Nhạc sĩ Dương Cầm: “Tôi muốn tạo ra một sân chơi chuyên nghiệp cho các ban nhạc”

Thứ Tư, 08/07/2020, 20:09
Có thể nói, Dương Cầm là một trong những nhà sản xuất âm nhạc trẻ hàng đầu hiện nay tại Việt Nam. Tên tuổi của anh gắn liền với rất nhiều sản phẩm âm nhạc có uy tín.


Nhưng điều Dương Cầm trăn trở trong hành trình âm nhạc của mình đó là làm thế nào để đời sống âm nhạc Việt phát triển mạnh mẽ hơn, văn minh hơn, tiệm cận với những giá trị của âm nhạc thế giới. Có lẽ, vì thế mà Bandland, một sân chơi dành cho các ban nhạc ra đời.

- Hiện anh vẫn đang là một nhà sản xuất đắt show, nhưng lại dành thời gian và tâm huyết cho ra mắt một sân chơi phi lợi nhuận dành cho các ban nhạc. Ý tưởng này đến từ đâu?

+ Tôi nung nấu y tưởng từ cuối năm 2019, khi COVID-19 xảy ra là quãng thời gian thử thách cho chính chúng tôi, làm thế nào để được sống với âm nhạc nhiều nhất. 

Tôi là một người đi lên từ ban nhạc, môi trường ban nhạc ở nước ta từng rất phát triển ở thâp kỷ trước, thời đó, các ban nhạc có một đời sống rất sôi động. Nhưng gần đây nhạc số, nhạc điện tử lên ngôi, đã lấn át đi những âm thanh thực của những con người chơi nhạc cụ, họ chơi nhạc bằng cả tâm hồn mình, đó là điều rất đau xót. 

Để duy trì được ban nhạc ở Việt Nam hiện nay, ngoài tình cảm gắn bó, chúng tôi hiện vẫn loay hoay và mày mò, chấp nhận chơi những sân chưa hẳn là đúng với mong muốn bởi cuộc sống. Các ban nhạc hiện nay các bạn rất tài năng, tôi muốn Bandland là sân chơi chung của chính mình và các đồng nghiệp. 

Được chơi với các ban nhạc indie tôi thấy mình cũng trẻ ra và cập nhật hơn. Hơn cả sân chơi, tôi hy vọng với sự góp sức, đam mê của từng người, Bandland sẽ trở thành vùng đất ươm mầm, phát hiện và phát triển cho ban nhạc sinh sôi và phát triển trong tương lai. Tôi là người kết nối và chính các bạn sẽ làm chủ sân chơi đó, để âm nhạc được trả lại đúng giá trị của nó là những âm thanh sống động nhất.

Nhạc sĩ Dương Cầm.

- Vậy Bandland sẽ hoạt động như thế nào?

+ Tôi muốn tạo ra một cộng đồng tài năng, vùng đất cho các ban nhạc trẻ làm nghề chuyên nghiệp. Mô hình Bandland sẽ bao gồm 2 số live in studio vào 20h30’ tối thứ 5 (tuần thứ nhất và tuần thứ ba của tháng). 

Bandland Live studio sẽ có thời lượng từ 15-25 phút mỗi số, gồm hai nội dung: Đời sống của ban nhạc (Life of Band) và Sản phẩm phòng thu (Live in Studio). Ngoài ra, Bandland còn tổ chức một số live on stage vào tối thứ 7 (tuần thứ hai của tháng) tại sân khấu tượng đài cảm tử, phố đi bộ Hồ Gươm. 

Hướng đến ngoài tạo sân chơi chuyên nghiệp cho các ban nhạc, từ phòng thu ra sân khấu, Bandland sẽ tổ chức chuỗi chương trình Bandland Season (4 mùa trong năm) với mục đích các ban nhạc trẻ sẽ có thêm cơ hội được giới thiệu sản phẩm, nâng cấp khả năng biểu diễn và đến gần với khán giả; bên cạnh mở rộng phát triển những hoạt động kích thích sự sáng tạo và nâng cấp nền tảng chuyên môn cho ban nhạc trẻ như Bandland Camp (trại sáng tác) các chương trình, toạ đàm giáo dục âm nhạc, định hướng thưởng thức, quy trình sản xuất âm nhạc; cuối cùng hướng tới một lễ hội âm nhạc thường niên, các tour diễn dành riêng cho các ban nhạc tại Việt Nam. 

Đó là một vòng khép kín, Bandland phải kiên nhẫn đi một đường xa như vậy, vượt ra khỏi một sân chơi trở thành một vùng đất, nơi ươm mầm các tài năng trẻ của các ban nhạc ở Việt Nam. Hiện nay, các ban nhạc chưa có một sân chơi đúng nghĩa, một vùng đất để họ sinh sôi nảy nở, làm nghề chuyên nghiệp. Các ban nhạc hãy kiên nhẫn cùng với chúng tôi và coi bandland là một ngôi nhà chung của mình.

- Được biết Bandland hiện nay là một sân chơi phi lợi nhuận, vậy anh lấy kinh phí từ đâu để  sản xuất và liệu anh có đi được đường dài?

+ Bandland là một sân  chơi phi lợi nhuận, các ban nhạc bắt tay vơi nhau để đưa sản phẩm đến khán giả, họ chưa có cát xê. Để làm được điều đó, chúng tôi có sự hỗ trợ của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. 

Ngoài ra, các ban nhạc đến sân chơi, chưa có khoản phí nào mà chỉ có sự hướng dẫn về kỹ thuật âm thanh. Chi phí duy trì sản xuất, do chúng tôi tự bỏ tiền túi ra. Làm thế nào để phát triển sân chơi này hơn và các ban nhạc có được những vùng đất biểu diễn để sau này các bạn có tiền để có thể nuôi dưỡng đam mê của mình và đi con đường dài với âm  nhạc, đó là trăn trở của chúng tôi. 

Đến nay Bandland đã nhận được 1 USD đầu tiên từ youtube, có thể nhiều người sẽ cười vì điều đó nhưng chúng tôi rất vui vì bắt đầu một khởi đầu mới, chúng tôi muốn tạo ra sân chơi này để các bạn khẳng định mình và khi chúng ta đủ lớn mạnh, chúng ta sẽ tổ chức những show bán vé và các bạn sẽ hưởng lợi nhuận từ đó. 

Bandland là một vùng đất phi lợi nhuận, những ban nhạc chính là những chồi non được vươn cao. Ê kíp của bandland không biết khi nào sẽ có lợi nhuận nhưng chúng tôi thống nhất những lần ra quân không bao giờ miễn phí, chúng tôi bán vé, 10.000 đồng cũng bán, 50.000 đồng cũng bán, vì âm nhạc không nên miễn phí. 

Việc bán vé sẽ thay đổi thói quen thưởng thức, kéo khán giả đến với âm nhạc và họ có thói quen mua vé. Điều đó giúp cho các nghệ sĩ có thể làm nghề độc lập và tái đầu tư. Đó là cam kết của chúng tôi, nói không với miễn phí. Tất nhiên điều này cũng tạo áp lực cho các nghệ sĩ. 

Các nghệ sĩ phải đều đặn ra sản phẩm, sáng tạo và tái đầu tư, coi âm nhạc là con đường của mình, luôn nâng cấp mình, vì âm nhạc hiện nay trong thế giới phẳng và người nghe có nhiều lựa chọn. Đó là câu chuyện sòng phẳng của nền công nghiệp âm nhạc.

- Sau một thời gian hoạt động, hiện nay bandland đã mời được bao nhiêu ban nhạc và mỗi số phát sóng sẽ có gì mang đến cho khán giả?

+ Trước khi ra mắt khán giả, chúng tôi đã lên sóng 13 số, có 8 ban nhạc tham gia và có những ban nhạc trình diễn 2, 3 bài, đó là quãng thời gian trong mùa dịch nên việc sản xuất bị hạn chế, số lượng ban nhạc tham gia chưa nhiều. Nhưng chúng tôi bất ngờ khi phát sóng nhận được email phản hồi của các ban  nhạc. 

Hiện tại đã có hơn 30 ban nhạc đang xếp hàng chờ, chưa tính các ban nhạc ở Sài Gòn. Đó là một bất ngờ. Còn nội dung của mỗi số sẽ gồm 2 phần, một phần là đời sống của ban nhạc và một phần live các tác phẩm, sáng tác mới của họ.

- Vậy ngoài mục đích tạo sân chơi, anh có dự định gì dài hạn giúp ban nhạc phát triển không?

+ Câu chuyện ban nhạc là câu chuyện của chính tôi. Trong đời sống, mô hình ban nhạc hoạt động rất nhỏ lẻ, sớm nở tối tàn. Làm thế nào, để Việt Nam có sân chơi, mảnh đất để các ban nhạc tồn tại, phát triển, duy trì được lâu dài. 

Chúng tôi đưa ra quy trình khép kín tạo ra sân chơi cho ban nhạc trong phòng thu, đòi hỏi chất lượng âm thanh cao. Từ phòng thu, ban nhạc phải đi ra sân khấu, phải là sân khấu lớn ngoài trời, đó mới là đất của ban nhạc. 

Câu chuyện của ban nhạc Việt Nam là trẻ, tài năng, nhưng chủ yếu là sinh viên. Việc đi đường dài cần nền tảng, học hành bài bản, kênh giáo dục sẽ mang lại cho các ban nhạc kiến thức nền tảng và chia sẻ với nhau. 

Chưa hết, chúng tôi còn có những buổi toạ đàm, work shop, định hướng thẩm mỹ cho người nghe để cuối cùng tạo ra sân chơi và cơ hội biểu diễn cho các nghệ sĩ, qua đó nâng cấp chất lượng các ban nhạc để khi họ đủ mạnh, họ có thể tách ra hoạt động độc lập. 

Đây cũng là kênh để các bạn quảng bá sản phẩm của mình, là bệ phóng giúp các bạn từ những cái nhỏ nhất như hoàn thiện bài hát, sản xuất video để các bạn quảng bá sản phẩm của mình và có cơ hội phát triển hơn.

Ban nhạc biểu diễn tại sân khấu Bandland.

Vậy có tiêu chuẩn gì cho một ban nhạc có thể tham gia sân chơi này?

+ Có vô vàn những màu sắc khác nhau, có những ban nhạc từng tham gia biểu diễn trên sân khấu quốc tế nhưng cũng có những ban nhạc mới chập chững vào nghề. Nhưng tôi muốn giúp các bạn tự tin hơn, ở trình độ nào sẽ có sản phẩm đó. 

Mỗi ban nhạc có thế mạnh riêng. Những ban nhạc yếu chỉ chơi sáng tác của họ, mang một màu sắc riêng rất hay. Thế nên, kể  cả bạn không phải là người chuyên nghiệp vẫn có thể đến với chúng tôi, chưa chuyên nghiệp chúng tôi sẽ giúp các bạn chuyên nghiệp. 

Các ban nhạc có tiếng nói riêng nhưng đi xa tiếp phải có nền tảng và mô hình nhân rộng, họ nên tìm được các nhà sản xuất có uy tín và định hướng cho mình. Các ban nhạc rất cần để  thị trrường âm nhạc phát triển bởi khởi nguồn của các loại hình âm nhạc chính là các nhạc cụ. 

Chúng tôi rất vui vì trong hành trình của mình có rất nhiều người đồng hành, các ban nhạc là những cánh tay nối dài hơn. Các bạn chính là những người vun xới cho mảnh đất đó, nên nó sẽ không ngừng mở rộng và phát triển trong tương lai. Tôi luôn tin như vậy.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Lan Tường (thực hiện)
.
.
.