Nới lỏng các cuộc thi sắc đẹp: Liệu có mất kiểm soát?
Trước những bất cập, hạn chế và thiếu tính thực tế của Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Nghị định 15/2016/NĐ-CP về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mới đây, Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng dự thảo Nghị định mới.
Dự thảo Nghị định mới gồm 6 chương, 44 Điều quy định rất rõ về các vấn liên quan đến nghệ thuật biểu diễn. Theo đó, nếu trước đây, mỗi năm chỉ có 2 cuộc thi sắc đẹp quy mô quốc gia được cấp phép, cùng 3 cuộc thi cấp vùng/ngành, 1 cuộc thi cấp tỉnh thì bây giờ sẽ không giới hạn số lượng, quy mô cuộc thi sắc đẹp trong nước.
Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm là lâu nay, các cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam vướng nhiều chuyện lùm xùm, dẫn đến tình trạng loạn danh xưng hoa hậu, người đẹp, liệu cơ quan quản lý có kiểm soát được các cuộc thi nhan sắc khi quy định được nới lỏng?
Nới lỏng các cuộc thi nhan sắc
Theo dự thảo Nghị định, Cục Nghệ thuật Biểu diễn chỉ cấp phép cuộc thi hoa hậu quốc tế tại Việt Nam hoặc các cuộc thi cấp quốc gia như: Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới người Việt.
Còn các cuộc thi do đơn vị, công ty tổ chức tại địa phương sẽ giao toàn bộ quyền điều hành, chỉ đạo cuộc thi cho địa phương, cấp trung ương chỉ đề ra nguyên tắc và giám sát. Dự thảo Nghị định mới cũng bỏ quy định cách gọi danh hiệu (trước đây cuộc thi cấp quốc gia mới được gọi là Hoa hậu, nhỏ hơn là Hoa khôi).
Ngoài ra, các người đẹp đi thi quốc tế không nhất thiết phải lọt Top 3 các cuộc thi sắc đẹp trong nước. Họ chỉ cần có giấy mời và đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức cuộc thi quốc tế đó.
Dự thảo Nghị định mới cũng bỏ điều kiện thí sinh dự thi người đẹp là nữ, có vẻ đẹp tự nhiên chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ và phải đạt danh hiệu chính để dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế, các nội dung này sẽ do đơn vị tổ chức quy định và chịu trách nhiệm kiểm soát, xử lý.
Hoa hậu Việt Nam là cuộc thi cấp quốc gia uy tín nhất hiện nay. |
Điều gây băn khoăn nhất là theo dự thảo Nghị định mới, cơ quan quản lý cũng sẽ không giới hạn số lượng, quy mô các cuộc thi trong nước. Trước đây, mỗi năm chỉ có hai cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia, ba cuộc thi cấp vùng ngành và một cuộc thi cấp tỉnh được cấp phép.
NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, không đáng lo ngại về việc nới lỏng quy định sẽ làm nở rộ các cuộc thi nhan sắc hàng năm. Ông cho rằng, nếu các đơn vị đủ năng lực và nhân dân vẫn có nhu cầu thì cứ tổ chức. Ông cho rằng không có kịch bản “loạn” bởi “lấy đâu ra thí sinh và kiếm đâu ra kinh phí tổ chức nhiều”.
“Thực tế cho thấy, chỉ một số thành phố lớn đủ tiềm lực và điều kiện thi người đẹp, người mẫu và cũng không nhiều đơn vị, doanh nghiệp đủ uy tín tổ chức thi nhan sắc.
Nghị định mới đúng là chủ trương phân cấp cho địa phương đi liền với đó là tăng cường hậu kiểm, xử phạt mạnh hơn chứ không nhắc nhở nhẹ nhàng. Đi kèm với nghị định này sẽ có quy định xử phạt để phối hợp thanh tra nhằm điều chỉnh, xử phạt các hành vi vi phạm”, ông Vinh nói.
Những lo ngại
Mặc dù quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định như vậy, nhưng việc nới lỏng vẫn làm dấy lên những lo lắng vì nguy cơ loạn các cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam. Nhiều năm nay, gần như năm nào cũng có những ì xèo về chuyện cuộc thi này không có phép, cuộc kia là thi chui.
Rồi nhan nhãn những cuộc thi “ao làng” tự xưng mang ra thi thố với thế giới, làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của làng nhan sắc Việt. Trước đây, mỗi năm chỉ có 1 cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia được tổ chức nhưng đã “loạn” rồi.
Đó là những ồn ào mua bán giải, thí sinh gian lận, rồi một cuộc thi sinh ra rất nhiều hoa hậu bởi cứ thí sinh giành giải phụ nào đó cũng đều được gọi là hoa hậu. Đó là chưa kể đến các cuộc thi hoa khôi, người đẹp cấp địa phương cũng tưng bừng không kém, đến mức doanh nghiệp cũng tổ chức thi người đẹp...
Giờ, theo dự thảo Nghị định mới, sắp tới sẽ không còn khống chế một cuộc thi nhan sắc quy mô quốc gia mỗi năm, thay vào đó sẽ có hàng chục cuộc thi quy mô toàn quốc.
NSƯT Thanh Tú, người từng ngồi ghế giám khảo cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam” nhận xét, việc mở ra các cuộc thi nhan sắc có thể giúp các bạn trẻ phát huy cái đẹp, có định hướng thẩm mỹ tốt hơn. Thế nhưng quá nhiều sẽ nhàm chán, chưa kể những tiêu cực phát sinh từ những cuộc thi không có uy tín.
Top 10 Hoa hậu thế giới Việt Nam 2019. |
Nhà báo Dương Kỳ Anh, nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền phong, “cha đẻ” của cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam” cho biết, ông ủng hộ chủ trương thông thoáng của Bộ VH-TT&DL cùng Cục Nghệ thuật biểu diễu trong xây dựng dự thảo Nghị định mới. Tuy nhiên, ông không đồng tình với quy định địa phương được cấp phép cho tổ chức các cuộc thi sắc đẹp cấp ngành quy mô toàn quốc. Vì tỉnh/thành phố không thể quản lý cả nước được mà chỉ có Bộ.
Ngoài ra, cần phải có những quy định chặt chẽ về đơn vị được cấp giấy phép tổ chức các cuộc thi sắc đẹp tại địa phương. Những đơn vị tổ chức phải cam kết mục địch tổ chức các cuộc thi sắc đẹp là tôn vinh sắc đẹp, không thương mại hoá, phải có tiềm lực về tài chính và có kinh nghiệm tổ chức.
“Điều đáng lo ngại là nhiều đơn vị lấy mục đích tôn vinh sắc đẹp để tổ chức cuộc thi nhưng đằng sau có mục đích thương mại. Chúng ta thả nổi cấp phép sẽ rất nguy hiểm. Phải có những quy định chặt chẽ về điều này để tránh tình trạng loạn danh xưng hoa hậu, người đẹp.
Cần có những chế tài xử phạt nghiêm để các bạn trẻ hiểu rằng, đạt được một danh hiệu nào đó là sự nỗ lực, phấn đấu chứ không phải chỉ là cuộc đua tìm kiếm danh vọng, lợi dụng các cuộc thi để làm bệ phóng cho những mục đích khác. Điều này ảnh hưởng đến nhận thức của giới trẻ, vì thế cần có quy định chặt chẽ”, ông Dương Kỳ Anh nói.
Theo ông Dương Kỳ Anh, nên giữ nguyên cách gọi danh hiệu như hiện nay, cấp quốc gia gọi là “hoa hậu”, cấp tỉnh/thành phố gọi là “hoa khôi”, cấp ngành/vùng, miền gọi là “người đẹp”. Nếu bỏ cách gọi này sẽ dẫn đến tình trạng loạn danh hiệu và ai cũng có thể lấy danh hiệu để làm những việc không đúng đắn.
Đồng quan điểm này, chuyên gia đào tạo hoa hậu và người đẹp Phúc Nguyễn cho rằng, giới hạn các cuộc thi, danh hiệu mới có giá trị. Anh cho rằng không giới hạn thì sẽ không xuất hiện các cuộc thi trái phép, nhưng nếu quy định như thế thì danh hiệu hoa hậu trở nên bình thường bởi người người, nhà nhà có thể thành hoa hậu.
“Nếu được quyết định lựa chọn, tôi vẫn sẽ giới hạn các cuộc thi nhan sắc để cho danh hiệu người đẹp luôn có giá trị. Việc lựa chọn các thí sinh đi thi quốc tế không nên nới lỏng. Với các người đẹp, chúng tôi cần thời gian để đào tạo, ít nhất là hai năm.
Nhưng nếu cuộc thi mới tổ chức, danh hiệu hoa hậu mới đạt được, khán giả chưa kịp nhớ mà phải tổ chức tiếp thì không phù hợp và không phải là mục tiêu đối với những người đào tạo hoa hậu như chúng tôi”, Phúc Nguyễn nói.
Dàn hoa hậu, Á hậu Hoàn vũ Việt Nam. |
Còn Hoa hậu Ngọc Hân cho rằng cần một chế tài quản lý, giám sát chặt chẽ, khắt khe để tránh tình trạng “loạn” hoa khôi, hoa hậu. Ở thời điểm này, các cuộc thi hoa hậu đang quá thừa, ngay chính cô cũng không nhớ hết các danh hiệu.
“Thời gian qua chúng ta đang buông lỏng quản lý các cuộc thi sắc đẹp, người mẫu. Rất nhiều cuộc thi tổ chức thiếu chuyên nghiệp, cẩu thả, làm biến tướng mục đích và ý nghĩa ban đầu của các cuộc thi uy tín đã và đang được tổ chức trong nhiều năm qua.
Vì thế chất lượng các cuộc thi giảm xuống, danh xưng hoa hậu, người đẹp vì thế cũng không còn mấy giá trị. Thậm chí, những chuyện lùm xùm liên tục xảy ra khiến dư luận có nhiều định kiến với các cuộc thi. Bây giờ, nếu chúng ta nới lỏng các cuộc thi thì tình trạng đó càng khó kiểm soát và danh hiệu sẽ có nguy cơ “mất giá”.
Rõ ràng, xung quanh những quy định mới về các cuộc thi nhan sắc tại Việt Nam có rất nhiều điều đáng bàn. “Cởi trói”, “nới lỏng” các cuộc thi nhan sắc là điều cần thiết nhưng “cởi” đến độ nào thì cần có những chế tài hợp lý đi kèm để quản lý, tránh khỏi những chuyện lùm xùm không đáng có.
Rất nhiều định kiến về các cuộc thi nhan sắc sẽ không thể cởi bỏ nếu thời gian tới cơ quan quản lý không có những chế tài quản lý và xử phạt nghiêm minh hơn.