Ở nơi cảm xúc như Ngoại hạng Anh, nhất thiết phải có VAR?

Thứ Tư, 21/03/2018, 19:51
Công nghệ VAR đang là một mốt để chứng minh sự chuyên nghiệp ở các giải đấu. Từ việc FIFA công bố công nghệ "xoay chuyển" quyết định của trọng tài này sẽ được áp dụng tại World Cup, sau đó là hàng loạt các giải vô địch quốc gia hàng đầu như Hà Lan, Italia, Đức, Tây Ban Nha tuyên bố áp dụng công nghệ này.


Giải đấu hàng đầu xứ sở sương mù vẫn rón rén chưa áp dụng tại giải Ngoại hạng Anh vốn là bảo quốc của họ, nhưng cũng đã phần nào áp dụng ở các giải đấu cup, trong đó có cup liên đoàn và FA cup. Thế nhưng có vẻ những hệ lụy mà nó mang lại đang khiến cho những trái tim "vốn yêu cảm xúc hơn lí trí" của người Anh lo lắng. 

Chưa kể việc sự chính xác đến "khô cứng của VAR sẽ giết chết những xúc cảm tranh cãi, nuối tiếc, hay thậm chí là bực bội của khán giả, mà thêm nữa, công nghệ VAR khi đưa đến Anh, công nghệ này bỗng nhiên liên tục "xuất hiện" những bệnh lạ, đến nỗi một trong những nạn nhân của nó đó là HLV của CLB Tottenham, ông Pochettino đã phải thốt lên: "Đó là một cơn ác mộng".

Phút 23, cuộc đối đầu giữa Tottenham và Swansea tại khuôn khổ FA Cup. Tiền vệ người Hàn Quốc Son Heung Min phá lưới của Swansea, nhưng trọng tài Kevin Friend đã cắt còi, ông cho rằng tiền vệ người Hàn Quốc đã rơi vào thế việt vị. 

Ngay lập tức, trọng tài vốn đang bắt chính rất nhiều trận đấu ở giải Ngoại hạng Anh này yêu cầu công nghệ VAR "thực thi" nhiệm vụ của mình. Trận đấu gián đoạn từ 3 đến 4 phút nhưng ông Friend cùng các cộng sự vẫn không thể khẳng định rằng, bàn thắng đó đã phạm luật thật sự hay chưa và rồi quyết định cuối cùng được đưa ra… giống hệt quyết định ban đầu. 

HLV Pochettino thì lắc đầu ngao ngán ở ngoài đường biên và sau khi trận đấu khép lại, cánh phóng viên đã ngay lập tức vây lấy HLV này hỏi về tình huống ấy, bởi đơn giản đó là trận đấu Spurs thắng tới 3-0 và cũng chẳng có nhiều điều để bàn, ngay lập tức Pochettino diễn tả nỗi bức xúc của mình: "Đúng là ác mộng. Thật tiếc cho những người cố sử dụng thứ hệ thống đó. Thà các trọng tài cùng đội ngũ trợ lý mắc sai lầm còn hơn là mất ba đến bốn phút chờ đợi". 

HLV này tiếp tục điệp khúc ca thán của mình bằng một sự lo lắng cho tương lai: "Nhưng giờ chúng ta cần nhìn vào thực tế rằng, nó ảnh hưởng thế nào đến đội ngũ những người làm nhiệm vụ. Nó quá phức tạp, đó là điều tồi tệ nhất mà tôi từng chứng kiến đối với người hâm mộ. Đó sẽ trở thành một vấn đề lớn trong tương lai".

Trọng tài Kevin Friend nhờ hỗ trợ VAR.

Quả thực VAR đã gây ra những ấn tượng không tốt đẹp với những người hâm mộ bóng đá Anh trong suốt giai đoạn vừa qua. 

Cách đây không lâu, những cổ động viên Man.Utd còn nhớ như in cảnh Mata tiu nghỉu thế nào khi vừa ghi bàn vào lưới Watford rồi bị trọng tài từ chối sau khi "nhận thông điệp từ VAR". 

Truyền hình quay đi quay lại, thậm chí kẻ vạch ngang sân, nhưng đều mang đến một "kết luận" khác từ người hâm mộ, đó là Mata chưa việt vị.

Trước đó ở trận đấu giữa Brighton và Crystal Palace thuộc vòng 3 Cúp FA, trọng tài sau khi tham khảo VAR đã công nhận bàn thắng của Glenn Murray (Brighton) dù trước đó anh này bị nghi ngờ dùng tay chơi bóng. 

HLV Roy Hodgson (Crystal Palace) tỏ ý không phục vì trọng tài chính chỉ liên lạc với trợ lý trọng tài video và ra quyết định, chứ không hề xem trực tiếp trên màn hình. Cựu HLV ĐT Anh nghi ngờ tính chính xác của quyết định này khi nó đến từ một trọng tài khác không ở trên sân.

Ở trận đấu gây tranh cãi thứ hai khi công nghệ VAR được áp dụng, đó là trận bán kết Carling Cup giữa Arsenal và Chelsea, với 3 lần vị vua áo đen Martin Atlkinson phải dừng trận đấu để tham khảo VAR. 

Không có một sai lầm nào đến từ VAR cả, nhưng vẫn có những phàn nàn đến từ HLV Wenger, Conte và cả cựu trọng tài Graham Poll khi tham gia bình luận sau trận đấu: "Trọng tài trông giống như những đứa trẻ, với món quà Giáng sinh mới. Atkinson phải tham khảo ý kiến của một người khác, và chẳng có gì chắc trợ lý dùng VAR đưa ra nhận định chính xác hơn trọng tài chính".

Ở trận đấu giữa Tottenham và Rochdale, những người tức giận nhất là các CĐV, họ cảm thấy bị làm phiền, các CĐV trên sân đã la ó, huýt sáo mỗi khi trọng tài chính tạm dừng trận đấu để tham khảo VAR. Tổng cộng trọng tài đã 3 lần sử dụng VAR khiến HLV Mauricio Pochettino phàn nàn: "Bóng đá mất hết cảm xúc khi trận đấu liên tục bị tạm dừng".

Những sai số, những khó chịu về mặt cảm xúc, đã hiển hiện ngay ở những ngày đầu thử nghiệm ở các giải đấu cup của liên đoàn bóng đá Anh. Họ cũng đã bắt đầu rón rén với dự án của mình. Vấn đề lớn nhất được đặt ra không phải nằm ở máy móc, mà lại xuất phát ở những "phạm trù" rất đỗi con người. 

Nhiều ý kiến cho rằng VAR không giải quyết được nhiều vì thực tế nó vẫn dựa trên quyết định của con người, có chăng, quyết định đó chỉ đang được hỗ trợ bởi công nghệ video. 

Nhưng giống như cựu trọng tài Graham Poll đã nói, ngớ ngẩn ở chỗ, vị trọng tài chính ở dưới sân lại phải đưa ra quyết định phụ thuộc vào một người đang theo dõi video ở phía trên, và về chuyên môn, người đó chưa chắc đã giỏi bằng vị trọng tài ở dưới sân.

Tình huống Mata bị cướp bàn thắng vì VAR.

Những vấn đề lớn nảy sinh với các cầu thủ, họ phải học cách để phá luật VAR. Ví dụ, một cầu thủ đã bị căng cờ việt vị và khi nhận thấy đối phương dừng cả lại, anh ta hoàn toàn có thể tiếp tục dứt điểm và sau đó "dùng quyền khiếu nại" của mình. 

Nếu như công nghệ VAR bất ngờ ủng hộ anh ta, thì bàn thắng lại được công nhận, và thật khó để hiểu cảm xúc của đội bóng bị thủng lưới là gì. Trong bóng đá điều gì cũng có thể xảy ra và chẳng ai có thể tính trước được.

Thậm chí VAR còn nảy sinh ra những mối nghi ngờ về sự minh bạch trong hệ thống tổ chức các trọng tài và có thể sinh ra những tiêu cực. Bản chất của VAR vẫn là con người điều khiển và hoàn toàn có thể xảy ra hiện tượng bẻ còi để thay đổi kết quả trận đấu.

Nhưng trên tất thảy mọi thứ, VAR có thể giết chết những cảm xúc như HLV Pochettino nói. Bóng đá Anh là giải đấu của tốc độ, của lôi cuốn, nhưng khán giả đã được trải nghiệm "trận đấu như chết đi", để dành cho việc xác định đúng sai của công nghệ. 

Chưa kể việc CĐV ăn mừng bàn thắng, rồi hẳn 1 phút sau đó họ mới biết rằng, việc ăn mừng đó giống như thể "trò cười". Chưa hết, VAR cướp đi cảm xúc giận dữ, bực bội của CĐV nếu như đội bóng "trót bị oan", và quan trọng hơn cả, trọng tài biến thành những chú robot, và bị VAR điều khiển.

Còn có một vài lí do khác khiến Liên đoàn bóng đá? Anh đang đình trệ việc áp dụng công nghệ VAR vào Ngoại hạng Anh, các CLB Anh chưa được trải nghiệm đầy đủ công nghệ, hay các trọng tài cũng không phải ai cũng đã từng trải nghiệm sử dụng VAR, mới có 8 trong số 18 trọng tài của nhóm thử nghiệm VAR dám sử dụng công nghệ này, còn các trọng tài video, thì cũng mới chỉ có vẻn vẹn 8 người. 

Một lực lượng như thế không thể đảm bảo an toàn để vận hành giải đấu lớn và dài hơi như Ngoại hạng Anh. Chưa kể đến bản chất là người Anh vốn nổi tiếng bảo thủ, nó tác động rất lớn đến giải đấu của họ là giải Ngoại hạng Anh, một mô hình kỳ lạ trong bóng đá hiện đại. 

Nó bao gồm những tiến bộ hàng đầu về tư duy phát triển, cơ sở vật chất, truyền thông đa phương tiện nhưng lại khá hạn chế khi áp dụng công nghệ lên sân bóng. Thôi thì VAR cứ để đó đã, hãy dành chỗ cho "trái tim".

VAR là gì?

VAR là viết tắt của cụm tiếng Anh: Video assistant referee, tạm dịch là phương pháp phán xét theo sự trợ giúp của video.Với một màn hình trước mặt trợ lí Video của trọng tài dưới sân, nó có tác dụng quay và xem lại tất cả tình huống trên sân khi trọng tài đưa ra quyết định gặp sự phản đối của các đội bóng. Điều hành phòng kỹ thuật VAR cũng cho các trọng tài "tua lại" và xem để hỗ trợ nhằm giúp họ đưa ra quyết định chính xác, nhất là các tình huống việt vị hay chưa, bóng qua vạch vôi thành bàn thắng hay chưa… VAR đều có thể can thiệp. VAR không được xử lý hoàn toàn bằng máy móc mà có sự tham gia của con người. Với sự có mặt của ít nhất 2 trợ lý trọng tài chuyên môn cộng thêm hỗ trợ từ màn hình quay chậm, trọng tài điều khiển trận đấu có sự tham khảo trước khi đưa ra quyết định cuối cùng của mình.                                                                                                             Ngoại hạng Anh - giải đấu xịn, trọng tài kém

Không thể phủ nhận một thực tế rằng nước Anh lúc này không có trọng tài chất lượng, bằng chứng cho việc đó là không có một trọng tài Anh nào bắt chính tại World Cup 2018, giải đấu rất có thể sẽ sử dụng công nghệ VAR. Đây được xem là thất bại của nước Anh nói chung và của trưởng ban trọng tài FA, David Elleray nói riêng. Ông Elleray đã nộp đơn lên FIFA đòi hỏi một suất trọng tài dành cho người Anh nhưng nhiều khả năng không thành công. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ sau thế chiến thứ II, nước Anh không đóng góp bất cứ trọng tài nào tại sân chơi bóng đá lớn nhất thế giới.

Hoàng Anh Quân
.
.
.