Nhà văn, nhà báo Nguyễn Phương Liên: Lãnh địa càng khó càng hấp dẫn tôi
- Nhà văn Minh Chuyên: Suốt đời viết về đề tài hậu chiến
- Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn: Người kể chuyện đời nay
- Chị vừa giới thiệu đến công chúng cuốn sách "Đồng hành với Đẹp", viết về một lĩnh vực không dễ "nhằn", dễ viết trên báo chí, đó là mỹ thuật. Vì sao lại là mỹ thuật, trong khi chị vốn là một nhà văn?
+ Tôi làm báo đến nay là tròn 20 năm, chuyên về mảng văn hóa, văn nghệ. Do yêu cầu của công việc, hầu như mình phải "xông pha" tất cả mọi lĩnh vực, từ văn học, điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật,… thậm chí cả du lịch, thể thao.
Riêng với mỹ thuật, tôi bị lôi cuốn trước những cái khó của một loại hình mang tính đặc thù. Bởi trừ phong cách hiện thực, những trường phái khác như siêu thực, ấn tượng, trừu tượng, lập thể, hay các loại hình nghệ thuật đương đại như sắp đặt, trình diễn, video art… không dễ để hiểu, để cảm.
Nếu một tác phẩm văn học, một bộ phim, vở kịch hay bài hát có thể cho người ta ít nhiều hiểu được, sẽ thích hay không thích bởi những biểu đạt khá rõ ràng bằng ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, nhạc điệu… thì với mỹ thuật, có những bức tranh chỉ là vài nét chấm phá, nguệch ngoạc như trẻ con nghịch màu hay những khối đá điêu khắc không rõ hình thù mà thực ra lại giàu biểu tượng, ý nghĩa… Cái khó của mỹ thuật chính là điều khiến tôi muốn dấn thân ngoài văn chương vốn đã quen thuộc với mình.
Nhà báo Nguyễn Phương Liên bên bức tượng Phật ở Làng cổ Bát Tràng. |
- Để chuyên tâm tìm hiểu, sâu sát các vấn đề của mỹ thuật, bản thân chị phải chuẩn bị những kiến thức như thế nào?
+ Tôi thường xuyên phải "nạp" cho mình những nhiên liệu cần thiết, như xem nhiều tác phẩm, tranh, tượng ở các triển lãm, bảo tàng, công trình điêu khắc, kiến trúc ngoài trời… cả trong nước và thế giới, đọc sách nghiên cứu mỹ thuật, mỹ học, lắng nghe những ý kiến, tranh luận nhiều chiều trên các diễn đàn, kể cả mạng xã hội về những trào lưu, sự kiện, hiện tượng mỹ thuật
Cũng giống như văn học, báo chí, mỹ thuật và kiến trúc rất cần có thực tế, đòi hỏi phải hòa mình với đời sống nghệ thuật trong và ngoài nước, luôn đặt ra những câu hỏi và đi tìm lời giải đáp để hiểu về xu thế chung, những giá trị cũ- mới và cả những bất cập trong hoạt động mỹ thuật.
Những giai đoạn, sự kiện lớn trong đời sống mỹ thuật nước nhà tôi từng theo sát, đồng hành với sự cố gắng tiếp cận tác giả, tác phẩm, lắng nghe dư luận trong và ngoài giới.
Ở những bài viết mang tính vấn đề, tôi đều phải đầu tư thời gian, công sức để mày mò, khảo sát từ thực tế như đại nạn tranh giả, thực trạng di tích phố cổ Hà Nội, những bất cập trong xây dựng tượng đài, kiến trúc nông thôn và đô thị…
Tôi tự hào từng đặt chân đến nhiều quốc gia, những thánh đường nghệ thuật, thủ đô lớn hiện đại trên thế giới như Paris (Pháp), Roma (Ý), London (Anh), Washington DC (Mỹ)… chiêm ngưỡng vô số tác phẩm, công trình mỹ thuật, kiến trúc tuyệt tác của nhân loại để làm giàu thêm hiểu biết và nhìn nhận lại về mỹ thuật Việt Nam.
Tôi cũng không thể quên những ngày lang thang mò mẫm vào từng đình, chùa để viết bài "Cứu" di tích trong phố cổ Hà Nội, vừa tác nghiệp, vừa cảnh giác dè chừng thái độ hằm hè dọa nạt của những cư dân "ở chùa" lấn chiếm di tích…
- Trong cuốn sách "Đồng hành với Đẹp", những vấn đề nào nổi bật của Mỹ thuật mà chị tâm huyết nhất, muốn đóng góp tiếng nói của mình vào một cách mạnh mẽ nhất?
+ Theo tôi, hội họa sơn mài Việt Nam đang là một ưu thế, giúp chúng ta có tiếng nói riêng độc đáo đóng góp cho nghệ thuật tạo hình thế giới.
Các họa sĩ Việt Nam từ thời Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925) đến nay đã sáng tạo ra hội họa sơn mài độc nhất vô nhị, nhiều tác phẩm của các danh họa Việt Nam như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm… được thị trường mỹ thuật khu vực và quốc tế săn tìm với mức giá hàng trăm nghìn USD.
Trong khi đó, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn nặng về sơn mài mỹ nghệ. Vì vậy, điều đáng quan tâm là làm thế nào để phát triển bền vững hội họa sơn mài Việt Nam, từ việc mở rộng vùng trồng cây sơn để lấy chất liệu, đến các kỹ thuật, nghệ thuật sơn mài cần được giữ gìn, thậm chí bảo mật để hội họa sơn mài Việt Nam phát triển góp phần xác lập vị trí của mỹ thuật Việt Nam trên bản đồ mỹ thuật thế giới.
Mỹ thuật Việt Nam lâu nay không ít chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", trong đó, cuộc chiến với đại nạn tranh giả để xây dựng một thị trường mỹ thuật lành mạnh, chuyên nghiệp luôn là tồn tại nổi cộm, dai dẳng, chưa có hồi kết.
Vì vậy, chúng ta cần phải tập trung, quan tâm hơn nữa đến vấn đề này. Việt Nam đã đóng góp được gì cho ngôn ngữ tạo hình của nhân loại, đó cũng là điều tôi suy nghĩ.
- Nhìn vào phần lớn trang văn nghệ giải trí của các tờ báo hiện nay, chúng ta thấy phủ sóng phần lớn là các thông tin thuộc lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, đời tư các ngôi sao trong showbiz. Về mảng mỹ thuật, theo chị báo chí truyền thông đã dành sự quan tâm đúng mức chưa?
+ Sự xuất hiện của mỹ thuật trên báo chí lâu nay rất nhạt nhòa. Có chăng, là một số vụ việc "nóng" liên quan đến mỹ thuật như sử dụng linh vật ngoại lai, trùng tu di tích sai lệch, giải thưởng bị phát hiện "đạo" ý tưởng, triển lãm trưng bày tranh giả…
Đặc biệt, tồn tại dạng bài viết theo xu hướng PR cho những hoạt động, sự kiện nhóm, cá nhân nhằm mục đích "đánh bóng" tên tuổi, bán tác phẩm hay tìm kiếm giải thưởng, tài trợ.
Theo tôi, báo chí cần quan tâm, dành nhiều "đất" cho mỹ thuật hơn nữa, cẩn trọng và khách quan hơn trong việc đăng tải tin, bài về hoạt động mỹ thuật. Các nhà báo (cũng như nhà phê bình mỹ thuật) cần kề vai sát cánh, gần gũi giới nghệ sĩ để nắm bắt thực tế sáng tác đang vận động, thay đổi và chia sẻ những trăn trở lo toan của họ trong mưu sinh cũng như sáng tạo nghệ thuật.
Nhà báo Nguyễn Phương Liên bên tượng David trên đồi Michelangelo trong chuyến thăm Italia. |
- Nhà văn Nguyễn Phương Liên được biết đến với nhiều truyện ngắn hay. Nhưng lâu lắm không thấy chị ra mắt độc giả tác phẩm văn chương, thay vào đó là sách về lĩnh vực báo chí? Phải chăng nhà báo Nguyễn Phương Liên đang lấn át nhà văn Nguyễn Phương Liên?
+ Tôi sáng tác thơ văn rất sớm, từ bé đã mơ ước trở thành nhà văn. Song thực tế không viết nhiều, viết đều, bởi cuộc sống và tuổi trẻ có nhiều thứ lôi cuốn khiến mình "nhẹ dạ". Và đến khi lao vào nghề báo thì đúng là cả thời gian và năng lượng đều dành cho báo chí, văn chương chỉ còn như một thú chơi, viết khi thật có hứng, thật rảnh.
Tập trung cho nghề báo, tôi tạm bằng lòng với những gì mình làm được thời gian qua, cũng vui hơn vì lại "bén duyên" với mỹ thuật khi trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam (chuyên ngành lý luận phê bình), đặt chân vào một địa hạt mới nhiều hấp dẫn và thử thách.
Dẫu vậy, tôi vẫn dành một góc cho văn chương song quan niệm nếu mình không viết được cái gì mới hơn, bằng hoặc hay hơn những cái trước thì không nên vội. Nhiều lần, tôi đã từng viết rồi lại bỏ, hoặc âm thầm tích trong ngăn kéo.
- Làm công tác quản lý, biên tập bài ở một tờ báo lớn, theo chị, "căn bệnh" lớn nhất mà các nhà báo trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ hiện nay mắc phải là gì?
+ Nói "bệnh" thì hơi nặng, nhưng một tình trạng phổ biến là sự áp đặt chủ quan của người viết. Nguyên nhân cũng là bởi bệnh lười - lười đi, lười giao tiếp, lười tìm tòi suy nghĩ. Kiểu làm báo "cưỡi ngựa xem hoa", hời hợt, thiếu trách nhiệm với quan niệm văn hóa văn nghệ có đúng, sai một tý cũng chẳng chết ai đang tồn tại trong nhiều cây bút (!)
- Đọc cuốn sách "Đồng hành với Đẹp" có thể thấy, chị là người làm báo rất chịu khó "xê dịch": đi nhiều, trải nghiệm nhiều. Theo chị, việc "đi" của một người cầm bút quan trọng như thế nào?
+ Ngày xưa, đọc Nguyễn Tuân, tôi thích thú, tâm đắc với "chủ nghĩa xê dịch" của ông. Trong cuộc sống, tôi có thể lười những chuyện lặt vặt nhưng tuyệt nhiên không ngại những "xê dịch" lớn như thay đổi công việc, nhà cửa, đi xa…
Sự ổn định, tĩnh lặng có những ưu điểm của nó, song chuyển dịch và thay đổi cũng góp phần tiếp thêm nhiên liệu, cảm hứng cho con người. Sau mỗi lần xê dịch, mỗi chuyến đi tôi thấy mình như được lột xác, để bắt tay vào công việc, cuộc sống (dẫu là "muôn năm cũ") với một tâm thế hoàn toàn mới mẻ, nhẹ nhõm như là mọi sự vừa mới bắt đầu (cười)
- Hiện nay, có hiện tượng một số nhà báo làm báo trong phòng điều hòa, ngồi salon. Họ lý luận rằng, mọi thông tin về cuộc sống họ đều có thể tìm thấy nhờ công cụ hỗ trợ là các phương tiện thông tin, internet. Tìm kiếm mọi thứ trong thế giới trên xa lộ thông tin cũng được hiểu như một cách "Đi". Chị nói gì về cách đi này?
+ Tìm kiếm mọi thứ trong thế giới trên xa lộ thông tin cũng được xem là một cách "đi". Đúng vậy! Nhưng cái đi ấy chỉ như một sự điểm duyệt thông tin vô hồn, vô cảm; là sự bất đắc dĩ, cực chẳng đã của người làm báo mà thôi! Đi, đương nhiên là tốn kém - tiền bạc, sức khỏe, thời gian… nhất là với một nghề có mức thu nhập khiêm tốn.
Song nhà báo với những ưu thế của mình không phải là không có cách để có thể giảm "hại", tăng "lợi"; mà cái "lợi" hiển hiện là những bài báo ắp đầy hơi thở cuộc sống, không chỉ đúng, trúng mà còn hấp dẫn. Vậy thì tội gì chúng ta chỉ biết ngồi đó trong những chuyến đi tưởng tượng, mà hãy lập tức xách ba lô lên để đến với những điều rộng lớn mênh mông trong cuộc đời.
- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện