Nghệ sĩ viết hồi ký: Không phải chuyện gì cũng kể lại được
Chứa hết tình thương vào cuốn sách
Câu nói này là của nghệ sĩ Thành Lộc. Trong cuốn sách của mình, anh bày tỏ, anh đã cố gắng chứa hết tình thương của khán giả dành cho mình, cũng như tình thương của mình dành cho khán giả, nhưng đó dường như là một nhiệm vụ "bất khả thi". Anh cũng ví cuốn hồi ký giống như một bài "ca thương vô tận". Đọc hồi ký "Tâm thành và lộc đời" của Thành Lộc, khán giả như có cơ hội được xem một cuốn phim quay chậm về cuộc đời của người nghệ sĩ tài danh, từ lúc còn nhỏ đến khi trưởng thành, đặc biệt là những vui buồn, cô đơn, đau khổ mà anh đã trải qua để trở thành một tên tuổi đặc biệt trong làng kịch nghệ.
Một chú bé sinh ra trong gia đình khó nuôi con trai, toàn con gái. Để qua mắt "thần linh", Thành Lộc đã được gia đình cho "giả gái" từ nhỏ, từ việc đổi tên đến việc ăn mặc quần áo như con gái. Các chị gái trong nhà mặc áo đầm, buộc tóc, trang điểm cho bé Lộc giống như một cô "Út xinh" để mà cưng nựng.
Phải đến tận năm học lớp 7, ba má Thành Lộc thấy con đã "sống được" thì mới cho cắt tóc ngắn, mặc đồ con trai như bình thường, lấy tên thật của mình để gọi. Tố chất nghệ sĩ đã hình thành trong Thành Lộc từ những năm tháng tuổi thơ. Trong một gia đình nòi làm nghệ thuật, Thành Lộc có may mắn là được hít thở bầu khí quyển này từ trứng nước, và hơn thế, là đứa trẻ được "tổ nghiệp chọn" để làm nghề.
Nghệ sĩ Thành Lộc trong lễ ra mắt hồi ký “Tâm thành và lộc đời”. |
Tình yêu dành cho nghệ thuật của Thành Lộc được thể hiện trong cuốn hồi ký bằng những câu chuyện làm nghề cực kỳ cảm động. Ở tuổi ngoài 50, anh đã hóa thân trên 600 vai diễn cả sân khấu và điện ảnh. Đó là một con số khổng lồ cho thấy Thành Lộc đã "ăn nghệ thuật, ngủ nghệ thuật" đến mức nào. Dường như mối bận tâm lớn nhất của người nghệ sĩ đến giờ này vẫn sống độc thân chính là nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu. Thành Lộc tự nhận mình là một người điên, "một loại điên có lý trí và kiểm soát được".
"Tên điên nầy làm một nghề gọi là nghệ thuật, một nghề không thể sản xuất hàng loạt như bánh trung thu, có thể một thời gian ngủ đông đến độ bị nghi là tiêu rồi, có thời kỳ chui vào cuộc đời một người khác, với kiểu diễn mà nhiều người nghi là diễn xong sẽ chết. Mỗi người có một số phận riêng của mình, khi vơ hết vào mình, diễn xong rồi, hồn xác trả lại nhau, làm sao sống, rồi làm sao làm sạch mình để rồi chui vào một đời khác nữa...".
Hơn 600 cuộc đời Thành Lộc đã trải, là hơn 600 cuộc yêu thương con người, yêu thương cuộc đời anh dâng tặng cho khán giả, những người đã vì anh mà đắm đuối nghệ thuật hay vì đắm đuối nghệ thuật mà đến với anh. Cuốn hồi ký chan chứa tình cảm của Thành Lộc, cảm ơn tổ nghiệp, cha mẹ, cuộc đời và khán giả đã cho anh niềm nhiệt huyết vô tận để làm nghệ thuật. Đặc biệt, ở phần cuối cuốn sách, Thành Lộc dành một chương để lưu lại những bức thư, những chia sẻ của khán giả, những người yêu mến tài năng của anh. Những lời tâm cảm của khán giả ấy, Thành Lộc muốn giữ mãi bên mình, giống như ngọn lửa để nuôi dưỡng tâm hồn anh.
Cuốn hồi ký gây ấn tượng không kém là "Đằng sau những nụ cười" của danh ca Khánh Ly. Trong cuốn sách dày gần 350 trang, người đàn bà Khánh Ly kể lại đời mình, với nhiều "tỉ mẩn". Những đoạn trường khó khăn, thăng trầm của người ca sĩ đã được kể lại, với một giọng văn thủ thỉ, nhiều lúc dàn trải, hơi sa đà, giống như người đàn bà đảm đang đi chợ, món gì cũng muốn mua.
Nhưng trên hết, bạn đọc cảm nhận một Khánh Ly của âm nhạc, với lòng quyết tâm giữ cho bằng được ngọn lửa tình yêu nghệ thuật trong tim mình. Một sự biết ơn với cuộc đời, cảm ơn số phận đã cho bà có thiên duyên gặp gỡ với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, và chính âm nhạc của ông đã cho bà một số phận, một tên tuổi khó phai mờ trong công chúng.
Khánh Ly trong buổi ra mắt hồi ký “Đằng sau những nụ cười đó” do Phương Nam book phát hành. |
Nếu Thành Lộc viết hồi ký là kể lại những chuyện riêng rất cá nhân của anh thì Khánh Ly dường như đã tự nhận lấy vai trò thay mặt những người đàn bà làm nghệ thuật kể lại những vinh quang, cay đắng, những "cái giá" mà người nữ nghệ sĩ thường phải trả khi trót dấn thân vào con đường nghệ thuật.
Một đoạn hồi ký đầy day dứt, Khánh Ly viết: "Do đâu và bằng cái gì mà cho đến giờ này vẫn còn có những người khinh thường ca sĩ. Họ quá lãng mạn ư? Họ nhiều chồng quá chăng? Họ sống cũ kỹ ngoài những câu thúc cả ngàn năm. Họ giang hồ, lang bạt, bất chấp lề lối xã hội? Tất cả đều đúng và đều sai.
Đời một người ca sĩ, ông trời sinh ngộ lắm. Nhìn vậy mà không phải vậy. Nghe vậy mà không phải vậy. Cũng cùng một khối óc đó, trái tim đó không giống như một ai. Nếu nói rằng nó không bình thường cũng được. Chúng tôi sống với mộng nhiều hơn thực. Mơ tưởng những điều đẹp đẽ. Thần tượng hóa tình yêu và người yêu. Chúng tôi yêu là cho. Cho hết. Không giữ lại. Không nghi ngờ. Không tính toán. Chỉ biết sống chết cho người mình yêu...
Nhưng khổ nỗi, người tình trong mộng, trên sách vở. Chúng tôi tìm ở đâu? Chúng tôi phải đi đâu để tìm cho đúng mẫu người mình mơ ước. Chân trời góc bể, chúng tôi biết tìm đâu. Thật ra chẳng phải chỉ có ca sĩ mới biết mộng mơ, lãng mạn. Mà hình như trong trái tim của tất cả những người đàn bà, đều gặp nhau ở điểm đó".
Đối với Khánh Ly hay Thành Lộc, viết hồi ký không phải là viết cho mình, mà là "cho mọi người", "để mọi người có thể đọc được điều gì đó". Cao hơn tất cả, chính là để người đời hiểu thêm về cuộc đời nghệ sĩ, thân phận nghệ sĩ.
Không phải chuyện gì cũng kể lại được
Nghệ sĩ Thành Lộc chia sẻ rất thẳng thắn, vì hồi ký là viết cho mọi người, và mong ước lớn lao nhất là nó phải chứa đựng nhiều nhất có thể những yêu thương, nên không phải chuyện gì cũng có thể nói hết được. Anh muốn rằng, "tôi phải còn lại chút gì cho tôi, khi trở về ngôi nhà của mình chứ", nên dù người đọc có tò mò đến đâu, có những chuyện riêng, người nghệ sĩ vẫn giữ lại làm tài sản bất khả xâm phạm của mình. Thành Lộc có cả một chương "Yêu" trong cuốn hồi ký, và độc giả háo hức muốn nhìn ngắm những câu chuyện tình yêu của một người rất "kín tiếng", nhưng cũng vấp phải quá nhiều tin đồn trong chuyện yêu đương, nhất là chuyện giới tính.
Ở tuổi ngoài 50, cuộc sống độc thân của Thành Lộc cũng là một câu hỏi lớn với người hâm mộ. Nhưng dường như những chuyện yêu Thành Lộc kể trong hồi ký vẫn chưa thỏa đáng, chưa giải tỏa cơn tò mò của độc giả. Thành Lộc chia sẻ, anh hiểu những thất vọng của khán giả. Nhưng có những điều vĩnh viễn là bí mật trong tâm hồn anh, anh xin phép được giữ lại.
Trong hồi ký Khánh Ly, dù nhiều lúc bà viết theo lối vô thức lan man, không trình tự lớp lang, nhưng thực ra bà tiết chế bản thân rất khéo. Nhiều khán giả mong đợi rằng, chuyện tình cảm giữa bà và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ được khắc họa đậm sâu hơn, nhưng cách kể của bà rất tinh tế, ý nhị. Có một thông điệp Khánh Ly muốn gửi gắm đến khán giả, là vùng đất nào giống như thiên đường của tâm hồn, thậm chí là nỗi đau trong sâu thẳm tâm hồn, bà xin được cất giữ thiêng liêng. Ai hiểu được thì hiểu, bằng không, nó sẽ chỉ rọi ánh sáng vào duy nhất trái tim bà.
Có thể thấy rằng, mỗi nghệ sĩ một quan điểm khác nhau khi viết hồi ký. Đọc hồi ký của mỗi nghệ sĩ có thể hiểu phần nào tư duy của họ, thậm chí là đẳng cấp của họ. Người thì nhận thức rằng những câu chuyện về đời mình, những đóng góp của mình với nghệ thuật nói chung, nếu được viết lại, có thể giúp ích nào đó cho các thế hệ làm nghệ thuật mai sau. Rằng chúng tôi đã sống, đã lao động như thế đấy. Có người viết hồi ký chỉ để thỏa mãn những ẩn ức riêng, những bức xúc mình gặp phải trong đời sống. Có người viết hồi ký mục đích là để làm nóng tên tuổi của mình, thậm chí giật gân câu khách, khêu gợi trí tò mò của độc giả.
Trước Thành Lộc và Khánh Ly, nghệ sĩ Lê Vân với tự truyện "Yêu và Sống" đã tạo nên nhiều luồng dư luận trái chiều khác nhau. Phần đa ý kiến cho rằng cách chị kể về gia đình mình, về người cha của mình như vậy là không nên. Cuốn hồi ký đã hé mở nhiều câu chuyện không hay về một gia đình nghệ sĩ nổi tiếng, khiến cho NSND Trần Tiến, cha của Lê Vân phải chịu một cú sốc lớn.
Nghệ sĩ Thành Lộc trong lễ ra mắt hồi ký “Tâm thành và lộc đời”. |
Sau đó một loạt nghệ sĩ trẻ cũng đua nhau viết hồi ký, tự truyện. Diễn viên Tina Tình kể về những trò chơi xấu hiểm ác trong giới showbiz mà cô là nạn nhân. Trần Lập kể lại những gian nan lựa chọn nghề buổi ban đầu, những trò ngốc dại thời tuổi trẻ mà anh đã trải qua để trở thành một ca sĩ hát rock nổi tiếng trong làng nhạc Việt. Nghệ sĩ Long Nhật bị chỉ trích rất nhiều khi phát hành tự truyện trên mạng.
Những câu chuyện liên quan đến giới tính vốn đã bủa vây Long Nhật hàng ngày, lại được anh khai thác kỹ lưỡng trong tự truyện. Chẳng hạn việc anh đi khám bệnh bị bác sĩ nam "sàm sỡ", hay chuyện vợ anh sống chung với người chồng bị đồn thổi nhiều chiều chuyện giới tính ra sao. Tự truyện của Long Nhật, ngoài yếu tố câu khách, đánh vào tò mò của đám đông, không để lại ấn tượng gì nhiều. Một số khán giả đã chỉ trích tác giả tự truyện là "rẻ tiền".
Cùng với Long Nhật, ca sĩ Thanh Thảo cũng từng bị "ném đá" không nương tay khi phát hành tự truyện, trong đó cô dành đất đai phần lớn kể lại tình yêu sâu nặng của mình với người mẫu, diễn viên Bình Minh. Điều đáng nói là nam người mẫu lúc này đã có gia đình đầm ấm. Độc giả cho rằng Thanh Thảo viết tự truyện như vậy là nhằm mục đích phá vỡ hạnh phúc gia đình của Bình Minh.
Không ai cấm nghệ sĩ viết hồi ký. Nhưng những hồi ký hay, được xem như một cuốn sách quý, một tác phẩm có giá trị phải được viết từ những nghệ sĩ lớn, có số phận, có đóng góp đặc biệt trong nghệ thuật, và phải được chắp bút bởi những người giỏi cả trong tư duy lẫn chữ nghĩa. Một cuộc đời được kể lại, không có nghĩa là chuyện gì cũng kể, mà phải là những chuyện đích đáng để kể. Độc giả vốn công bằng. Những cuốn sách thực sự hay mới được họ yêu thích.