Những văn nghệ sĩ mang sắc phục công an
1.Thiếu tướng, nhạc sĩ Trần Gia Cường: Mỗi ca khúc là một câu chuyện riêng
Không chỉ được biết tới là một người luôn tận tình chăm lo cho phong trào sáng tác âm nhạc trong lực lượng Công an nhân dân, Thiếu tướng Trần Gia Cường còn được nhớ tới là một tác giả có nhiều sáng tác hay về ngành và luôn đầy nội lực. Những ca khúc của ông như "Chúng tôi là chiến sĩ Công an Việt Nam", "Nỗi nhớ Hà Nội", "Nữ chiến sĩ Cảnh sát giao thông", "Những cánh sen thơm"… được đông đảo khán giả trong và ngoài lực lượng Công an yêu mến.
Những sáng tác ấy là sự chắt lọc, sự dồn tụ, tích lũy của gần 40 năm công tác trong ngành với nhiều lĩnh vực khác nhau của ông. Vốn sống, vốn thực tế đầy ắp ấy thực sự là một lợi thế nhất định khi ông sáng tác ca khúc cho ngành.
Thiếu tướng, nhạc sĩ Trần Gia Cường. |
Tìm hiểu các ca khúc của nhạc sĩ Trần Gia Cường sẽ thấy ông luôn có những liên tưởng độc đáo. Nhạc sĩ chia sẻ, ông đặc biệt ấn tượng với hình ảnh nữ chiến sĩ giao thông làm nhiệm vụ trên đường. Vẻ đẹp ấy không chỉ làm góp phần thay đổi suy nghĩ của người dân lâu nay về Cảnh sát giao thông mà còn khiến hình ảnh Việt Nam dường như đẹp hơn trong mắt du khách nước ngoài. Tình yêu mến ấy đã dệt nên một hình ảnh đẹp trong ca khúc "Nữ chiến sĩ Cảnh sát giao thông", đó là hình ảnh nữ chiến sĩ điều khiển giao thông như cô gái đang thêu trên bầu trời quê hương…
Nhạc sĩ Trần Gia Cường tâm sự, ông thường chú ý tới những vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống và đưa vào các sáng tác của mình. Những sáng tác âm nhạc về ngành luôn đến bất chợt nhưng là sự kết hợp giữa trải nghiệm có sẵn với những cảm xúc đầy ắp về đồng đội mình. Ông thường dành thời gian nghe và học tập cách viết ca khúc của các nhạc sĩ tên tuổi đi trước. Ông quan niệm bài hát hay phải có giai điệu đẹp và ca từ giản dị, dễ hiểu, gần gũi với đời thường của người chiến sĩ Công an. Quan trọng nhất là phải viết bằng cảm xúc, sự xúc động chân thành của một người lính như một lời tâm sự, sẻ chia với đồng chí, đồng đội mình.
Là Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Công an, chứng kiến sự trưởng thành, lớn mạnh và đoàn kết của các nhạc sĩ trong lực lượng Công an, một điều mà nhạc sĩ Trần Gia Cường luôn trăn trở, đau đáu làm thế nào để khơi dậy được nhiều cây bút sáng tác cho lực lượng Công an, đặc biệt là những cây bút đang công tác tại các địa phương. Qua đó, đưa hình ảnh người chiến sỹ Công an nhân dân này càng gần hơn với đời sống, với quần chúng nhân dân.
2.NSƯT Hoàng Lan: Tôi chưa bao giờ ân hận
Hoàng Lan vừa trở về từ Hội diễn Liên hoan sân khấu ở Thanh Hóa. Vai diễn nặng ký của chị, Hoàng Ly trong vở kịch "Đường đua quyền lực" đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả. Với Hoàng Ly, Hoàng Lan một lần nữa khẳng định vị trí của chị trên sân khấu kịch CAND, những vai diễn nặng ký, nội tâm.
NSƯT Hoàng Lan. |
Chị nói, cuộc sống càng nhiều trải nghiệm, càng mang lại cho chị nhiều cảm xúc khi diễn. Một Hoàng Ly giữa những mánh lới, những tham vọng trong cuộc đua quyền lực, những mâu thuẫn đa chiều giữa ranh giới thiện - ác. Câu chuyện của rất nhiều các phụ nữ trẻ tham vọng bây giờ đã được Hoàng Lan lột tả một cách thấm thía.
Hoàng Lan kể, chị sinh ra từ một vùng quê nghèo Nam Định. Cô gái có dáng vẻ mỏng manh, mềm yếu ấy lại là một người quyết liệt trong nghệ thuật, quyết liệt trong đời sống. Hoàng Lan chọn Đoàn Kịch nói CAND trong khi chị có rất nhiều lời mời, và nhiều cơ hội để tỏa sáng hơn. Nhưng chị chưa bao giờ ân hận. Bởi với chị, được làm nghề là hạnh phúc. Chị không quá bận tâm đến danh tiếng, hay những thứ hào quang, bởi Hoàng Lan hiểu hơn ai hết, danh tiếng cũng chỉ là phù du mà thôi.
Và chị cũng đã phải trải qua không ít những va đập, những tổn thương trong đời sống riêng, để giữ cho tâm mình vững, và để được sống trọn vẹn với nghề. Đằng sau những vinh quang là những khó khăn, những vất vả của người làm nghề. Có những vai diễn trên sân khấu đã khiến chị kiệt sức.
Tôi hỏi chị, có bao giờ buồn khi sân khấu kịch vắng lặng, sân khấu kịch của CAND càng vắng hơn. Chị có chút chạnh lòng, nhưng với những người yêu nghề, quyết liệt với nghề như Hoàng Lan, thì những điều đó không quá quan trọng.
Làm việc ở Đoàn Kịch CAND, chị có cơ hội đến gần với bà con trên nhiều vùng miền của Tổ quốc, phục vụ các chiến sĩ Công an nhân dân. Những vai diễn góc cạnh của chị đã mang đến cho các cán bộ chiến sĩ đời sống tinh thần, thức dậy trong họ những vẻ đẹp nhân văn của tình yêu con người. Và vì thế, NSUT Hoàng Lan chưa bao giờ ân hận khi lựa chọn con đường có phần lặng lẽ này.
3. NSƯT Thanh Tâm: Hát cho những yêu thương còn đầy
Tôi nhớ, chị nổi tiếng từ thập niên 90 của thế kỷ trước, cùng thời với ca sĩ Mỹ Linh, Thanh Lam, Thùy Dung. Bài hát "Mùa hoa cải" gắn liền với tên tuổi Minh Tâm, đưa Minh Tâm chạm tới đỉnh cao vinh quang khi năm 1995, chị đoạt Huy chương vàng tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Một thế giới mở ra trên con đường âm nhạc của chị, nhưng nghệ sĩ Thanh Tâm đã lựa chọn một con đường khác, bình yên hơn và có phần lặng lẽ hơn, đầu quân về Đoàn Nghệ thuật CAND.
NSƯT Thanh Tâm. |
Chị là lứa ca sĩ đầu tiên của đoàn. Giọng hát dịu dàng, sâu thẳm của chị đã chạm tới trái tim khán giả. Tên tuổi chị gắn với những ca khúc trữ tình mang âm hưởng ngọt ngào ''Huyền thoại mẹ'', "Mùa hoa cải"…
Nếu không lựa chọn vào công tác trong lực lượng Công an, có thể chị đã có một cuộc sống khác. Nhưng chị nói, chị luôn cảm thấy hài lòng với lựa chọn của mình. Điều quan trọng với một nghệ sĩ là được mang tiếng hát của mình đến với công chúng. Và Thanh Tâm cũng vậy, những chuyến đi phục vụ cán bộ chiến sĩ ở những miền xa Tổ quốc, từ hải đảo xa xôi như Trường Sa, hay những vùng núi nghèo. Những cảm xúc đó vẫn còn đầy trong chị.
Nếu ca sĩ, ai cũng chỉ muốn hát trên những sân khấu lộng lẫy, dưới ánh đèn rực rỡ, thì ai sẽ đi đến từng vùng quê khác nhau, hát cho người dân nghe. Ở đó, không có sân khấu lộng lẫy, nhưng ở đó có tình cảm ấm áp, mộc mạc của những người dân quê, của các cán bộ chiến sĩ.
Thế nên, hơn 20 năm gắn bó, chị chưa bao giờ ân hận mình đã chọn vào công tác trong ngành Công an. Kỷ luật nội vụ khắt khe, với các nghệ sĩ thực sự là khó khăn, nhưng khi đã vượt qua những thói quen hàng ngày ấy, chị thấy mình yên ổn. Đôi khi, chính sự chỉn chu, nghiêm ngắn đó lại dung hòa được con người nghệ sĩ luôn muốn nổi loạn trong chị. Và vì thế, chị luôn giữ cho mình một tâm thế bình an trước đời sống.
Nhiều người nghĩ chị đã ở ẩn, bởi gần như Thanh Tâm không xuất hiện trên các sân khấu. Nhưng hàng ngày, chị vẫn hát, tham gia các hoạt động nghệ thuật trong lực lượng và truyền dạy cho các thế hệ. Đó là niềm vui, hạnh phúc của một nghệ sĩ- chiến sĩ.
4.Diễn viên Hoàng Công: Luôn chờ những vai diễn đến trong cuộc đời mình
Gần 10 năm qua, khán giả thấy Hoàng Công ít xuất hiện trên truyền hình hơn. Sau "Dưới tán rừng lặng lẽ", "Chuyện học đường", "Sóng ngầm", "Ngày hè sôi động", "Ước nguyện hoàng hôn", "Vòng xoáy"…, gương mặt của chàng diễn viên sinh năm 1978 này dần dần định hình trong lòng khán giả. Tôi hỏi ngày ngày dính lấy máy tính, sổ sách, giấy tờ như bây giờ, anh có buồn chán không? Hoàng Công nói, công việc nào cũng là công việc, và mình phải cố gắng hoàn thành cho tốt. Việc phân mảnh mình ra với nhiều loại công việc khác nhau cũng là một lần để anh trải nghiệm, tích cóp cho nghiệp diễn của mình.
Anh bảo cũng có nhiều lời mời công việc khác hấp dẫn hơn, thậm chí cả công việc chẳng liên quan gì đến nghề diễn xuất nhưng anh vẫn chọn cách ở lại Đoàn Kịch nói CAND. Anh bảo đây là nơi đầu tiên đã dang tay chào đón anh về sau khi tốt nghiệp đại học. Là tình yêu đầu của cuộc đời diễn viên của anh. Và anh vẫn yêu lắm nghề, ngành và đoàn nên chẳng nỡ dứt áo ra đi. Nó giống như ngôi nhà thứ 2 của anh vậy.
Diễn viên Hoàng Công. |
Cũng vì lí do đó mà gần 10 năm qua, anh ít nhận lời đóng phim bên ngoài. Có chăng một vài phim ngắn hoặc dài nhất là phim "Nhà có nhiều cửa sổ". Làm nhiều việc một lúc thì kết quả chắc chắn nó sẽ không được như mình mong đợi. Lại bắt nhiều người chạy theo mình, lòng tự trọng của anh không cho phép anh làm việc đó.
Anh bảo khi từ chối nhiều lời mời đóng phim, anh cũng có tiếc nhưng chỉ một chút rồi thôi. Vì đời không cho ai cái gì toàn vẹn cả. Anh bảo có lẽ do anh may mắn nên được các đạo diễn gửi gắm với nhiều dạng vai khác nhau. Và vai diễn nào anh cũng diễn hết mình. Anh vẫn nhớ lời thầy mình dạy, không có vai diễn nhỏ, chỉ có người diễn viên nhỏ.
Anh bảo, khi bước chân vào nghiệp diễn, vai diễn nào cũng là đất diễn, cũng là điều thú vị cả nếu như diễn viên hóa thân vào nhân vật và sống trong cuộc đời của họ. Cho nên dù là vai diễn nhỏ, chỉ xuất hiện một vài giây, anh cũng cố gắng hết sức mình để diễn cho tốt. 4 năm trở lại đây, anh chuyển sang làm nhiều đến công tác hậu cần, chăm lo đời sống anh em trong đơn vị. Anh cũng thường xuyên cùng đồng đội đến những nơi xa xôi của Tổ quốc, mang sân khấu nhỏ đến với bà con đồng bào.
Hoàng Công bảo, anh luôn chờ những vai diễn đến trong cuộc đời mình, không kể lớn nhỏ. Và mong muốn nhất vẫn là một vai Công an hoặc vai một người dân nói về lực lượng CAND. Sau khi vào ngành và hiểu hơn về lực lượng Công an, anh bảo lúc đó mới yêu hình ảnh bộ sắc phục mình đang mặc. Không một hình tượng nào hoặc một tác phẩm nào khắc họa hết chân dung của người chiến sỹ Công an nhân dân cả.
5.Nhà văn Đào Trung Hiếu: Tôi chỉ là một người lính, cầm bút viết về đồng đội cũ
Anh từng là lính, rồi là phóng viên. Và giờ đây anh còn là nhà văn nữa. Khi tôi hỏi trong 3 danh xưng ấy, đâu là danh xưng đúng với anh nhất, Trung tá Đào Trung Hiếu - tác giả của cuốn tiểu thuyết "Bão ngầm" vừa đoạt giải A trong cuộc thi Sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức vẫn khẳng định mình là lính.
Tác giả Đào Trung Hiếu (giữa) trong ngày nhận giải. |
Anh bảo, mình luôn là người lính, dù ở hoàn cảnh hay môi trường công tác nào, dù công cụ làm việc là khẩu súng hay cây bút. Còn danh xưng "nhà văn", anh bảo: "Đến giờ nghe vẫn chưa thuận tai. Tôi chưa phải là nhà văn. Tôi tự nhận mình chỉ là một người lính, cầm bút viết về đồng đội cũ. Trong tôi văn chương đi ra từ sự trân trọng quá khứ, nỗi khắc khoải nhớ nghề cũ bạn xưa, trong ký ức ngồn ngộn về những trận đánh sống mái với tội phạm trước đây. Tôi không chắc thứ mình viết ra có thực sự là văn hay không, hay nó chỉ đơn giản là những mẩu chuyện quá khứ, hoặc nỗi niềm của lính… được sắp xếp lại một cách dễ đọc".
Hiện nay, nếu hình tượng người chiến sỹ CAND chỉ được xây dựng và phản ánh một chiều theo hướng tích cực, mà ta hay gọi là "tô hồng", thì e độc giả khó chấp nhận. Vì rằng trên thực tế, bên cạnh đại đa số CBCS vẫn đang đêm ngày dấn thân, chiến đấu và hy sinh vì bình yên cuộc sống của nhân dân, thì đây đó vẫn có những cá biệt do không tu dưỡng rèn luyện, thiếu bản lĩnh… bị cuốn vào vòng xoáy danh - lợi, dẫn đến tha hóa, trượt ngã, phản bội.
Lẽ tất nhiên, quy luật đào thải sẽ hất văng những tiêu cực đó ra khỏi quỹ đạo vận động của nó. Cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập, giữa cái tốt và cái xấu trong mỗi con người, mỗi cơ quan, đơn vị diễn ra không ngừng nghỉ. Thế nên, xây dựng hình tượng Công an đẹp không nên né tránh những cuộc vận động bài trừ cái tiêu cực ấy.
Trong tiểu thuyết "Bão ngầm", tác giả Đào Trung Hiếu đã phản ánh trung thực những gì đã trải nghiệm, những gì mắt thấy, tai nghe, không cường điệu, cũng không tránh né. Anh nói: "Sự trung thực của người lính khi kể về những chuyện xảy ra quanh mình, theo tôi nghĩ, chính là thứ đã tạo nên tính lôi cuốn của tác phẩm này. Sự cao cả, đẹp đẽ của người Công an hiện ra chân thực nhất, đó là khi người ta được tả với đầy đủ những nhu cầu bình thường như bao người khác, nhưng họ dám hy sinh, dám trượt lên trên những cám dỗ để làm việc công, để phụng sự xã hội. Tôi chọn cách tôn vinh người chiến sỹ Công an bằng việc miêu tả những cuộc đấu tranh nội tâm, như những cơn bão ngầm không nhìn thấy bằng mắt thường trong họ, để vượt qua cám dỗ, danh lợi, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ của mình".