Nhạc sĩ Phú Quang, người góp thêm “đặc sản” cho Hà Nội

Thứ Năm, 15/10/2020, 07:10
Giải thưởng Lớn của giải “Bùi Xuân Phái” - Vì Tình yêu Hà Nội 2020, đã xướng tên nhạc sĩ tài hoa Phú Quang. Có ai đó ví rằng, âm nhạc Phú Quang chính là một đặc sản của Hà Nội.


1.Nhạc sĩ Phú Quang là người trẻ nhất được vinh danh ở giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, giải quan trọng nhất, nhưng ông đang nằm trên giường bệnh. 

Nghệ sĩ piano Trinh Hương, con gái của nhạc sĩ, chia sẻ ông vẫn yếu nhưng sức khỏe đã ổn định và đang nằm điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị. Đây là giải thưởng tôn vinh những người đã có cống hiến, đóng góp cho Hà Nội, để lại nhiều dấu ấn với Hà Nội. Những người từng nhận giải thưởng này có PGS, Tiến sĩ Nguyễn Thừa Hỷ (2019), ông Nguyễn Bá Đạm (2018), nhà văn hóa Hữu Ngọc…

Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, không chỉ trong sáng tác, cuộc đời nhạc sĩ Phú Quang là một minh chứng cho thấy tình yêu Hà Nội đau đáu. Phú Quang có thể “tả xung hữu đột” trong lãnh địa ca khúc, nhạc phim, nhạc giao hưởng để đóng đinh tên mình vào lịch sử âm nhạc Việt Nam. Nỗi nhớ Hà Nội vẫn là nguồn năng lượng vô tận của ông trong hành trình khẳng định vị thế của mình, trở thành một công dân ưu tú của Hà Nội.

Có thể nói, âm nhạc của Phú Quang gắn với Hà Nội, trở thành một “đặc sản” của Hà Nội với hàng loạt các ca khúc: “Im lặng đêm Hà Nội”, “Em ơi, Hà Nội phố”, “Nỗi nhớ mùa đông”, “Tình khúc 24”… "Hà Nội ngày trở về", "Chiều phủ Tây Hồ", “Hà Nội và em khi thu chớm đông sang”… Đó là những giai điệu đẹp, làm xao xuyến lòng người, kể cả những ai chưa từng đến Hà Nội.

Nhạc sĩ Phú Quang.

Có điều lạ là có những ca khúc của Phú Quang dù không có dòng nào về Hà Nội thì người nghe vẫn nhận ra hồn cốt Hà Nội thấm đẫm trong đó. Nhà văn Trương Quý, người nghiên cứu sâu về mảng âm nhạc tiền chiến đánh giá: “Nhạc sĩ Phú Quang đã tiếp nối mỹ cảm của các nhạc sĩ tiền chiến bằng hình thức pop hơn và ít sương khói hơn. 

Có những bài hát như “Nỗi nhớ mùa đông”, “Về lại phố xưa” (thơ Thái Thăng Long) hay “Tình khúc 24” (thơ Dương Tường) không cần nhắc tới Hà Nội hay địa danh nào mà vẫn khiến người nghe nhận ra hồn cốt Hà Nội. Chúng có đủ các chi tiết đã thành mô típ Hà Nội của Phú Quang đan xen giữa tâm trạng và ngoại cảnh kiểu “về trong mùa thu bồi hồi làn mưa lối vắng”.

Còn nhớ, Hà Nội những ngày chớm đông, cuối thu năm nào cũng có đêm nhạc của Phú Quang. Cứ mỗi độ heo may về, nhạc Phú Quang trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu. Khán giả nhớ âm nhạc của Phú Quang, một không gian đầy hoài niệm, dịu dàng và lãng mạn. 

Điều đáng nói là những đêm nhạc của ông lúc nào cũng quy tụ được các nghệ sĩ hàng đầu từ Nam ngoài Bắc như Hồng Nhung, Thanh Lam, Tấn Minh, Quang Dũng, Mỹ Linh, Khánh Linh, Ngọc Anh 3A từ nước ngoài trở về. Các thế hệ ca sĩ, có lẽ, ai cũng một lần từng hát nhạc Phú Quang và nhiều người muốn làm album riêng về nhạc của ông.

Cái hay của Phú Quang là biên độ phủ sóng của ông rất rộng, từ trí thức đến những người bình thường, người lao động đều nghe và cảm được nhạc của ông. Vì thế, concert của Phú Quang ở Nhà hát Lớn năm nào cũng phải làm hai đêm. Ông còn nổi tiếng là người tự tiếp thị âm nhạc của mình giỏi nhất Việt Nam. Có lẽ, ông cũng là một trong những nhạc sĩ có nhiều live show nhất.

Nhiều người định kiến, cho rằng Phú Quang đang kinh doanh âm nhạc của mình. Ông mặc kệ, bỏ ngoài tai những đàm tiếu. Những đêm nhạc của ông đều do ông tự tay làm, từ khâu tổ chức đến bán vé. Thế nhưng đêm nào cũng kín rạp, đủ thấy khán giả Hà Nội yêu nhạc Phú Quang đến thế nào.

Hình ảnh của Phú Quang gắn liền với cây đàn piano.

2. Nhạc sĩ Phú Quang sinh ra ở Phú Thọ. Năm 1954, ông theo bố mẹ về Hà Nội. Ký ức tuổi thơ của ông ở ngôi nhà nhỏ phố Khâm Thiên là những năm tháng chiến tranh, bom B52 dội xuống Hà Nội… Năm 1985, ông theo bố mẹ vào Nam và mãi đến năm 2008, ông mới trở lại Hà Nội.

25 năm, là khoảng thời gian khắc khoải nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ Hà Nội. Năm 1986, bài hát “Em ơi, Hà Nội phố” ra đời khi Phú Quang gặp nhà thơ Phan Vũ ở TP Hồ Chí Minh. Trường ca “Em ơi, Hà Nội phố” đã khiến Phú Quang xúc động và ông đã chắp cánh cho bài thơ ấy bằng âm nhạc. “Em ơi, Hà Nội phố” trở thành một trong những bài hát hay nhất về Hà Nội, khiến cho ai cũng có thể cất tiếng hát khi nhớ về Hà Nội. “Em ơi, Hà Nội phố” cũng làm nên tên tuổi của nhạc sĩ Phú Quang để rồi con đường âm nhạc của ông thăng hoa với những bài hát về Hà Nội và tình yêu.

Có rất nhiều nhạc sĩ viết về Hà Nội nhưng âm nhạc của Phú Quang có một màu sắc riêng không trộn lẫn. Từ giai điệu đến ca từ, rất “Phú Quang” và cũng “rất Hà Nội”. Có lẽ, ông sinh ra để dành cho Hà Nội vậy. Có thể nói, nếu nhắc đến hội họa về Hà Nội, người ta sẽ nghĩ đến họa sĩ Bùi Xuân Phái. Còn âm nhạc, chắc chắn, không ai khác ngoài nhạc sĩ Phú Quang. Bởi ông yêu Hà Nội một cách cực đoan, nên có thể nói, nếu không có Hà Nội thì không có Phú Quang. 

Ông thú nhận: “Đúng vậy. Một khi ta đã yêu cái gì đó tha thiết quá thì đều có cảm giác như một người tình. Tôi yêu Hà Nội cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác. Tôi viết nhiều về Hà Nội vì rất đơn giản thôi, tôi coi Hà Nội là quê hương của mình. Thì bao giờ, cả với tôi hay bất kỳ người nào viết về quê hương của mình đều rất trìu mến và sâu sắc. Tôi viết để trả nợ cho mảnh đất quê hương, nơi tôi đã lớn lên, nơi có căn nhà của mẹ cha tôi đã đổ sập sau những trận bom B52, nơi đã cùng tôi hoài thai lên những ước mơ của tuổi trẻ, nơi tôi đã ra đi, đã đau đáu nhớ thương và đã trở về”…

Hơn 600 bài hát của Phú Quang phần lớn viết về Hà Nội. Đó là một Hà Nội đẹp và man mác buồn. Hà Nội ngoài kia có thể ồn ào, bụi bặm và xô bồ, nhưng Hà Nội trong âm nhạc của Phú Quang luôn đẹp, nên thơ và lãng mạn. Có lẽ vì thế mà ông tìm được sự đồng cảm của nhiều người, cho những ai đã sinh ra và lớn lên ở Hà Nội.

Nhạc sĩ Phú Quang đệm đàn cho ca sĩ Ngọc Anh trong đêm nhạc của ông.

3. Mấy năm trước, Phú Quang được vinh danh là “Công dân Thủ đô tiêu biểu”, một người đã làm cho Hà Nội đẹp hơn, nên thơ hơn bằng âm nhạc. Ông đã sống cả cuộc đời cho âm nhạc và chỉ âm nhạc mà thôi. Ông làm việc say mê cho đến khi ngã bệnh. Với ông, làm việc và sáng tạo là một niềm vui sống. Năm 2019, khi ông làm live show, nhiều người bảo sao tuổi già, danh vọng đã đủ, tiền không thiếu, ông còn vất vả với công việc. 

Ông cười: “Đến lúc nào đó bạn sẽ thấy làm việc là một nhu cầu, không phải để kiếm tiền hay kiếm danh bởi mọi thứ chỉ là bọt biển, sẽ tan biến đi. Quan trọng là khi làm việc, tôi thấy mình thực sự sống. Tôi sẽ còn viết đến khi nào không thể viết được, làm chương trình cống hiến cho khán giả đến khi không còn làm được. Đối với tôi đó là niềm hạnh phúc không gì sánh được”.

Ông đã sống trọn vẹn một cuộc đời với đủ hỷ, nộ, ái, ố. Ngẫm lại, cuộc đời cho ông nhiều. Tài năng, danh tiếng, tiền bạc, ông có cả. Ông còn có những người con thành đạt, cùng làm nghệ thuật. Những người phụ nữ đi qua đời ông đều tài giỏi. Giờ ông có một mái ấm bình yên với người vợ thứ ba, trẻ trung, xinh đẹp. Vậy là quá đủ một cuộc đời. Thế nhưng, trong sâu thẳm tâm hồn người nghệ sĩ ấy vẫn trống vắng, cô đơn.

Tôi chợt nhớ đến ca khúc “Trong ánh chớp số phận” mà cố NSND Lê Dung hát - một ca khúc ông phổ thơ của nhà thơ Ý Nhi nhưng hàm chứa nhiều nỗi niềm của ông trong đó. “Cuộc đời tôi, số phận tôi - một số phận gắn với âm nhạc. Tôi thấy mình may mắn vì được khán giả yêu đến bây giờ nhưng tôi cũng nghiệm ra rằng, những gì mình có đều phải trả giá đắt”. Những cay đắng ấy, nằm dưới đáy ly cà phê và trong những bài hát buồn của ông. Nhưng những nỗi buồn ấy chính là chất liệu cho người nhạc sĩ tài hoa viết lên những bài hát để đời.

Lan Tường
.
.
.