổi", cũng chẳng phải Terry được coi là thủ lĩnh quyền năng, hay Drogba luôn đóng vai người hùng với vô kể bàn thắng, chính Cech mới là hiện thân của chiến thắng và tinh thần chiến đấu. Năm 2006, Cech bị nứt hộp sọ sau pha va chạm với Stephen Hunt (của CLB Reading) khiến anh phải nghỉ thi đấu 2 tháng.

Khi trở lại, hình ảnh của Cech vẫn đầy mạnh mẽ, với chiếc mũ bảo vệ được đội trên đầu cho đến tận bây giờ. Đến năm 2008, Cech lại nhập viện với tình trạng hôn mê. Sau pha va chạm vô tình với đồng đội Ben Haim trong một buổi tập, Cech bị rách miệng và mũi và phải khâu tới 50 mũi kéo dài từ môi lên mũi. Nhưng chỉ 2 tuần sau, Cech trở lại thi đấu với tinh thần và ý chí chiến đấu không hề suy giảm. Từ đó đến nay, Cech là người bảo vệ đáng tin cậy, cùng Chelsea 3 lần vô địch Premier League, đoạt 1 cúp Champions League, 1 Europa League.

Vậy, với những thành công như vậy, tại sao Cech lại bị Mourinho, chính là người đưa anh trở thành ngôi sao, loại khỏi vai trò thủ môn số 1?

Đó là câu chuyện của "thời" và "thế".

Trong giai đoạn Mourinho thanh lọc đội hình, trẻ hóa và tạo ra một Chelsea mới, Cech không tránh khỏi làn sóng ấy. Drogba đã từng phải ra đi (và mùa này lại trở về trong vai trò đóng thế cho tiền đạo chủ lực Diego Costa). Lampard cũng đã bị bán. Terry đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp và chỉ còn ở lại với vai trò thủ lĩnh tinh thần. Vậy thì, sau 10 năm liền là người hùng không thể thay thế, đã đến lúc Cech phải lùi lại để nhường chỗ cho thế hệ trẻ. Chỉ tiếc một điều, câu chuyện này đến có vẻ hơi sớm, bởi Cech vẫn là một trong những thủ thành hay nhất thế giới, không hề thua kém Courtois, thậm chí nhỉnh hơn trong một số chỉ số so sánh.

Nếu tính các số liệu chuyên môn ở mùa giải năm ngoái, tỷ lệ cản phá trung bình mỗi trận của Cech cao hơn Courtois (2,4 pha cứu thua mỗi trận so với 1,9 của Courtois), tỷ lệ cản phá cú sút thành công của Cech là 77% (so với 74% của Courtois). Đó là chưa kể tới kinh nghiệm và vai trò thủ lĩnh, ảnh hưởng tâm lí của Cech. Đội trưởng Terry của Chelsea từng chia sẻ rằng: "Có Cech phía sau, cơ hội tôi mắc sai lầm giảm đi 50%, và khi tôi mắc sai lầm niềm tin tôi đặt vào anh ấy sẽ sửa sai giúp tôi là 70%". Có thể câu nói ấy của Terry có phần hơi quá, nhưng đó là điều mà bất kì cầu thủ Chelsea nào cũng phải thừa nhận. Đó là ảnh hưởng tâm lí, tạo ra niềm tin của Cech với đồng đội, một yếu tố cực kì quan trọng trong bất kì đội bóng nào.

Tuy nhiên, thực tế là Chelsea cần sự thay đổi, mà Mourinho không thể chờ đến khi Cech mắc sai lầm hay mất đi phong độ mới thay thế. Ông phải hành động trước, giống như cách ông đã làm với hàng loạt ngôi sao ở những nơi mà ông đến. Tại Real Madrid, Mourinho đã "tấn công" kẻ cầm đầu nhóm quyền lực đen là thủ thành I.Casillas. Ông đẩy thủ môn hay nhất thế giới này ra ghế dự bị để thay vào đó là thủ môn không có nhiều "số má" là Diego Lopez. Khi ấy, Casillas chỉ được bắt chính tại đấu trường Champions League mà thôi. Do vậy, việc thay đổi này của Mourinho là có thể hiểu được.

Petr Cech với chiếc mũ bảo hiểm quen thuộc.

3. Những ấn tượng đậm nét mà Courtois tạo ra trong màu áo Atletico Madrid ở mùa giải trước, giúp CLB này bất ngờ lọt vào tới trận chung kết Champions League (trong đó có cả 2 trận đấu loại chính Chelsea), đã khiến bất kì ai cũng phải đặt ngả mũ thán phục Courtois. Mùa năm ngoái, Courtois là một trong 5 thủ môn có số trận sạch lưới cao nhất châu Âu (20 trận tại giải VĐQG, trong khi Cech chỉ có 16 trận). Ngoài tuổi trẻ, Courtois còn có phản xạ tốt, sự lì lợm trong những trận đấu lớn. Không chỉ có mùa giải năm ngoái, Courtois đã thể hiện mình suốt 3 năm qua, khi có tới 55 trận giữ sạch lưới, thủng lưới trung bình 139 phút/bàn. Những chỉ số này cao hơn Cech (40 trận sạch lưới trong 3 năm, và thủng lưới 128 phút/bàn).

Dĩ nhiên, so sánh 2 thủ môn ở 2 giải đấu, hai hoàn cảnh khác nhau chỉ là sự tham khảo, nhưng ít nhiều nó tạo ra ảnh hưởng đến quyết định của Mourinho.

Và điều nữa cũng quan trọng không kém, đó là số phận đã đưa Courtois trở lại Stamford Bridge và đặt cạnh Cech chẳng đúng lúc chút nào.

Mười năm trấn giữ khung thành đáng tin cậy của Chelsea là quãng thời gian đủ dài, đủ để đưa Cech trở thành một tượng đài. Và đó cũng là quãng thời gian đủ để Cech phải chấp nhận được sự thật vào lúc này, khi anh không còn là "người duy nhất", hay "người không thể thay thế".

Bởi vậy mới nói ngày Premier League khởi tranh không chỉ là ngày đánh dấu sự bắt đầu mà đánh dấu cả một sự kết thúc. Sự kết thúc của Cech là cái kết đầy bi kịch của một người hùng, với một số phận đáng ngưỡng mộ bị bỏ rơi. Nhưng với Cech, đây cũng sẽ là một thử thách, một cuộc chiến mới, cuộc chiến chống lại định mệnh. Cech sẽ ra đi, hay chấp nhận ở lại thi đấu tại cúp châu Âu, các giải cúp, như Casillas từng trải qua, rồi sau đó đòi lại vị trí chính thức? Sự lựa chọn nào của Cech cũng đều đáng được ủng hộ, và lựa chọn nào cũng đáng được coi là… sự bắt đầu cho sự kết thúc của một số phận đã bị bỏ rơi!

Petr Cech từng bị coi là... đã chết

Chấn thương mà Petr Cech gặp phải khi va chạm với Stephen Hunt trong trận Chelsea gặp Reading được coi là một trong những pha chấn thương đáng sợ nhất lịch sử Premier League. Đầu gối của Hunt đã vô tình thúc mạnh vào đầu Cech, khiến thủ môn Chelsea bị rạn hộp sọ, chấn động não nghiêm trọng. Cech ngất ngay trên sân, và sau khi tỉnh dậy, anh mất trí nhớ trong nhiều ngày. Sau này, khi Cech đã bình phục, báo chí Anh mới tiết lộ rằng, ngay khi đưa Cech đến bệnh viện, nhiều bác sĩ đã đặt cửa sống của Cech không quá 30%. Thậm chí có thể mất kiểm soát tứ chi và mất trí nhớ vĩnh viễn.

Cũng theo nhận định của bác sĩ thì nếu như cái đầu gối của Hunt va chạm lệch đi một chút, vào đúng thái dương của Cech thì cầu thủ này có thể chết ngay trên sân. Tuy nhiên, may mắn Cech đã bình phục sau một thời gian dài điều trị. Sau khi trở lại thi đấu, Cech phải đeo mũ bảo vệ. Và sau này, khi đã hoàn toàn bình phục, Cech vẫn có thói quen đeo mũ bảo vệ khi thi đấu. Anh  nói: "Tôi đã quen với cảm giác đội mũ bảo hiểm. Không có nó, tôi không thể thi đấu được"

Lê Giang
.
.
.