U.23 Việt Nam trước thềm vòng loại giải vô địch U.23 châu Á:

Mâu thuẫn là mâu thuẫn nào?

Thứ Hai, 23/03/2015, 09:30
HLV Toshiya Miura đã bị một bộ phận báo giới cật vấn khá nhiều quanh chủ điểm: có hay không chuyện Công Phượng bị cô lập, và những mâu thuẫn ngấm ngầm trong lòng đội tuyển? Câu trả lời của ông Miura là "không", và chúng tôi tin vào câu trả lời ấy, nhưng cần thiết phải mổ xẻ xem vì sao lại có những dư luận lạ lùng đến vậy.

Mọi chuyện bắt nguồn từ việc Công Phượng được đưa vào sân ở hiệp 2 trận giao hữu quốc tế đầu tiên giữa U.23 Việt Nam và U.23 Indonesia trên sân Mỹ Đình - cái hiệp mà Phượng không nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ cần thiết từ những người chơi quanh mình.

Cũng là cái hiệp mà có những tình huống Phượng cầm bóng, đi bóng rất cá nhân, thay vì chuyền cho đồng đội ở những vị trí thuận lợi hơn. Và những điều như thế tiếp tục lặp lại (nhưng ở cường độ nhẹ hơn) trong trận giao hữu sau đó với U.23 Uzbekistan trên sân Thống Nhất (hoà 0-0).

Nếu nhìn kỹ 140 phút có mặt trên sân của Công Phượng trong hai trận đấu này rồi nhìn lại cả quá trình hội quân của đội tuyển sẽ thấy sự không ăn ý giữa Phượng với các đồng đội xung quanh, và giữa những đồng đội xung quanh với nhau cũng là điều hết sức bình thường. Bởi thứ nhất, đây là lần đầu tiên phần lớn những cầu thủ này được ghép vào trong một tập thể để chơi những trận giao hữu quốc tế mang tính tập huấn cho vòng loại giải U.23 châu Á.

Và thứ hai, người ta đã bị ám ảnh quá nhiều bởi hình ảnh "chủ bài" của Công Phượng trong màu áo ĐT U.19 Việt Nam hồi năm ngoái, nhưng phải thấy U.23 và U.19 là hai cấp độ khác nhau, và trong màu áo U.23, Phượng cũng không được đá bên cạnh những đồng đội vốn cùng ăn, cùng tập với mình tới gần chục năm như khi ở U.19. Chắc chắn là cùng với thời gian, cả hai vấn đề này sẽ được khắc phục dần, và vào cuộc chơi chính thức thì Phượng và những đồng đội của Phượng sẽ thể hiện một bộ mặt tích cực hơn nhiều.

Người hâm mộ luôn muốn nhìn thấy một ĐT U.23 đoàn kết.

Câu hỏi đặt ra: một bộ phận dư luận không hiểu những vấn đề chuyên môn trên đây hay cố tình không hiểu để đẩy mọi thứ theo hướng "Công Phượng bị cô lập?", "đội tuyển có mâu thuẫn?" với mục đích "câu view"? Phải hỏi như vậy là bởi kể từ ngày trình làng đến nay, và nhanh chóng trở thành cái tên đáng chú ý trong đời sống bóng đá nước nhà thì mọi biến động từ nhỏ đến lớn của Công Phượng, trong đó có cả chuyện Phượng khoá môi một cô gái (cái chuyện mà theo chúng tôi là hết sức bình thường ở lứa tuổi của em) đều bị một bộ phận truyền thông khai thác quá đà.

Khi trả lời phỏng vấn báo giới, HLV trưởng ĐT U.23 Miura đã tỏ ra hết sức bất ngờ với những thông tin mà theo ông là "hoàn toàn không chính xác" về Công Phượng và nội bộ đội bóng. Ông thậm chí còn hỏi ngược lại: "Tôi không biết các nhà báo lấy thông tin từ đâu mà lại suy diễn như vậy?". Hãy tưởng tượng xem, trong thời gian sắp tới, U.23 Việt Nam sẽ có những va chạm khốc liệt hơn, và từ những va chạm như vậy người ta lại vội vàng đẩy vấn đề theo hướng người này bị cô lập, người kia bị chống đối rồi nội bộ đội bóng rối tinh rồi xoè thì ĐT của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực như thế nào?

Huấn luyện viên Miura: "Không có chuyện U.23 mâu thuẫn". Ảnh: H.M.

Chuyện ở ĐT U.23 hiện tại làm chúng tôi nhớ lại chuyện của ĐT Việt Nam thời Calisto ở Cup bóng đá thành phố Hồ Chí Minh năm 2008. Hồi ấy, sau khi ĐT trải qua 3 trận không thắng và thể hiện một hình ảnh thi đấu thiếu kết dính cũng đã có những nghi vấn về việc một bộ phận cầu thủ đang mâu thuẫn nặng với ông "Tô". Mọi thứ bị đẩy lên cao tới độ sau này ông "Tô" đã cho các cầu thủ bỏ phiếu kín với tuyên bố: "Nếu có quá nửa đội bóng muốn tôi ra đi thì tôi sẽ ra đi tức thời".

Nhưng kết quả bỏ phiếu cho thấy toàn đội vẫn đặt niềm tin tuyệt đối vào ông "Tô", và vài tháng sau, ông thầy người Bồ Đào Nha đã dẫn dắt ĐT thi đấu ấn tượng như thế nào tại AFF Suzuki Cup 2008 là điều ai cũng thấy. Cũng ở AFF Suzuki Cup ấy, sau khi ĐT vượt qua vòng bảng để vào bán kết, ông "Tô" thậm chí đã nói không với báo chí vì lý do: "Nhiều nhà báo phê phán ĐT thái quá, và viết về những vấn đề nội bộ ĐT không đúng sự thực".

Đã có lần người viết trao đổi với một quan chức cấp cao VFF thật kỹ câu chuyện này và cùng đặt ra câu hỏi: Nếu lúc đó không phải là một người mạnh mẽ như Calisto, mà là một ông thầy yếu đuối (điều đã từng xảy ra không dưới một lần trong lịch sử ĐTVN kể từ thời hội nhập) thì liệu mọi thứ có được giải quyết một cách triệt để, và ĐT có thể oanh liệt giật Cup vàng Đông Nam Á hay không? Rất may, HLV trưởng ĐT U.23 Việt Nam hiện nay, ông Toshiya Miura cũng được nhìn nhận là một người mạnh mẽ, giàu nội lực, và ông cũng tỏ ra rất bản lĩnh khi liên tục bảo vệ cầu thủ trước sự soi xét của truyền thông.

Hy vọng là sự mạnh mẽ, sắt thép của nhà cầm quân người Nhật sẽ được truyền vào các học trò một cách hiệu quả, để những cầu thủ U.23 chưa thực sự trưởng thành cả về tuổi nghề lẫn tuổi đời sẽ không bị tác động tiêu cực bởi những thông tin có phần suy diễn mà một bộ phận truyền thông nào đó tạo nên.

Cái giá của bình yên

Năm ngoái, HLV Toshiya Miura huấn luyện ĐT Olympic Việt Nam và ĐT Việt Nam trong bối cảnh cả làng bóng đều bị "hút" cả vào những trận đấu của ĐT U.19. Chính vì thế công việc của ông Miura diễn ra bình yên, thầm lặng, nhưng theo đánh giá của ông thì chính sự bình yên đó đã góp công không nhỏ vào thành tích ấn tượng của cả hai ĐT sau này.

Hiện tại, ĐT U.23 quốc gia hội quân trong bối cảnh V.League đang tạm ngừng còn ĐT U.19 QG đã không còn là điểm nóng, và vì thế mọi biến động nhỏ nhất của U.23 đều đã được quan tâm cặn kẽ. Có lẽ cũng vì lường trước điều này mà ông Miura đã lên một kế hoạch làm việc rất cụ thể, kín kẽ với báo giới, chẳng hạn như việc mỗi tuần chỉ trả lời phỏng vấn một lần, và mọi cầu thủ muốn trả lời báo giới đều phải nhận được sự đồng ý của ông.

Chúng tôi tin là bên cạnh việc bảo vệ cầu thủ bằng cách không để họ tiếp xúc quá nhiều với báo giới thì ông cũng dạy các cầu thủ cách giữ mình, đặc biệt là giữ sự tập trung chuyên môn của mình bất chấp việc một bộ phận truyền thông nào đó đang phủ lên mình những thông tin màu xám.

Trên từng trang báo

* Chuyện nhảm nhí từ suy đoán số 10 bị cô lập

"Trong trò chơi bóng đá, việc cầu thủ "xin bóng" và đồng đội không chuyền là chuyện hết sức bình thường. Nguy hiểm là vô hình trung những cách tưởng tượng như thế đã hướng dẫn dư luận hiểu sai và làm khó cho chính tiền đạo này, đồng thời cũng không sòng phẳng với những đồng đội của Phượng.

Chuyện nhảm nhí như thế cũng được đặt câu hỏi cho HLV Miura tại buổi họp báo trước trận giao hữu U-23 Việt Nam và U-23 Uzbekistan rằng liệu Công Phượng có bị đồng đội cô lập? Báo hại HLV Miura vừa cười lại vừa "méo mặt" một cách ngây ngô.

Công Phượng đã thể hiện được gì nhiều đâu trong đội tuyển U-23 mà các đồng đội ganh ghét hoặc phải cô lập khi mà đội U-23 Việt Nam đang là một tập thể tốt cả trên sân lẫn khi sinh hoạt. Và chắc chắn cũng chẳng cầu thủ nào dám nghĩ đến chuyện cô lập ai đó bởi như thế là chống lại đội U-23, chống lại HLV Miura và sẽ bị loại ngay. Điều mà nếu có thì ông Miura không khó nhìn ra.

Hy vọng kiểu suy đoán hay "câu" như thế sẽ sớm bị tẩy chay". 

                                                      Duy Ân (Báo Pháp luật TP.HCM)

*Bệnh đố kỵ: Cẩn trọng vẫn hơn

"Chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật là có hay không có chuyện nhiều cầu thủ cảm thấy khó chịu với lứa cầu thủ trẻ của bầu Đức? Chí ít, đã từng có vài cầu thủ công khai chuyện này trên facebook của mình, thể hiện sự hý hửng khi các đàn em bị thua. Và cũng có không ít tuyển thủ quốc gia từng bày tỏ sự khó chịu ra mặt trước hiện tượng người hâm mộ đổ xô quan tâm đến U19 mà chẳng thèm ghé mắt đến các đội khác.

Từ ngàn đời nay, ông bà ta đã có câu "Trâu buộc thì ghét trâu ăn, quan võ thì ghét quan văn dài quần". Chuyện nảy sinh suy nghĩ "à, tụi mày được người hâm mộ tung hê hả, xem thử vào tuyển có đá đấm ra gì không" là điều khó tránh khỏi.

Và cũng đừng vội tin vào lời khẳng định "không có gì" của ông Miura và Quế Ngọc Hải. Như ngày xưa, ngay cả lứa "cầu thủ thế hệ vàng", những ai đeo bám đội tuyển thời ấy mà chẳng biết chuyện phe này đấu cánh nọ. Có một cầu thủ nhận chiếc máy nghe nhạc cho "Cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu" đã ném xuống đất khi quá nhiều người lời ra tiếng vào, ganh ghét.

Chúng tôi nói lại chuyện cũ chỉ nhằm nhắc nhở những người có trách nhiệm hãy cẩn thận, đừng xem nhẹ hai chữ "đố kỵ". Nếu điều đó không có thật thì quá tốt. Có vậy đội tuyển mới mạnh được, vì "đoàn kết là sức mạnh" mà".

                                    Nhất Huy (Báo Công an TP.HCM)

Phan Đăng

.
.
.