Nhà tình báo và nhà thơ

Thứ Sáu, 05/02/2016, 08:00
Nhà tình báo, Giáo sư – Tiến sỹ, Thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc đi xa đã được mười năm (2006-2016). Đọc “Đơn tuyến” của nhà văn Phạm Quang Đẩu (tác phẩm được trao giải A Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” 2012-2015 do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức), tôi bỗng muốn viết đôi dòng về mối duyên tơ giữa nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc với các nhà thơ.


Anh dũng, mưu trí, thông minh, sẵn sàng hi sinh vì sự nghiệp chung, lý tưởng sống cao cả, tâm hồn phong phú… là những phẩm chất ngời sáng của nhà tình báo chiến lược Nguyễn Đình Ngọc. Riêng tôi còn tìm thấy ở ông phẩm tính của người nghệ sỹ. Ông là người yêu mến thơ ca. Nhiều lúc tôi cứ vân vi nghĩ rằng, nếu như ông cầm bút làm thơ, biết đâu chúng ta có thêm một nhà thơ đúng nghĩa của từ này! Nhưng rốt cuộc thì thêm một người yêu thơ, như ông, có khi lại là điều tốt lành cho Nàng Thơ vốn rất kiêu hãnh. 

Ở ông có một nét gì đó thuộc về tâm thế sống gần gũi với nhà thơ: khi càng chui sâu, leo cao vào hang ổ địch để hoạt động, thì tôi đồ rằng, ông càng cô đơn. Nhưng cô đơn không hề đánh gục được ông, trái lại nó như một liều kích thích sống, hành động. Cô đơn có thể cho con người sức mạnh vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo. Bởi chưng, nói như một nhà văn lớn, cô đơn cũng là một mặt của tình yêu. Cô đơn là sức mạnh của nhà thơ.

Bìa tiểu thuyết “Đơn tuyến” của nhà văn Phạm Quang Đẩu. - Chân dung nhà thơ Xuân Diệu và Bùi Giáng.

Thoạt tiên, tôi nghĩ nhà tình báo tương lai rất yêu “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Không có gì lạ vì “Truyện Kiều” là “sách gối đầu giường” của bất kì người Việt Nam nào mấy trăm năm nay. Vào độ tráng niên mười tám đôi mươi, khi bắt đầu biết yêu đương, Nguyễn Đình Ngọc được bà Đặng Thị Tâm, bạn của mẹ “mai mối” cho một đối tượng tên là Trịnh Thị Nguyệt Tỉnh – một hoa khôi của Trường nữ sinh Đồng Khánh (ở phố Hàng Bài, Hà Nội). 

Họ gặp nhau và: “Mối quan hệ buổi đầu của chúng tôi đúng như câu Kiều: “Tình trong như đã mặt ngoài còn e” (“Đơn tuyến”, tr.25). Ai đã đọc “Truyện Kiều” sẽ rõ cái bối cảnh nên hương, nên hoa này được đại thi hào Nguyễn Du miêu tả qua cuộc gặp gỡ tiền định của Thúy Kiều – Kim Trọng trong hai câu thơ số 163 và 164: “Người quốc sắc, kẻ thiên tài/Tình trong như đã mặt ngoài còn e”.

Và riêng tôi đồ rằng, khi Nguyễn Đình Ngọc và Trịnh Thị Nguyệt Tỉnh chia tay sau buổi đầu lưu luyến, họ cũng có cái tâm trạng của đôi uyên ương Kim – Kiều: “Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo”. 

Trong lần đi chơi với nhau đầu tiên, bạn gái của Nguyễn Đình Ngọc đã đọc bài thơ “Mùa thi” (viết năm 1934) của thi sỹ Xuân Diệu – người được mệnh danh là “Ông hoàng của thơ tình yêu”. Bài thơ có vẻ hợp cảnh hợp tình, được lưu lại trong trí nhớ của Nguyễn Đình Ngọc mấy chục năm sau: “Thơ ta hơ hớ chưa chồng/Ta yêu, muốn cưới, mà không thì giờ/Mùa thi sắp tới! – Em thơ/Cái hôn âu yếm xin chờ năm sau”. 

Độc giả tinh tường sẽ biết rằng, sở dĩ người đẹp Trịnh Thị Nguyệt Tỉnh đọc lại bài thơ đó, dù nói là được ghi trong nhật ký của người cậu ruột Đặng Văn Việt, là vì chàng trai Nguyễn Đình Ngọc đã chủ động hôn nàng: “Thế là tôi xoay hẳn người nàng đối diện và thơm tiếp lên gò má bên kia, áp môi rõ lâu” (tr.27). Tôi nghĩ, tình yêu vốn đã giàu chất thơ, lại được thơ nâng cánh, ắt sẽ bay lên cao.

Năm 1954, được lệnh của tổ chức, nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc chuẩn bị vào Nam hoạt động. Cái ngày ông ra sân bay Gia Lâm để tìm hiểu thủ tục cho chuyến bay xa mà mãi hơn hai mươi năm sau mới trở về, ông bỗng nghe hai em bé, một trai, một gái đang giải thích cho mọi người không nghe theo luận điệu tuyên truyền của địch di cư vào Nam: “Rồi một em gái tốt giọng ngâm phụ họa bài thơ “Đừng theo giặc vào Nam”: “Nghe ai lầm phải lời điêu/Mà đành cuốn gói bước liều ra đi/Ra đi là bước lưu ly/Đường vào Nam Bộ sầu bi não nùng/Ra đi là bước long đong/Bỏ nhà nằm bãi ngủ đồng quạnh hiu” (tr.43-44). 

Bài thơ mà em gái đọc ở sân bay Gia Lâm không rõ tác giả, nhưng có một điều rất rõ là nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc đã ghi nhớ trong ký ức của mình, nó khắc dấu một thời điểm mở đầu đáng nhớ của mấy chục năm bôn ba gió sương nơi đất khách quê người vì nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng của Cách mạng giao phó.

Trong cuộc đời làm tình báo của mình, Nguyễn Đình Ngọc đã có diện tiếp xúc rộng với đủ các giai tầng xã hội, từ các quan chức chóp bu của đối phương, đến những hạng người cùng đinh nghèo khổ trong xã hội, từ những người ít chữ đến tầng lớp trí thức văn nghệ sỹ,… Nhưng tôi đặc biệt quan tâm đến cuộc gặp gỡ giữa nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc và thi sỹ Bùi Giáng (được kể lại khá tỉ mỉ trong “Đơn tuyến”, tr.141-147). 

Bùi Giáng (1926-1988) là một hiện tượng thơ độc đáo trên thi đàn Sài Gòn từ đầu những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi. Làm thơ, viết văn, dịch thuật, khảo cứu triết học, viết phê bình văn chương với các bút danh khác nhau. Từ năm 1962 đã nổi tiếng với tập thơ “Mưa nguồn”. Ông đã sáng tác tất cả 15 tập thơ (chưa kể đến phê bình, dịch thuật, nghiên cứu triết học). Người ta vẫn nói đến tài hạ bút thành thơ, giỏi về lục bát của thi sỹ Bùi Giáng. Ông còn là một điển hình của một “mẫu ngông thời đại”, một kiểu say sưa chán đời của thế kỷ hai mươi. Ông tự nhận mình là một kẻ “điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang”. 

Nhiều giai thoại cũng như nhiều ánh hào quang bủa vây thi sỹ đặc biệt này. Chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc gặp gỡ thú vị giữa một nhà tình báo và một thi sỹ. Ngay phút đầu, Nguyễn Đình Ngọc tưởng là một người khất thực khi thấy một người ăn mặc lôi thôi, bẩn thỉu ngủ ngay trước cửa nhà mình. Nhưng khi ngắm kĩ thì thấy: “Ồ, không phải gã hôm trước. Mặt vuông vấc (…), trạc ngoài bốn mươi tuổi, đeo một cặp kính cận gọng đen tròn xoe, mái tóc dài muối tiêu lòa xòa trên má, trên mặt, râu ria tua tủa đầy cằm. Một khuôn mặt biểu cảm đã từng gặp ở đâu đây”. 

Theo trí nhớ tuyệt vời của nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc thì ông đã gặp con người này trước cửa chợ Bến Thành cách đấy không lâu. Lúc đó: “Người ấy đang tọa thiền. Không hiểu sao mấy bà trong chợ  đi qua thấy người ấy thì thành kính sụp xuống vái: Con lạy Phật tổ giáng trần! Khi tôi vừa quay đi thì có ai đó nói thoảng qua tai: Đích thị thi sỹ khùng Bùi Giáng”. Vài ba lần ngẫu nhiên như thế, nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc kết nối được thông tin về Bùi Giáng - đó là tác giả của “Mưa nguồn”, tập thơ đặc sắc xôn xao dư luận Sài Gòn một dạo, một người có cái khả năng “nhập đồng giáng bút”. 

Rồi nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc tìm mua được tập thơ “Mưa nguồn” của thi sỹ Bùi Giáng. Tự nhận mình không phải là người “sành” thơ, nhưng ít nhiều “cảm” được thơ hay, thơ dở. Nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc chia sẻ: “Quả có nhiều bài, nhiều câu thơ của Bùi Giáng khác lạ, kỳ ảo, bí hiểm như chính cái cách hành xử ngoài đời của ông. Tôi thích những câu nửa đời nửa đạo như: “Ghì môi cơn mộng la đà/Tiêu dao suối cõi mù sa bên rừng/Nửa vời trăng rộng mông lung/Đường xa nghi hoặc tháp tùng ni cô”. Hoặc: “Buồn vui ai biết đâu ngờ/Nằm trong tử diệt nhớ giờ tái sinh”. 

Ở lần gặp trực diện tại nhà mình như vừa kể trên, nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc “mục sở thị” tài hạ bút thành thơ của thi sỹ Bùi Giáng: “Giáo sư lập dị đây à?/Phật cho hạnh ngộ để ta gặp mình”. Câu thơ thay một lời chào hỏi làm quen. Thế rồi như những kẻ tri âm, tri kỷ, câu chuyện giữa nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc và thi sỹ Bùi Giáng tưởng chừng như là “vô tiền khoáng hậu”. 

Trong buổi diện kiến đó, thi sỹ Bùi Giáng đã tặng nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc một cuốn sách khảo luận triết học vì: “Tui nghĩ triết học với toán của ngài hơn thơ”. Thi sỹ Bùi Giáng còn trịnh trọng viết lời đề tặng (với những dòng chữ như rồng bay phượng múa) bằng thơ: “Lập di lập dị lập gì/Lập gì thì cũng là vì anh em/Con đường ngã ba thân quen/Nguyễn – Bùi cùng ngả chân chen Thiên Đàng/Bùi Giáng Giù”. Thật là một chi tiết rất đời thường nhưng hàm chứa ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. 

Sau đó, nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc đã viết những lời nhận xét tinh tế về người bạn văn chợt quen: “Bùi thi sỹ hướng tới cái tự nhiên nhi nhiên, tự do tuyệt đối trong thi ca, trong tư tưởng. Và cuộc đời ông như câu thơ Lý Bạch ông đã dẫn ra khi trò chuyện cùng tôi hôm ấy: “Xử thế nhược đại mộng/Hồ vi lao kỳ sinh” (Sống ở đời như giấc mộng lớn/Làm chi cho vất vả thân mình”). Người chiến sỹ tình báo Nguyễn Đình Ngọc trong cuộc đời chiến đấu và cống hiến của mình có bao nhiêu việc cần đã làm, có bao nhiêu người cần đã gặp, nhưng với thi sỹ Bùi Giáng thì: “Trong bộ nhớ bộn bề của tôi vẫn có một góc nhỏ dành cho ông”.

Bùi Việt Thắng
.
.
.