Một cảm nhận về "Người đặc biệt" Jose Mourinho: “Xin chào Mr 50"!
Ngày 26/1 vừa rồi, khi "Người đặc biệt" Jose Mourinho kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 của mình thì nhiều người trong chúng ta có lẽ đã phải sực tỉnh: Ồ, hoá ra ông đã 50 tuổi rồi. Sực tỉnh như thế là bởi chúng ta đã bị ám ảnh quá nhiều bởi hình tượng một Mourinho trẻ tuổi - kiêu ngạo - và chiến thắng.
50 tuổi, Mourinho có những danh hiệu và những thương hiệu mà nhiều đồng nghiệp của ông nằm mơ cũng không chạm tới. 50 tuổi, Mourinho đi vào lịch sử bóng đá nhân loại với tư cách của một trong những HLV tiếng tăm nhất và gây tranh cãi nhất.
Nhưng 50 tuổi, ở một góc nhỏ nào đó trong phòng riêng của mình, khi đối diện với chính tâm hồn mình, có bao giờ Mourinho tự hỏi: Suốt quãng thời gian hành nghề đằng đẵng đã qua, chính mình đã mang nỗi bất hạnh của một kẻ phải diễn xuất, phải đóng kịch, phải… đeo mặt nạ quá nhiều hay không?
Chiến thắng sân cỏ và chiến thắng trái tim
Sẽ là thừa nếu liệt kê tường tận những danh hiệu cao quý mà Mourinho có được ở tuổi 50. Nhưng sẽ không thừa nếu nhắc lại rằng ở tuổi 50, ông thầy danh tiếng Alex Ferguson mới chỉ có được 1 Cúp QG và 1 siêu cúp QG với Manchester United; những ông thầy tên tuổi khác như Sacchi hay Ancelotti cũng chỉ có được 2 cúp châu Âu… Và rõ ràng cái bảng thành tích tuổi 50 ấy không thể sánh với tổng cộng 7 danh hiệu vô địch quốc nội, 6 cúp QG, 4 siêu cúp QG ở 4 nước khác nhau, 2 chức vô địch Champions League và 1 cúp UEFA mà Mourinho bây giờ đang có.
Trước Mourinho, người ta bắt gặp rất nhiều những HLV ưa nói, ưa hành động, như hai nhà cầm quân người Italia là Sacchi, Capello, hay cựu HLV trưởng ĐT Brazil Scolari chẳng hạn. Hình ảnh thường thấy ở những nhà cầm quân này là hình ảnh những ông thầy luôn đứng sát sạt đường piste để hét vào mặt các cầu thủ trong từng pha bóng. Tuy nhiên, ngoài những thời khắc như lên đồng trên sân thì ở ngoài đời họ đều là những mẫu đàn ông chỉn chu, điềm đạm. Với Mourinho thì khác, nhà cầm quân người Bồ Đào Nha hành động cả trên sân lẫn ngoài sân, và cái chủ nghĩa hành động của ông là một thứ… chủ nghĩa Mourinho không lẫn đi đâu được.
Khi còn dẫn dắt Porto, Mourinho từng chấp nhận ăn thẻ đỏ để lao vào sân, quật ngã một cầu thủ đối phương trong một tình huống ném biên có thể khiến đội bóng của mình thủng lưới. Khi sang dẫn dắt Chelsea, rồi Inter Milan, rồi Real Madrid, Mourinho có lúc ăn mừng bàn thắng bằng cách trượt người trên thảm cỏ hệt như một VĐV trượt băng, lại có lúc ăn mừng bằng cách quay về phía CĐV đối phương, chỉ hai tay lên trời như chọc tức… Còn ở ngoài sân thì từng hành động, từng câu nói khác người của Mourinho, chẳng hạn như lần ông đợi trọng tài ở bãi gửi xe để "dằn mặt", hay khi ông nói: "Guardiola sang dẫn dắt Bayern Munich vì tôi không hành nghề ở đó" đều khiến cả dư luận phải sôi lên.
Từng tích tắc của Mourinho, bất luận là tích tắc sân cỏ hay tích tắc đời thường đều có hình hài của một tác phẩm. Người ta có thể yêu hay không yêu tác phẩm ấy, nhưng không thể không thừa nhận rằng những kiểu tác phẩm thú vị, có sức hút như thế sẽ không hiện sinh ở những người không phải Mourinho. Và có lẽ đấy chính là nguyên nhân dẫn tới việc dù đã bước tới cái ngưỡng 49 - 50 nhưng Mourinho vẫn có một sức hấp dẫn kỳ lạ với phụ nữ - đến nỗi một cuộc thăm dò trên trang web Romanceseceto.com vào hồi tháng 9 năm ngoái đã cho ra kết quả có tới 40% số phụ nữ tham gia bầu chọn muốn được ngoại tình với ông. Nên nhớ là ngay cả Thái tử Tây Ban Nha Felipe - người nổi tiếng là hào hoa, danh giá cũng chỉ "gặt" được tỉ lệ 20% - nghĩa là chỉ bằng một nửa của "Người đặc biệt".
Mourinho: Lần quỳ gối rất… đời. |
Vừa chiến thắng áp đảo trên sân cỏ, vừa chiến thắng áp đảo trong trái tim phụ nữ, Mourinho đã xác lập một vị thế đặc biệt mà trước ông chưa một HLV nào xác lập được, và sau ông, khó có một HLV nào có thể lặp lại lần thứ hai.
Sản phẩm tự nhiên hay sản phẩm nhào nặn?
Ngay từ khi còn cầm quân ở Bồ Đào Nha, Mourinho đã được biết đến với những biểu hiện khác thường, nhưng rõ ràng là phải đến khi ông sang Anh dẫn dắt Chelsea thì sự khác thường mới lên tới đỉnh cao. Vấn đề là tại sao ở con người này lại xuất hiện một sự khác thường như thế?
Theo cha Jose Mourinho, ông Felix Mourinho (cũng là một HLV bóng đá) thì ông thường xuyên đưa cậu con trai yêu quý của mình tới SVĐ theo dõi các buổi tập, và khi đó cậu bé Mourinho cứ liên tục lao vào sân, bất chấp sự can ngăn của cha mình, khiến cho các buổi tập liên tục phải gián đoạn. Còn theo mẹ Jose Mourinho, bà Maria Julia thì năm 17 tuổi, Mourinho từng cãi nhau với một thầy giáo dạy toán, và sau đó không bao giờ có mặt trong những tiết học của thầy.
Tuy nhiên những "bằng chứng" mà cha mẹ Mourinho đưa ra chỉ cho thấy sự hiếu động của một cậu bé - giống như mọi cậu bé hiếu động khác, chứ chưa cho thấy một phẩm chất đặc biệt nào. Điều này tiếp tục được củng cố qua nhận xét của Giáo sư Neto - người dạy ở khoa giáo dục thể chất tại Đại học Lisbon - nơi Mourinho từng theo học: "Một Mourinho ở tuổi 20 chẳng có gì là đặc biệt cả. Ấn tượng lớn nhất của tôi về cậu ấy đó là một sinh viên cần cù, chăm chỉ, và chấm hết".
Tất nhiên, sự phát triển tính cách con người luôn tiềm ẩn trong nó những bùng nổ không dễ gì đoán định. Một Mourinho bình thường ở tuổi ấu thơ, tiếp tục bình thường ở tuổi 20 hoàn toàn có thể trở thành một Mourinho khác thường ở tuổi 30, 40. Nhưng có một tiết lộ vô tình (mà lại rất đáng suy nghĩ) của bà Maria Julia, đó là Mourinho sớm nhìn thấy sự thất bại trong nghiệp cầm quân của cha mình, và từ sự thất bại đó, Mourinho hiểu rằng một HLV bình bình, thiếu cá tính sẽ không thể chạm tới bất cứ đỉnh cao nào. Từ đây, người ta có quyền đặt ra câu hỏi: Một HLV Mourinho đặc biệt, khác thường sau này là một sản phẩm của một quá trình chủ động nhào nặn, chứ không phải một sản phẩm tự nhiên của tính cách?
Bên cạnh việc chủ động chọn lựa, cảm giác như chính hoàn cảnh làm việc cũng "đặt hàng" Mourinho phải chọn lựa như thế. Thời điểm tới Anh dẫn dắt Chelsea (thời điểm mà sự khác thường ở Mourinho phát lộ cao nhất) là thời điểm mà nhà cầm quân này từng có thành tích vô địch Champions League với Porto, nhưng rõ ràng là so với những HLV số má ở Anh như Ferguson hay Wenger thì Mourinho lúc đó vẫn chỉ là một cái đinh đứng bên cạnh những cái cột chống trời.
Kể cả CLB Chelsea cũng vậy, bất chấp sự xuất hiện của tỉ phú Abramovic, và bất chấp sự xuất hiện ồ ạt của nhiều ngôi sao thì so với những M.U hay Arsenal, Chelsea thời điểm đó vẫn bị liệt vào hàng… chiếu dưới. Một người quái chiêu như Mourinho hiểu rằng với tình cảnh ấy, nếu không tạo ra một cái gì đó thật sự khác thường, kiểu như cố tạo ra một con hổ và đẩy cả một tập thể phải trèo lên lưng con hổ thì có thể sự nghiệp của ông rồi cũng thất bại như những người tiền nhiệm ở Chelsea mà thôi.
Đấy là còn chưa nói, một nhà cầm quân chú trọng đặc biệt tới "Vấn đề tâm lý" như Mourinho hiểu rằng những "cuộc chiến tâm lý" bắt nguồn từ những câu châm chọc, bêu riếu đối phương do ông châm ngòi luôn có khả năng gây phân tán đối phương. Và chỉ cần đối phương bị phân tán thì ngay từ khi bóng chưa lăn, Mourinho đã thắng chắc vài phần.
Hiển nhiên, chỉ có Mourinho mới thực sự hiểu mình là ai và mình đã nghĩ, đã hành động vì cái gì. Nhưng có cơ sở để nghi ngờ rằng những hành động khác người của ông là sản phẩm của một sự nhào nặn cố tình, chứ không hẳn là sản phẩm tự nhiên.
Suy nghĩ từ một khoảnh khắc… đời
Bán kết lượt về Champions League mùa giải 2011 - 2012, khi Real Madrid của Mourinho và Bayern Munich lôi nhau tới chấm phạt đền, rất nhiều người kinh ngạc trước hình ảnh Mourinho quỳ xuống đường piste, nhắm nghiền mắt, rồi giơ tay lên trời cầu nguyện. Đấy là một khoảnh khắc đập tan hình ảnh một Mourinho tự phụ, kiêu căng thường thấy. Khoảnh khắc giết chết những gì gọi là đặc biệt nhất ở một cá nhân tự nhận mình là… người đặc biệt. Và người ta đặt ra câu hỏi: Khoảnh khắc ấy là phút lạc điệu hiếm hoi của một con người mà sự kiêu ngạo từ lâu đã trở thành bản ngã, hay đấy là khoảnh khắc con người này sống thật với tính cách mình - thật tới mức không diễn, không đeo mặt nạ?
Nếu điều thứ nhất đúng thì hoá ra bất cứ sự mạnh mẽ, kiêu căng nào cũng ẩn chứa trong nó một hàm lượng mềm yếu không thể nào che đậy. Nếu điều thứ hai đúng thì có lẽ ở một góc độ nào đó Mourinho cũng có nỗi bất hạnh riêng khi cứ phải đeo mặt nạ hết ngày này qua ngày khác, hết năm này qua năm khác để có thể trở thành một trong những người đàn ông vĩ đại nhất của thế giới bóng đá này.
Tất nhiên, nếu phải chấp nhận bất hạnh để được thành công như Mourinho (thậm chí chỉ là một phần li ti bé nhỏ của Mourinho), có lẽ phải tới hơn nửa nhân loại này sẵn sàng chấp nhận. Thành thử một sự bất hạnh trong thẳm sâu một trái tim kiêu hãnh (nếu nó có thật) cũng không thể ngăn người đời ngả mũ và nói với Mourinho một câu đơn giản: Xin kính chào "Mr 50!" - vậy thôi, và chấm hết!
"Tin tôi đi, đến năm 70 tuổi, tôi vẫn sẽ làm việc và giữ nguyên dòng máu nóng như bây giờ". "Điều hạnh phúc lớn nhất của tôi ở vợ tôi, đó là một năm, bà ấy thường chỉ tới sân xem bóng đá 1,2 lần". |