Nỗi buồn của những thần đồng thể thao

Thứ Tư, 06/05/2020, 14:37
Nguyễn Hoàng Thiên và Nguyễn Hữu Kim Sơn từng là hai thần đồng sáng giá bậc nhất mà thể thao Việt Nam. Đáng tiếc, đỉnh cao mà họ đạt được đều dừng lại ở năm 15, 16 tuổi với vô vàn nuối tiếc và đau đớn.


Vì đâu điểm chung của hai cái tên được trời phú tài năng này đều là đi theo con đường xuống dốc dù rất tâm huyết, thậm chí sẵn sàng bỏ tiền túi ra để theo đuổi đam mê?

Tay vợt triệu đô "nghỉ hưu non"

Nhắc đến Hoàng Thiên là nhớ ngay tới biệt danh “tay vợt triệu đô”. Muốn theo đuổi thể thao chuyên nghiệp, đặc biệt là quần vợt, phải đầu tư số tiền rất lớn, đó là khó khăn mà các vận động viên (VĐV) phải đối mặt. 

Sự hỗ trợ của liên đoàn các bộ môn là rất hạn chế và trong giai đoạn đầu sự nghiệp, chỉ có thể là gia đình VĐV tự túc chi phí. Gia đình của Hoàng Thiên đã làm như vậy.

Biết được đam mê của con, cha Hoàng Thiên - ông Nguyễn Ngọc Minh, quyết tâm đầu tư đến cùng cho cậu con trai trở thành một tay vợt nhà nghề. 

Tạm dừng việc cắp sách đến trường khi còn đang học lớp 5, gia đình đã gửi Thiên sang Mỹ tập luyện tại Học viện Quần vợt Sharde Brook (Florida). 

Sau một năm tập ở Florida với chi phí lên đến khoảng 50.000 USD, Thiên chuyển sang học tại Trung tâm Huấn luyện Quần vợt High Performance (California), dưới sự hướng dẫn riêng của HLV Ashok S. Bikkannavar, cùng với các chuyên gia có tiếng khác như Roy Coopersmith - người từng dạy cho tay vợt nữ danh tiếng Jelena Jankovic hay Didier Eysseric.

Nguyễn Hoàng Thiên không còn theo đuổi quần vợt chuyên nghiệp.

Năm 2007, Thiên bắt đầu tham gia các giải đấu do Liên đoàn Quần vợt thế giới (ITF) và Liên đoàn Quần vợt châu Á (ATF) tổ chức. Từ giữa đến cuối năm 2008, Thiên giành chức vô địch ở 5 giải đấu và xếp thứ 2 trên bảng xếp hạng U14 nam châu Á. 

Đến đầu năm 2009, với chức vô địch U14 tại Malaysia, Hoàng Thiên đã trở thành tay vợt số 1 châu Á dành cho lứa tuổi U14. Ở độ tuổi 16, Hoàng Thiên đã xếp hạng 67 trẻ thế giới, giành quyền dự giải trẻ Úc mở rộng, đoạt một số danh hiệu trẻ ở nhóm 2 và 3. Lúc ấy, Hoàng Thiên được xem là tài năng trẻ bậc nhất mà làng quần vợt Việt Nam sản sinh được. 

Theo tiết lộ của gia đình Thiên, chi phí phải bỏ ra cho anh đến với sân chơi chuyên nghiệp đã lên đến hàng triệu USD. Lúc đó, cái đích mà ông Nguyễn Ngọc Minh hướng tới là rất cao: “Nếu muốn con mình là số 1 Việt Nam, tôi đã không đầu tư tốn kém làm gì. Cái đích tôi hướng đến là muốn Thiên trở thành một tay vợt nhà nghề, thi đấu tại những sân chơi lớn nhất của thế giới…”.

Quá nhiều ánh mắt dõi theo, quá nhiều kỳ vọng đổ ập lên đôi vai non nớt của Hoàng Thiên. Cộng với số lượng giải thi đấu quá nhiều, trung bình 20 giải/năm đã khiến bước chân Hoàng Thiên chùn lại. Giai đoạn khó khăn nhất đến với Hoàng Thiên là khi anh bị chấn thương vai hành hạ suốt 9 tháng trời trong năm 2010. 

Khi người ta thương thì ngọt ngào bao nhiêu, lúc ghét cũng phũ phàng bấy nhiêu. Hoàng Thiên trở thành tâm điểm cho những lời chê trách, nào là thể lực yếu, thể hình kém, kỹ năng có hạn, không chịu được áp lực, bế tắc trong thi đấu… Thậm chí, khi đang điều trị chấn thương ở Mỹ thì có những tin đồn dấy lên từ quê nhà áp đặt rằng Hoàng Thiên sẽ sớm giải nghệ để tập trung cho việc học hành. 

“Lúc đó tôi thấy mình bất lực. Suốt 9 tháng trời bị chấn thương đó, tôi có buồn nhưng chưa một lần nghĩ đến chuyện giải nghệ. Làm sao từ bỏ được đam mê khi tôi chỉ mới 20 tuổi”, Thiên tâm sự năm 2016.

Quyết tâm là thế nhưng sau thất bại ở giải Vô địch Quốc gia hồi tháng 10/2017 trên sân nhà TP HCM, Hoàng Thiên có đơn gửi Bộ môn quần vợt TP HCM xin tạm nghỉ thi đấu một thời gian và được chấp nhận. 

Từ đó đến nay, cái tên Hoàng Thiên cũng biến mất khỏi giới thể thao để lại bao nghi vấn về căn bệnh trầm cảm hay áp lực của chấn thương, dư luận. Câu hỏi đặt ra là với một tài năng sáng giá như thế, tại sao những lúc khó khăn, chỉ có một mình Thiên và gia đình phải chịu đựng? Những người có trách nhiệm ở đâu?

Nỗi buồn của tiểu kình ngư

Nguyễn Hữu Kim Sơn (phải) có thành tích kém hơn đàn em Trần Hưng Nguyên ở SEA Games 30.

Câu hỏi này cũng được Nguyễn Hữu Kim Sơn và gia đình thắc mắc. Năm 2017, ở tuổi 15, Kim Sơn trở thành hiện tượng của làng bơi Đông Nam Á khi giành HCV và phá kỷ lục SEA Games 29 nội dung 400m hỗn hợp nam với thành tích 4 phút 22 giây 12. Nhưng ở SEA Games 30, Kim Sơn chỉ về thứ 3 sau đối thủ người Indonesia và người đồng đội kém mình một tuổi ở đội tuyển bơi lội Việt Nam – Trần Hưng Nguyên. 

Về phần Kim Sơn, thành tích của anh thậm chí còn kém đi với 4 phút 26 giây 45. Đến tận khi Kim Sơn thi đấu xong 40 phút, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn mới biết nguyên nhân thần đồng bơi lội lại đi xuống thảm hại thế này. Thì ra, trước thềm SEA Games 30, Kim Sơn bị dọa đuổi khỏi tuyển quốc gia, bị trường cấp 3 đình chỉ học khi đang đi tập huấn.

Kim Sơn bị Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận Thủ Đức đình chỉ thi trong thời gian đi tập huấn chuẩn bị SEA Games trước đó 5 tuần. Nguyên nhân là Kim Sơn đã nghỉ quá 45 ngày. Tuy nhiên, đến ngày thứ 60, trường mới gọi điện báo cho gia đình anh. 

VĐV sinh năm 2002 khi ấy đang theo học lớp 11 kể lại: “Ba mẹ tôi đã lên gặp riêng thầy hiệu phó. Thầy giải thích rất đàng hoàng, nói rằng thầy xin lỗi vì nhà trường không hề được báo về việc tôi đi tập huấn. 

Thầy nói rằng giờ thì không giúp được nữa vì điểm đã lên bảng điểm điện tử. Ba mẹ tôi nghe xong, liền lên gặp trưởng phòng quản lý huấn luyện của Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia TP HCM. Họ nói với ba mẹ tôi rằng VĐV không nên cho đi tập huấn mà phải ở nhà để học và thi. 

Khi họ nói vậy, tôi rất nóng máu. Tôi đi tập huấn để giữ huy chương của mình, tại sao họ lại nói với tôi điều đó? Trong khi đó tiền tập huấn gia đình tôi tự lo, xoay sở. Trước khi đi tập huấn, gia đình tôi cũng đã làm thông báo, gặp Giám đốc trung tâm để nói về việc đi tập huấn chứ không phải tôi tự ý đi. Nhưng không hiểu sao tôi phải ở lại lớp. 

Đây là lần thứ hai tôi bị ở lại lớp. Tôi rất bức xúc việc này. Tâm lý tôi rất nặng, phải lo nhiều thứ. Tôi 17, 18 tuổi mà phải học lại, bằng mấy em thua mình mấy tuổi. Chuyện này tôi mang theo từ trước khi đi Hungary và tới hôm nay mới được giải tỏa hết”.

Phải tự chi trả khoản chi phí 5.000-6.000 euro/tháng cho con theo đuổi đam mê ở Hungary, cha mẹ Kim Sơn đâu ngờ cái mình nhận về là một đứa con bị ở lại lớp, kèm cái mác "ngỗ ngược". 

Chuyện là trước khi SEA Games diễn ra một thời gian, HLV trưởng đội tuyển bơi quốc gia Đặng Anh Tuấn tổ chức họp đội và khẳng định Kim Sơn có vấn đề về tính cách, “dạy đời người này, người kia” đồng thời tuyên bố “nếu còn những hành vi như thế thì sẽ bị đuổi khỏi đội tuyển quốc gia”.

Thiếu hụt giải nhà nghề quần vợt ở Việt Nam

Muốn các tay vợt tiếp cận, theo đuổi quần vợt nhà nghề, một trong những giải pháp hiệu quả là đăng cai tổ chức giải. Khi đăng cai, với tư cách chủ nhà, Việt Nam được ưu tiên các suất đặc cách tham dự vòng chính, vòng loại. Nguyễn Hoàng Thiên, Lý Hoàng Nam, Trịnh Linh Giang, Phạm Minh Tuấn, Nguyễn Văn Phương đều có những điểm số nhà nghề đầu tiên trong sự nghiệp từ những giải đấu trên sân nhà như thế.

Đó cũng là cách mà các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore đang làm hiệu quả. Bởi lẽ nếu chưa có hạng nhà nghề và nếu không được đặc cách, các tay vợt Việt Nam hiện tại (trừ Lý Hoàng Nam) không đủ điều kiện tham dự các giải nhà nghề dù ở cấp độ thấp nhất là Mens Futures.

Năm 2016, Việt Nam từng đăng cai đến 9 giải nhà nghề tại Bình Dương và gặt hái thành công với danh hiệu vô địch đơn lẫn đôi của Lý Hoàng Nam. Bên cạnh đó, Phạm Minh Tuấn, Trịnh Linh Giang, Lê Quốc Khánh... cũng được trao suất đặc cách đấu giải. Sau chuỗi giải đấu này, Việt Nam lần đầu tiên có 4 tay vợt có điểm xếp hạng nhà nghề là Hoàng Nam, Linh Giang, Minh Tuấn, Văn Phương. Năm 2017, Việt Nam chỉ còn đăng cai 3 giải nhà nghề. Sang năm 2018, tăng lên được 5 giải nhưng đến năm 2019 chỉ còn 2 giải.

Hà My
.
.
.