Nghệ sĩ chụp ảnh Nude “Cuộc chơi” nhiều cam go

Thứ Ba, 07/08/2018, 09:15
Không có nghệ thuật nào chịu nhiều định kiến như nhiếp ảnh khỏa thân. Bản thân sự nhạy cảm của đề tài đã dẫn đến rất nhiều sự dè dặt trong tiếp nhận của người xem, của người làm công tác quản lý văn hóa, và cả sự dấn thân của người nghệ sĩ.

Lần đầu tiên một triển lãm ảnh khỏa thân được chính thức cấp phép ở tầm quốc gia. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm đã tổ chức một triển lãm ảnh khỏa thân tại địa chỉ quen thuộc của giới Mỹ thuật, Nhà triển lãm 29 Hàng Bài.  

Lựa chọn tác phẩm tiêu biểu của 10 tác giả là nhiếp ảnh gia gắn bó với đề tài ảnh nude, triển lãm được xem là mở một nút thắt cho ảnh nude lâu nay vẫn là lãnh địa nằm trong bóng tối nhiều hơn. Sự cởi mở này, gắn với lần triển lãm đầu tiên công khai đã thu hút một lượng lớn người xem. 

Theo thống kê của đơn vị tổ chức triển lãm, chỉ trong 4 ngày đầu diễn ra, triển lãm ảnh khỏa thân nghệ thuật đã có tới 6.000 lượt người xem, một con số kỷ lục so với các triển lãm ảnh trước đó. Để có được dấu mốc đáng nhớ này, những nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia trong lĩnh vực ảnh khỏa thân đã phải trải qua rất nhiều khó khăn trước đó. Họ phải sống với định kiến và chấp nhận nhiều thiệt thòi để đeo bám công việc mình trót đam mê.
Tác phẩm của nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định.

Định kiến

Không có nghệ thuật nào chịu nhiều định kiến như nhiếp ảnh khỏa thân. Bản thân sự nhạy cảm của đề tài đã dẫn đến rất nhiều sự dè dặt trong tiếp nhận của người xem, của người làm công tác quản lý văn hóa, và cả sự dấn thân của người nghệ sĩ. 

Từ trước năm 2017, chưa từng có một triển lãm nghệ thuật ảnh khỏa thân nào được cấp phép chính thức. Hai triển lãm cá nhân được địa phương cấp phép (cụ thể là Sở VH-TT&DL TP Hồ Chí Minh) trong năm 2017 cho hai nghệ sĩ tên tuổi là Thái Phiên và Hạo Nhiên chính là những tín hiệu mở đầu cho cuộc “cởi trói” cần thiết của ngành văn hóa đối với ảnh khỏa thân. 

Nhìn lại lịch sử ảnh khỏa thân từ trước đến nay, có thể nói, các nhiếp ảnh gia đã phải lao động sáng tạo âm thầm trong bóng tối của định kiến rất lâu. 

Một nghệ sĩ, là bạn của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Thanh - một người sinh thời theo đuổi ảnh nude và được giới nhiếp ảnh xem như người có tinh thần tiên phong, dấn thân với thể loại ảnh này kể lại: 

“Hồi đó anh Trọng Thanh mê chụp ảnh nude lắm. Đối với ảnh, chụp cơ thể người phụ nữ khỏa thân không phải là cái gì dung tục, mà là tôn vinh vẻ đẹp của con người. Tất nhiên cái đẹp này phụ thuộc vào tài năng, ý tưởng, kỹ thuật chụp của người cầm máy.

Tuy nhiên, xã hội lúc đó không chấp nhận cuộc chơi của Trọng Thanh. Nhà quản lý văn hóa và công chúng nói chung vẫn đầy định kiến. Người ta nghĩ chụp ảnh một người nữ không mặc áo quần là một cái gì kinh khủng lắm, gần với nghĩa xấu chứ chẳng có mấy nghĩa tích cực. Anh Thanh cũng không thể nói công khai với mọi người về niềm đam mê nghệ thuật đó của mình. 

Ảnh khỏa thân của anh được nguời trong giới đánh giá cao về bố cục, ảnh sáng, ý tưởng. Nhưng ảnh chẳng bao giờ dám mơ về một cuộc trưng bày tác phẩm của mình công khai. Chỉ có những nhóm nhỏ, là bạn bè hoặc đồng nghiệp thân thiết đến xem ảnh của anh khi anh cho phép”.

Những năm 80-90 thế kỷ 20, gần như không có ảnh khỏa thân chụp ngoài thiên nhiên. Chủ yếu là ảnh chụp mẫu trong không gian phòng kín, với sự sắp đặt ánh sáng, bố cục của người nghệ sĩ là chính. Điều này nói rằng, xã hội khi đó không cởi mở với nghệ thuật khỏa thân, khác hẳn với những bức ảnh hiện nay, khi các nhiếp ảnh gia được chụp người mẫu ngoài thiên nhiên khá thoải mái. 

Tuy nhiên, ngay cả khi xã hội nhìn về nghệ thuật khỏa thân thoải mái hơn thì cái nhìn của nhà quản lý văn hóa vẫn còn đầy khắt khe, dè dặt. Điều này cũng dễ hiểu, vì văn hóa Việt Nam, văn hóa Phương Đông hiện đại vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận sự trần trụi của cơ thể người phụ nữ trên ảnh, và ngay cả trong hội họa nữa. 

Với một loại hình nghệ thuật nhạy cảm, lằn ranh cực kỳ mong manh giữa dung tục và thánh thiện, sẽ dễ gây ra những tranh cãi, nhà quản lý không thể dễ dàng hay dễ dãi cấp phép cho các cuộc triển lãm công khai. 

Nghệ sĩ Thái Phiên kể, anh đã từng rất nản khi nhiều lần đi xin cấp phép cho triển lãm cá nhân mà không được chấp thuận. “Suốt 10 năm, tôi đã 3 lần đi xin giấy phép, 2 lần không được, 1 lần được nhưng sau đó lại bị thu hồi. Tự ái của người nghệ sĩ nhiều khi khiến tôi nghĩ mình không cần thiết phải triển lãm nữa”. 

Các nghệ sĩ khác như Hạo Nhiên, Dũng Art hay Dương Quốc Định cũng có chung tâm trạng. Trong quãng thời gian dằng dặc theo đuổi nhiếp ảnh khỏa thân đã qua, họ chỉ biết âm thầm với con đường mình chọn, sống với định kiến, chấp nhận những cuộc trưng bày nhỏ lẻ trong bạn bè, người quen hay công chúng đặc biệt đam mê. Họ chụp ảnh rồi để đấy, chờ một ngày được công khai những sáng tạo của mình.

Không bán được ảnh

Nhiếp ảnh vốn là cuộc chơi của những người giàu. Quả đúng như vậy, một tay máy nghèo sẽ khó khăn theo đuổi nhiếp ảnh nghệ thuật. Dẫu có tài năng đến đâu, ý tưởng lớn đến đâu, người nghệ sĩ vẫn cần sự hỗ trợ đặc biệt của phương tiện sáng tạo. Ở đây là máy ảnh. 

Máy ảnh càng đắt tiền càng dễ dàng hơn trong việc đáp ứng các đòi hỏi về ý tưởng nghệ thuật của người nghệ sĩ. Thời chụp ảnh bằng phim, nghệ sĩ rất tốn kém tiền mua phim. Rồi tiền thuê người mẫu, tiền đạo cụ, tiền rửa ảnh, tráng phim… đủ mọi thứ đánh vào hầu bao nghệ sĩ.


Một bức ảnh khỏa thân nghệ thuatạ của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á.

Một nhiếp ảnh gia khác với nhà văn ở chỗ, anh phải có tiền để mua các phương tiện làm nghệ thuật, chứ không chỉ cần mỗi cây bút với quyển sổ là xong. Họa sĩ cũng tốn kém tiền mua màu, mua toan nhưng nếu nổi tiếng, họ có thể bán tranh và thu bộn tiền. 

Nhưng nhiếp ảnh khỏa thân, trong một thời kỳ còn đầy rẫy định kiến, chưa được chấp nhận rộng rãi như vậy, người nghệ sĩ không thể bán ảnh cho ai cả. Những giao dịch công khai gần như không có. Thảng hoặc một vài giao dịch trong bóng tối, khi có một vài người mê ảnh nude muốn mua và nghệ sĩ muốn bán. Tuy nhiên, nó chẳng đáng là gì so với công sức mà người nghệ sĩ bỏ ra. 

Ở các nước phương Tây hoặc các nước có cái nhìn thoải mái với tranh ảnh khỏa thân, người nghệ sĩ có thể bán một bức ảnh nude nghệ thuật giá vài ngàn đến vài chục ngàn USD là chuyện bình thường. Ở Việt Nam, nghệ sĩ kiếm được tiền từ ảnh nude còn rất hiếm hoi. Phần lớn các họa sĩ, nhiếp ảnh gia sở hữu hàng trăm hoặc nhiều hơn thế những tác phẩm đề tài nude nhưng lại chưa từng bán tác phẩm nào. 

Ngay cả những nhà sưu tập tranh, ảnh nổi tiếng trong nước, họ có thể bỏ tiền mua các bộ tranh, ảnh với các đề tài khác, nhưng gần như chưa định bỏ tiền sưu tầm tranh, ảnh nude. 

Thói quen treo tranh hay ảnh nude trong không gian sống của người Việt cũng chưa có. Cho nên, dù rất thích các bức ảnh nude khi đến ngắm tại triển lãm, nhưng bỏ tiền mua tác phẩm về treo trong nhà thì người ta vẫn khá e dè. 

Nguyên do, việc treo tranh, ảnh khỏa thân trong nhà vẫn chưa được cho là “hợp mắt” lắm với người già và trẻ con. Nữ nghệ sĩ Himiko Nguyễn mặc dù sở hữu hàng trăm tác phẩm nude nghệ thuật được đánh giá cao nhưng đến khi bệnh tật vẫn phải sống trong nghèo khó. Bà muốn bán tác phẩm của mình, nhưng nhiều nhà sưu tập dù thích vẫn chưa xuống tiền. Là bởi trên thị trường nội địa, mọi thứ liên quan đến nghệ thuật nude chưa có những giao dịch mua bán chuyên nghiệp. Trong khi người đầu tư thì muốn phải có lãi, hay chí ít phải có giao dịch. 

Nghệ sĩ Dương Quốc Định tuyên bố, nếu có người kinh doanh ảnh nude thực sự, anh sẽ nhượng bản quyền để họ giúp anh bán tất cả tác phẩm anh đang có, lấy tiền phục vụ cho các dự án mới. Tiếc là không dễ để có những thương vụ mua bán tranh ảnh nude dễ dàng như các thể loại tranh ảnh nghệ thuật khác. 

Ngay cả triển lãm đầu tiên các tác phẩm ảnh khỏa thân vừa diễn ra tại Hà Nội, việc bán tác phẩm cũng không công khai như các triển lãm ảnh hay tranh khác. Ban tổ chức không khuyến khích việc đề giá bán trên mỗi tác phẩm, mà quan niệm rằng việc bán tác phẩm là việc của tác giả với người mua, và giao dịch đó là “trong bóng tối”. 

Đây cũng là một điểm để nói rằng, ảnh khỏa thân nghệ thuật vẫn còn những khó khăn nhất định để đạt tới sự bình đẳng với các loại hình nghệ thuật khác.

Thành Duy
.
.
.