Nhà văn Trang Hạ: Có 8 chữ vàng nào cho nam giới hay không?

Thứ Tư, 08/03/2017, 06:08
Có 8 chữ vàng cho phụ nữ. Vậy có 8 chữ vàng nào cho nam giới hay không? Vẫn cái vẻ sắc sảo, đanh đá, thẳng thừng từng lôi kéo cộng đồng mạng vào cuộc "khẩu chiến" chưa có hồi kết mấy năm trước, Trang Hạ có những chia sẻ "mở" về bình đẳng giới, nhân dịp cô lọt Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017.


Tôi đơn độc trong nhiều năm qua!

- Mới đây, Tạp chí Forbes Việt Nam công bố danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017. Các tiêu chí để ghi nhận dựa trên danh sách "Phụ nữ quyền lực thế giới" cuả Tạp chí Forbes. Chị có thấy mình là một người quyền lực không? Khái niệm quyền lực ở đây là gì? Xin chị chia sẻ một chút về cảm giác của mình khi lọt Top đánh giá này?

+ Mình quan tâm danh sách "Phụ nữ quyền lực thế giới" cuả tạp chí Forbes này từ năm ngoái. Trong danh sách 100 phụ nữ ảnh hưởng trên thế giới của năm 2016 ấy có thần tượng của mình, là bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Mình tin danh sách này nói về ảnh hưởng tới cộng đồng và năng lực vận động xã hội theo hướng phát triển tích cực của một người phụ nữ. Và bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ và không ngừng học hỏi tiến bộ, họ tác động tới người khác và dùng những năng lực tốt nhất, những ưu thế tốt nhất của bản thân mình để khiến cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

Mình tin danh sách này mang lại những giá trị vô hình từ một người phụ nữ, chứ không phải là những tác động có thể đo đếm được, thông qua số like (yêu thích), share (chia sẻ), coment (bình luận) trên mạng xã hội, chức vụ hay địa vị, số tiền trong tài khoản.

Khi biết tin mình thuộc Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 theo công bố của Forbes Việt Nam, mình rất bất ngờ. Trước đó, mình không hề biết gì về điều này vì mình đang bận việc tổ chức một gian hàng sách và giới thiệu văn học Việt Nam tại Hội chợ sách quốc tế tại Đài Bắc.

Mình cảm thấy rất vui bởi vì chứng tỏ, mình được ghi nhận. Mình tin rằng những tiêu chí tốt đẹp của Forbes toàn cầu đã được Forbes Việt Nam bảo lưu và dùng làm tham số quan trọng cho danh sách năm nay. Và nếu tính theo địa vị, có lẽ mình là phụ nữ duy nhất trong danh sách ấy không có danh thiếp, chức vụ hay quyền lực gì.

Điều đáng nói là, họ không ghi nhận mình dưới góc độ là một nhà văn mà dưới góc độ là một người hoạt động xã hội. Và với những nỗ lực nhằm tác động tới xã hội, cách mình dấn thân về nữ quyền, về ủng hộ và tôn vinh sức mạnh của tính nữ thì trong hành trình ấy, tại Việt Nam mình luôn cảm thấy đơn độc. Danh sách này phá tan cảm giác cô độc của Trang Hạ trong suốt thời gian qua.

- Nếu nói như vậy, tôi cảm giác cô độc thôi thì chưa đủ…

+ Mình là một người phụ nữ luôn tin tưởng vào bản thân, quý trọng lẽ phải. Cảm giác cô đơn của mình trong xã hội không phải đến từ việc bị đám đông chửi bới, bôi nhọ hoặc mỉa mai; mà xuất phát từ việc có quá nhiều người tử tế đã im lặng.

Trong khi đó, những tiếng nói bênh vực Trang Hạ thường kín đáo, lặng lẽ so với những lời mỉa mai, đến từ những diễn đàn, group (hội, nhóm) trên mạng. Trang Hạ chưa bao giờ tranh luận trên mạng xã hội. Mình chỉ đưa các bài báo, những luận điểm trên báo, chứ không tranh cãi trên mạng xã hội. Mình cho rằng, có những thứ chúng ta cần thay đổi, thay đổi không chỉ là cách chúng ta nhìn nhận vai trò của người phụ nữ, mà đơn giản học cách tôn trọng người khác, để người khác tôn trọng trở lại bản thân mình.

- Hiện đang có một thứ văn hóa (trong ngoặc kép) gọi là "văn hóa ném đá" thì phải? Tôi có cảm tưởng rằng, chuyện gì người ta cũng có thể ùa nhau lại và sẵn sàng "ném đá" một ai/sự vật/hiện tượng gì đó không thương tiếc?

+ Đã là "ném đá" thì làm gì có văn hoá? Gọi là thói quen, hiện tượng thì đúng hơn.

- Trang Hạ được biết đến trước hết với tư cách là một dịch giả, một nhà văn. Song, mấy năm gần đây, chị lại được nhắc đến nhiều ở góc độ hoạt động xã hội. Từ nhà văn đến nhà hoạt động xã hội, chị đã đi một con đường như thế nào và có những thay đổi về mặt tư duy ra sao?

+ Thực ra, trước khi trở thành một người hoạt động xã hội ở Việt Nam, Trang Hạ đã có nhiều năm hoạt động xã hội tích cực tại Đài Loan để bảo vệ quyền lợi cho những người lao động, người phụ nữ hay du học sinh Việt Nam tại đây.

Những mối quan hệ tốt đẹp của mình với chính quyền Đài Loan giúp mình có nhiều cơ hội làm các chương trình cho người Việt Nam đang sống và làm việc tại đó. Mình mở chuỗi ca nhạc miễn phí dọc Đài Loan, mời các ngôi sao Việt Nam sang đây biểu diễn cho các cô dâu người Việt xa xứ. Ví dụ như Hồ Ngọc Hà, Ngọc Sơn, Nguyên Vũ, Đăng Khôi, Thảo Trang Idol… Cuộc nào ít thì có 1.000 người tham dự, nhiều thì 3.000 người.

Khi ở nước ngoài, nếu mình đề xuất một chương trình phát triển cộng đồng, sẽ được miễn phí tất cả mọi thứ, từ khách sạn, sân vận động, đến việc quảng cáo trên tivi. Nhưng ở Việt Nam, điều kiện chưa cho phép. Đó cũng chính là lí do khi mình quay về Việt Nam năm 2009. Và mình còn nhớ buổi sáng ngày 1-1 năm đó, khi mình bước xuống sân bay, mình nghĩ rằng, 5 năm tới, mình sẽ làm gì tại Việt Nam?

 Lúc đó chưa có điều gì cụ thể cả, chỉ biết rằng, mình sẽ làm một cái gì đó về phụ nữ. Mình mong muốn sống trong một xã hội tiến bộ, bình đẳng, chính bản thân mình có sự góp phần tạo dựng. Đó có lẽ là ý nghĩ đầu tiên của việc dấn thân khi làm các hoạt động xã hội ở Việt Nam.

Định kiến về giới ở Việt Nam vẫn còn tinh vi
Nhà văn Trang Hạ là một trong những người phụ nữ "quyền lực" của Việt Nam năm 2017.

- Sắc sảo với những quan điểm đanh thép, người ta mệnh danh chị là "nhà văn của phụ nữ". Bây giờ, chuyển sang hoạt động xã hội, đối tượng hướng đến của chị vẫn là phụ nữ - những người được xem là phái yếu trong xã hội này. Nếu nói Trang Hạ bị ám ảnh về phụ nữ, điều đó có đúng không?

+ Cá nhân tôi cho rằng, tất cả những người làm hoạt động về bình đẳng giới ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, họ bị ám ảnh bởi những nỗi đau của những người phụ nữ khác, chứ đôi khi, không phải vì chính bản thân mình. Trang Hạ có khả năng tự đánh giá đó là điều tốt đẹp nhất của mình, đó là khả năng thấu cảm với cảm giác của những người phụ nữ khác.

- Chị thấy vấn đề bình đẳng giới ở phụ nữ Việt Nam thế nào?

+ Trang Hạ không phải là chuyên gia về phụ nữ Việt Nam nên khó có thể đưa ra một nhận xét bao quát. Nhưng nói dưới góc nhìn của 1 người trải qua nhiều vai trò khác nhau trong đời sống thì mình thấy đâu đó vẫn còn nhiều bất cập và quá tinh vi.

- Định kiến vẫn còn quá nhiều. Song, cái ''tinh vi'' mà chị nói ở đây là gì?

+ Nghĩa là định kiến ấy được ngụy trang quá khéo léo để bạn không nhận ra đó là định kiến. Mình dẫn lại câu chuyện này từ chia sẻ của một bạn trên facebook của mình. Người phụ nữ đó kể rằng, hồi nhỏ, bạn hay bị bố mẹ mắng rằng: "Mày lười thế này thì chẳng ai rước". Khi mà bạn mắng con cái nặng lời, sao bạn không lo cho con cái để lớn lên không phải lấy mấy người đàn ông không tử tế?

Rõ ràng, định kiến giới nằm ngay trong chính lời ăn tiếng nói hằng ngày. Nó đến từ những bài học giáo dục gia đình mà chúng ta không nhận ra. Và đó là lí do bây giờ, bạn có con gái, bạn không bao giờ nói câu đấy với con. Bạn chỉ luôn nhắc con gái nỗ lực trở thành một phụ nữ tốt đẹp. Đấy là một bài học trực quan quá là sinh động để tôi minh họa cho ý tinh vi vừa rồi.

Hay như một câu chuyện khác. Một bạn tình nguyện viên của mình sau chuyến đi Nghệ An về có kể lại, khi bạn đi một số tỉnh từ Nghệ An trở ra, thấy một số gia đình không có con trai thì khi cha mẹ chết đi, bàn thờ họ được đặt ngoài vườn. Con gái họ, sau khi xuất giá, không dám mang bát hương bố mẹ mình về nhà chồng, cho nên đành lập một bàn thờ như cái chuồng chim câu ở vườn để thờ cúng.

Bình đẳng giới, tôn trọng phụ nữ, mình nghĩ bắt nguồn ngay từ những quan điểm thờ cúng, quan điểm phải có con trai nối dõi tông đường, thậm chí là nước mắt của người con thờ cúng bố mẹ ở ngoài chuồng chim kia.

- Những ví dụ như thế ăn sâu vào tiềm thức, vào văn hóa, vào tâm lý của người Việt. Giờ đây, chị sẽ định hướng như thế nào?

+ Thực ra, chúng ta sống theosự ảnh hưởng bởi lễ giáo trọng nam khinh nữ suốt hàng ngàn năm qua. Hiện nay, người ta suốt ngày nói về bình đẳng giới, nam nữ bình đẳng nhưng liệu có sự bình đẳng đó chưa, không ai dám khẳng định chính xác.

Ngày 8-3 là ngày Quốc tế phụ nữ đi chăng nữa thì cũng chỉ có ngày 8-3 được tổ chức long trọng mà thôi, và cũng không có nghĩa là phụ nữ Việt Nam đã hết khổ. Có khi nào bạn đặt quá nhiều vai trò trên vai của người phụ nữ và vẫn còn yêu cầu họ "3 đảm đang", hay là "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".

Phụ nữ có 8 chữ vàng. Và Trang Hạ không biết có 8 chữ vàng nào cho nam giới để họ đủ điều kiện, đủ yêu thương gia đình, yêu thương người phụ nữ hay không. Nhiều khi mình nghĩ, mình không phải chiến đấu với những người có khác hệ tư tưởng, mà đang chiến đấu với lối sống theo quán tính xã hội. Và quán tính ấy, nó mạnh vô cùng và không thể một sớm, một chiều mà thay đổi được.

- Xin cảm ơn chia sẻ của chị.

Đậu Dung (thực hiện)
.
.
.