Nguyễn Tiến Minh - “Lão tướng” đơn độc
Đại dịch Covid-19 khiến anh có thể đánh mất cái kết viên mãn trong sự nghiệp của mình với lần thứ tư tham dự Olympic. Thêm một năm chờ đợi là thêm những ngày lắng lo và nhiều ưu tư. Cuộc đời thể thao rất nghiệt ngã, đặc biệt với một “lão tướng” đã 37 tuổi như Tiến Minh.
Sự cố gắng phi thường của một chiến binh
Sau Olympic 2016, Tiến Minh đã lên kế hoạch giải nghệ để chuyển sang làm HLV hay kinh doanh. Nhưng đam mê đã ăn vào máu, mới đó đã 4 năm trôi qua, Tiến Minh vẫn vậy, vẫn là một tay vợt chuyên nghiệp ngày ngày đổ mồ hôi trên sân tập.
Tiến Minh giành hạng 3 châu Á vào năm 2019 khi 36 tuổi. |
Chấn thương nặng hơn dự kiến buộc Tiến Minh nói lời chia tay SEA Games 30 tại Philippines. Trước đó, tay vợt số 1 Việt Nam đã bất ngờ bị rách cơ đùi trong lúc tập luyện. Sở hữu nhiều danh hiệu quốc tế, từng vươn lên hạng 4 thế giới và nhiều lần góp mặt trong Top 10 nhưng điều tiếc nuối lớn nhất với Tiến Minh vẫn là tấm HCV SEA Games.
Mất đi động lực lớn, lại còn dính chấn thương, người bình thường sẽ nản nhưng Tiến Minh thì vẫn "cứng đầu" đặt ra thêm một cái đích khác cần chinh phục trước khi chính thức giải nghệ: Olympic 2020. Hiện là VĐV thể thao Việt Nam duy nhất góp mặt ở 3 kỳ Olympic liên tiếp 2008, 2012, 2016, Tiến Minh hướng đến cột mốc lịch sử với lần thứ 4 góp mặt ở Thế vận hội.
Với kinh nghiệm dày dặn, Tiến Minh đã xây dựng hẳn một chiến lược săn vé Olympic cho bản thân và vợ - tuyển thủ Vũ Thị Trang. Đó là việc chọn những giải thuộc cấp độ International Challenge hoặc Series để tích lũy điểm.
Những giải này tập hợp hầu hết đấu thủ đều đứng ngoài top 50 thế giới, tổ chức chủ yếu ở các nước xa trung tâm cầu lông, vừa sức để Minh và Trang có thể đua tranh các thứ hạng cao. Lần đầu tiên trong nghiệp đấu, Trang và nhất là một tay vợt từng lọt vào Top 5 thế giới như Minh, chấp nhận mất nhiều tiền hơn, di chuyển xa, vất vả hơn về mọi mặt, để có các tour đấu ở châu Phi.
Theo cách này, đôi vợ chồng Minh - Trang thành công mỹ mãn với các giải đấu tại châu Phi thời gian vừa qua. Minh có một chức vô địch đơn nam trên đất Nigeria, một tấm HCĐ ở Ghana, nơi Trang đăng quang đơn nữ. Đôi vợ chồng gặt được điểm thưởng đáng kể (cao nhất 4.000 điểm cho ngôi vô địch) để có một vị trí cao trên bảng xếp hạng thế giới, có cơ hội được dự Olympic. Nếu giữ nguyên thứ hạng như hiện tại, Tiến Minh chắc chắn đại diện cho Việt Nam ở nội dung đơn nam cầu lông tại Olympic.
Nhưng người tính không bằng trời tính, đại dịch Covid-19 ập đến khiến nhiều sự kiện thể thao bị hoãn hoặc hủy bỏ. Nước chủ nhà Nhật Bản dù rất cố gắng vẫn không thể tiến hành Olympic theo đúng lịch trình và buộc phải dời sang năm sau. Với một VĐV, việc tính điểm rơi phong độ đã rất khó, còn với một "lão tướng" 37 tuổi như Tiến Minh, ai mà biết một năm sau sẽ như thế nào?
Nỗi cô đơn không ai hiểu
Không chỉ ở Việt Nam, Tiến Minh là một trường hợp độc và lạ của cầu lông thế giới. Khởi đầu chỉ là một vận động viên phong trào, từ một tay vợt thiếu hụt bài bản, thể hình thể lực hạn chế, nhưng với niềm đam mê, ý chí cực cao, tinh thần vượt khó phi thường trong suốt một thời gian dài, Tiến Minh đã tạo nên bước đột phá thần kỳ để gia nhập nhóm tay vợt hàng đầu thế giới. Thế nhưng, khi đã vươn lên tầm thế giới, Tiến Minh phải đối diện với nghịch lý, không HLV trong nước nào đủ tầm để chỉ đạo chuyên môn cho anh và vấn đề kinh phí.
Tiến Minh phải chấp nhận cảnh tập chay không giáo án chuyên biệt. Để giữ vị trí trên bảng tổng sắp thế giới, mỗi năm Tiến Minh phải xuất ngoại, đánh trung bình khoảng 15 giải lớn nhỏ. Và anh hầu hết phải đi một mình, vì kinh phí từ ngân sách Nhà nước chỉ đủ để hỗ trợ cho một suất của Tiến Minh.
Nhưng điều nhỏ nhoi đó thậm chí còn không còn. Từ tháng 2/2019, anh đã không còn nằm trong danh sách được hưởng các chế độ mà một thành viên đội tuyển Cầu lông Việt Nam được nhận. "Ban đầu khi biết tên tôi không có trong danh sách, mọi người nói rằng có lẽ vì tôi đã già nên lãnh đạo ngành không muốn đầu tư nữa mà để dành cho các VĐV trẻ, tôi chấp nhận”, - Tiến Minh bày tỏ.
Tiến Minh không còn được đầu tư nhiều như đàn em Phạm Cao Cường. |
“Tuy nhiên, đến bản danh sách bổ sung lần 2, tôi thắc mắc vì thấy vợ tôi là Vũ Thị Trang cũng không được hưởng chế độ nào cả cho dù cô ấy cũng là số 2 cầu lông nữ Việt Nam hiện nay. Điều đó thật khó hiểu".
Kể từ ngày có quyết định không được hưởng bất kì chế độ lương thưởng nào ở đội tuyển Việt Nam, Tiến Minh vẫn cân nhắc tham gia một số giải đấu. "Giải nào BTC họ đài thọ chi phí, hoặc giải thưởng thắng trận cao, mình lại chỉ tốn tiền vé máy bay thì vợ chồng tôi vẫn cân nhắc tham dự" - Tiến Minh cho biết.
Ở giải Vô địch châu Á vào năm ngoái ở Trung Quốc, Tiến Minh khi đó 36 tuổi gây sốc với việc giành HCĐ - thành tích tốt nhất mà một tay vợt Việt Nam giành được tại giải đấu cấp độ châu lục. Nhưng còn sốc hơn nữa khi biết Tiến Minh giành được danh hiệu đó khi cùng vợ phải bỏ tiến túi lên đến hơn 2.500 USD (gần 60 triệu đồng) để lo toàn bộ chi phí đi thi đấu. Trong khi đó, ba tay vợt khác của đội tuyển Việt Nam (gồm Đỗ Tuấn Đức, Phạm Như Thảo, Nguyễn Thùy Linh) tham dự giải đấu này đều có chế độ đầy đủ.
Với mức lương VĐV kiêm HLV của đội tuyển cầu lông TP Hồ Chí Minh chưa đến 9 triệu đồng/tháng, Tiến Minh cho biết bản thân cảm thấy rất chạnh lòng với sự việc trên và phải tự bỏ tiền túi tham dự các giải quốc tế sắp tới.
“Giành được hạng 3 châu Á vừa qua vui thì có vui thật, nhưng tôi vẫn cảm thấy trong đó sự chạnh lòng và buồn tủi. Chắc họ chê mình già nên cắt chế độ, để đầu tư cho các VĐV trẻ. Dù rằng thứ hạng của mình vẫn đang tốt nhất. Bản thân tôi vẫn khát khao, vẫn tập luyện chuyên nghiệp và thi đấu với quyết tâm cao nhất”.
Để giành vé tới Olympic, Tiến Minh đã phải hy sinh quá nhiều. Anh bỏ qua khoảng thời gian gian đoàn viên với gia đình trong Tết nguyên đán như bao năm qua, anh với vợ “nhịn” cả chuyện sinh con, giờ không màng tới cả lợi ích. Đổi lại, anh được cái gì? Nếu muốn, Tiến Minh có thể chờ tới Olympic năm sau nhưng chắc là anh phải chờ một mình thôi!
Sau Tiến Minh, Việt Nam có ai kế cận? Tiến Minh đang xếp thứ 50 trên BXH đơn nam thế giới. Đáng buồn cho cầu lông Việt Nam, tay vợt 37 tuổi là người duy nhất đại diện cho quốc gia trong Top 100. Người tiếp cận với trình độ của Tiến Minh là Phạm Cao Cường hiện đang đứng thứ 114 thế giới. Thứ hạng cao nhất của Cao Cường từng đạt là thứ 92 vào tháng 10/2019 nhưng theo thời gian, tay vợt quê Thái Bình không còn giữ được đà thăng tiến ổn định. Nên nhớ, Cao Cường có xuất phát điểm cao hơn nhiều so với Tiến Minh. Sở hữu thể hình lý tưởng cao tới 1,8m, lại là con nhà nòi khi có 2 anh Cao Hiếu và Cao Thắng, là 2 cựu vận động viên cầu lông của đội tuyển quốc gia. Cao Cường bộc lộ tài năng của mình khi còn rất trẻ, ở tuổi 16, anh lọt vào top 8 ở giải cầu lông Vô địch Quốc gia ở thể thức đơn nam. Gia đình và Sở Thể dục thể thao thành phố Hồ Chí Minh quyết định cho anh đi tập huấn ở Indonesia cùng HLV Asep Suharno - thầy cũ của Tiến Minh. Năm 2013, Cao Cường đứng thứ hai ở giải U19 Korea Junior Open. Ngoài ra, Cường còn tranh tài ở giải 2014 Summer Youth Olympics và ở Asian Games. Đến năm 2018, Cao Cường vô địch giải Challenge đầu tiên trong sự nghiệp khi vượt qua chính Tiến Minh ở trận chung kết giải cầu lông quốc tế Iran Fajr. Tất nhiên, đây cũng là lần đầu tiên Cao Cường hạ bệ được đàn anh Tiến Minh trong khuôn khổ một giải đấu quốc tế. Bắt đầu từ năm 2018, Phạm Cao Cường được một thương hiệu thể thao Nhật Bản tài trợ vợt, toàn bộ trang phục và dụng cụ thi đấu, hỗ trợ kinh phí tham dự các giải đấu quốc tế (6 giải/năm) và sẽ được "thưởng khủng" nếu đạt được thành tích cao tại các giải trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, vì thứ hạng tích lũy không đủ nên Cao Cường không thể giành vé tới Olympic 2020 nhưng biết đâu với việc trì hoãn sang năm sau, tay vợt 23 tuổi vẫn còn cơ hội tạo nên cú lội ngược dòng. |