Những người trẻ hát nhạc Trịnh

Thứ Bảy, 04/04/2020, 11:00
Những ngày đầu tháng Tư này, những ai yêu âm nhạc Trịnh Công Sơn sẽ chọn cho mình một cách riêng để tưởng nhớ đến người nhạc sĩ tài hoa.

Ông đã mất nhưng di sản âm nhạc của ông để lại vẫn tiếp tục được khơi nguồn trong dòng chảy âm nhạc đương đại bởi những người trẻ với cách tiếp cận mới mẻ, đa dạng.

Nghệ sĩ tưởng nhớ Trịnh Công sơn qua… intenet

Ngày 1/4 năm nay, có lẽ là một ngày đặc biệt nhất khi cả nước đang thực hiện chỉ thị cách ly xã hội trong 15 ngày của Thủ tướng Chính phủ. Mọi hoạt động văn hóa nghệ thuật cũng bị tạm dừng. Nhưng với những người yêu nhạc Trịnh, nhiều hoạt động tưởng niệm vẫn âm thầm diễn ra theo một cách khác.

Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn và con gái An Trần đã livestream trình diễn một số tác phẩm của Trịnh Công Sơn. Anh chơi bản “Bên đời hiu quạnh” cùng bản “Sonata Pathetique” (Bi thương) của nhà soạn nhạc người Đức Beethoven. Trước đó, Mạnh Tuấn từng thực hiện một album online để tri ân nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mang tên “Dương cầm ru đời” phát hành trên kênh YouTube cá nhân.

Ca sĩ Đức Tuấn làm một liveshow mini về các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn trên trang cá nhân. Anh nói: “Năm nay, không có bất cứ hoạt động nào diễn ra để kỷ niệm 19 năm ngày mất của ông, vậy cả nhà hãy xem livestream. Tôi hát thật nhiều bài nhạc Trịnh các thể lọai để tưởng nhớ người nhạc sĩ vĩ đại này”. 

Ca sĩ Hồng Nhung cũng có buổi livetream từ phòng thu tại Mỹ chia sẻ câu chuyện phòng chống dịch và giới thiệu ca khúc mới và kể lại những kỷ niệm cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Nghệ sĩ Hà Lê với cách tiếp cận nhạc Trịnh mới mẻ.

Ngoài ra, trang “Duyên dáng Việt Nam” phối hợp với họa sĩ Lê Sa Long - cùng với sự tư vấn của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - đồng tổ chức triển lãm tranh chủ đề "Lời thiên thu gọi". Đây là triển lãm mỹ thuật với công nghệ thực tế ảo, trưng bày 32 bức tranh với nhiều chất liệu như sơn dầu, màu nước, pastel... về người nhạc sĩ tài hoa. 

Họa sĩ Lê Sa Long đã vẽ những bức tranh lấy cảm hứng từ âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ những năm 1984, khi ông chuẩn bị bước chân vào giảng đường Trường Sư phạm Quy Nhơn. Đây cũng là nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn theo học chuyên ngành Tâm lý giáo dục trẻ em từ 1962-1964. 

Họa sĩ Lê Sa Long chia sẻ rằng vùng đất này đã cho ông sự đồng điệu hòa cùng những cảm xúc về nhạc Trịnh: "Trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, tôi thêm đồng điệu những cảm xúc nhân văn mà nhạc Trịnh đã mang lại”. Triển lãm tranh “Lời thiên thu gọi” có mặt trên trang “Duyên dáng Việt Nam” đến ngày 30/4/2020.

Giang Trang hát nhạc Trịnh.

Dòng chảy nhạc Trịnh trong đời sống đương đại

Những hoạt động tưởng niệm Trịnh Công Sơn trong những ngày cách ly xã hội vì đại dịch COVID-19 cho thấy sức sống của nhạc Trịnh chưa bao giờ ngừng lại. Mới đây nhất, cô gái Hoàng Trang gây bão cộng đồng bởi một video hát nhạc Trịnh “Ta còn thấy gì trong đêm nay”. 

Một giọng ca hồn nhiên, mộc mạc và có phần bản năng. Hoàng Trang sinh năm 1997 tại TP HCM. Cô vừa tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Ý thuộc Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM. 

Sau khi hoàn thành việc học, Hoàng Trang cho biết cô muốn đi theo đam mê thực sự luôn cháy âm ỉ trong trái tim mình từ những ngày thơ bé: ca hát! Hoàng Trang cho hay dù yêu ca hát nhưng cô chưa có thời gian và điều kiện để tham gia học tập, rèn luyện ở các trường lớp âm nhạc chuyên nghiệp. 

Vào thời gian rảnh, cô thường tới các địa điểm giao lưu để ca hát cùng những người có chung đam mê. Vài năm gần đây, Hoàng Trang có cơ duyên gặp bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và được bà nhận làm học trò. Hoàng Trang chia sẻ bà dạy hát và truyền đạt cho cô những kinh nghiệm để có thể hát nhạc Trịnh một cách đúng tinh thần nhất. 

Hình ảnh Hoàng Trang và anh chàng chơi ghi ta Nguyên Đông gợi nhớ cho khán giả những vẻ đẹp nguyên sơ, mộc mạc của nhạc Trịnh. Hoàng Trang và Nguyên Đông hy vọng sẽ hết mùa dịch bệnh để cùng nhau đi khắp mọi miền đất nước, hát nhạc cho mọi người nghe, đúng tinh thần khởi đầu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thuở ông và ca sĩ Khánh Ly du ca ở Sài Gòn - Đà Lạt.

Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của họa sĩ Lê Sa Long.

Khác với Hoàng Trang, Hà Lê lại chọn cách tiếp cận nhạc Trịnh bài bản và có “ý đồ” riêng. Nổi tiếng trong làng hippop, được định danh là một rapper, ở tuổi không còn trẻ, Hà Lê quyết định quay trở lại với giấc mơ thuở ban đầu của mình ca sĩ. Trịnh Contemporary được xem là dự án âm nhạc cá nhân để định hình phong cách cũng như chân dung âm nhạc của Hà Lê ở thời điểm hiện tại. 

Cho đến giờ, giọng hát của Khánh Ly, Lệ Thu, sau này là Hồng Nhung, Đức Tuấn vẫn được mặc định là tượng đài – như một quy chuẩn cho người nghe nhạc Trịnh nhiều thế hệ. Nhưng thực tế, tư duy ca từ và những bản phối đó vốn đã nhuốm màu “cũ kỹ”, không còn bắt tai với những người trẻ hiện nay. 

Bằng cách phác thảo chân dung Hà Lê và đặt âm nhạc Trịnh Công Sơn trong cảm hứng đương đại ngày hôm nay, cùng tư duy âm nhạc chạy trên con đường R&B qua nhiều hình thức biểu đạt nghệ thuật khác nhau, Hà Lê muốn đưa đến một chiều không gian khác, một “màu Trịnh” khác, một “hồn Trịnh” chinh phục cả lớp lớp công chúng mộ điệu nhạc Trịnh và khán giả trẻ. 

Nói về cảm hứng đương đại trong dự án Trịnh Contemporary, Hà Lê chia sẻ: “Trịnh Contemporary không dừng lại ở cover những ca khúc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, như Hạ Trắng, Diễm Xưa... 

Tôi muốn đem lại một âm hưởng mới mẻ, nhưng vẫn trong lành từ những lời nhạc, giai điệu bất hủ mà bậc tiền bối để lại. Tôi nghĩ ngoài góc độ ca sĩ, tôi muốn lan toả cảm hứng đương đại trong sáng tạo âm nhạc Trịnh Công Sơn ở vai trò là người kết nối nhiều nghệ sỹ khác, nhiều hình thức nghệ thuật khác trên cơ sở đồng cảm về tư duy, để tìm tòi thử nghiệm nhạc Trịnh Công Sơn qua những cách biểu đạt khác nhau. Đó có thể là âm nhạc, điện ảnh, nhạc kịch, vũ đạo, biểu diễn, nhiếp ảnh... 

Hiện tại, ngoài góc độ là ca sỹ, tôi đã có những cộng sự lý tưởng để cùng mình khởi động “đại công trình” Trịnh Contemporary. Đó là Tùng Acoustic ở góc độ hoà âm, Thành Đồng người giữ vai trò Art Director cùng các producer & nghệ sỹ của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau sẽ cùng đóng góp những giá trị riêng của họ cho dự án như sự kết hợp của Hà Lê và giọng hát Bùi Lan Hương trong sản phẩm ra mắt trong dịp kỷ niệm ngày mất của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.” 

Hà Lê còn ấp ủ một concert nhạc kịch Trịnh Công Sơn được kể bằng những câu chuyện khác, nhân vật khác. Anh nói: “Đó là tham vọng của chúng tôi, muốn chuyển tải lời ca Trịnh Công Sơn trên sân khấu nhạc kịch. Nếu làm được concert đó chúng tôi mới xứng đáng vác trên vai chữ “Trinh contemporary”.

Cô gái trẻ Hoàng Trang hát nhạc Trịnh từ trái tim.

Bên cạnh Hà Lê, Hoàng Trang, thì Giang Trang cũng là một cái tên ấn tượng khi cô lựa chọn cách tiếp cận nhạc Trịnh có concept và tư tưởng riêng. Năm 2019, Giang Trang tổ chức một đêm nhạc tưởng nhớ ngày sinh của Trịnh Công Sơn ở Trung tâm văn hóa Pháp. 

Trang chỉ nhận mình là một “amateur chơi nhạc” nhưng với tư duy của một người chơi nhạc hơn là một ca sĩ, Giang Trang đã có một con đường âm nhạc riêng với những tìm tòi mang tính chất suy tưởng về “Người âm nhạc Trịnh Công Sơn”. Vì thế, không bao giờ Trang muốn mọi người gọi mình là một ca sĩ. 

Cô đi con đường riêng, hơn cả một người hát, ở mỗi cuộc chơi khác nhau, Trang là người kết nối các liên tài trong giới văn nghệ để cùng họ đồng sáng tạo, tìm tòi một hình thức biểu đạt khác, một vẻ đẹp khác ngoài ca từ để khám phá sức sống của nhạc Trịnh trong đời sống hôm nay. 

Sở hữu một giọng hát trong trẻo, thản nhiên, cùng phong cách giản dị, Giang Trang đã mang đến một tiếng nói riêng trong cuộc chơi âm nhạc của mình. Như cách Trang vẫn chia sẻ, đó là khám phá những vẻ đẹp tĩnh lặng của âm nhạc Trịnh Công Sơn. 

Dự án với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khép lại sau một hành trình dài 7 năm và có thể Trang sẽ bắt đầu một dự án với một nhạc sĩ khác, nhưng Giang Trang hát nhạc Trịnh là một dấu ấn không thể trộn lẫn trong dòng chảy của nhạc Trịnh đương đại.

Lan Tường
.
.
.